07/01/2013 07:17 am
Tham dự chương trình có sự góp mặt của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, PGS TS Trần Quang Quý; PGS TS Ngô Kim Khôi - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM. Đúng 8g30, Chương trình tọa đàm "Trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp 2013" do Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM và báo TT tổ chức đã chính thức bắt đầu. Đây là lần đầu tiên chương trình được tổ chức cho giáo viên phụ trách công tác hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm tại các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tại TP.HCM. Đây là những người trực tiếp tiếp xúc, định hướng việc chọn ngành, chọn nghề cho học sinh của mình. Những giáo viên này sẽ cùng với các thành viên ban tư vấn chia sẻ kinh nghiệm định hướng, tư vấn hướng nghiệp dành cho học sinh THPT. Thầy cô - điểm tựa của HS trong chọn nghề Mở đầu, ông Lê Thế Chữ - phó tổng biên tập nói: Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp của TT đã bước sang năm thứ 11. Hàng năm, chương trình đã mang thông tin đến hàng trăm ngàn học sinh THPT trên khắp cả nước. Các thầy cô ở đây đều biết rằng chọn được một nghề phù hợp với năng lực, sở thích của mình không phải là điều dễ dàng. Thực tế xã hội cho thấy việc chọn ngành nghề hiện nay đang bị lệch hẳn sang một số ngành, nhất là nhóm ngành kinh tế.
Giúp học sinh chọn được nghề phù hợp là trọng trách của các thầy cô, những người gần gũi và gắn bó với học sinh của mình. Do đó, TT tổ chức chương trình này dành riêng cho các thầy cô làm công tác hướng nghiệp để chia sẻ và lắng nghe chia sẻ, đặt hàng từ các trường THPT. Các ý kiến đóng góp của thầy cô sẽ rất quý báu để ban tổ chức có thể thực hiện tốt Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp năm nay. Tiếp đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ-ĐHQG TP.HCM cung cấp thông tin tổng quan về giáo dục VN sau giáo dục phổ thông: Về góc độ phụ huynh và học sinh thường có tâm lý sau khi học phổ thông sẽ tiếp tục học tiếp. Hiện nay tổng chỉ tiêu đào tạo sau phổ thông hàng năm đủ sức nhận hết tất cả học sinh sau THPT. Bên cạnh đó, học sinh cần nhận thức được khả năng của mình có thể vào được bậc học nào sau THPT như trung cấp, nghề, CĐ hay ĐH. Thi rớt ĐH không phải là sự chấm hết mà chúng ta phải chấp nhận sự phân luồng bởi hàng năm chỉ một bộ phận học sinh vào được CĐ, ĐH, số còn lại sẽ học trung cấp, nghề. Về phân loại trường sau phổ thông, hiện nay, theo cơ chế tổ chức thi cử, có hai loại trường là trường tổ chức thi và trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển. Nhiều trường ĐH, CĐ và các trường trung cấp, trường nghề chỉ xét tuyển chứ không thi tuyển. Tuy nhiên có trường sử dụng kết quả thi ĐH để xét tuyển và các trường trung cấp, nghề thường chỉ xét tuyển từ kết quả THPT. Về vấn đề học phí chia ra hai loại trường: trường công lập và trường ngoài công lập. Tùy vào điều kiện của mình, phụ huynh và học sinh cân nhắc để chọn trường học phù hợp với khả năng kinh tế. Ông Quý cũng cho biết dự kiến ngày 22-1, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức Hội nghị thi và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ông Quý cũng thông tin về cơ bản, kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 không có thay đổi nhiều so với năm trước, vẫn thi ba chung (chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả thi). Theo ông Quý, Bộ GD-ĐT "vừa phát đi một thông điệp" dừng mở các ngành mới về kinh tế. "Tỷ lệ mở các ngành kinh doanh, kinh tế hiện nay chiếm gần 39%. Hiện các em ra trường nhiều nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. Trong khi đó, những ngành cơ khí, động lực, nông lâm...