22/10/2012 17:30 pm
Dù trẻ mới lên 3, nhiều bậc phụ huynh đã cố "ép" con mình tham gia các lớp nhạc, họa, múa; các lớp năng khiếu về thể thao, với lịch học kín tuần Trong 3, 6, 9, 12 tháng học ấy, nhiều cha mẹ mơ con mình trở thành thiên tài.
Nhiều trẻ bị ép học năng khiếu theo ý bố mẹ. Ảnh minh họa "Ép" con thành... thiên tài Theo tìm hiểu của PV, với mong muốn con trở thành "thần đồng", thiên tài, nhiều phụ huynh đã nhờ "thầy" chọn "năm vàng" để sinh con, cố "dụ" thiên tài từ ngay trong bụng mẹ bằng việc cho thai nhi nghe nhạc cổ điển. Khi bé vừa chào đời, các bậc phụ huynh đã mua đủ loại sữa ngoại tẩm bổ, để sau này con siêu thông minh. Thậm chí, trẻ mới lên ba đã bị bố mẹ "ép" trở thành thiên tài bằng cách bắt con học nhạc, vẽ, tiếng Anh… Không chỉ bắt con quay cuồng với lịch học thêm các môn chính khóa ở trường, chị Thu Thủy (Hà Đông, Hà Nội) còn bắt cậu con trai mới học lớp 1 phải vật lộn với lịch học thêm các môn năng khiếu nhạc, họa và võ. Tối nào cũng thế, nhà chị Thủy luôn ầm ĩ những tiếng mẹ quát con học. Từ nhỏ, Tuấn - con trai chị đã nổi tiếng là ham học và thông minh. 4 tuổi, cậu bé đã thuộc bảng chữ cái và có thể làm phép tính cộng trừ trong phạm vi 10. Con mới vừa học lớp 1, chị Thủy đã ép vào "khuôn khổ", rèn con thành giỏi nhất trong lớp. Tất cả những bài toán khó ở lớp, Tuấn giải được đầu tiên. Thấy cô giáo khen con, chị Thủy càng ra sức ép con học. Lịch học bán trú ở trường đã kín, tối đến chị Thủy thuê gia sư dạy Toán, tiếng Anh… cho con ở nhà. Chị đi lùng mua các cuốn sách nâng cao để con học. Hy vọng lớn nhất của chị là con sẽ trở thành "thần đồng". Tuấn được nghỉ thứ 7, Chủ nhật, chị Thủy đăng ký cho con tham gia học võ, họa và nhạc. Ban đầu Tuấn cũng ham học, nhưng suốt ngày học hết môn này đến môn khác, bé phát sợ. Hơn thế, những bài mẹ giao, thầy gia sư giảng chẳng giống ở trên lớp, khiến cậu gặp khó khăn khi tiếp thu, làm bài tập. Buổi sáng thức dậy, nghe nói đi học là Tuấn sợ hãi. Và mới chỉ sau nửa học kỳ, cậu bé không còn giữ vị trí số 1 về toán ở lớp. Không chỉ riêng trường hợp chị Thủy, thời gian vừa qua, rất nhiều bậc phụ huynh đã "ép" con trở thành thiên tài với lịch học kín đặc từ môn chính khóa đến năng khiếu. Chi hơn chục triệu con mới biết nốt... "đồ" Thấy con có khả năng ca hát và bập bẹ mấy từ tiếng Anh, chị Vân Hằng (Nguyên Hồng, Hà Nội) liền đăng ký cho con theo học tiếng Anh và thanh nhạc. Chị Hằng hy vọng, học thêm con sẽ phát huy hết sở trường từ nhỏ. Vậy là, mới 3 tuổi, bé Văn Đình đã phải học một tuần 3 buổi nhạc và 2 buổi tiếng Anh. Không dừng lại ở đó, nghe có lớp hay, thầy giỏi ở đâu, chị Hằng lại đăng ký cho con học ngay. Lớp học nhạc của Đình chỉ có một thầy một trò. Một tuần 3 buổi đã ngốn tới cả triệu đồng. Ban đầu, cậu bé cũng thích khi được đi học nhạc. Sau thì Đình ủ rũ. Có lần, vì sợ học mà Đình giả vờ ốm để mẹ không bắt đi học. Kết cục, sau 4 tháng học nhạc (học phí 4 triệu/tháng), chị Hằng muốn con trổ tài, nhưng cậu bé chỉ đánh được duy nhất nốt… đồ!? Môn tiếng Anh cũng vậy, cậu bé chỉ bập bẹ nói được vài từ xin chào, tạm biệt... Bên cạnh việc ép con học, nhiều bậc phụ huynh còn mua những cuốn sách dạy trẻ trở thành thiên tài, hay sách "luyện" bộ não để trở thành thiên tài... Chị Minh Nguyệt (Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết, được bạn bè tư vấn mua sách "luyện" bộ não của trẻ thành thiên tài, chị cũng mua về thử nghiệm. "Tôi chưa biết tác dụng của những cuốn sách đó đến đâu, nhưng theo những gì tôi đã đọc, cuốn sách cung cấp những kiến thức cơ bản và