23/02/2013 14:12 pm
Lê Thanh Tùng, sinh viên trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị, bán tranh thư pháp vẽ tay đã 2 năm nay. Tùng có hình thức kinh doanh khá chuyên nghiệp. Những bức thư pháp, tranh than chì của Tùng được đăng trên trang cá nhân Facebook và “đấu giá trực tiếp”. Mức giá từ 100 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng mỗi sản phẩm. Giá này được xem là tương đối “mềm” so với những địa điểm bán khác. Với “tài lẻ” viết thư pháp và vẽ tranh có hồn, những tác phẩm của Tùng được nhiều người yêu thích. Một số du khách nước ngoài, sau khi nhìn thấy tranh của Tùng ở triển lãm cũng đã đặt mua. Tùng có một nguồn thu nhập kha khá từ việc nắm bắt nhanh nhạy nhu cầu thị trường và linh hoạt trong cách thức kinh doanh. Tranh thư pháp của Lê Thanh Tùng rất đắt hàng dịp Tết.
Tùng chia sẻ: “Với mỗi bức tranh thư pháp lớn, trừ tiền mua nguyên vật liệu thì tôi có thể lãi từ 200 đến 300 nghìn đồng. Những tháng giáp Tết, số lượng hàng bán cũng nhanh hơn. Thu nhập của Tùng khá ổn nhờ việc hợp tác kinh doanh với các cửa hàng lưu niệm tuy phải chia sẻ tiền hoa hồng nhưng bù lại lượng khách hàng ổn định, sản phẩm bán nhanh hơn”. Những bạn trẻ không có vốn để mua hàng kinh doanh thì lựa chọn cách kiếm tiền nhờ sự khéo tay và tỉ mỉ của mình. Năm ngoái, Phạm Thị Thúy, sinh viên trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, chọn làm thêm ở siêu thị Big C. Công việc vất vả, phải làm liên tục đến sát Tết mà tiền lương lại eo hẹp. Năm nay, Thúy nhận tranh thêu tại các của hàng về nhà làm. Mỗi bức tranh thêu, tiền công của Thúy có thể dao động từ 50 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng tùy theo kích thước tranh. Thúy cho biết: “Một bức tranh thêu nhỏ mất khoảng 2 ngày, những bức lớn hơn thì mất khoảng 5 ngày. Năm nay được nghỉ Tết khá sớm, tôi nhận nhiều hàng về làm nên thu nhập cũng khá hơn”.
Thêu tranh là công việc làm thêm nhẹ nhàng được nhiều bạn nữ lựa chọn.
Khác với mục đích kinh doanh của nhiều sinh viên ngoại tỉnh, Nguyễn Hoài Thương, ở Tràng Thi, Hà Nội bắt đầu làm socola hand-made vì sở thích. Sau khi tham gia một khóa học làm bánh, Thương làm thử các mẫu bánh socola cho bạn bè thưởng thức, và nhận được những lời nhận xét tích cực. Bạn bè khuyến khích Thương bán các sản phẩm hand-made của mình qua mạng. Kết quả ngoài sức tưởng tượng, dù chỉ mới tập tành kinh doanh nhưng món socola Nama tươi của Nhật Bản do Thương tự tay làm đã có nhiều đơn đặt hàng cho dịp Tết và lễ Valentine. Hoài Thương chia sẻ: “Món socola Nama tươi của tôi sở dĩ hút khách vì đã chọn lọc kĩ lưỡng từ khâu nguyên liệu, dụng cụ làm bánh. Bánh muốn ngon phải có đầy đủ các nguyên liệu chế biến như socola đen, rượu rum, bơ nhạt, kem whipping. Các nguyên liệu này đều có bán ở siêu thị lớn, nhưng một số nguyên liệu khó kiếm phải đặt hàng từ nước ngoài. Ngoài ra cũng cần một chút ít khéo tay và kĩ năng làm bánh nữa…”. Năm nay, một số công việc kinh doanh không đòi hỏi nhiều kĩ năng và thời gian như nhập hàng từ chợ đầu mối đem bán ở các trường đại học cũng được nhiều sinh viên lựa chọn. Các mặt hàng được ưa chuộng và dễ bán mùa giáp Tết là những đồ dùng cần thiết trong thời tiết giá lạnh như: khăn quàng, găng tay, quần legging, tất chân, bịt tai, túi sưởi… Sinh viên thường lấy hàng từ chợ đầu mối lớn Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), đem về bán ở kí túc xá, cổng trường đại học, khu nhà trọ khu vực nội đô. Chỉ cần một nguồn vốn nhỏ có thể quay vòng và chút ít khéo léo trong giao tiếp, nhiều bạn trẻ đã “dắt túi” từ bảy trăm ngàn đến một triệu đồng một chuyến hàng. Sự chủ động tìm kiếm những cơ hội kinh doanh trong dịp Tết không chỉ đem lại một nguồn thu nhập đáng kể mà còn giúp sinh viên có thêm nhiều kinh nghiệm sống quý giá cho tương lai. Theo Infonet
|
>> Sinh viên cần cẩn trọng với "bẫy"việc làm thêm mùa tết 2013
>> 6 lưu ý sinh viên cần nhớ khi tìm việc làm thêm mùa tết 2013
>> Việc làm thêm Tết 2013: Sinh viên đổ xô đi giúp việc, trông nhà
>> Giới trẻ hào hứng lên ý tưởng kinh doanh dịp Tết 2013