02/07/2014 10:30 am
Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2014 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ AnCâu 1. (10,0 điểm) Đọc kỹ đoạn thơ và thực hiện các yêu cầu sau: Ngửa mặt lên nhìn mặt có cái gì rưng rưng như là đồng là bể như là sông là rừng Trăng cứ tròn vành vạnh kể chi người vô tình ánh trăng im phăng phắc đủ cho ta giật mình. (Ánh trăng - Nguyễn Duy, Ngữ văn 9, tập một, NXBGD, tr.156) a. (1,0 điểm): Xác định các từ láy trong đoạn thơ . b. (3,0 điểm): Chỉ rõ những tín hiệu nghệ thuật chủ yếu được tác giả sử dụng trong đoạn thơ. Nêu ý nghĩa của những tín hiệu nghệ thuật đó. c. (6,0 điểm): Hãy trình bày suy nghĩ của em về cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn đặt ra từ đoạn thơ trên. Câu 2. (10,0 điểm) Văn học luôn quan tâm số phận con người, nhưng mỗi tác giả lại có một cách khám phá, thể hiện riêng. Bằng cảm nhận của mình về hình ảnh cái bóng trên vách trong Chuyện người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ) và hình ảnh chiếc lá trên tường trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng (O. Hen-ri), em hãy làm sáng rõ nhận định trên.
----- HẾT ----- Đáp án Đề thi vào lớp 10 môn Văn năm 2014 trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ AnCâu 1.(10,0 điểm) a.Từ láy có trong đoạn thơ: rưng rưng, vành vạnh, phăng phắc (1,0 điểm) b. Tín hiệu nghệ thuật chủ yếu và ý nghĩa: - Tín hiệu nghệ thuật chủ yếu: HS chỉ cần chỉ ra được tối thiểu 3 trong những tín hiệu sau (1,5 điểm): + Dùng nhiều biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, điệp ngữ, liệt kê, đối lập + Dùng từ láy gợi tả, gợi cảm; từ nhiều nghĩa ( mặt, tròn, im) + Hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng… + Thể thơ năm chữ, có sự sáng tạo trong việc dùng dấu câu và chữ viết đầu dòng + Kết hợp nhuần nhuyễn trữ tình và tự sự, giọng điệu tâm tình - Ý nghĩa (1,5 điểm) + Gợi tả vẻ đẹp vầng trăng thiên nhiên: tròn đầy, nên thơ, nghĩa tình, bao dung. + Đó cũng là vẻ đẹp của quá khứ, tấm lòng nhân dân, đất nước hiền hậu, ân tình. + Thể hiện sự thức tỉnh, sám hối, ân hận, tự vấn của người lính (nhân vật trữ tình) trước lỗi lầm của mình và triết lí Uống nước nhớ nguồn. c. Suy nghĩ về cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn đặt ra trong đoạn thơ (6,0 điểm) * Giải thích, làm rõ cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn đặt ra trong đoạn thơ: - Giật mình ở đây là một trạng thái tâm lí, cảm xúc, đột nhiên nhận ra điều mình làm chưa đúng với lương tâm, đạo lí. - Cái giật mình thể hiện trong đoạn thơ: Nhân vật trữ tình- người lính giật mình vì thái độ sống vô tình vô nghĩa, lãng quên ánh trăng. Anh sám hối, ân hận, tự vấn lương tâm … - Cái giật mình giàu ý nghĩa nhân văn thể hiện sự bừng tỉnh, tự ý thức đáng quý, cần có để làm người theo đúng đạo lí uống nước nhớ nguồn. * Trình bày suy nghĩ của bản thân: - Trong cuộc sống, con người không ai tránh khỏi những sai lầm. Điều quan trọng là sớm nhận ra sai lầm, từ đó có ý thức sửa chữa sai lầm, hoàn thiện bản thân. - Những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng đối với người khác hay xã hội thì dễ nhìn thấy, song có những sai lầm trong hành vi ứng xử hàng ngày không phải ai cũng nhận thức được ngay. Sai lầm được soi chiếu dưới góc độ luật pháp thì dễ phát hiện; song những sai lầm chỉ phán xét bằng lương tâm thì cần phải có thái độ phục thiện. - Để điều chỉnh hành vi, hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện bản thân, con người không chỉ biết noi gương, học tập, lắng nghe ý kiến, dư luận xã hội, mà quan trọng nhất là biết tự nhìn nhận, soi chiếu lại mình, phải biết giật mình trước những biến động của xã hội và của bản thân. - Trong cuộc đời cần biết giật mình không chỉ trước lối sống vô tình vô nghĩa mà trước mọi thái độ, hành vi sai lầm của mình. Bởi ý thức tự nhận thức này giúp con người điều chính hành vi bản thân phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Giật mình là biểu hiện của ý thức tự giác, xuất phát từ lương tâm, giúp con người nâng cao năng lực và hoàn thiện nhân cách. - Phê phán thái độ vô cảm, lẩn tránh, không giám thừa nhận sai lầm, hoặc không biết rút ra bài học từ sai lầm. * Bài học nhận thức và hành động: - Nhận thức sâu sắc bài học phê bình và tự phê bình - dũng cảm nhận lỗi và có ý thức sửa lỗi ngay