Siết chặt đào tạo liên thông: Muốn vào đại học, không thể "đi vòng"

Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết: Người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề chưa đủ 36 tháng nếu muốn học liên thông lên CĐ, ĐH sẽ phải dự thi tuyển các môn văn hóa, năng khiếu trong kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD-ĐT tổ chức hằng năm. Quy định này được cho là rào cản với những người muốn học cao hơn.

 

Muốn vào đại học, không còn đường vòng Ảnh: Hồng Vĩnh
Muốn vào đại học, không còn đường vòng Ảnh: Hồng Vĩnh.

Đâu là lý do để siết chặt hệ đào tạo liên thông, thưa ông?

Luật Giáo dục Đại học (GD ĐH) có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, Bộ GD&ĐT đã và đang điều chỉnh lại toàn bộ những văn bản đã ban hành trước đây cho phù hợp với Luật mới.

Đào tạo liên thông trong thời gian qua là thí điểm một cách thức tổ chức đào tạo, chưa được qui định trong Luật Giáo dục 2005 và Luật Giáo dục sửa đổi 2009.

Luật này qui định người học được công nhận những kết quả học tập trước để rút nhắn thời gian học tập ở bậc cao hơn hay chuyển sang học ngành khác.

Trong Luật không có từ “liên thông” lại càng không có “hệ đào tạo liên thông”. Trong thời gian thí điểm vừa qua do qui chế chưa cụ thể khiến xã hội hiểu nhầm đó là một hệ đào tạo mới. Luật GD ĐH mới đây khẳng định GD ĐH chỉ có hai hệ là giáo dục chính qui và giáo dục thường xuyên.

Giáo dục thường xuyên có thể được tổ chức theo phương thức vừa làm vừa học hay từ xa. Đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo trong đó thừa nhận kết quả học tập đã có của người học ở bậc đào tạo trước đó khi tham gia học tập ở bậc cao hơn nhằm giảm thời gian học tập, chứ không phải là hệ đào tạo mới.

Do đó không thể xây dựng chương trình riêng, cách tuyển sinh riêng cho đào tạo liên thông như một số cơ sở GD ĐH đã làm trong thời gian qua. Việc điều chỉnh lại qui chế đào tạo liên thông là cần thiết để thực hiện Luật GD ĐH.

Quy định mới được cho là rào cản với con đường học lên bậc cao hơn, vì sau 3 năm, sinh viên đã quên kiến thức phổ thông, họ khó mà thi tiếp một kỳ thi nữa. Ý kiến của ông về vấn đề này?

GD ĐH chỉ có 2 hệ đó là hệ chính qui và hệ thường xuyên, mỗi một hệ có qui định riêng và đã thực hiện ổn định. Người học lựa chọn một trong hai hệ đào tạo này và để được tham gia học tập, người học phải thỏa mãn các điều kiện đầu vào. Theo qui định hiện nay, người học phải tham gia kỳ thi tuyển sinh.

Thông tư mới qui định 2 hình thức thi tuyển để người học lựa chọn thể hiện năng lực của mình. Nếu muốn thể hiện năng lực kiến thức cơ bản thì dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH hằng năm do Bộ tổ chức. Nếu muốn thể hiện năng lực chuyên môn thì thí sinh phải có thời gian hoạt động nghề nghiệp đủ lớn để tích lũy kinh nghiệm.

Qui định mới không hề ngăn cản nguyện vọng học tập của sinh viên mà ngược lại tạo nhiều phương thức mềm dẻo hơn để người học lựa chọn thể hiện năng lực của mình.

Còn nếu đủ 36 tháng như quy định mới cho đi học theo hình thức trường tổ chức thì lúc đó học sinh sẽ phải nghỉ việc để đi học, như vậy sẽ mất việc làm? Sinh viên lo lắng rằng việc học lên đại học sẽ khó khăn hơn và họ sẽ thất nghiệp vì các cơ quan chỉ lấy người có bằng đại học?

Theo qui định của Luật GD ĐH, hệ chính qui phải được đào tạo tập trung toàn thời gian tại cơ sở đào tạo, vì vậy người học không thể vừa đi làm, vừa đi học được. Đối với những người đã đi làm thì phải theo học hệ giáo dục thường xuyên.

Khi tham gia hệ đào tạo này, người đã có bằng tốt nghiệp cấp dưới sẽ được công nhận kết quả học tập đã có để rút ngắn thời gian đào tạo. Đào tạo liên thông vừa qua đã bị hiểu sai đến mức cấp bằng chính qui cho đối tượng sinh viên vừa làm vừa học.

Theo qui định của pháp luật hiện hành, không có hệ đào tạo nào như vậy. Nhà nước tạo cơ hội cho mọi người dân có thể học tập suốt đời. Tùy theo hoàn cảnh của mình mà chọn hình thức học tập phù hợp, hoặc là chính qui, hoặc là thường xuyên.

Về phía các nhà trường, có ý kiến cho rằng: Nếu tổ chức thi liên thông theo hình thức quốc gia như vậy rất phức tạp vì sẽ phải tổ chức nhiều hội đồng thi vào nhiều chuyên ngành khác nhau ở các trường, e rằng nhiều trường khó làm được và hiệu quả không cao. Ông phản biện ý kiến này thế nào?

Thông tư qui định rõ đối với thí sinh có bằng chưa đủ 36 tháng, muốn thi liên thông thì đăng ký thi chung với thí sinh tham dự kỳ thi ĐH, CĐ hằng năm do Bộ tổ chức, theo khối thi tương ứng ngành mình định học liên thông.

Các trường căn cứ kết quả thi của thí sinh để tuyển chứ không tổ chức thi riêng. Đối với những thí sinh đã có bằng sau thời gian trên thì tham gia kỳ thi tuyển sinh liên thông do trường tổ chức.

Trong hoàn cảnh quy định siết chặt liên thông như hiện nay, ông có phương án và những lời khuyên nào dành cho người muốn học liên thông?

Thông tư tổ chức đào tạo liên thông mới khuyến khích các bạn trẻ sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng hay các hệ nghề, tìm việc làm phù hợp.

Khi có công việc ổn định, các bạn có thể thi vào học hệ đào tạo thường xuyên liên thông, một mặt nâng cao kiến thức và mặt khác duy trì được công việc đang làm.

Nếu không chọn con đường liên thông vừa học vừa làm thì sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm, các bạn có thể thi liên thông chính qui với kiến thức chuyên môn mình đã có. Trong trường hợp này, các bạn phải rời bỏ công việc mình đang làm vì học chính qui thì phải tập trung toàn bộ thời gian.

Tuy nhiên thông tư cũng tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các bạn trẻ có kiến thức cơ bản vững vàng, quyết tâm học xong đại học rồi mới tìm việc làm. Trong trường hợp này các bạn có thể tham gia dự thi liên thông ngay năm vừa tốt nghiệp hay những năm sau đó.

Cám ơn ông.

Theo thethaohangngay

23 bình luận: Siết chặt đào tạo liên thông: Muốn vào đại học, không thể "đi vòng"

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247