11/02/2015 15:11 pm
Đó là các ngành Quan hệ công chúng, Báo chí, Tâm lý học, Quốc tế học, Ngôn ngữ học…Và, đây cũng là những ngành học được đánh giá là “hot” (nóng) nhất về nhu cầu tuyển dụng hiện nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Những ngành học này cũng được một số trường đại học Việt Nam đào tạo như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH QG TP.HCM, trường ĐH Sư phạm, Học viện Báo chí…. Vậy, những ngành học này học như thế nào? Ra trường làm việc ở đâu?... Thí sinh chọn ngành học đúng với năng lực, sở thích là một trong những điểm thành công ban đầu Ngành Báo chí: Về nghề báo, nhiều người cho rằng nó xuất phát trước tiên từ một nhu cầu chung của nhân loại. Đó là nhu cầu thông tin. Hãy tưởng tượng, mỗi ngày, khi thức giấc đón chào ngày mới, hầu như ai cũng có chung một câu hỏi: “Hôm nay có gì mới?”. Mọi người đều muốn được trả lời nhanh nhất. Chính nhà báo sẽ là người làm thỏa mãn nhu cầu ấy. Tốt nghiệp ngành Báo chí, bạn còn có thể làm nhiều nghề khác. Chẳng hạn, bạn có thể làm biên tập viên tại các nhà xuất bản, nhân viên quảng cáo, nhân viên marketing, nhân viên phát hành… Nếu muốn trau dồi thêm kiến thức, bạn có thể tiếp tục học cao hơn với bậc thạc sĩ, tiến sĩ ở trong hoặc ngoài nước. Bạn cũng có thể trở thành nhà nghiên cứu báo chí – truyền thông tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, hoặc làm việc cho các cơ quan quản lý báo chí từ trung ương tới địa phương. Dù bạn muốn thử sức ở lĩnh vực nào thì việc quyết định bước chân vào ngành Báo chí cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn cho mình một nghề nghiệp thú vị, năng động và nhiều thử thách. Chương trình giáo dục đại học ngành báo chí là đào tạo những cử nhân với kiến thức, kĩ năng, thái độ cần thiết để tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí – truyền thông; có khả năng thực hiện các yêu cầu tác nghiệp trên các loại hình báo chí truyền thông trong thời đại kĩ thuật số, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hoá; có khả năng nghiên cứu, giảng dạy về các vấn đề của báo chí truyền thông tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở nghiên cứu… Sau khoá học, sinh viên có đủ năng lực làm việc tại các cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông, các tổ chức chính trị, xã hội,… có khả năng tiếp tục học tập, tham gia học tập ở bậc học cao hơn, tích lũy kinh nghiệm để trở thành nhà lãnh đạo, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí truyền thông. Ngành Quan hệ công chúng Nghề Quan hệ công chúng là một trong những nghề được đánh giá là “hot” (nóng) nhất về nhu cầu tuyển dụng trong những năm gần đây trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Ví dụ: Khoa Báo chí và Truyền thông – ĐH KH XH & NV – ĐH QGHN là một trong những nơi đầu tiên nghiên cứu, giảng dạy về PR ở Việt Nam (từ 2001). Hàng trăm cựu sinh viên của Khoa hiện đang đảm nhiệm những vị trí cao trong lĩnh vực PR. Ngành ngôn ngữ học: Ngôn ngữ học không đơn giản chỉ là học ngôn ngữ. Ngôn ngữ học mang tới cho bạn kiến thức lí thuyết, kĩ năng phân tích, khả năng ứng dụng liên quan đến ngôn ngữ loài người nói chung và Tiếng Việt yêu quý của chúng ta nói riêng. Giá trị đó khiến ngành ngôn ngữ học trở nên gần gũi và hữu dụng với thực tiễn nhưng cũng rất thú vị và mới mẻ khi khám phá. Chương trình đào tạo đại học ngành Ngôn ngữ học đạt trình độ quốc tế cung cấp cho sinh viên các kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn; các kiến thức cơ bản về ngôn ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá; các kiến thức bước đầu theo hướng chuyên ngành (lí luận ngôn ngữ, ngôn ngữ học ứng dụng, Việt ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá các dân tộc thiểu số, v.v), phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy và quản lí về ngôn ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá. Đào tạo cho sinh viên các kĩ năng nghề nghiệp cơ bản (kĩ năng quan sát, kĩ năng phân tích và tổng hợp, kĩ năng trình bày và soạn thảo văn bản, v.v) và các kĩ năng mềm (kĩ năng giao tiếp, kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng