Chọn ngành có giá trị trong tương lai
Đây cũng là một tiêu chí tương đối quan trọng khi chọn ngành học, nhưng không phải thí sinh nào cũng biết. Thông thường, thí sinh thường chỉ căn cứ vào việc ngành học mình lựa chọn hiện có đang “hot” hay không, có đang phát triển hay không mà quên mất không cân nhắc rằng, sau 4-5 nữa, ngành ấy liệu có còn được ưa chuộng?
Thực tế thì có những ngành học đang cực kì hot ở thời điểm bạn đăng kí dự thi nhưng sau khi bạn ra trường thì chưa chắc, đó đã là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm. Điều này đòi hỏi các thí sinh và gia đình trước khi quyết định lựa chọn một ngành học nhất định, cần phải “nhìn xa hơn” về tương lai nghề nghiệp của ngành học đó.
Theo Ông Huỳnh Ngô Tịnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên - công nhân (Thành Đoàn TP.HCM), chúng ta nên lựa chọn những ngành học có giá trị trong 10 năm, trong đó có thể kể đến những ngành như: quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, ngoại ngữ, công nghệ sinh học, luật, tâm lý, xây dựng các công trình dân dụng… Cùng với sự phát triển của xã hội, đây là những ngành học có khả năng phát triển trong tương lai.
Chọn ngành có phạm vi đào tạo rộng
Thông thường, những ngành có phạm vi đào tạo rộng, mang tính chất đa ngành, liên ngành sẽ giúp người học sau khi tốt nghiệp có được nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm hơn là những ngành cho phạm vi đào tạo hẹp, có tính chuyên biệt hoặc đặc thù (Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội). Đáng mừng là những ngành có phạm vi đào tạo rộng ở các trường đại học, cao đẳng của nước ta tương đối phong phú, bạn có thể tha hồ lựa chọn.
Nếu như học ngành luật, teen đừng vội nghĩ rằng học luật ra chỉ làm luật sư, mà có thể làm rất nhiều ngành nghề khác trong xã hội như: Kiểm sát viên, điều tra viên, giám định viên, chuyên viên pháp lý, cố vấn pháp lý, giáo viên dạy luật, cán bộ nghiên cứu pháp luật... trong các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, trường học, viện nghiên cứu. Đặc biệt, không chỉ tham gia hoạt động trong ngành luật, bạn còn có thể làm các ngành nghề khác liên quan như nhân sự, hành chính…
Tương tự, nếu như học ngành Báo chí – truyền thông, bạn không chỉ có cơ hội trở thành phóng viên, mà còn có thể trở thành nhân viên quan hệ công chúng với những vị trí công việc thú vị như xây dựng thương hiệu; quan hệ với báo giới, tổ chức sự kiện… Bạn cũng có thể trở thành biên tập viên các nhà xuất bản, nhân viên quảng cáo, nhân viên maketting, nhân viên phát hành…
Với ngành học đã chọn, khi tốt nghiệp, bạn có thể tự do lựa chọn những ngành nghề phù hợp với mình.
Chọn ngành được phân việc khi ra trường
Rất nhiều bạn đã lựa chọn các ngành học như an ninh, cảnh sát, quân đội… bởi theo quy định từ lâu, đây là những ngành được bố trí, sắp xếp việc làm ngay sau khi tốt nghiệp mà người học không phải tự xin việc. Đó là chưa kể tới “lợi thế” đặc biệt khác khi trở thành học viên của những trường này là không mất tiền học phí và các khoản sinh hoạt phí khác như đa phần sinh viên các trường khác.
Tuy nhiên, khi lựa chọn thi an ninh, cảnh sát hay quân đội, bạn cũng cần phải cân nhắc kĩ càng, bởi đây là những ngành có điều kiện tuyển sinh khá chặt chẽ, bên cạnh đó, khi vào học tại trường, bạn cũng cần phải chấp hành nội quy học tập và sinh hoạt nghiêm ngặt…. Điểm trúng tuyển ở những ngành học này cũng tương đối cao, vì thế các thí sinh không thật sự tự tin vào sức học của mình cũng cần thận trọng khi đăng kí dự thi.
Cho dù lựa chọn những ngành học để ra trường dễ xin việc làm là một tiêu chí quan trọng, tuy nhiên, dù chọn bất cứ ngành học nào, thì trước tiên bạn cũng cần phải dựa vào ước mơ, sở thích, nguyện vọng và năng lực thật sự của bản thân.
Theo ĐV