trực quan về bộ não của con người nói chung và những cách cụ thể để có thể rèn luyện bộ não của mình ngay từ khi còn nhỏ. Cuốn sách này nói về việc làm thế nào để khiến các tế bào não không ngừng làm việc và có thể giúp bạn trở thành thiên tài. Tôi tin rằng, người lớn có thể toàn quyền rèn luyện bộ não của trẻ", chị Nguyệt vui vẻ nói. Để con thành thiên tài, các bà mẹ không những lo cho bé từ trong bụng mẹ mà công cuộc nuôi dưỡng thiên tài còn cả một quá trình dài đằng đẵng nhiều năm sau đó. Thậm chí, các bậc phụ huynh còn mong trường có những bài kiểm tra IQ, EQ cho con, với hy vọng là con họ ở mức chỉ số IQ của một... thiên tài. Nhiều người còn mách nhau mang con đến các trung tâm đặt trong các trường mầm non quốc tế tại khu vực Hoàn Kiếm, Ba Đình (Hà Nội) để kiểm tra IQ. Mặc dù những bài kiểm tra này không gây hại cho các cháu, nhưng nó thể hiện sự kỳ vọng thái quá của nhiều phụ huynh. Con chưa thành thiên tài đã... tự kỷ Nhiều phụ huynh mong muốn, con vừa phải giỏi văn hóa, vừa phải giỏi năng khiếu. Làm thế nào để con luôn đứng vị trí số 1 ở trường, nhưng lại phải thành thạo các môn ngoại khóa (nhạc, họa, múa...). Thế là ép con học dưới danh nghĩa tạo mọi điều kiện cho con. Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga, phụ huynh cần phải nhận thức rằng, không thể "ép" con thành thần tài nếu như đứa trẻ không có trí thông minh và năng khiếu. Kể cả với những bé có năng khiếu, bố mẹ cũng cần phải có một hướng phát triển rõ ràng cho con, tránh tâm lý chán nản, căng thẳng ở trẻ. Bác sĩ Quách Thúy Minh - Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, nếu bố mẹ thúc ép, bắt con luyện tập, không cho con phát triển đúng với lứa tuổi của mình, có thể khiến con mệt mỏi, sợ sệt ngay cả khi đối diện với năng khiếu vốn có. Khi đó, con trẻ xuất hiện tâm lý căng thẳng, học đối phó, về lâu dài có thể gây ra áp lực tâm lý nặng nề cho con. Tai hại hơn, khi con trẻ đã lớn, những biểu hiện trên vẫn có thể ảnh hưởng tới tâm lý, biến con thành người cô lập, trầm uất, rụt rè, nhút nhát. Bố mẹ cũng không nên đặt ra mục tiêu bắt con phải "chín ép" khi con vẫn còn quá nhỏ. Những sự cấm đoán hay thúc ép đó đều không có lợi cho sự phát triển của bé. Cha mẹ nên tự cho con khám phá, học hỏi theo tự nhiên. Theo bác sĩ Minh, đối với bậc cha mẹ, ai cũng cố gắng tạo điều kiện tốt nhất cho con cái, mong con giỏi giang, vượt trội, xuất chúng. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có tố chất của thiên tài. Thực tế cho thấy, không ít em từ nhỏ được phong là "thần đồng" nhưng lớn lên cũng không khá hơn những bạn cùng trang lứa, thậm chí có em còn kém hơn bạn bình thường. Chính danh hiệu "thần đồng" đã khiến nhiều trẻ em phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch, nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ 4 - 5 tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn nhào nặn con thành người đặc biệt trong tương lai đang ngày càng tăng. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như biết nói, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức bồi dưỡng kiến thức cho con. Từ chỗ nhanh nhẹn, linh hoạt sau một thời gian bị "nhồi" quá nhiều thông tin mà bộ não trẻ chưa thể tiếp nhận được nhiều như vậy. Những đứa trẻ "thần đồng" trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số là tỏ ra rất sợ sệt. Đây là điều vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe tâm thần, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này. Ngân Giang (NDT)
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |