Tương lai nào cho hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2?

Một số địa phương trong cả nước đã có động thái “quay lưng” với các trường ĐH Dân lập và hệ đào tạo không chính quy-hệ đào tạo vừa học vừa làm (Tại chức), văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm. Vậy tương lai của những hệ đào tạo Tại chức sẽ ra sao?

Trong những năm gần đây, một số địa phương trong cả nước đã có động thái “quay lưng” với các trường ĐH Dân lập và hệ đào tạo không chính quy-hệ đào tạo vừa học vừa làm (Tại chức), văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm. Động thái được thể hiện rõ như có tỉnh, thành không tuyển chọn công chức tốt nghiệp một số trường Dân lập hoặc hệ đào tạo Tại chức vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước. Nhiều tỉnh, thành đưa ra quy định thi tuyển công chức của phải là người có bằng tốt nghiệp đại học (ĐH) hệ chính quy trở lên.

Trước thực trạng này, hiện có rất nhiều người dân băn khoăn về tương lai của những hệ đào tạo Tại chức và cũng như những biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH trong thời gian tới.

Tuong lai nao cho he dao tao tai chuc, van bang 2?
Trong mùa tuyển sinh năm nay, sẽ có sự thay đổi đối với hệ đào tạo không chính quy

PV: Thời gian vừa qua, một loạt các địa phương có động thái quay lưng với các trường dân lập và hệ đào tạo Tại chức như: Quảng Nam, Hà Nam, Nam Định, Đà Nẵng… Vậy trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong vấn đề này như thế nào và quan điểm của chúng ta đối với những hệ đào tạo này trong thời gian tới ra sao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Trên nguyên tắc của Bộ GD-ĐT đưa ra là tất cả các hệ đào tạo phải đảm bảo chất lượng như nhau để có thể cung cấp một văn bằng có giá trị tương đương nhau cho người học. Điều này được hiểu là, cho dù cơ sở giáo dục đào tạo theo hình thức tại chức, liên thông, văn bằng 2 hay là gì đi nữa thì phải đảm bảo về chất lượng.

Tuy nhiên, trên thực tế, trong thời gian qua, việc đào tạo những hệ trên chưa đạt chuẩn, chất lượng giáo dục không đảm bảo nên đã có một số địa phương “quay lưng” tuyển dụng những người tốt nghiệp một nghề đào tạo nào đó thuộc những hệ trên.

Để xảy ra tình trạng trên cũng có một phần trách nhiệm của Bộ GD-ĐT như không siết chặt việc đào tạo, tuyển sinh. Nhằm khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đang có những điều chỉnh như thay đổi những văn bản quy phạm pháp luật về đào tạo hệ giáo dục liên thông, Tại chức, văn bằng 2… Cụ thể như, bắt đầu từ năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ giảm chỉ tiêu đào tạo vừa học vừa làm (hệ Tại chức), văn bằng 2; đào tạo liên thông chính quy. Theo đó, chỉ tiêu đào tạo hệ Tại chức, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo liên thông chính quy nằm trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy mà không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy do nhà trường xác định theo quy định.

Việc điều chỉnh này nhằm hướng tới việc đào tạo không chính quy phải ngang bằng với đào tạo chính quy và để các trường chú trọng chất lượng đào tạo. Tôi hy vọng rằng, khi đã thực hiện được điều này thì xã hội sẽ không “quay lưng” với hệ đào tạo không chính quy đâu.

PV: Bên cạnh việc các hệ đào tạo không chính quy thời gian qua được dư luận phản ánh là không đảm bảo chất lượng thì có 5 trường ĐH, CĐ và 15 ngành vừa bị Bộ GD-ĐT đình chỉ tuyển sinh. Thứ trưởng có thể cho biết những trường và ngành học bị đình chỉ trên bị mắc những lỗi nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những trường và những ngành vi phạm trong tuyển sinh thời gian vừa qua, chủ yếu là không đảm bảo được 2 yếu tố cơ bản mà Bộ đưa ra. Thứ nhất là số lượng sinh viên quá cao so với số lượng giáo viên. Thứ hai là diện tích mặt bằng để xây dựng cơ sở vật chất, phòng học không đảm bảo. Một số trường sau nhiều năm hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất như đã cam kết.

PV: Với những trường không đảm bảo yêu cầu thì đã bị xử lý. Vậy Bộ GD-ĐT có đưa ra những cảnh báo gì đối với những trường đang ở trong vùng “nguy hiểm”, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Bộ đưa ra thông điệp đối với 3 trường hợp các trường đang ở nguy cơ bị đình chỉ tuyển sinh. Thứ nhất, là những trường có đội ngũ giáo viên không đảm bảo chất lượng đào tạo thì sẽ bị ngừng tuyển sinh một số ngành. Thứ hai, những trường có cơ sở vật chất hạn hẹp, không đảm bảo diện cho giáo viên và sinh viên giảng dạy, học tập. Thứ 3 là những trường đến nay vẫn chưa có trụ sở chính theo như cam kết trước khi thành lập trường thì từ nay cho đến tháng 6/2014, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ cho những trường ngày ngừng tuyển sinh và giải thể.

PV: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng có địa phương “quay lưng” với hệ đào tạo không chính quy và một số trường bị đình chỉ thời gian gần đây là do chất lượng giáo dục không đảm bảo. Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn trách nhiệm của Bộ trong thời gian tới đây như thế nào để đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH như chủ trương đề ra?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  Từ trước khi Luật Giáo dục ĐH được áp dụng chính thức (năm 2013), có những quy chế giáo dục trước đó không còn phù hợp so với thực tế tuyển sinh, đào tạo ĐH, CĐ như: vấn đề là đào tạo liên thông, đào tạo sau đại học, đào tạo không chính quy…

Năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật Giáo dục ĐH. Trong Luật quy định rõ, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền quyền tự chủ để các trường phát huy năng lực sáng tạo cũng như trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục của mình.

Song song với việc giao quyền tự chủ, Bộ sẽ tăng cường công công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc đào tạo, tuyển sinh và đảm bảo chất lượng giáo dục của từng các trường ĐH, CĐ. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra sát sao việc thành lập trường, mở mã ngành đào tạo, liên kết trong giáo dục của các trường ĐH, CĐ. Những cơ sở giáo dục nào không đáp ứng được những yêu cầu của Bộ GD-ĐT đề ra, tùy theo mức độ sẽ bị xử phạt như: khống chế chỉ tiêu tuyển sinh, cho dừng tuyển sinh hoặc ngừng mở mã ngành. Trường nào không đáp ứng được chất lượng đào tạo cũng như cam kết về cơ sở vật chất, Bộ sẽ cho trường đó giải thể.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!.


Theo thethaohangngay

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



Viết bình luận: Tương lai nào cho hệ đào tạo tại chức, văn bằng 2?

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247