đang thiếu rất nhiều nhưng không có người học. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước mà còn ảnh hưởng đến đào tạo tại trường phổ thông. Do đó, Chỉnh phủ chỉ đạo giảm chỉ tiêu các ngành đang thừa, và khuyến khích tuyển sinh các ngành đang thiếu, tăng ưu đãi, chính sách cho sinh viên sư phạm". Về chính sách tín dụng sinh viên, theo ông Quý, Thủ tướng Chính phủ vẫn đảm bảo một quỹ ổn định khoảng 50.000 tỷ để học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo việc học. Sau những băn khoăn từ các giáo viên, ông Quý, nói “có thể chúng tôi sẽ thay đổi một số chính sách, điều hành trong công tác này”. “Về cơ cấu ngành nghề, phải quan tâm đến hiện có nơi thừa, nơi thiếu. Trình độ của sinh viên ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp thì có thể giải quyết được bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ có mười chỗ làm nhưng mình đào tạo thừa thì phải xem lại. Bên cạnh đó, ngành tài chính, ngân hàng và quản trị kinh doanh cơ cấu đào tạo của chúng ta hiện nay vẫn ở mức 40%. Do tái cơ cấu ngành ngân hàng, doanh nghiệp nên thừa nhiều nhân lực này. Đây là thực trạng cần điều tiết. Và chúng tôi sẽ điều tiết theo cách tăng học phí các ngành đang thừa nhân lực và ưu đãi học phí cho những ngành thiếu nhân lực. Đề án đối mới cơ chế cải cách tiền lương sắp tới đang tính thực hiện vấn đề đó. Về tư vấn, đây là bước đầu cho các em học sinh trước khi nộp hồ sơ vào ĐH, CĐ. Hiện nhiều em học sinh chưa đánh giá đúng năng lực của mình. Do đó, chúng tôi đề nghị báo TT tư vấn sau khi có kết quả từ các trường ĐH, trường nghề, trung cấp. Con đường học đại học ai cũng mong muốn nhưng không phải là con đường duy nhất, chúng ta có thể học nghề, học liên thông để đỡ lãng phí. Hiện nay nhiều em muốn học nghề nhưng không biết học gì, ở đâu”. Cô Dương Thu Trang - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi - bàn về công tác hướng nghiệp, chúng ta đang nói đến công tác ở tầm vĩ mô. Vậy phải tác động đến phụ huynh dể họ có thể định hướng nghề nghiệp cho con em mình. Hiện nhiều phụ huynh đang định hướng cảm tính và phần việc này chủ yếu là của giáo viên. Tuy nhiên hiện nay giáo viên cũng chỉ làm một cách tự phát, phục vụ cho bộ môn hướng nghiệp chứ chưa hướng đến hiệu quả hướng nghiệp. Vậy Bộ GD-ĐT có chương trình tập huấn nào dành cho giáo viên không? Chọn nghề trước, chọn ngành sau Ông Phạm Ngọc Thanh - PGĐ Sở GD-ĐT TP.HCM: để đảm bảo người học học nghề đúng nhu cầu xã hội thì các em phải xác định được ngành nghề nào phù hợp với bản thân. Vấn đề này thuộc công tác hướng nghiệp và các em đã được hướng dẫn từ bậc THCS, ngoài các bài học lý thuyết còn có chuyến đi thực tế. Tuy nhiên tôi cho rằng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Sau THPT, nhiều học sinh vẫn chưa định hướng được nhóm ngành nghề nào phù hợp với mình. Vấn đề thứ hai là tuy biết được nhóm ngành phù hợp nhưng chọn ngành nào, trường nào lại càng khó khăn. Đa số các em chọn theo tác động của gia đình, số đông, chạy theo giá trị xã hội (tự hào khi học trường nổi tiếng). Để thay đổi điều này, các trường là đơn vị chủ yếu để định hướng cho học sinh. Tuy nhiên giáo viên hướng nghiệp cũng chịu vấn đề áp lực, các trường vẫn còn tư tưởng thành tích. Học lực không tốt nhưng thay vì định hướng các em chọn học trung cấp lại định hướng các em vào các trường ĐH có điểm chuẩn thấp để từ đó lấy kết quả thành tích tỷ lệ đậu