19/09/2012 14:51 pm
Đỏng đảnh như học viên học nghề giúp việc Năm 2008, Công ty Cổ phần dịch vụ giúp việc An Tâm (Hà Nội) từng được coi là “cái phao bấu víu” của nhiều gia đình neo người, được biết đến là một địa chỉ dạy nghề giúp việc chuyên nghiệp đáng tin cậy. Học viên của trung tâm có những người sau khi được đào tạo, làm việc tại các gia đình người nước ngoài ở Việt Nam, có thu nhập lên tới cả chục triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ngay từ thời “hoàng kim” đó, ông Bùi Thế Dũng, Giám đốc công ty cho biết việc tuyển học viên đã rất khó khăn, có khi mỏi mồm quảng cáo mà sau hơn một tháng vẫn chưa đủ 20 học viên cho một lớp, chưa kể sau đó chỉ một nửa học viên đủ kiên trì học đến khi tốt nghiệp. Chưa đầy một năm sau, công ty phải đóng cửa. Chị Nguyễn Thị Hồng, trưởng phòng đào tạo công ty cho biết: “Học phí của các lớp đều rất rẻ. Vấn đề là khó tìm người phù hợp. Người trẻ thì coi thường công việc giúp việc gia đình, người lớn tuổi thì chậm chạp, khó thích nghi với các đồ gia dụng hiện đại”. Theo chị Hồng, một vấn đề nữa là những người thích hợp với công việc này giờ đây lại quá “đỏng đảnh”: “Họ muốn học thời gian ngắn thôi, được giới thiệu việc làm ngay lập tức với mức lương lý tưởng chứ không muốn mất công học nhiều”. Nhiều người lao động cho rằng trông trẻ, nấu ăn, giặt giũ… là những việc “nhỏ như con thỏ”, ai cũng làm được. Trong khi đó thực tế muốn làm mộtngười giúp việc tốt, phải đáp ứng nhiều điều kiện khó khăn: Làm cách nào để thích nghi với các thói quen của gia chủ, đáp ứng được tâm lý, sở thích của người già, người bệnh hay con trẻ… Chính vì nhận thấy sự không gặp nhau giữa người lao động và người thuê nên Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội (thuộc Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội) đã thành lập các khóa đào tạo người giúp việc từ những năm 1999, cách đây đến 13 năm. Cách làm của Trung tâm này khá bài bản: Liên lạc với một số địa phương lân cận như Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hòa Bình, Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Thọ để tìm kiếm các lao động nữ có nhu cầu làm việc tại thành phố, sau đó đào tạo các chị em trong vòng một tuần và giới thiệu việc làm. Thời gian đó, hầu hết các khóa đào tạo vừa diễn ra 2 – 3 ngày thì các gia đình có nhu cầu đã đến đăng ký tuyển hết học viên. Ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm nhớ lại: “Các chị em được hướng dẫn sử dụng các loại máy gia dụng, nguyên tắc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các nguyên tắc ứng xử với gia chủ trong vòng một tuần. Sau đó chúng tôi giới thiệu việc làm cho họ. Nhiều người được nhận mức lương rất cao, 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, khoản tiền khá lớn ở thời điểm cách đây 10 năm”. Thế nhưng mô hình này rồi cũng “chết yểu” do sau đó cả chủ nhà lẫn người giúp việc cứ có khúc mắc gì là lại ùn ùn kéo đến trung tâm kiện cáo quá nhiều. Nhiều khiếu nại dạng “dở khóc dở mếu” được đem đến Trung tâm như nhiều người lao động mới đi làm đã xin gia chủ tạm ứng tiền lương để gửi về quê, có người lên làm một tháng mà xin về quê tới 3 – 4 lần; có bà chủ tá hỏa khi thấy cô giúp việc trẻ tuổi “lỡ lời” khen ông chủ vạm vỡ, đẹp trai; có cô giúp việc thì xách túi xách khăn lên Trung tâm xin tiền về quê vì… nhớ nhà không thể nào làm việc được… Ông Chính cho biết Trung tâm đã ngừng đào tạo người giúp việc sau 3 khóa dạy. “Vẫn biết đào tạo để có những người giúp việc chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội là cần thiết. Nhưng mối quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc có thể nảy sinh vô vàn tình huống, không thể biết trước mà dạy được. Nếu Sở có giao cho chúng tôi làm tiếp thì tôi cũng xin… khất!”, ông nói.
Đại gia người Việt "vung tiền" thuê “ô sin” ngoại Một thực tế ít người biết là ở Việt Nam, một số gia đình “đại gia”, hoặc có điều kiện kinh tế khá giả đã có xu hướng mới: Thuê lao động giúp việc từ các nước Đông Nam Á khác, chủ yếu là Philippine. “Tôi biết có một số gia đình đã sẵn sàng bỏ ra vài trăm USD mỗi tháng để thuê người giúp việc là người Philippine. Ban đầu nghĩ là đắt, nhưng thực ra lại là rẻ vì người giúp việc “cao cấp” đó có thể dạy tiếng Anh cho trẻ, lái xe đưa bọn trẻ đi học, nấu nướng và làm việc nội trợ rất chuyên nghiệp, chăm chỉ”, một cán bộ Sở Lao động, Thương binh & Xã hội Hà Nội cho biết. Không đủ tiền thuê “ô sin” ngoại, chị Trịnh Thị Mai (Mỹ Đình, Hà Nội) đã bỏ tiền cho người giúp việc đi… học. Quan niệm người giúp việc không chỉ là người giúp việc đơn giản mà còn là một thành phần không thể thiếu trong gia đình, chị Mai đã sẵn sàng bỏ tiền cho cô giúp việc vừa mới tốt nghiệp cấp 3 đi học thêm khóa Trung cấp nấu ăn. “Trước mắt các buổi học của cô bé đều vào buổi tối nên không ảnh hưởng nhiều đến việc nhà. Còn về lâu dài, nếu khi không làm cho nhà mình nữa thì cô ấy cũng có nghề trong tay, tương lai được bảo đảm. Có thể vì thấy mình đối xử tử tế nên cô bé đó cũng rất biết điều, không đòi tăng lương hay dọa nghỉ việc như các cô giúp việc mà tôi từng biết”, chị Mai chia sẻ. Sự thay đổi cách nhìn về nghề giúp việc đã diễn ra ở giới chủ khi “chịu chi” thuê người giúp việc cao cấp, tìm đủ mọi “chiêu” để giữ chân người làm. Tuy nhiên trái khoáy là có nhiều người lao động Việt Nam sẵn sàng bỏ ra cả trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm “ô-sin”, trong khi đó, cùng cơ hội việc làm ngay tại trong nước, mức lương không kém cạnh thì… không ai quan tâm. Giám đốc một trung tâm đào tạo nghề giúp việc tại Hà Nội cho rằng vấn đề quan trọng nhất là thay đổi cách nhìn của cả người lao động và chủ sử dụng về nghề này. “Người lao động vẫn coi giúp việc gia đình không phải là một nghề, mà chỉ là một việc làm tạm bợ cho có thu nhập. Trong khi đó chủ sử dụng nhiều người cũng không coi trọng đúng mức người giúp việc. Vì thiếu sự coi trọng công việc này nên người lao động và chủ sử dụng không chi trả cho việc đào tạo bài bản”, vị giám đốc nhận xét.
Nguyễn Phượng (PL)
Cùng like Bí mật 12 cung hoàng đạo trên Facebook
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
|||||