sử dụng ngoại ngữ, công nghệ thông tin) cần thiết cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Rèn luyện cho sinh viên bước đầu có khả năng nghiên cứu, giảng dạy, quản lí, tư vấn về ngôn ngữ học, ngôn ngữ và văn hoá; giúp người học có thể tiếp tục học ở bậc thạc sĩ của ngành/chuyên ngành Ngôn ngữ học hoặc các ngành/chuyên ngành liên quan khác. Ngành Quốc tế họcHọc ngành Quốc tế học để làm gì? Để tìm hiểu và khám phá những điều mới lạ về các quốc gia và dân tộc trên thế giới. Để biết được thế giới quanh bạn đang vận động như thế nào và có cách thức ứng xử phù hợp, hiệu quả. Chương trình đào tạo bậc đại học ngành Quốc tế học có mục tiêu chung là đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kĩ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quốc tế/ quan hệ quốc tế. Mục tiêu đào tạo cụ thể là trang bị cho sinh viên vừa có kiến thức đại cương về các ngành khoa học Xã hội và Nhân văn, vừa có kiến thức chuyên sâu về ngành Quốc tế học. Với 3 chuyên ngành chính là Quan hệ quốc tế, Châu Âu học và Châu Mĩ học, sinh viên sẽ được cung cấp các kiến thức cơ bản về Quốc tế học như: Lí luận và Lịch sử Quan hệ quốc tế, Khu vực học, Kinh tế quốc tế, Luật pháp quốc tế, Lịch sử và văn hoá các quốc gia hàng đầu thế giới như Mĩ, Liên minh châu Âu – EU, và nhiều kĩ năng như Nghiệp vụ văn phòng đối ngoại, Báo chí truyền thông, Quản trị kinh doanh… Với kiến thức đa ngành và liên ngành, khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp cận với những cơ hội việc làm rất đa dạng hoặc tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ Quan hệ quốc tế, thạc sĩ châu Mĩ học do Khoa tổ chức hoặc các cơ sở đào tạo khác trong nước hoặc ngoài nước. Tâm lý học Trong xã hội công nghiệp, con người trở nên bận rộn hơn, năng động hơn, cuộc sống vật chất đầy đủ hơn nhưng con người lại phải đối mặt với những hiện tượng tâm lí – xã hội như li hôn, tự sát, xung đột gia đình, những chứng bệnh của thời đại như trầm cảm, stress, rối loạn cảm xúc, hành vi… Hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải hiểu rõ hơn đời sống tinh thần vô cùng phức tạp và phong phú của mình. Như Danien Gotman đã nói: “Thành công là một quá trình tự mình thực hiện, nếu bạn khống chế được cảm xúc của mình thì sẽ khống chế được cuộc đời; nhận thức rõ mình là đã thành công một nửa”. Vậy làm thế nào để có thể nhận thức rõ mình? Làm thế nào để có thể chế ngự được những căng thẳng của cuộc sống, giải toả được những ẩn ức trong lòng? Làm thế nào để mình thành đạt trong công việc… Tâm lí học chính là ngành khoa học sẽ giúp bạn từng bước khám phá và thực hiện điều đó! Tham gia vào ngành học này, các bạn được đào tạo không chỉ kiến thức mà cả kĩ năng thực hành tâm lí học như chẩn đoán, trị liệu, tham vấn tâm lí… để trở thành một nhà nghiên cứu hoặc chuyên gia thực hành tâm lí chuyên nghiệp. Khi tốt nghiệp bạn có nhiều cơ hội việc làm tại các Bệnh viện, trường học, trung tâm nghiên cứu hoặc các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội. Ngoài ra bạn có nhiều cơ hội để nhận các học bổng đào tạo ở bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ở trong và ngoài nước. Chương trình đào tạo đại học ngành Tâm lí học có mục tiêu chung là trang bị kiến thức căn bản về khoa học xã hội và nhân văn nói chung và ngành tâm lí học nói riêng, đặc biệt là kiến thức về các lĩnh vực Tâm lí học xã hội, Tâm lí học quản lí – kinh doanh, Tâm lí học lâm sàng và Tâm lí học tham vấn. Về kĩ năng, sinh viên được đào tạo về các kĩ năng mềm và các kĩ năng nghề nghiệp như kĩ năng thiết kế và triển khai nghiên cứu; kĩ năng nghề nghiệp trong từng lĩnh vực chuyên sâu của ngành Tâm lí học như Tâm lí học xã hội, Tâm lí học quản lí – kinh doanh, Tâm lí học lâm sàng và Tâm lí học tham vấn. Về phẩm chất đạo đức, sinh viên được trang bị các phẩm chất đạo đức cá nhân như tôn trọng và yêu thương con người, tinh thần tự học, làm chủ bản thân và các phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, xã hội như có tinh thần vì cộng đồng, thân thiện với môi trường; tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề tâm lí. Theo Thethaohangngay |