ĐH. Sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ các trường về việc tập huấn công tác hướng nghiệp để từ đó có thể làm tốt công tác hướng nghiệp. TS tâm lý Đinh Phương Duy cũng chia sẻ thêm về kinh nghiệm hướng nghiệp. Đầu tiên, chúng ta nên tư vấn để học sinh chọn nghề nào, sau đó là ngành nào rồi mới đến trường nào phù hợp. Nếu chọn nghề sai, có tác hại như thế nào. Nếu chọn đúng nghề thì sẽ có tác động thế nào. Cần phải cho học sinh thấy được các hại và lợi khi chọn đúng hoặc sai ngành nghề. Việc giáo dục hướng nghiệp ở trường THPT hiện nay quá ít và chưa đủ để định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Chúng ta cần đưa ra nhu cầu nhân lực và các ngành nghề mà thành phố đang cần, cơ hội thăng tiến để các em có thể trao đổi với nhau. Ai cũng muốn mình tốt nghiệp ĐH nhưng đi bằng con đường nào để có bằng ĐH là vấn đề khác. Đó là vấn đề mà chúng ta cần giúp các em nhận ra để có đường đi phù hợp nhất với năng lực và sở thích của mình. Việc hướng nghiệp phải được thực hiện từ bậc THCS chứ không phải đến lớp 12 mới làm, như vậy là quá muộn. Các thầy cô cũng cần có phương pháp để các em tự khám phá khả năng. Bên cạnh đó, thầy cô có thể mở cho các em với khả năng đó nhưng năng lực như thế phù hợp với trường nào là vấn đề đáng lưu tâm. Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường rất quan trọng. Việc hướng nghiệp nên có sự phối hợp mật thiết giữa gia đình và nhà trường. TS Nguyễn Đức Nghĩa - PGĐ ĐHQG TP.HCM: ý kiến của cô Trang rất quan trọng. Một người làm công tác tư vấn có thể nói thiếu chứ không được nói sai. Về lý thuyết hướng nghiệp ở trường phổ thông thì có sách vở cả nhưng điều này không còn phù hợp mà phải có sự cập nhật thường xuyên. Do đó, Sở GD-ĐT nên có tập huấn hàng năm cho giáo viên hướng nghiệp để cập nhật tình hình kinh tế, nhu cầu nhân lực, từ đó có thể hướng nghiệp hiệu quả hơn. TS Lê Thị Thanh Mai giới thiệu các bộ trắc nghiệm chọn ngành nghề cho giáo viên và chia sẻ thêm về kinh nghiệm chọn nghề. Chúng ta đi từ định hướng nghề, tiếp đó là ngành và sau đó mới là chọn trường phù hợp. Thông tin thay đổi thường xuyên nên giáo viên hướng nghiệp cũng phải cập nhật để có thông tin tư vấn chính xác hơn. Định hướng thay đổi cơ cấu kinh tế dẫn đến việc thay đổi cơ cấu nhân lực.
Đừng bao giờ nói với các em rằng chúng ta hãy chọn ngành này đi, mai mốt ra trường sẽ làm công việc như thế nào mà phải xác định nghề nghiệp trước để từ đó chọn ngành học bởi phải xác định nhu cầu nhân lực trước, khả năng của mình phù hợp với nghề nghiệp nào sau đó mới chọn ngành. Hiện nay các trường đào tạo theo hướng đa ngành đa nghề, ngành rộng chứ ít đào tạo theo chuyên ngành hẹp. Chúng ta nên cho các em làm trắc nghiệm chọn nghề để xác định sở thích và năng lực học tập, sau đó sẽ xác định xem với sở thích và năng lực của mình phù hợp với ngành, trường nào. Phần trao đổi kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc bắt đầu lúc 9g05. * Những thông tin tuyển dụng thời gian gần đây cho thấy sinh viên các ngành kinh tế, xây dựng có nguy cơ thất nghiệp cao. Những người làm công tác hướng nghiệp trong nhà trường cần những thông tin thiết thực về ngành nghề này để tư vấn cho học sinh, mong chương trình chia sẻ? Ông Trần Anh Tuấn - phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM - thông tin: "Với hai nhóm ngành xây dựng và tài chính ngân hàng, hiện nay chúng ta đang lâm vào tình trạng tất cả các ngành đều thiếu và thừa nhân lực. Tuy nhiên, hai ngành này là rõ nét nhất so với những ngành khác. Hiện nay, hai ngành này đang nằm ở mức độ 4%, tức cần