12/10/2016 14:41 pm
Để khi ra trường không còn bỡ ngỡ trước thực tế và chuẩn bị ứng tuyển vào vị trí công việc mong muốn, các bạn sinh viên năm cuối nên có những trang bị cho mình trước khi chính thức nhận tấm bằng tốt nghiệp. Năm cuối đại học cũng như chặng cuối cho cuộc thi marathon vậy. Vậy, để năm cuối trên giảng đường đại học đạt hiệu quả và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình xin việc, các bạn sinh viên cần làm những gì? 1. Ôn tập và củng cố lại kiến thức chuyên môn Thời gian học đại học khá dài, thường kéo dài từ ba đến năm năm, tùy từng ngành học, thậm chí là bảy năm với ngành y đa khoa. Lượng kiến thức lớn sau một thời gian dài cũng sẽ ít nhiều bị mai một, vì vậy, trước khi ra trường, các bạn nên hệ thống và ôn tập lại những kiến thức mình đã được học. Bạn đã học và nghiên cứu những kiến thức đó nên chỉ cần ôn tập lại, thì bạn sẽ nắm bắt được hết những kiến thức đã được học. Việc ôn tập và hệ thống lại kiến thức không chỉ giúp bạn nắm vững hơn những gì đã được học mà còn giúp bạn chuẩn bị cho việc thi tuyển vào những vị trí công việc mà bạn mong muốn và là nền tảng cho công việc sau này nữa đấy. 2. Học và thi lấy một chứng chỉ ngoại ngữ Lợi ích của việc học ngoại ngữ thì hẳn không còn xa lạ gì nữa, nhưng với những người sắp ra trường và muốn xin việc thì ngoại ngữ lại trở thành một yếu tố vô cùng quan trọng. Có những công việc không yêu cầu đến trình độ ngoại ngữ, nhưng có những công việc thì ngoại ngữ, mà đặc biệt là Tiếng Anh lại là điều kiện bắt buộc. Vì vậy, nếu bạn đang theo học hoặc có mong muốn được làm việc trong những ngành, lĩnh vực mà yêu cầu ngoại ngữ thì hãy nhanh chóng học và thi lấy một chứng chỉ để phục vụ cho công cuộc xin việc sau này nhé. Còn nếu bạn đã giỏi một ngoại ngữ nào đó, tại sao không thử học thêm một thứ tiếng nữa nhỉ ? Biết nghiều ngoại ngữ sẽ giúp bạn hơn trong cuộc sống cũng như công việc. Việc giỏi một ngoại ngữ đã là tốt rồi, nếu bạn biết thêm ngoại ngữ thứ hai thì bạn sẽ càng có thêm nhiều cơ hội nữa đấy. 3. Rèn luyện kỹ năng mềm Giỏi chuyên môn thôi vẫn chưa đủ, thực tế làm việc sẽ rất khác với những gì bạn đã được học trên giảng đường. Để đạt được thành công trong công việc, ngoài những kiến thức chuyên môn thì còn đòi hỏi ở bạn những kỹ năng mềm nữa. Có thể bạn đã nghe nói rất nhiều những kỹ năng mềm nhưng bạn lại chưa thật sự biết được đó là gì. Đó có thể là kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản trị thời gian,…Có rất nhiều kỹ năng cần thiết, tuy nhiên, tùy thuộc vào đặc thù mà mỗi ngành, nghề lại yêu cầu những kỹ năng khác nhau. Do đó, để chuẩn bị tốt nhất cho quá trình tìm việc và làm việc sau này, bạn hãy chủ động học và rèn luyện những kỹ năng mềm bằng cách tham gia các câu lạc bộ ở trường, tự nghiên cứ hay thậm chí tham gia những lớp dạy kỹ năng nếu cần thiết nhé. 4. Tìm hiểu trước về công việc mà bạn dự định sẽ làm trong tương lai Tại sao lại thế nhỉ ? Quá trình tìm kiếm một công việc phù hợp với bản thân và có cơ hội phát triển trong tương lai không phải là dễ. Việc tìm hiểu trước về công việc mà mình dự định sẽ làm giúp bạn biết và hiểu rõ hơn về công việc đó, những khó khăn, thuận lợi mà bạn sẽ gặp phải và những yêu cầu cần có để từ đó bạn có những sự chuẩn bị tốt nhất cho mình, tránh bị bỡ ngỡ khi bước vào làm việc. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu về những thông tin tuyển dụng đối với công việc bạn dự định sẽ làm để biết các nhà tuyển dụng có những yêu cầu gì với vị trí bạn đang tìm hiểu, từ đó bạn sẽ biết mình cần chuẩn bị gì trước khi ứng tuyển. Và nếu bạn thấy rằng mình đã hội tụ đủ những yêu cầu của nhà tuyển dụng, hãy mạnh dạn ứng tuyển ngay cả khi chưa nhận được bằng tốt nghiệp, biết đâu, bạn sẽ được nhận vào thực tập tại công ty hoặc sẽ được làm nhân viên chính thức nếu nhà tuyển dụng nhận thấy bạn thật sự phù hợp với công việc đó. Theo Thethaohangngay |