Trường nghề "cầm cự" tuyển sinh

Bỏ chi phí lớn để đầu tư trang thiết bị dạy học nhưng khan hiếm người học khiến bức tranh về các trường nghề càng ngày càng ảm đạm.

Trong khi một số trường nghề đã bị “thâu tóm” vào các trường ĐH thì cũng còn không ít trường vì không tuyển sinh được nên cầm cự bằng nhiều cách như cho thuê trang thiết bị, tuyển sinh sơ cấp, ngắn hạn... khiến các trường nghề đang xa dần mục tiêu đào tạo chính thống.
 
Quá nhiều bất lợi
 
Thông tư 57 của Bộ GD-ĐT quy định các trường ĐH không đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) được xem là tín hiệu vui cho các trường nghề vì sẽ có một lượng lớn thí sinh không vào TCCN trong các trường ĐH sẽ tính đến phương án học nghề. Thế nhưng, tháng 6/2011, khi Bộ GD-ĐT sửa đổi điều 6 trong Thông tư 57 nêu rõ các trường ĐH không phải ngừng tuyển sinh hệ TCCN ngay từ năm 2012 mà xây dựng lộ trình giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh hệ này (mỗi năm giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu năm 2011) để dừng tuyển sinh hệ đào tạo này trước năm 2017 khiến các trường nghề lại rơi vào hụt hẫng.

Hiện các trường ĐH không những không giảm mà còn tăng chỉ tiêu TCCN. Đơn cử như tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trong khi lẽ ra phải giảm không thấp hơn 20% so với chỉ tiêu TCCN năm 2011 theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT thì năm 2012 lại thêm đến 4.000 chỉ tiêu, tăng hơn 45% so với năm trước.

Truong nghe \

ThS Đỗ Thị Phương Khanh hướng dẫn sinh viên Khoa Cơ khí thực hành trên máy CNC tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Hiệu trưởng một trường nghề tại TPHCM cho biết: “Trong khi chờ đến năm 2017 thì các trường ĐH cũng kịp vét hết thí sinh, nhất là khi dự thảo về đào tạo liên thông mới đây của bộ sẽ siết chặt liên thông thì còn ai dám vào trường nghề”.

Vị hiệu trưởng này phân tích: Dự thảo quy định nếu liên thông từ trình độ trung cấp nghề, TCCN lên trình độ CĐ, từ trình độ CĐ nghề, CĐ lên ĐH, thí sinh sẽ phải dự thi tuyển một môn văn hóa theo khối thi của ngành dự định học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hằng năm do Bộ GD-ĐT tổ chức và thêm 2 môn cơ sở ngành.

Bộ thừa biết tâm lý lâu nay của người học đều cho rằng trường nghề chỉ là chỗ “tạm trú”, dù thế nào cũng phải có bằng ĐH, giờ nếu siết chặt liên thông thì chẳng thà học sinh ở nhà ôn thi ĐH cho đến khi nào đậu mới thôi chứ học nghề làm gì?

Cầm cự

Để duy trì  hoạt động, nhiều trường nghề đã tính đến các phương án cầm cự. Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng thông báo tuyển sinh các khóa sơ cấp nghề với thời gian đào tạo chỉ từ 1-3 tháng, Trường Trung cấp  nghề Việt Giao cũng chiêu sinh những khóa nghề ngắn hạn và phối hợp đào tạo theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng tuyển sinh đủ hệ TCCN nhưng hệ CĐ nghề thì đến nay vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Theo hiệu trưởng một trường nghề: “Bất đắc dĩ chúng tôi mới phải làm vậy vì đào tạo sơ cấp, ngắn hạn là chúng tôi xa dần mục tiêu chính thống của trường nghề. Nhưng nếu không cầm cự như vậy thì chúng tôi lấy gì sống khi hằng tháng vẫn phải trả tiền thuê địa điểm, trả lương cho nhân viên. Chúng tôi còn đang tính đến phương án cho thuê thiết bị để nuôi trường, tránh lãng phí”.

Ths Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, bày tỏ: “Các trường ĐH được đào tạo nghề quá nhiều là nguyên nhân không nhỏ khiến các trường nghề lâm vào thế khó. Xét về Luật Giáo dục thì các trường ĐH đào tạo nghề không sai nhưng đã là nghề thì phải có thực hành, trong khi chương trình dạy nghề ở các trường ĐH chủ yếu dạy lý thuyết. Ngược lại, các trường nghề biết phải đào tạo ra sao để các em có một nghề thuần thục. Về cơ sở vật chất, các trường đã trang bị khá đầy đủ trang thiết bị để học viên thực hành. Mỗi hệ có một mục tiêu đào tạo khác nhau, vì vậy nên trả lại việc đào tạo nghề cho các trường nghề”.

TS Đỗ Kỳ Công, Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, nhận định: “Việc các trường nghề tuyển sinh khó khăn cũng phản ánh có sự sàng lọc chất lượng giảng dạy ở các trường. Nhiều trường quảng cáo quá mức nhưng chất lượng đào tạo kém, cơ sở vật chất lại đi thuê, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Học viên ra trường không kiếm được việc làm. Khi đã bộc lộ những yếu kém và không tạo được uy tín với học viên thì việc khó tuyển sinh là điều dễ hiểu”.

Chưa tạo được niềm tin

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng trường nghề khó tuyển sinh là chuyện từ lâu nay, không phải hoàn toàn là lỗi ở Bộ GD-ĐT. Đó là vì các trường nghề chưa làm được gì nhiều để thu hút người học. Muốn kiếm thông tin đào tạo của trường nghề còn khó hơn kiếm thông tin về các trường ĐH. Cơ hội việc làm ở các trường nghề cũng không rõ ràng, không tạo được niềm tin với người học.

Việc kiểm soát chất lượng đầu ra cũng khá lỏng lẻo. Lâu nay, các trường vẫn chạy theo xu thế đào tạo cái mình có chứ không đào tạo cái xã hội cần. Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất vẫn là công tác phân luồng không đạt hiệu quả. Muốn vậy, ngoài kiểm soát chất lượng đầu ra, cách đánh giá bằng hệ số lương lâu nay phải thay đổi.

Việc trả lương cho người lao động phải theo năng suất làm việc chứ không thể theo bằng cấp. Chừng nào người học nghề còn mặc cảm về chuyện lương bổng vì bằng cấp thấp, cộng với tâm lý phải có bằng ĐH thì chừng đó các trường nghề còn gặp nhiều khó khăn.

Theo thethaohangngay

Viết bình luận: Trường nghề "cầm cự" tuyển sinh

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247