25/10/2012 13:40 pm
Tối 14/10/2012, tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp (IDECAF, Q. 1) có rất đông sinh viên đứng trong sân ngơ ngác, chưa biết sẽ tham gia sự kiện như thế nào. Rất nhanh, các tình nguyện viên đưa các bạn vào cuộc với những hướng dẫn bằng ngôn ngữ cử chỉ. Tất cả diễn ra trong tĩnh lặng trừ tiếng còi xe, tiếng chuông leng keng chốc chốc lại cất lên đâu đó giữa dòng người. Giá trị của im lặng
Những tình nguyện viên dễ thương mặc áo có các câu slogan như: "Cười cái coi!"; "Nghĩ trước khi bấm còi"; "Mời tham gia!"; "Không còi!"; "Tĩnh lặng"; "Lắng nghe cuộc sống"; "Xếp hàng nào!"; "Giỏi quá!"… Người tham gia được hướng dẫn đi vào cổng từ một bảng hướng dẫn trên tay tình nguyện viên. Theo đó, muốn qua cổng, bạn sẽ phải trật tự xếp hàng cùng mọi người. Mọi người chỉ được đi qua khi có tín hiệu đèn xanh. Một số bạn đợi quá lâu mà người điều khiển đèn giao thông chưa bật xanh nên sốt ruột. Các bạn phải dùng đến chiếc chuông và lắc nó liên hồi. Sau khi lắc chuông, đèn sẽ được chuyển từ đỏ qua xanh, người tham gia mới được vào. Trong đêm "tiệc vô ngôn", các bạn tham gia vẽ tranh về hiện trạng giao thông, xem triển lãm biếm họa về giao thông, tự tay vẽ tranh tập thể về hiện trạng ngập nước, kẹt xe… Bên cạnh đó, những trò chơi kỹ năng đầy thử thách khi được hướng dẫn bằng ngôn ngữ cử chỉ. Ban Tổ chức cũng bố trí tình nguyện viên liên tục bấm còi xe máy. Tiếng còi xe rất lạc lõng và gây khó chịu khi mọi người vẫn đang tuân thủ "luật im lặng". Cho đến khoảng 20h30, sự im lặng dường như đến hồi bức bối thì từ khán đài bất ngờ vang lên âm thanh của nhạc cụ. Những bản nhạc rock cất lên phá tan không khí im lặng. Các vị khách vỡ òa, náo nhiệt, ào cả lên sân khấu ca hát nhảy múa, cho đến khi chương trình khép lại, vào lúc 22h.
Nguyễn Đăng Khoa, điều hành buổi tiệc, chia sẻ: "Các thành phố đang phải đối mặt với nhiều bài toán nan giải về môi trường và văn hóa. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, môi trường đang bị ô nhiễm tiếng ồn như tiếng còi xe, tiếng động cơ rú, tiếng xe tải, xe gắn máy... Mức ồn cao hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn cho phép, gây hại cho con người cả về sức khỏe lẫn năng suất làm việc. Một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng giao thông ngày càng trở nên hỗn độn là cách hành xử thiếu ý thức khi tham gia giao thông của chính chúng ta. Vì vậy, tụi mình muốn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng còi xe, văn hóa ứng xử trong giao thông. Ở đây, bạn trẻ cùng tìm hiểu và chia sẻ cái nhìn của giới trẻ về hiện trạng văn hóa tham gia giao thông hiện nay, đặc biệt trong vấn đề về ô nhiễm tiếng ồn. Các bạn cùng suy nghĩ về biện pháp mà giới trẻ có thể làm được để góp phần xây dựng một văn hóa giao thông văn minh và môi trường đô thị trong sạch. Làm sao, mỗi người tham dự là một tác nhân thay đổi, lan tỏa thông điệp: Không còi khi không cần thiết!". Họa sĩ và thông điệp giao thông Trong đêm hội "Đêm tĩnh lặng" tại IDECAF, âm thầm cùng sinh viên vẽ tranh là họa sĩ trẻ Thành Phong (sinh năm 1986). Trong "tiệc vô ngôn" này, Phong xuất hiện với tư cách là người sáng tác những bức biếm họa về giao thông thú vị xuất phát từ những đoạn thơ bút tre hay "thành ngữ @" về giao thông như: Xe mẹ mua, đua mẹ đánh!; Còi to máy rú là (con) thú đi xe!; Đi bộ mà cũng tốn xăng/ Thì người lao động hàm răng chẳng còn; Một nụ cười bằng… mười tiếng còi xe; Chồng lái lụa/ Vợ góa bụa; Ngày xưa sợ nhất taxi/ Ngày nay xe buýt lầm lỳ sợ hơn/ Trên đường đang chạy tơn tơn/ Thấy anh xe buýt làm ơn nép vào… Có tất cả 15 bức tranh làm người xem phải bật cười. Chàng trai người Hà Nội không ngờ mình lại được bạn trẻ TP. HCM đón nhận như một người nổi tiếng. Rất nhiều sinh viên muốn chụp ảnh chung với anh chàng họa sĩ đến từ Hà Nội. Sau cuốn Thành ngữ @ - Sát thủ đầu mưng mủ, mọi người biết đến Phong nhiều hơn. Phong chia sẻ thêm: "Mình đã từng bức xúc vì văn hóa ứng xử của người đi đường. Người ta sẵn sàng lao vào nhau ăn thua đủ. Trong khi đó, việc nhẫn nại, xếp hàng, không gắt còi, một nụ cười với nhau là những gì rất cần thiết cho cuộc sống tốt đẹp văn minh hơn. Mình góp những tác phẩm để những người trẻ biết ý thức hơn khi tham gia giao thông. Ngoài triển lãm, những bức tranh này được đưa đến người trẻ thông qua con đường Internet, đặc biệt là mạng xã hội và được đón nhận nồng nhiệt". Chiến dịch "Không còi" do mạng lưới Be Change Agents (mạng lưới các thủ lĩnh thanh niên năng động, nhiệt tình, quan tâm tới đề tài phát triển bền vững) tổ chức, dưới sự điều phối của Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) nhằm thúc đẩy và lan tỏa các hành vi - lối sống thân thiện với môi trường, hạn chế ô nhiễm tiếng ồn, giúp cho mỗi bạn trẻ tham dự là tác nhân thay đổi, lan tỏa đi thông điệp "Không còi khi không cần thiết". Chiến dịch diễn ra trong hai ngày: Ngày 14/10/2012, với chủ đề "Đêm tĩnh lặng - Silent Night" (tại TP. HCM); ngày 21/10/2012, với chủ đề "Lắng nghe thành phố", tại Rạp Công Nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội). Tại Hà Nội, sinh viên góp tiếng nói của mình cùng họa sĩ Thành Phong và cây bút Trương Quý, tác giả cuốn tản văn Xe máy tiếu ngạo. Xuân Huy (SVVN) NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |