Đào tạo thạc sĩ theo 2 hướng Nghiên cứu và ứng dụng

Chất lượng đào thạc sĩ đang đi xuống, tình trạng nới lỏng đầu vào, dễ dãi trong giảng dạy và đầu ra trở nên phổ biến.

Xem thêm: Đào tạo thạc sĩ: Tuyển sinh "xô bồ", chất lượng tụt dốc

Bộ GD - ĐT vừa công bố dự thảo Quy chế đào tạo thạc sĩ, thay thế cho quy định năm 2011, với nhiều quy định mới. PV TN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga xung quanh việc làm thế nào để đảm bảo chất lượng đào tạo bậc thạc sĩ.  

Có 2 hướng đào tạo: Nghiên cứu và ứng dụng

Dự thảo quy chế đào tạo thạc sĩ mới đã có quy định ngoài hướng nghiên cứu như đang thực hiện còn có hướng ứng dụng. Xin ông cho biết giá trị của loại hình đào tạo này như thế nào? Người học có được sử dụng bằng cấp như bằng thạc sĩ nghiên cứu hay không?

Đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng không phải là mô hình mới. Tuy nhiên ở Việt Nam vẫn chỉ quy định một loại hình thạc sĩ chung chung, không ra nghiên cứu cũng không ra ứng dụng khiến cho chất lượng đào tạo thạc sĩ không đảm bảo. Luật Giáo dục ĐH bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1.2013 đã quy định tách bạch chương trình đào tạo nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy, quy định của Bộ phải điều chỉnh cho phù hợp.

 Siết chặt đầu vào đào tạo thạc sĩ
Các thạc sĩ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp. Quy chế đào tạo thạc sĩ mới có nhiều điểm tăng cường chất lượng ở bậc học này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Bằng cấp của cả 2 hướng đào tạo đều không phân biệt về trình độ. Người học theo chương trình nào cũng đều có trình độ thạc sĩ. Tuy nhiên, nếu theo học nghiên cứu thì có thể làm tiến sĩ ngay. Người theo học hướng ứng dụng chỉ để đi làm. Nếu muốn học lên trình độ tiến sĩ phải bổ sung thêm kiến thức theo yêu cầu của từng trường. 

Thưa ông, nhưng hiện nay mẫu văn bằng thạc sĩ chỉ có một loại. Vậy làm sao để phân biệt được 2 loại hình đào tạo này?

Khi quy chế mới được ban hành thì quy định về văn bằng cũng phải sửa đổi. Bằng thạc sĩ sẽ được chia theo 2 hướng. Loại thứ nhất là nghiên cứu, loại thứ hai gọi theo nghề nghiệp như: bằng thạc sĩ kỹ thuật hoặc quản trị kinh doanh… ghi rõ trên văn bằng. Người học sẽ được cấp kèm bảng điểm, thể hiện chương trình đào tạo để phân biệt người học tốt nghiệp loại hình nào.

Như vậy, Quy chế đào tạo tiến sĩ cũng sẽ phải điều chỉnh về điều kiện văn bằng để được làm tiến sĩ?

Đúng vậy. Quy chế đào tạo tiến sĩ cũng sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với luật Giáo dục ĐH. Xu hướng các nước trên thế giới theo thạc sĩ ứng dụng rất đông, hướng nghiên cứu thường ít hơn. Những người  theo hướng nghiên cứu sẽ lên làm nghiên cứu sinh tiến sĩ và được đầu tư bài bản để đảm bảo chất lượng. Không như ở Việt Nam hiện nay, mục tiêu đào tạo không rõ ràng nên chúng ta không tập trung đầu tư và khó đảm bảo chất lượng.

Kiểm định và xếp hạng các trường

 
 

Chương trình đào tạo khác nhau

Việc đào tạo thạc sĩ nghiên cứu sẽ rất nặng, người học chỉ có tập trung nghiên cứu thôi và luận văn tốt nghiệp cũng rất nặng. Dự thảo quy chế đã nêu rõ: Đối với chương trình theo hướng nghiên cứu nội dung đào tạo gồm ít nhất 60% thời lượng dành cho khối kiến thức nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Chương trình theo hướng ứng dụng thì khối lượng kiến thức thực hành, nâng cao khả năng hoạt động thực tiễn chiếm ít nhất 60%. Đề tài luận văn cũng chia theo 2 hướng: Theo định hướng nghiên cứu là một công trình khoa học, có đóng góp mới về mặt học thuật, về mặt lý luận, chứa đựng những tri thức mới có giá trị cho sự gia tăng tri thức khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu; theo định hướng ứng dụng là một báo cáo chuyên đề kỹ thuật, công nghệ hoặc quản lý nhằm giải quyết một vấn đề mang tính thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu.

 


Như vậy các trường sẽ phải xây dựng lại chương trình cho phù hợp? Làm thế nào để kiểm soát được chương trình của các trường đảm bảo đúng quy chế, thưa ông?

Bộ không quy định chương trình khung nữa mà  sẽ do các trường tự xây dựng và sẽ được kiểm soát khi đăng ký mở ngành đào tạo. Bộ sẽ xem xét các chương trình trường đăng ký khi mở ngành có đảm bảo đúng các hướng đào tạo hay không. Ngoài ra, các trường đều phải tham gia kiểm định chất lượng và chịu sự giám sát của xã hội. Sắp tới, Bộ sẽ cho phép thành lập các trung tâm kiểm định độc lập để kiểm định và xếp hạng chương trình đào tạo của các trường. Như vậy người học sẽ biết chương trình nào đảm bảo chất lượng để đăng ký theo học.

Thưa ông, dự thảo lần này lại cho miễn thi đầu vào ngoại ngữ với một số đối tượng. Điều này, liệu có nảy sinh tiêu cực vì bằng cấp có thể mua bán được? Tại sao lại không thắt chặt đầu ra như quy định hiện hành?

Quy chế lần này là nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thạc sĩ và đã siết chặt ngay từ đầu vào bằng việc quy định học viên phải dự thi môn ngoại ngữ. Đối với môn ngoại ngữ thí sinh phải đạt yêu cầu trình độ ngoại ngữ tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 của khung châu Âu chung; đối với học viên đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành ngoại ngữ, trình độ năng lực ngoại ngữ thứ hai của học viên cũng phải đạt yêu cầu theo quy định này. Quy chế chỉ cho phép miễn thi đối với một số trường hợp mà bằng cấp của họ đã đạt yêu cầu như: bằng tốt nghiệp trình độ ĐH được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; bằng tốt nghiệp ĐH chính quy ngành ngoại ngữ phù hợp với  yêu cầu của chương trình đào tạo; Chứng chỉ trình độ ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ… Trước đây, quy chế không yêu cầu phải thi đầu vào ngoại ngữ mà chỉ cần đạt trình độ khi tốt nghiệp nhưng quy định này không đảm bảo chất lượng đào tạo. Quy chế lần này có thể dẫn đến việc tuyển sinh khó khăn hơn nhưng Bộ vẫn quyết tâm nâng cao chất lượng của trình độ đào tạo này.

Theo dự thảo, Bộ cho phép đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng ở ngoài nhà trường khi cần thiết. Điều này liệu có đảm bảo được chất lượng không, thưa ông?

Quy chế khẳng định việc đào tạo thạc sĩ phải được thực hiện ở cơ sở đào tạo, không được phép ngoài nhà trường. Tuy nhiên quy chế cũng để mở để có thể cho phép được đào tạo đối với các trường hợp cần thiết. Ví dụ, tại các vùng khó khăn đang thiếu nguồn nhân lực như Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ. Hoặc đối với những đối tượng đang làm nhiệm vụ đặc biệt  không thể đến cơ sở đào tạo để theo học được. Tuy vậy sẽ rất hạn chế việc đào tạo này.

 

Yêu cầu chấm dứt đào tạo thạc sĩ ngoài nhà trường tại ĐH Bách khoa Hà Nội

Ngày 7.12, Bộ GD - ĐT đã tổ chức hội nghị sơ kết việc thí điểm giao quyền tự chủ cho Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trao đổi với PV TN sau khi kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Trường này đã đề nghị Bộ cho miễn thi đầu vào đối với loại hình đào tạo thạc sĩ nghề nghiệp (đây là trường đầu tiên được thí điểm đào tạo loại hình này - PV) nhưng Bộ không đồng ý vì luật Giáo dục ĐH đã quy định đối với bậc thạc sĩ là phải tổ chức thi đầu vào. Về việc trường này đã tổ chức đào tạo thạc sĩ nghề nghiệp ngoài nhà trường (như Thanh Niên đã phản ảnh), Thứ trưởng Ga nhận định: “Việc đào tạo như vậy là không được phép và Bộ đã yêu cầu phải chấm dứt tình trạng này”.

Theo Thethaohangngay

 

NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247!

Nếu em đang: 

  • Mong muốn bứt phá điểm số học tập nhanh chóng
  • Tìm kiếm một lộ trình học tập để luyện thi: TN THPT, ĐGNL, ĐGTD, Vào lớp 10
  • Được học tập với Top giáo viên hàng đầu cả nước

Tuyensinh247 giúp em: 

  • Đạt mục tiêu điểm số chỉ sau 3 tháng học tập với Top giáo viên giỏi
  • Học tập với chi phí tiết kiệm, đầy đủ theo ba đầu sách
  • Luyện thi bám sát cấu trúc từng kì thi theo định hướng của BGD&ĐT

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY



Viết bình luận: Đào tạo thạc sĩ theo 2 hướng Nghiên cứu và ứng dụng

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247