|
Thầy Trần Thế Hoàng tư vấn cho HS Tiền Giang năm 2012 - Ảnh: Như Hùng |
- TS Trần Thế Hoàng: trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Trong thời gian qua, trên các phương tiện thông tin, các bạn cũng thấy khá nhiều trường ĐH, CĐ mở ngành tài chính - ngân hàng. Việc mở ngành mới tại các trường được Bộ Giáo dục - đào tạo thẩm định và cho phép. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này trong thời điểm kinh tế toàn cầu suy giảm, dẫn đến cơ hội việc làm không cao như dự báo 5-7 năm trước đây, đặc biệt bị ảnh hưởng là các chuyên ngành ngân hàng, chứng khoán…
Theo tôi, khi nền kinh tế thế giới hồi phục và phát triển, nhu cầu ngành tài chính - ngân hàng vẫn khá cao, đặc biệt là trình độ ĐH, sau ĐH.
Nếu thích lĩnh vực này, em có thể chọn đăng ký dự thi, vì có thích thú, đam mê mới có thể học tốt, thực hiện các mục tiêu do mình đặt ra. Cơ hội việc làm sẽ mở rộng đối với người học nếu tốt nghiệp từ các trường có kinh nghiệm đào tạo, có đội ngũ giảng viên trình độ cao, được trang bị các kỹ năng cần thiết phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
Trong ngành tài chính - ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ngoài ngân hàng, chứng khoán, còn có các chuyên ngành khác thu hút rất nhiều sinh viên giỏi đăng ký hằng năm như: tài chính doanh nghiệp, tài chính công, bảo hiểm… Năm 2011, 2012 trường tổ chức các lớp đào tạo chất lượng cao, trong đó sinh viên ngành tài chính - ngân hàng chiếm đa số và có kết quả học tập rất đáng phấn khởi.
Chúc em mạnh khỏe, học tốt, mạnh dạn đăng ký vào ngành mình yêu thích.
* Em đang là sinh viên năm nhất Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Tuy đã vào đại học nhưng do đặc thù trường, năm nhất vẫn học đại cương, sau 3 học kỳ mới phân ngành. Trước đây thi vào kinh tế một phần là do ý kiến ba mẹ, một phần do em cũng không biết mình phù hợp với ngành nghề gì, thấy lực học phù hợp với điểm xét tuyển của trường nên thi.
Hiện em đang rất phân vân không biết mình có thể làm gì, học gì. Trải qua học kỳ đầu tiên em nhận ra mình không thích môn học nào cả. Đọc được chương trình tư vấn hướng nghiệp, em rất muốn tham gia nhưng không biết có được không và nếu được thì sẽ phải làm những gì, đi đến đâu, mong được tham gia chương trình để sau học kỳ này em có thể chọn được chuyên ngành phù hợp.
- TS Trần Thế Hoàng: Bạn có thể liên hệ phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên của trường, nêu nguyện vọng của mình trong vấn đề tham gia tư vấn tuyển sinh.
Đến bây giờ, nếu vẫn còn băn khoăn ngành đào tạo, bạn có thể liên hệ cố vấn học tập để được tư vấn. Ngoài ra, phòng công tác chính trị của trường hoặc trung tâm quan hệ doanh nghiệp - hỗ trợ sinh viên, hay phòng quản lý đào tạo - công tác sinh viên, các khoa… cũng là những địa chỉ để bạn xin ý kiến tư vấn về các ngành, chuyên ngành đào tạo.
Theo kế hoạch đào tạo của trường, trước khi sinh viên đăng ký chính thức vào ngành, chuyên ngành khóa 38 (năm thứ nhất), trường tập trung toàn bộ sinh viên để nghe giới thiệu các ngành và chuyên ngành đào tạo, quy định xét tuyển vào ngành để các bạn có nhiều thông tin trước khi quyết định đăng ký chính thức.
Chúc bạn bớt băn khoăn và có quyết định sáng suốt trong việc chọn lựa ngành học của mình.
PHÚC ĐIỀN (TT)