Cạm bẫy việc làm thêm sinh viên: Nâng cao cảnh giác với những công ty "ma"

Dù sử dụng lại những chiêu trò cũ nhưng nhiều công ty "ma" vẫn đưa hàng trăm sinh viên vào bẫy dễ dàng. Phải chăng, lỗi một phần là do cách suy nghĩ thiếu thực tế của không ít sinh viên?

Cam bay viec lam them sinh vien: Nang cao canh giac voi nhung cong ty \

Cảnh giác nên không bị lừa

Nguyễn Thị Lan (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) thở phào vì trước đó, cô bạn suýt bị lừa. Một người bạn của Lan nói rằng, sẽ giới thiệu để Lan viết tin, bài cho một trang mạng khá tên tuổi. Khi Lan nói chưa chuẩn bị kịp hồ sơ, cô bạn bảo chỉ cần photo chứng minh thư nhân dân và mang thẻ sinh viên đến, cô bạn sẽ xin giúp.Theo chỉ dẫn của cô bạn, Lan bắt xe buýt tới địa chỉ Lô 4, C8 khu Mỹ Đình I để phỏng vấn. Người tới xin việc rất đông, đủ thành phần, lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn là sinh viên. Tiếp chuyện Lan là cô bạn và một người thanh niên còn khá trẻ. Người thanh niên nói, muốn viết bài cho trang này thì phải là hội viên của công ty, nghĩa là phải mua một gian hàng điện tử với giá 5,2 triệu đồng. Tiếp sau đó, anh ta thao thao bất tuyệt về cách làm việc hiệu quả cũng như mức thu nhập khổng lồ mà Lan có thể đạt được. Cụ thể, những tháng đầu, công việc chưa thuận lợi lắm thì tiền lời sẽ chỉ 2 đến 3 triệu đồng nhưng khi đã lên "VIP" thì thu nhập 100 triệu đồng mỗi tháng là chuyện bình thường.

Công việc khá đơn giản, chủ yếu là phải có tiền đầu tư ban đầu và  thời gian online  để tiếp thị sản phẩm cho gian hàng điện tử của mình. Sản phẩm ở đây là những mặt hàng rất thông dụng như sim thẻ điện thoại, áo sơ mi… Lan sẽ được nhập các mặt hàng với giá thấp hơn so với giá thị trường để ăn chênh lệch. Đặc biệt, lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều, nếu xây dựng được một mạng lưới làm việc cho mình. Khi Lan băn khoăn  hình thức kinh doanh này khá giống với kinh doanh đa cấp, cả hai đều phủ định. Tuy nhiên, họ không giải thích được chúng khác nhau ra sao. Nhận thấy có nhiều điểm bất thường nên Lan nêu lý do không có tiền tham gia để từ chối.

Khi hàng loạt đường kinh doanh theo mạng bị công an điều tra, Lan chia sẻ: "Mình cũng cần có việc làm thêm để trang trải phần nào tiền sinh hoạt học tập. Nhưng không phải vì thế mà thiếu cảnh giác được. Mình không trách cô bạn vì bạn ấy cũng chỉ là người bị hại".
Một người bạn cùng cảnh ngộ Lan chia sẻ: "Rất nhiều  nhân viên của công ty đa cấp này là các bạn sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Lợi nhuận kiếm được từ chênh lệch sản phẩm không nhiều chủ yếu là mời người quen tham gia mua gian hàng thôi". Tuy nhiên, rất ít bạn sinh viên có thể nhận ra được điều đó.

Tiền lương luôn tương xứng với năng lực làm việc

Không khó để tìm thấy những thông tin tuyển dụng như: Tuyển nhân viên bán vé máy bay, vé xem phim, nạp thẻ điện thoại, đi giới thiệu các nhãn hàng sản phẩm nổi tiếng nhân ngày lễ... mà chẳng yêu cầu trình độ, bằng cấp. Chúng được đăng nhan nhản trên các trang rao vặt, dán ở các cột đèn, điểm xe buýt, thậm chí, phát tràn lan ở các cổng trường đại học. Và cũng không khó để nhận ra những tin đó là lừa đảo. Những chiêu trò tưởng chừng "xưa như Trái Đất" ấy hằng năm, vẫn đưa được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh viên vào tròng. Rất nhiều bạn sinh viên có tâm lý ngại vất vả mà lại thích chóng giàu nên không đủ tỉnh táo để suy xét.

Chia sẻ về điều này, anh Giang Thiên Phú, Trưởng phòng Kỹ thuật sản phẩm CBT, công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình nói: "Muốn hưởng thành quả thì phải lao động. Thu nhập luôn tương xứng với năng lực và công sức mà bạn bỏ ra. Bởi vậy, những hình thức lao động ít hoặc không phải lao động mà vẫn hưởng thành quả nhiều hơn sức mà mình bỏ ra, hầu hết đều là lừa đảo". Anh Trịnh Ngọc Thái, chuyên viên tuyển dụng của FPT-IS bổ sung thêm: "Trong trường hợp cảm thấy không an toàn, bạn nên hỏi những người có kinh nghiệm đi trước và lên Google để kiểm tra thông tin về công ty đó. Trong trường hợp phải đặt cọc, cần lấy giấy biên nhận hoặc giấy cam kết có chữ ký của người có trách nhiệm và dấu tròn của công ty".

Hiện nay, không chỉ có sinh viên mà ngay cả những người đã đi làm như viên chức Nhà nước vẫn bị lừa. Nhẹ thì mất vài trăm ngàn đồng tiền đặt cọc, nặng thì mất tiền triệu. Khi biết mình bị lừa, nạn nhân thường phải "ngậm bồ hòn làm ngọt", xem đó là một bài học cho mình vì rất khó có chứng cứ để giải quyết những trường hợp như thế. Đã có nhiều kinh nghiệm tìm việc, Lan cũng chia sẻ thêm: "Các bạn có thể nhận biết công ty lừa đảo qua các dấu hiệu như: Thông tin về công ty không rõ ràng, tên công ty khác nhau nhưng lại có cùng một địa chỉ. Ngoài ra, khi đến phỏng vấn, thường các công ty nghiêm túc sẽ không yêu cầu đặt tiền đặt cọc".

Những dấu hiệu đơn giản nhận diện các công ty "ma": 

- Văn phòng thuê ở những ngõ, ngách nhỏ, địa bàn phức tạp.
- Văn phòng không được đầu tư trang bị một cách chu đáo, nhân viên lèo tèo vài ba người.
- Không có chế độ phúc lợi nào khác, ngoài tiền lương.
- Phải đặt cọc hoặc đặt bằng gốc, phải giới thiệu thêm ứng viên vào cùng làm.
- Công ty không có chính sách gì cho người lao động.
- Đăng tuyển dụng trên các trang web miễn phí.
- Không có thương hiệu trên thị trường.
- Không có trang web chính thức hoặc trang web không đăng ký.
- Không có dấu tròn.

Nguyễn Thị Trà (SVVN)

Viết bình luận: Cạm bẫy việc làm thêm sinh viên: Nâng cao cảnh giác với những công ty "ma"

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247