“Em suy nghĩ khác”
Em T.Huyền (thí sinh trường THPT Trưng Vương, TPHCM), cho biết: “Em không rõ với barem chấm điểm, liệu em có mất điểm không vì cách suy nghĩ của em khác”.
Theo Huyền: “Mục đích của đề Văn là khuyên tuổi trẻ chúng em sống như Nam và hãy xem Nam như một gương để chúng em nhìn vào đó mà soi rọi mình. Thật sự chúng em rất khâm phục và cảm động trước tấm gương dũng cảm của Nam nhưng đừng bắt chúng em phải có những lời văn “sáo rỗng” như: Nếu em rơi vào hoàn cảnh tương tự, em sẽ noi gương Nam. Dù biết sẽ có nguy hiểm cho bản thân nhưng em sẽ cố gắng noi gương dũng cảm của Nam…”
Một học sinh khác cùng trường với T.Huyền bày tỏ: “Nếu em nói thật, chắc em không có điểm. Em không đồng tình với ý kiến của nhiều người cho rằng tuổi trẻ chúng em hiện nay sống ích kỷ vì bản thân mình, so đo thiệt hơn để rồi thấy khó mà từ nan hay thấy nguy mà không ra tay cứu giúp. Giả sử nếu bản thân em không biết bơi và biết chắc lao xuống là chết, liệu em có nên “dũng cảm” hành động như thế không? Và liệu nhiều bạn trẻ khác khi biết chắc được sẽ chết nếu có hành động dũng cảm tương tự như Nam thì ai thực sự dám? Em dám chắc rằng không có…”.
Từ góc nhìn giáo viên, ông Đỗ Tấn Ngọc, Phó Hiện trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) khẳng định, đề Văn này cũng gợi nhiều vấn đề về xã hội. “Tại sao không dạy các em vừa cứu được người, vừa đảm bảo an toàn cho mình, chứ không chỉ đứng trên bờ nhìn thấy người chết mà không cứu được. Đó sẽ là vấn đề mà xã hội phải giải quyết: như dạy bơi cho trẻ, hướng dẫn trẻ tránh xa các mối nguy đuối nước”- ông Ngọc nói.
Phụ huynh: “Tôi mà làm bài, chắc cũng không có điểm”
Dường như đó là “cảm xúc chung” của nhiều phụ huynh. Chị Phan Thùy Linh (Q.Gò Vấp, TPHCM) nói: “Tôi thấy đề Văn năm nay rất hay nhưng để áp dụng vào cuộc sống thi nói thật, tôi chẳng dám nghĩ đến. Đành rằng, làm cha mẹ khi nghe tin một đứa trẻ chết vì hành động dũng cảm như vậy cũng không khỏi cảm động, đau buồn và cũng từ đó nhắc nhở con em mình cẩn trọng hơn khi gặp các tình huống tương tự.
“Chẳng ai mà “dại dột” khuyên con nên sống có những hành động như thế khi biết mạng sống con mình có thể gặp cả. Tôi không biết đó có phải là “suy nghĩ lệch lạc” như hướng dẫn chấm văn của Bộ không”.
Một phụ huynh khác, chị Bùi Thị Kim (Nam Đàn, Nghệ An) nói: “Con tôi lớn lên bên sông Lam nhưng bơi không giỏi, cháu thích học để làm bác sĩ. Nó muốn trở thành bác sỹ giỏi, cứu tính mạng của hàng nghìn người. Trong trường hợp cứu người nguy cấp như em Nam, tôi rất khâm phục nhưng tôi không dám dạy con như thế. Cháu thì bảo, khi làm bài con cũng viết nếu bơi giỏi con mới cứu. Nhưng ngay cả như Nam bơi rất giỏi cứu người cũng chết. Vậy thì làm mẹ, tôi thà để con không có điểm…”
Anh Bùi Văn Nhân - một phụ huynh ở Đan Phượng (Hà Nội) thì cho rằng: “Tôi tán thành việc không chấm điểm em nào viết những bài viết nói em Nam dại dột. Nhưng tôi thực sự rất lúng túng khi dạy con mình: cứu người chết đuối rất khó, phải có sức khỏe, kỹ năng và cả may mắn. Nếu không thì khó sống được. Thực tế đã có nhiều em, vì lao xuống cứu bạn mà cùng nhau chết chìm”.
Vì thế, anh Nhân cho rằng: “Hành động của em vô cùng đáng khen ngợi. Cách chấm Văn đưa ra thoạt nghe hợp lý, nhưng tôi vẫn thấy nhiều chỗ gợn. Và chẳng có phụ huynh nào khuyến khích hành động như vậy. Đề Văn này hơi làm khó phụ huynh khi dạy con bởi theo cách dạy của phụ huynh, các con làm bài đều điểm 0 cả”
Nhiều phụ huynh khác cho rằng, trong giáo dục nhà trường không nên “lý tưởng hóa” các hành động, lẽ ra với những việc khó, quá sức mình, đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt thì không nên hướng các em nghĩ tới việc lao bừa vào không lượng sức mình. Nhà trường và xã hội cần định hướng việc dạy các em kỹ năng sống an toàn, kỹ năng cứu người khác an toàn, thay vì hô hào suông.
Theo DV