SEA Games 27: Thiếu môn thế mạnh, cơ hội nào cho thể thao Việt Nam?

Phiên họp của Liên đoàn thể thao Đông Nam Á đang diễn ra tại Nay Pyi Taw (Myanmar) sẽ đưa ra những quyết định quan trọng về kế hoạch tổ chức SEA Games 27. Trong đó, môn Thể dục dụng cụ có thể sẽ bị loại bỏ ở giải năm nay.

Trong ngày hôm qua, phiên họp bàn giữa các thành viên ủy ban thể thao và luật đã diễn ra. Sau đó vào ngày hôm nay sẽ là ngày ban chấp hành Liên đoàn thể thao Đông Nam Á thông qua và chính thức tuyên bố số bộ huy chương của SEA Games 27.

Trước đó, trên nhiều tờ báo lớn của Myanmar đã tiết lộ thông tin gây “sốc”, khi nước này lên phương án loại bỏ 5 môn thể thao nằm trong danh sách thi đấu Olympic, gồm bóng bàn, cầu lông, thể dục dụng cụ (TDDC), hockey trên cỏ, quần vợt ra khỏi chương trình thi đấu tại SEA Games 27. Đây đều là những môn Myanmar không có hoặc không phải thể mạnh. Tuy nhiên, việc nước này loại bỏ hàng loạt những môn nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, khiến các quốc gia trong khu vực không khỏi thất vọng.
 
SEA Games 27: Thieu mon the manh, co hoi nao cho the thao Viet Nam?
Hà Thanh đứng trước nguy cơ không được tham dự SEA Games 27

Đây không phải lần đầu tiên một nước chủ nhà gây ra tranh cãi khi dự định không tổ chức nhiều môn. Năm 2011, ở SEA Games 26, Indonesia không tổ chức bóng đá nữ nhưng tất cả vẫn phải chấp nhận. Trước đó, các quốc gia khác trong khu vực cũng không tổ chức những môn không phải thế mạnh của mình, khiến các quốc gia còn lại ngao ngán.

Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang từ Myanmar cho biết, điều lệ của Hội đồng Thể thao Đông Nam Á cho phép nước chủ nhà được tự chọn số môn và số nội dung đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games, nhưng các đoàn cũng có thể đấu tranh để đạt sự thống nhất cao.

Theo tính toán, nếu như Myanmar loại bỏ các môn trên và cắt giảm hàng loạt các nội dung thi đấu thế mạnh của Việt Nam, chúng ta sẽ mất khoảng dưới 30 HCV. Cụ thể, Myanmar dự định loại môn TDDC từng đem về 11 HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 2011, 2 nội dung bơi thế mạnh của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên và 5 nội dung có thể giúp điền kinh Việt Nam giành HCV.

Loại nhiều nội dung thế mạnh của các đối thủ, đồng nghĩa với việc Myanmar sẽ bổ sung nhiều môn thế mạnh của mình. Myanmar đòi đưa đến 14 môn truyền thống, với 9 là các môn võ dân tộc, dù quy định của SEA Games chỉ cho nước chủ nhà được đưa 8 môn.

“Trong ngày hôm qua, do các nước đấu tranh quyết liệt nên nhiều nội dung quan trọng của bơi lội, bắn súng vẫn được tổ chức. Đối với môn thể dục dụng cụ (TDDC), nước chủ nhà hứa sẽ xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định”, ông Giang cho biết.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Thái Lan, ông Gen Yuthasak Sasiprapa phát biểu: “Chúng tôi sẽ bày tỏ sự không đồng ý với quyết định trên, có quá nhiều môn Olympic bị cắt bỏ. Phía Indonesia hay Singapore cũng phản đối dữ dội khi 2 môn thế mạnh là cầu lông và bóng bàn dự kiến không được đưa vào chương trình thi đấu.

Phải đến ngày hôm nay, số lượng các nội dung thi đấu và số bộ huy chương, sẽ được các bên chốt lại. Dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các đoàn, nhưng với tham vọng lọt vào tốp 2 đội mạnh nhất, Myanmar sẽ làm mọi cách để đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn thế mạnh của mình. Theo dự định ban đầu, SEA Games 27 sẽ có 31 môn với gần 450 nội dung thi đấu.

Một lần nữa, sự kiện thể thao ở sân chơi “ao làng” sẽ lại trở thành một cuộc mặc cả giữa các đoàn với chủ nhà. Cứ nước nào tổ chức SEA Games là y như rằng có chuyện muốn vơ vét huy chương.

Với thể thao Việt Nam, đã đến lúc chúng ta không cần quan tâm tới sân chơi SEA Games nữa bởi 6 năm nữa thôi, Việt Nam sẽ là chủ nhà của Asiad 18. Đã đến lúc chúng ta cần phải tập trung lực lượng để tham dự những sân chơi tầm cỡ như Á vận hội hay Olympic.

An An (DT)

 

Viết bình luận: SEA Games 27: Thiếu môn thế mạnh, cơ hội nào cho thể thao Việt Nam?

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247