khoảng 10.000 - 12.000 lao động tại TP.HCM. Lĩnh vực này vẫn thiếu những người chuyên nghiệp, có kỹ năng cao. Ngành tài chính ngân hàng hiện nay thường xuyên tuyển, không có người để tuyển. Ngành xây dựng thiếu trầm trọng trung cấp xây dựng, công nhân xây dựng nhưng lại thiếu những kỹ sư giỏi. Số lượng chỗ việc làm nhiều nhưng người tìm việc không đáp ứng trình độ do thiếu kiến thức, kỹ năng". TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - chia sẻ thêm: "Câu hỏi này, chúng tôi cũng nhận được rất nhiều. Có điều bây giờ nguy cơ thất nghiệp của ngành càng ngày càng rõ ra. Sinh viên khi tốt nghiệp kinh tế ra trường, đứng trước khó khăn từ yêu cầu khó khăn của cơ quan Nhà nước. Đặc điểm của cơ quan Nhà nước là thiếu chỗ nào, lấp chỗ đó nên ít có cơ hội cho sinh viên mới tốt nghiệp. Thứ hai, doanh nghiệp đòi hỏi ngày càng cao, kiến thức chưa đủ, kỹ năng đào tạo chưa đủ. Trong khi đó, kiến thức đại cương chiếm gần hai năm. Vào chuyên ngành, đào tạo nhiều nhưng không thể hết các kỹ năng mà doanh nghiệp đòi hỏi. Ngoài ra, doanh nghiệp còn đòi hỏi kinh nghiệm thực tế. Do đó, chúng tôi muốn chia sẻ thêm ai làm giỏi, chấp nhận thách thức, có kỹ năng tốt sẽ vẫn được tuyển dụng. Trách nhiệm của trường là nâng chất lượng đào tạo. Người học phải trang bị thêm cho mình những kỹ năng, kiến thức và phối hợp với các doanh nghiệp từ năm thứ nhất, đến năm thứ tư. Theo tôi, bức tranh hơi u ám về ngành tài chính ngân hàng cũng không phải toàn màu tối. Nếu chúng ta có năng lực, quyết tâm học đúng ngành mình, có những hành vi đúng mực sẽ tìm được việc làm". Th.S Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TP.HCM) chia sẻ tiếp: "Tôi tập trung yếu tố cung cầu của ngành tài chính ngân hàng. Năm 2008, nếu thầy cô theo dõi số thí sinh thi vào ngành tài chính ngân hàng khoảng 1 chọi 50 ở một số trường. Qua đó, các thầy cô sẽ thấy năm đó ngành tài chính ngân hàng và những ngành liên quan như kế toán, bất động sản... mở ra rất nhiều. Tuy nhiên, sau đó kinh tế suy thoái do cả khách quan và chủ quan. Tôi nghĩ cần phải có dự báo dài hơi, xa hơn nữa về nhu cầu nhân lực ngành nghề.
Chúng ta vẫn động viên các em chọn ngành nghề cho đúng theo năng lực, sở thích của mình. Do vậy, nrong nhu cầu nhân lực vẫn cần những người giỏi và cả người "dở". Chẳng hạn như trong ngành ngân hàng tuyển vị trí trả lương 5.000 USD và cũng sẽ tuyển những vị trí trả lương khoảng 3 triệu đồng. Do đó, nếu các em làm trong ngành ngân hàng vẫn sẽ tìm được việc làm". * Thầy Nguyễn Văn Dương - Trường THPT Củ Chi: Việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh rất khó khăn do giáo viên rất khó cập nhật các thông tin về nhu cầu nhân lực. Có cách nào để giúp giáo viên làm công tác hướng nghiệp giải tỏa khó khăn này? Công tác giáo dục tập trung cho giáo viên chủ nhiệm như hiện nay rất phân tán và không hiệu quả do mỗi năm chủ nhiệm một lớp, thời gian hướng nghiệp ít, sách giáo khoa quá cũ. Hướng nghiệp là giúp học sinh tự nhìn nhận thực tế bản thân và xã hội để nhận thấy rằng không có ngành nghề hay công việc nào thấp kém. - Ông Phạm Ngọc Thanh: Từ trước đến nay mình chưa có quy hoạch tổng thể nhân lực của cả nước. Vừa qua, chúng ta hoàn thành bản quy hoạch này. Thành phố cũng đã có quyết định làm quy hoạch nhân lực của thành phố. Tuy nhiên, kết quả có thể vẫn chưa như chúng ta mong muốn giữa đào tạo và nhu cầu nhân lực. Việc hướng nghiệp trong nhà trường trước nay ở mỗi trường đều có và dạy theo các bài của Bộ GD-ĐT. Mỗi trường có cách làm riêng như tham quan nhà máy, thuyết trình nghề nghiệp...
