Nỗi lo trước đề xuất tăng học phí trong năm học mới của TPHCM

Tại kỳ họp thứ 10 khóa VIII vừa qua, HĐND TP HCM đã thông qua tờ trình về việc tăng học phí từ năm học 2013-2014 của UBND thành phố. Theo đó, mức học phí mới sẽ tăng từ 3 - 5 lần so với các năm học trước.

Noi lo truoc de xuat tang hoc phi trong nam hoc moi cua TPHCM

Học sinh ngoài chuyện vác nặng, còn phải… vác thêm chuyện tăng học phí. Ảnh: Tuấn Vương.

Căn cứ vào đâu?

Tờ trình tăng học phí của UBND TPHCM tại kỳ họp HĐND TPHCM vừa qua dựa trên tinh thần của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, việc điều chỉnh học phí được áp dụng với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học trực thuộc UBND TPHCM từ năm học 2013-2014 đến 2014-2015 trên địa bàn thành phố.

Cụ thể, mức học phí ở bậc nhà trẻ tăng cao nhất, với 90.000 đồng/tháng ở ngoại thành và 150.000 đồng/tháng ở khu vực nội thành; bậc mẫu giáo từ 60.000-120.000 đồng/tháng. Đối với bậc phổ thông, mức thu cao nhất là 90.000 đồng/tháng và thấp nhất là 60.000 đồng/tháng; hệ bổ túc trung học (THCS, THPT) là 90.000-135.000 đồng/tháng. Theo Sở GD&ĐT TPHCM, mức học phí hiện hành được áp dụng từ năm 1998 là quá thấp so với mặt bằng thu nhập của xã hội. Vì thế, các trường không thể phát huy cơ chế tự chủ tài chính, đầu tư phát triển, đổi mới hoạt động giáo dục theo yêu cầu đặt ra.

Thực tế cũng cho thấy, do mức thu học phí thấp, cộng thêm ngân sách của quận, huyện và thành phố cấp không đủ nên nhiều trường phải “linh động” vận dụng chủ trương xã hội hóa để tìm thêm nguồn thu khác bổ sung. Tuy nhiên, nếu các khoản thu thêm ở các trường thiếu minh bạch, sử dụng không hiệu quả, hợp lý sẽ dẫn đến việc lạm thu, gây bức xúc trong dư luận và phụ huynh.

Việc áp dụng mức học phí mới sẽ giúp các trường có thêm nguồn thu để phát triển hài hòa các hoạt động giáo dục, tạo môi trường dạy và học tốt hơn. Vậy nguồn thu học phí mới có được sử dụng để tăng thu nhập cho giáo viên? Trả lời vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM khẳng định, chỉ chi cho hoạt động giáo dục để trường học phát triển tốt hơn; còn chi tiền lương, thu nhập của giáo viên áp dụng theo quy định hiện hành.

Tuy giải tỏa một phần nỗi lo tài chính, nhưng lãnh đạo một số trường cũng có không ít băn khoăn vì mức tăng học phí lần này tập trung cho hoạt động chuyên môn là chính, còn đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị thì chưa đủ. Mặc dù ngân sách của thành phố đã ưu tiên dành 26% chi thường xuyên cho giáo dục, nhưng nhiều trường vẫn phải mòn mỏi chờ rót kinh phí để thực hiện dự án cải tạo, đầu tư mới cơ sở vật chất… Như thế, muốn có cơ ngơi trường ra trường, lớp ra lớp thì các trường học không thể không trông chờ khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh như đã từng làm trước đây.
 
Phụ huynh lo lắng

Theo ông Lê Hồng Sơn Cơ - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, chế độ học phí mới áp dụng chung cho tất cả các trường học ở TPHCM nhằm tăng thêm nguồn thu, hỗ trợ hoạt động giáo dục để nhà trường phát triển tốt hơn. Vì thế, để học phí mới phát huy hiệu quả, Sở GD&ĐT kiến nghị thành phố và các quận, huyện không được cắt giảm ngân sách của các trường bán công đã chuyển qua công lập, thực hiện tự chủ tài chính. Để việc sử dụng nguồn thu học phí mới đạt hiệu quả, thúc đẩy hoạt động giáo dục tại trường học tốt hơn, các trường đang chờ hướng dẫn cụ thể của thành phố.


Về mức tăng học phí mới, một số phụ huynh ở khu vực ngoại thành cho rằng, họ sẽ chịu áp lực nặng hơn, nhất là những gia đình có 2 con nhỏ cùng học bậc mẫu giáo, nhà trẻ hoặc đang học THCS, THPT. Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn cho biết, mức tăng học phí mới tuy cao hơn 3 - 5 lần so với hiện hành nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân. Do mức thu học phí trước đây quá thấp nên phải kéo lên cho bằng với mặt bằng thu nhập chung của xã hội. Hiện tại, mức lương cơ bản ở khu vực nhà nước đã tăng từ 290.000 đồng/tháng lên trên 1 triệu đồng/tháng và thu nhập ở các khu vực kinh tế khác cũng tăng gấp nhiều lần so với năm 1998. Ông Sơn cho biết thêm, để giảm bớt chi phí học hành cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thành phố và các quận, huyện đều có chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học sinh nghèo đến trường.

Tuy nhiên, thông tin tăng học phí trước thềm năm học mới khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Họ lo lắng vì chủ trương này, trên tinh thần là giảm tải các khoản thu của nhà trường nhưng sẽ áp dụng ra sao? Liệu có thật sự giảm được rất nhiều các khoản thu không tên như trước đây hay không? Chị Hoàng Thị Mỹ, tiểu thương chợ Gò Vấp cho biết: “Cứ đầu năm học là tôi lại bạc cả đầu lo các khoản thu của nhà trường cho 2 đứa nhỏ. Đứa nào cũng tiền triệu chứ đâu có ít. Nay nghe nói học phí sẽ tăng 3-4 lần như vậy thì chắc là tôi phải vay mượn thêm để đóng cho mấy đứa nhỏ. Học phí tăng nhưng các khoản thu “linh tinh” của nhà trường có bớt đi không? Cái đó tui mới sợ”.

Anh Trần Anh Tuấn, công nhân công ty giày da tại khu chế xuất Linh Trung thì lo lắng ra mặt: “Thời buổi cái gì cũng tăng giá, nội lo chuyện cơm ngày 2 bữa, chuyện học của 2 đứa nhỏ là vợ chồng tôi… đuối rồi. Trong nhà cái gì cũng thiếu trước hụt sau. Nay học phí tăng nữa thì chỉ có nước bớt đi một món ăn để lo tiền học cho sắp nhỏ thôi”.

Theo GĐ

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



Từ khóa: hoc phi, tp ho chi minh

Viết bình luận: Nỗi lo trước đề xuất tăng học phí trong năm học mới của TPHCM

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247