10/09/2012 08:22 am
Tại chức đang đi không đúng đường vì quan điểm chỉ coi tại chức là “nồi cơm” của các trường và kiểm soát không chặt. Xóa tại chức là không thể nhưng để tại chức tồn tại và được công nhận thì phải siết đầu ra. .Phóng viên: Hiện nay bằng tại chức bị tẩy chay ở một số nơi, so với phương Tây thì đây là hiện tượng bất thường. Bà nghĩ gì về hệ đào tạo tại chức hiện nay? + TS Vũ Thị Phương Anh (ảnh), nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM: Ở Mỹ không có cái gọi là bằng tại chức. Sinh viên (SV) được lựa chọn phương thức học tập, dù học toàn thời gian hay bán thời gian nhưng điểm chung vẫn là cùng một tiêu chuẩn học tập, giảng dạy và đánh giá. Do đó, cùng một nơi đào tạo, cùng một bằng cấp, SV tốt nghiệp không có sự khác nhau về chất lượng dù họ học theo phương thức nào. Ở Việt Nam, việc nhà tuyển dụng chê hệ tại chức là do chúng ta đẻ ra hệ này mà không dưỡng. Miệng thì nói hệ này tạo cơ hội cho mọi người học nhưng trong bụng thì không tin. Bỏ tên “tại chức, chính quy” trên bằng . Có phải do trường cố tình cắt giảm chương trình, không đáp ứng chuẩn đào tạo, giảng viên dễ dãi… nên hệ tại chức bị nhìn một cách méo mó? + Không nên phân biệt gọi hệ tại chức hay hệ chính quy và tiến tới không phân biệt bằng cấp, loại hình đào tạo. Chính hai tên gọi cho thấy tự mình đã phân biệt. Và rõ ràng trong tư duy của các trường cũng xếp đủ giờ chính quy, còn tại chức thì ai cũng nghĩ là làm thêm. Ban ngày đã dạy đủ giờ, buổi tối dạy thêm nữa thì phải cắt xén đi vì người dạy và học đều mệt mỏi. Chính nhà trường là nơi cung cấp sản phẩm cũng đã xem tại chức là hạng hai rồi. Thêm vào đó, không một cơ quan nào kiểm soát việc này nên cuối cùng sản phẩm ra chắc chắn kém. Và đương nhiên hệ quả là nhà tuyển dụng kỳ thị cũng là điều dễ hiểu. . Vậy làm sao để vực lại hệ tại chức, để xã hội tin tưởng? + Chúng ta có những cái làm hỏng quá rồi nên vực lại rất khó khăn. Giống như căn nhà đã dột nát, chống đỡ lại đôi khi nó cũng không đi tới đâu. Thực tế hiện nay cái tên tại chức nó đã xấu rồi. Trước đây có dạo không cho đào tạo tại chức. Lúc đó tên tại chức mất, ra đời hệ mở rộng. Khoảng thập niên 1990, hệ ĐH mở rộng áp dụng tín chỉ cho học ban ngày, ban đêm. SV được chọn lớp học theo nhu cầu bản thân. Khi đó, dù học theo hệ mở rộng hay hệ chính quy, SV đều được thi chuyển giai đoạn. Nếu đạt yêu cầu thì có quyền chuyển qua hệ chính quy. Đây là cái để xóa nhòa, để không phân biệt hai hệ đào tạo. Khi đã tuyển đúng đối tượng, nên bỏ cách ghi “hệ tại chức”, “hệ chính quy” trên bằng tốt nghiệp. Ở kỳ thi chung chuyển giai đoạn, nếu SV đạt thì bất kể nguồn gốc khi vào là mở rộng hay chính quy vẫn được cấp bằng như nhau. Vì vậy, không phân biệt hệ đào tạo ngay từ trong nhà trường, khi đó xã hội mới không phân biệt. Siết chặt đầu ra . Vậy có nên thay đổi cách thi để hệ tại chức được công nhận? Nếu có thì thay đổi như thế nào, thưa bà? + Cần tiến tới dùng một kỳ thi tốt nghiệp, tức không phân biệt kỳ thi chính quy, kỳ thi tại chức mà là tốt nghiệp của toàn khóa. Cùng một đề, nếu SV đạt thì được tốt nghiệp. Đây là cách kiểm soát chất lượng từ trong nhà trường. Kỳ thi tốt nghiệp chung này phải chấm rọc phách. SV nào kém phải lo học để có bằng. Học theo tín chỉ SV có quyền đăng ký học ban ngày hay ban đêm, miễn là tích lũy đủ tín chỉ thì ra trường. Do đó, có người học bốn năm nhưng có người học 10 năm mới có thể ra trường. Cùng học tín chỉ như nhau, cùng thi tốt nghiệp chung thì trên bằng không nên phân biệt tại chức hay chính quy. Chúng ta không bao giờ chịu giải quyết cái gốc mà toàn lo cái ngọn. Chính vì vậy mà cứ nới tay cho tại chức vì thấy tội nghiệp. Không tội gì cả, anh muốn có bằng mà không muốn bị phân biệt thì phải học cho bằng người ta. . Nhưng làm sao để tại chức có thể thi chung với chính quy trong khi đầu vào khác nhau? + Như tôi đã nói, đầu vào không nói lên được ý nghĩa gì, bởi mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Không thể truy ngược lại là tại sao lúc 18 tuổi không thi chính quy. Không cần truy, miễn là sau tuổi 25, có một con đường khác để người ta vào ĐH và cuối cùng vẫn hoàn thành số tín chỉ theo quy định. Cái này mới là nhân văn chứ! Do đó, nếu không trường nào nhận mình cắt xén chương trình, không ông thầy nào nói bỏ giờ bỏ giấc, vậy phải để SV được thi với chính quy. Tôi thấy không có lý do nào để phải từ chối cho thi chung cả. Bởi đã dạy chung một chuẩn thì phải thi chung được. Ở ta do có phân biệt, cứ nghĩ đầu vào cao thì đầu ra sẽ cao. Cùng học một chương trình như nhau thì phải cùng được thi như nhau. Công bằng nằm ở năng lực chứ. Theo tôi, phải tiến tới “mở đầu vào, siết đầu ra” và chỉ cấp bằng cho những người đạt trình độ. Bởi cấp bằng cho người không đủ trình độ chẳng những góp tay làm hư hại xã hội mà trước tiên làm hư hại chính người được cấp bằng. Tuy nhiên, trước hết Bộ GD&ĐT phải thay đổi. Bởi đầu vào nào thì Bộ sẽ cấp phôi bằng đó, nên trước hết Bộ phải không phân biệt, cùng học tín chỉ thì SV hệ chính quy và tại chức phải học chung. Nếu Bộ đồng ý, trường làm chất lượng thì tôi nghĩ sẽ thay đổi được hệ tại chức. . Xin cảm ơn bà.
Theo Quốc Dũng Theo thethaohangngay
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
|