Hàng năm Sở GD-ĐT đều có tập huấn về công tác hướng nghiệp cho một cán bộ trường THPT. Tuy nhiên do điều kiện nên việc này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Cái khó hiện nay là làm sao để các em chọn đúng nhóm ngành nghề, quan trọng hơn là các em có dám chọn ngành nghề đó không hay e ngại thang giá trị xã hội mà chê không học trung cấp, nghề. Vấn đề là làm sao thay đổi nhận thức của gia đình và học sinh về vấn đề này. Các trường không chạy theo thành tích mà phải đảm bảo cho các em chọn đúng ngành nghề. Th.S Phạm Đăng Khoa (Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) băn khoăn: “Trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, chúng tôi hơi đơn độc. Có những khó khăn về hướng nghiệp tại trường THPT do yếu, thiếu về nhân lực. Chúng tôi không đủ nhân lực để làm hướng nghiệp cho học sinh. Chúng tôi cần phải được tập huấn nhiều hơn nữa. Tôi đề nghị các đơn vị truyền thông phải đưa những thông tin nhân lực cho học sinh, phụ huynh đề các em cùng quí vị phụ huynh định hướng, xác định ngành nghề cho tương lai. Tôi mong rằng mỗi học sinh cần phải có quyền được hướng nghiệp. Chúng tôi tâm niệm phải làm sao để học sinh biết được tính khoa học trong lựa chọn nghề nghiệp để hướng nghiệp suốt đời. Năm sau, tôi cũng mong chương trình tọa đàm sẽ có thêm thầy cô từ các trường THCS nữa vì đây cũng là đội ngũ rất quan trọng”. Một giáo viên Trường THPT Gia Định, TP.HCM đồng tình với thầy Khoa vì cũng “cảm thấy đơn độc” công tác hướng nghiệp ở trường THPT. Cô nói: “Trường tôi được sự quan tâm ủng hộ từ hiệu trưởng, ban giám hiệu nên rất thuận lợi ở công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, ở nhiều trường, công tác hướng nghiệp chưa được coi trọng nên chất lượng chưa cao. Tôi mong Sở GD-ĐT nên có ý kiến với các trường để các trường để ý nhiều hơn về vấn đề hướng nghiệp cho học sinh. Các thầy cô cũng có nói là các em học hiện nay đi nhiều về thi ĐH hơn là học nghề. Là một giáo viên chủ nhiệm từng làm nhiều năm hướng nghiệp cho học sinh, tôi thấy định kiện xã hội tạo áp lực cho học sinh, giáo viên, và cả phụ huynh. Đề nghị báo Tuổi Trẻ nên để ý, đưa thông tin nhiều hơn về mảng công nhân, nên có những bài viết về những học sinh đi lên từ những công nhân bình thường thì sẽ có dẫn chứng cụ thể để thuyết phục học sinh. Trên báo, những trường hợp đi lên từ công việc bình thường rất ít. Phải có những dẫn chứng cụ thể để học sinh thấy được là mình làm công nhân, mình học tập suốt đời vẫn có thể thành công được chứ không chỉ từ trường ĐH”. * Một giáo viên băn khoăn xu hướng chọn nghề của học sinh ở nhiều trường nghiên về nhóm ngành ngoại ngữ mà ít chọn khối khoa học tự nhiên, xã hội hay nông lâm. Chúng ta phải làm thế nào để định hướng lại xu hướng chọn ngành này? - PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM: Việc chọn ngành nghề là quyền của học sinh nhưng bản thân các em chịu áp lực rất lớn từ phụ huynh, bạn bè và xã hội. Sinh viên hiện học ngành kinh tế nhiều hơn. Nhiều em đủ điểm vào học ĐH cơ khí nhưng chỉ học CĐ kinh tế. Điều này cho thấy xu hướng chọn ngành học của các em tránh né các việc lao động ở nhà xưởng, đồng ruộng. Việt Nam sắp có hai nhà máy điện hạt nhân nên thí sinh muốn học ngành hạt nhân. Tuy nhiên trong nhà máy này có rất nhiều vị trí khác như điện, công nghệ thông tin chứ không chỉ học hạt nhân ra mới làm việc được. Điều này là do các em nhận thức chưa đầy đủ về lĩnh vực nghề nghiệp cũng như định hướng ngành nghề chưa tốt. Có rất nhiều hình thức để hướng nghiệp cho các em. Chẳng hạn như đưa học sinh đến trường ĐH để tham quan cơ sở vật chất, trao đổi với thầy cô về chương trình đào tạo các ngành, qua đó hình dung được ngành nghề cũng như việc làm sau này. Hay như đưa các em đến các công ty, nhà máy để tìm hiểu cụ thể về các ngành nghề, từ đó định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Hiện nhiều sinh viên sau khi vào học một thời gian lại xin chuyển ngành vì cảm thấy ngành mình chọn không phù hợp. Không có ngành nào thấp kém. Mục đích học là tìm được công ăn việc làm ổn định. Do đó cần chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực, có nhu cầu nhân lực lớn để khi tốt nghiệp có thể có được việc làm.
- TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ thêm: hệ thống ngành nghề đào tạo hiện nay ở các trường mở rộng rất nhiều nên cơ hội để học sinh chọn được ngành phù hợp cũng rộng mở hơn. Trong quá trình học, sinh viên cũng có thể chuyển đổi nghề nghiệp. Việc chọn ngành đúng sở thích sẽ giúp người học phát huy tốt hơn các thế mạnh của mình. Lứa tuổi các em học sinh còn nhỏ nên xu hướng ngành nghề có thể thay đổi ở thời điểm sau này. Tuy nhiên, ngành học trước đây cũng sẽ giúp ích cho nghề nghiệp chuyển đổi sau này. Có cái bất hợp lý là trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người có bằng cấp cao hơn thì được trả lương cao hơn chứ chưa căn cứ vào năng lực và đóng góp của người làm việc. Nếu người học nghề được đào tạo tới nơi tới chốn, được trả lương xứng đáng theo năng lực thì xã hội sẽ phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho các em tốt hơn. Về nhu cầu cầu các ngành xã hội nhân văn, TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, thông tin: “Nhóm ngành xã hội hiện nay có rất nhiều khối thi cho từng ngành. Chuyện lựa chọn khối thi của học sinh nên theo năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành cao hơn. Trong quá trình học, học sinh không nhận diện được khối thi thì sẽ giảm thành công trong việc thi đỗ vào trường ĐH. Lựa chọn được đúng khối thi, cơ hội đến với các trường ĐH sẽ nhiều hơn. Vấn đề quan trọng là ngành nghề mình lựa chọn cho phù hợp. Về ngành nghề, bên cạnh khoa học tự nhiên, để phát triển cân bằng phải phát triển các ngành về xã hội. Tuy nhiên, dường như học sinh chưa rõ lắm về lựa chọn ngành xã hội. Chẳng hạn như khi chọn ngôn ngữ Anh, Pháp, Trung, Nga…thì rõ ràng rồi. Tuy nhiên, những ngành Nhật Bản học, Hàn Quốc học… là học về đất nước, con người chứ không chỉ đơn thuần là ngôn ngữ. Cách đào tạo sẽ trang bị cho sinh viên những kiến thức về đất nước, con người, kinh tế, chính trị… của quốc gia theo học chứ không chỉ về ngôn ngữ. Ngành các em lựa chọn theo nhóm ngành về “đất nước” nhiều hơn chỉ học đơn thuần về ngôn ngữ. Mong rằng các thầy cô sẽ tư vấn kỹ hơn cho học sinh để các em lựa chọn phù hợp”. * Năm nay Bộ GD-ĐT có phát hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 hay không? Những thông tin mới của kỳ tuyển sinh năm nay đã có chưa? - PGS-TS Ngô Kim Khôi: Dự kiến ngày 22-1 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội nghị thi và tuyển sinh 2013. Dự kiến sẽ có một số giải pháp bổ sung cho kỳ tuyển sinh năm nay. Về cơ bản thì kỳ thi vẫn áp dụng theo phương thức ba chung (chung đềm chung đợt và sử dụng chung kết quả). Chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng vẫn như các năm trước đây. Tiếp tục thực hiện chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào các ngành đúng hoặc gần với môn đạt giải quốc gia. Thí sinh các huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào ĐH, CĐ theo các tiêu chí do các trường đưa ra. Một số vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ sẽ được hưởng chính sách ứu tiên riêng trong tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu nhân lực. Kỳ thi ĐH, CĐ năm nay vẫn chia làm ba đợt với lịch thi như các năm trước đây. Trong đó có hai đợt dành cho thi ĐH và một đợt thi cho bậc CĐ. Các cụm thi vẫn giữ nguyên