Tân sinh viên: Đối phó với "khủng hoảng" ngày đầu nhập trường

“Hãy biết cách phân biệt giữa đam mê và mục tiêu. Có đam mê là tốt, nhưng đam mê đó phải theo sát được những mục tiêu đảm bảo cho cuộc sống và công việc học tập của các bạn. Xác định được mục tiêu là điều quan trọng, nhưng cần phải biết đặt mục tiêu đó ở đâu trong cuộc sống của mình, đó mới là điều then chốt.”

 

Nhận được giấy báo trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của ĐH Bách khoa, M.Hoàng (18 tuổi, quê An Giang) hăm hở khăn gói lên TP HCM chuẩn bị cho quãng đời sinh viên của mình. Vốn là một cán bộ Đoàn năng động trong ba năm học THPT, Hoàng tỏ ra háo hức khi sắp được bước vào môi trường sinh hoạt và học tập năng động, được tiếp xúc với nhiều thầy cô giỏi, giàu kinh nghiệm, đồng thời tràn trề hy vọng mình sẽ phát huy được ưu thế bản thân bằng cách tham gia thật nhiều câu lạc bộ công tác xã hội.

Tan sinh vien: Doi pho voi \

Việc xác định rõ mục tiêu trong bốn năm Đại học vẫn là điều khó khăn với nhiều sinh viên. Ảnh minh họa

Thế nhưng, nhập học chưa đầy một tháng, Hoàng ngơ ngác nhận ra mình hoàn toàn lạc lõng trong môi trường mới mẻ này. Nếu như trước đây, anh chàng luôn mong mỏi mình sẽ được chỉ dạy tận tình, cặn kẽ, học hỏi được nhiều kiến thức khi trở thành sinh viên, thì sau khi vào giảng đường, Hoàng lại khá sốc vì thấy mình và các bạn bị thầy cô cho “bơi tự do” hoàn toàn. Hoàng cũng hụt hẫng vì phải tự nghiên cứu tài liệu từ A đến Z một cách độc lập so với thời phổ thông. Quan trọng hơn, Hoàng phải đau đầu nghĩ cách cân bằng giữa việc học và nhận lời mời tham dự hàng chục câu lạc bộ kỹ năng khác nhau - vốn là niềm yêu thích bấy lâu của Hoàng.

Khi còn là sinh viên năm I, P.Thanh (khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Kinh tế) nổi tiếng là một trong những thành viên năng nổ nhất của các câu lạc bộ về chuyên ngành, các lớp kỹ năng sống được tổ chức trong trường. Tuy vậy, chỉ hai năm sau, Thanh tỏ ra e dè hơn hẳn khi có bạn rủ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Cô nàng chia sẻ: “Ngày trước, mình thường đăng ký tham dự hàng loạt câu lạc bộ, hết hội Marketing này đến nhóm PR khác, nhưng vì chưa dự định trước sẽ học làm gì, nên chỗ nào mình cũng chỉ đến dự một, hai buổi là chán, “nhảy” qua chỗ khác. Hội nào mình cũng có mặt, mà chẳng học tập được gì cả.” Kết quả, hiện tại Thanh chỉ chú tâm vào sách vở, tránh né mọi hoạt động hội nhóm mà theo lời cô nàng là “tốn thời gian” và “không cần thiết”.

Trong buổi tọa đàm Điểm bật đón bắt tương lai tại trường ĐH Kinh tế TP HCM, bàn về cách xác định mục tiêu của sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường, nhiều diễn giả cũng thừa nhận một trong những điểm yếu lớn nhất của sinh viên hiện nay là việc thiếu khả năng thiết lập ra những mục tiêu cụ thể và cố gắng thực hiện trong suốt bốn năm ĐH. Anh Huỳnh Phước Nghĩa, giảng viên trường ĐH Kinh tế cho biết, điều khiến các bạn sinh viên bị hụt hẫng, thậm chí khủng hoảng trong thời gian đầu bước chân vào Đại học là suy nghĩ “không biết làm gì để bắt đầu.” Môi trường Đại học quá rộng lớn và có quá nhiều sự lựa chọn, khiến các bạn chưa nhận ra rõ bản thân mong muốn điều gì, từ đó cảm thấy mơ hồ và bị chệnh choạng trên con đường của mình.

Tan sinh vien: Doi pho voi \

Chị Thư và anh Nghĩa, hai diễn giả trong buổi tọa đàm về cách xác định mục tiêu cho sinh viên. Ảnh: M.N

Theo chị Trang Thanh Minh Thư, phó phòng chiến lược kinh doanh Sacomreal-S, để có được những mục tiêu rõ ràng ngay từ khi bước chân vào giảng đường, các bạn sinh viên có thể tập khám phá bản thân mình bằng việc trải qua một số giai đoạn. Bước đầu tiên là Mong muốn: sinh viên cần xác định mình mong muốn những gì trước tiên, và những mong muốn ấy phải phù hợp thực tế, giúp sinh viên đạt được những mục tiêu cụ thể. Chị Thư lý giải, các bạn sinh viên thường có quá nhiều mong muốn, và không biết điều nào là cần thiết cho mình nhất. Vì vậy, sinh viên nên tập tư duy theo hướng “tàu chìm” (sinking ship). Sinh viên cần phải chọn ra những ước muốn để “cứu sống” mình trong một quãng thời gian gấp rút. Sau đó, cân nhắc với năng lực bản thân và môi trường thực tế để chọn ra mong muốn có thể theo sát mình một cách lâu dài.

Bước thứ hai, theo chị Thư, là giai đoạn Thử và sai. Chị Thư phân tích, điều khiến các bạn sinh viên ngần ngại không dám thử và “dấn thân” vào các công việc, lĩnh vực khác nhau là vì thói quen “sĩ diện”, sợ bị sai và sau khi thất bại thì không dám đứng dậy. Từ việc không dám thử, sinh viên dần đi vào lối mòn và mất đi cơ hội khám phá bản thân. Anh Nghĩa chia sẻ quan điểm, các bạn sinh viên cần phải xác định, không có chuyện đúng - sai trong các phép thử, mà chỉ có chuyện hợp hay không hợp. Tập thói quen suy nghĩ như thế, các bạn sẽ dễ dàng bước vào những “cuộc chơi”, thay vì ngại ngần sợ bị sai và thất bại.

Tuy nhiên, chị Thư cũng cho biết, sinh viên nên tự đặt một thời hạn nhất định khi thử. Nếu thời hạn đã hết, và vẫn cảm thấy không phù hợp thì hãy dừng lại để chuyển sang một mục tiêu khác rõ rệt hơn đối với bản thân.

Tan sinh vien: Doi pho voi \

Các bạn sinh viên giơ cao biểu tượng ngôi sao buộc trên cổ tay để quyết tâm theo đuổi mục tiêu mình đã đặt. Ảnh: M.N

Bước cuối cùng trong quá trình giúp sinh viên có được hướng đi rõ ràng ngay khi còn ngồi trên giảng đường là: Xác lập mục tiêu để đam mê. Sau khi đã thử và nhận ra được mục tiêu của mình, sinh viên cần có lòng đam mê, yêu thích lĩnh vực mình đã lựa chọn để thúc đẩy năng lực bản thân. Chị Thư lý giải, có thể hình dung giai đoạn này như một mô hình bánh răng cưa: từ việc đam mê, sinh viên sẽ có động lực để thúc đẩy khả năng của bản thân lên tầm cao hơn, từ đó tiếp cận được một môi trường làm việc, học tập tốt hơn, và lại tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê.

Trong buổi nói chuyện, anh Huỳnh Văn Nghĩa cũng đặt ra một vấn đề được đông đảo các bạn sinh viên bàn luận sôi nổi: có nên theo đuổi đam mê bằng bất cứ giá nào? Theo anh Nghĩa, đôi lúc sinh viên cần phải biết dừng lại trước một mục tiêu nào đó, hoặc thay thế bằng một mục tiêu ngắn hạn hơn. “Hãy biết cách phân biệt giữa đam mê và mục tiêu. Có đam mê là tốt, nhưng đam mê đó phải theo sát được những mục tiêu đảm bảo cho cuộc sống và công việc học tập của các bạn. Xác định được mục tiêu là điều quan trọng, nhưng cần phải biết đặt mục tiêu đó ở đâu trong cuộc sống của mình, đó mới là điều then chốt”, giảng viên ĐH Kinh tế chia sẻ.

Mai Nhật

 

Viết bình luận: Tân sinh viên: Đối phó với "khủng hoảng" ngày đầu nhập trường

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247