từ những điều nhỏ nhất. - Biết bao dung, độ lượng trước lỗi lầm của những người xung quanh và tạo cơ hội để họ sửa chữa. Biểu điểm: - Điểm 5 - 6: Đáp ứng được các yêu cầu trên, lập luận logic, hành văn trong sáng, không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả. - Điểm 3,5 - 4,5: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, có thể mắc một vài lỗi nhẹ về diễn đạt, chính tả. - Điểm 2 - 3: Đáp ứng được một nửa yêu cầu, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, ngữ pháp, chính tả. - Điểm 1 - 1,5: Bài viết thiếu nhiều ý, lập luận chưa chặt chẽ, còn mắc khá nhiều lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả. - Dưới 1,0 điểm: Hoàn toàn lạc đề, diễn đạt lủng củng. Câu 2 (10,0 điểm) 1. Giới thiệu vài nét tiêu biểu về tác giả và tác phẩm. 2. Giải thích, khẳng định ý kiến - Khẳng định ý kiến đúng đắn vì xuất phát từ bản chất của sự sáng tạo văn chương. - Văn học luôn quan tâm số phận con người: Đối tượng của văn học là con người, trong đó văn học quan tâm nhất vẫn là vấn đề số phận. - Mỗi nhà văn có cách khám phá, thể hiện riêng: Bản chất của văn học là sáng tạo, mỗi hình tượng cũng như tác phẩm bao giờ cũng là sự sáng tạo mang dấu ấn riêng của cá nhân nhà văn; thể hiện một cách nhìn, cách nghĩ, cách lí giải riêng về thân phận con người bằng những hình thức nghệ thuật độc đáo. 3. Cảm nhận các hình ảnh để làm sáng rõ ý kiến * Hình ảnh chiếc bóng trên vách trong Chuyện người con gái Nam Xương: - Tái hiện hình ảnh chiếc bóng trên vách - Ý nghĩa: + Chiếc bóng - hiện thân của lòng tốt, tình mẹ con, đạo vợ chồng + Chiếc bóng cũng là nguyên nhân tạo nên bi kịch thê thảm đối với nhân vật Vũ Nương và đối với cái gia đình bé nhỏ của nàng. + Chiếc bóng thức tỉnh Trương Sinh, giúp chàng nhận ra nỗi oan của vợ. + Chiếc bóng thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của tác giả đối với con người:
- Về nghệ thuật: Tạo nên sự hàm súc, đa nghĩa đồng thời vừa thắt nút, mở nút tăng sức hấp dẫn cho tác phẩm. * Hình ảnh chiếc lá trên tường trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng: - Tái hiện hình ảnh chiếc lá trên tường - Ý nghĩa: + Thể hiện tình cảnh đáng thương của Giôn-xi: nghèo đói, bệnh tật nên tuyệt vọng, mất niềm tin vào cuộc sống. + Là kết tinh của hành động cao đẹp, vô tư, quên mình của người họa sĩ già. + Là biểu tượng của lòng nhân ái, đức hi sinh, sức mạnh của của niềm tin yêu cuộc sống. + Thể hiện tư tưởng, tình cảm và quan niệm của tác giả về con người, cuộc sống:
- Về nghệ thuật: Chi tiết này tạo nên tình huống đảo ngược và một kết thúc bất ngờ cho tác phẩm 4. Đánh giá chung: - Chiếc bóng trên vách và chiếc lá trên tường là những hình ảnh có thực từ đời sống được các tác giả đưa vào tác phẩm theo những cách riêng, thể hiện quá trình lao động nghệ thuật công phu, sáng tạo với dụng ý nghệ thuật riêng. Qua đó thể hiện sự quan tâm đến số phận con người, tấm lòng nhân đạo của các tác giả … Biểu điểm - Điểm 9- 10: Đáp ứng được các yêu cầu trên, lập luận logic, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh; không mắc các lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả. - Điểm 7-8: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, có thể mắc một vài lỗi nhẹ về diễn đạt, chính tả. - Điểm 5-6: Đáp ứng được một nửa yêu cầu, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, ngữ pháp, chính tả. - Điểm 3-4: Đáp ứng được gần nửa yêu cầu, còn mắc khá nhiều lỗi diễn đạt, ngữ pháp, chính tả. - Điểm 1-2: Không hiểu đề, diễn đạt lủng củng. Theo GV.Nguyễn Văn Đồng - trường THCS Nghĩa Đức, Nghệ An - Dethi.Violet Để nhận điểm thi vào lớp 10 tỉnh Nghệ An năm 2014 nhanh nhất, soạn tin:
THI (dấu cách) nghean (dấu cách) SBD gửi 8712 VD: Để tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2014 của thí sinh có SBD 156 thi tại Nghệ An Soạn tin: THI nghean 156 gửi 8712 Tuyensinh247 tổng hợp DÀNH CHO 2K10 - LỘ TRÌNH ÔN THI VÀO LỚP 10 NĂM 2025!
Tham khảo Khoá học lớp 9 - Lộ trình UP10 tại Tuyensinh247: - Đa dạng hình thức học: Học live tương tác, học qua bài giảng quay sẵn - Ôn thi vào 10 - Luyện đề vào 10 - Bộ 10.000+ câu hỏi, 500+ bài giảng, 300+ đề thi bám sát sườn cấu trúc đề thi từng tỉnh Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
>> Đề thi vào lớp 10 môn Văn 2014 tỉnh Nghệ An
>> Đề thi vào lớp 10 môn Toán tỉnh Nghệ An năm 2014