như năm 2012. Hồ sơ đăng ký dự thi sẽ có mẫu như năm 2012. Thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi dự kiến từ ngày 10-3 đến ngày 10-4 (tại các sở GD-ĐT) và từ 11 đến 17-4 tại các trường ĐH, CĐ. Sẽ có một số điều chỉnh về việc xét tuyển: qui định thời gian xét tuyển mỗi đợt ít nhất 20 ngày, thời gian cuối để xét tuyển sẽ rút ngắn lại để phù hợp hơn. Thí sinh được mang thiết bị ghi âm ghi hình không có chức năng truyền tin vào phòng thi để tăng cường kỷ luật phòng thi. Ngoài ra sẽ bổ sung qui định chấm thanh tra bài thi tự luận (chấm 10% bài thi tự luận) trước khi công bố, Bộ GD-ĐT sẽ chấm thẩm định bài thi ở một số trường và công bố công khai kết quả trên các phương tiện truyền thông. Cuốn những điều cần biết là tài liệu rất quan trọng gồm thông tin tuyển sinh của tất cả các trường ĐH, CĐ. Năm 2012 Bộ GD-ĐT không phát hành mà giao cho Nhà xuất bản Giáo dục VN phát hành. Năm nay tài liệu này cũng do NXB Giáo dục VN phát hành. Hiện Bộ đang tiếp nhận thông tin từ các trường và chuyển cho NXB Giáo dục biên tập và xuất bản. Ngoài ra Bộ cũng yêu cầu các trường chuyển thông tin để Bộ đăng tải trên trang web của Bộ để thí sinh tham khảo. Như vậy, thí sinh sẽ có nhiều kênh để tham khảo thông tin tuyển sinh của các trường. Ông Phạm Ngọc Thanh, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu bế mạc chương trình: “Buổi tọa đàm hôm nay giúp chúng tôi nắm lại thực trạng hướng nghiệp của các trường hiện nay. Từ đề xuất của các trường, chúng tôi sẽ có những quy định cụ thể để phát triển công tác hướng nghiệp cho học sinh. Khi TP.HCM có quy hoạch phát triển nhân lực, Sở GD-ĐT sẽ thông tin cho các trường để cùng phụ huynh, thí sinh tham khảo, xem xét lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Chúng ta hãy đồng hành với nhau để làm tốt hơn nữa công tác hướng nghiệp cho học sinh”. Ông Lê Thế Chữ, Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ tổng kết, buổi tọa đàm thu được hơn 20 ý kiến từ các thầy cô giáo đang làm công tác hướng nghiệp đặt ra. Ông Chữ nói: “Những vấn đề được nhắc đến nhiều như cần phải có giáo viên chuyên trách hướng nghiệp được đào tạo bài bản hơn, sớm hơn…Có câu được trả lời, có câu chưa được lý giải thấu đáo nhưng chúng tôi mong rằng thầy có đã có được những thông tin hữu ích để tư vấn hướng nghiệp cho học sinh của mình. Những ý kiến từ các thầy cô là những đơn đặt hàng cho Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM và báo TT làm tốt hơn vai trò của mình trong việc định hướng ngành nghề cho học sinh. Báo Tuổi Trẻ tiếp nhận đặt hàng từ thầy cô là cập nhật thông tin tuyển sinh thời sự hơn; thông qua các chương trình tư vấn chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin và tập trung nhiều hơn cho công tác tư vấn trực tuyến. Ở đó, tất cả những câu hỏi của học sinh, thầy cô chúng tôi sẽ tư vấn liên tục trên tuoitre.vn. Bên cạnh đó, những thông tin từ Bộ GD-ĐT, các trường ĐH, các trung tâm dự báo nguồn nhân lực…cũng được cập nhật thường xuyên tại địa chỉ trên. Chúng tôi trân trọng cám ơn Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM, các thầy cô giáo đã đồng hành cùng Tuổi Trẻ trong công tác định hướng ngành nghề cho học sinh”. Theo Thethaohangngay
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
||||||||||||||