19/06/2014 13:41 pm
ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN VĂN KHỐI C,D - VỤ GD TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2014 - ĐỀ SỐ 1PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH Câu I (2 điểm) Tâp thơ Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh được sáng tác trong hoàn cảnh nào ? Hãy trình bày ngắn gọn những nội dung chính của tác phẩm này. . Câu II (5 điểm) Cảm nhận của anh/ chị về hình ảnh đất nước được thể hiện qua đoạn thơ sau trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi : Mùa thu nay khác rồi Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi Gió thổi rừng tre phấp phới Trời thu thay áo mới Trong biếc nói cười thiết tha
Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa
Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về. (Văn học 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr.86-87) PHẦN RIÊNG . Thí sinh chỉ được làm câu III.a hoặc III.b Câu III.a. Theo chương trình KHÔNG phân ban (3 điểm) Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Câu III.b. Theo chương trình phân ban (3 điểm) Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật Việt trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi ĐÁP ÁN ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC MÔN VĂN KHỐI C,D - VỤ GD TUYỂN SINH ĐẠI HỌC NĂM 2014 - ĐỀ SỐ 1PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ CÁC THÍ SINH Câu I (2 điểm) HS cần trình bày được : - Hoàn cảnh sáng tác của tâp thơ Nhật kí trong tù : Tháng 8 -1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường trở lại Trung Quốc với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam để tranh thủ sự viện trợ của thế giới. Sau nửa tháng trời đi bộ, đến Túc Vinh (Quảng tây, Trung Quốc), Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, bị giải đi gần 30 nhà lao của13 huyện Quảng Tây. Trong 13 tháng ở tù (từ mùa thu 1942 đến mùa thu 1943), Hồ Chí Minh đã sáng tác 133 bài thơ bằng chữ Hán và đặt tên là Ngục trung nhật ký tức Nhật ký trong tù. - Những nội dung chính của tâp thơ Nhật kí trong tù : + Phản ánh bộ mặt đen tối của chế độ nhà tù cũng như xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch + Thể hiện tâm hồn phong phú và cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng vĩ đại (lòng nhân ái, tinh thần yêu nước, ý chí, nghị lực phi thường, phong thái ung dung tự tại, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên …) Câu II (5 điểm) Có thể trình bày bài làm theo nhiều cách khác nhau, song cần đảm bảo được một số ý chính sau : 1. Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Đình Thi, bài Đất nước , đoạn thơ : - Nguyễn Đình Thi là một tác giả tài năng trên nhiều lĩnh vực, là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu, trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Nguyễn Đình Thi cũng là nhà thơ viết rất thành công về đề tài đất nước – đặc biệt đậm chất cảm xúc khi viết về đất nước đau thương mà anh dũng. - Đất nước – là bài thơ được Nguyễn Đình Thi sáng tác trong một thời gian dài (1948 đến 1955), được rút ra từ tập Người chiến sĩ. Mặc dù được kết hợp từ nhiều bài thơ nhưng Đất nước vẫn là một chỉnh thể nghệ thuật, là kết quả dồn nén cao độ những chiêm nghiệm nghệ thuật và những suy tư về đất nước. - Đoạn thơ có một vị trí đặc biệt trong bài thơ, trong mạch vận động của thi tứ, thể hiện rõ những cảm xúc, tự hào và suy tư về đất nước. 2. Trình bày cảm nhận về hình ảnh đất nước được thể hiện qua đoạn thơ : - Hình ảnh đất nước bắt đầu với bức tranh mùa thu ở chiến khu Việt Bắc (Mùa thu nay … thiết tha) : bao trùm lên tất cả là bức tranh mùa thu mới – mùa thu hiện tại ở chiến khu với gam màu sáng đẹp (Trời thu thay áo mới), với không gian rộng mở (Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi) ), hình ảnh sống động và khỏe khoắn (Gió thổi rừng tre phấp phới), âm thanh trong trẻo(Trong biếc nói cười thiết tha) - Hình ảnh đất nước tươi đẹp, giàu có : (Trời xanh … nặng phù sa) : cái nhìn bao quát cả không gian bao la, rộng lớn của đất nước. Chú ý việc sử dụng phép điệp (những, của chúng ta), liệt kê ( Trời xanh, núi rừng, cánh đồng ngả đường, dòng sông), tính từ (thơm mát, bát ngát, đỏ nặng…) nhằm nhấn mạnh hình ảnh một đất nước vừa tươi đẹp hiền hòa vừa đầy tiềm năng, chan chứa niềm tự hào của con người khi được làm chủ đất nước. - Đất nước với truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất (Nước chúng ta…vọng nói về) : đất nước với những người chưa bao giờ khuất được nhắc tới với niềm tự hào, trân trọng. Những câu thơ ( Những người chưa bao giờ khuất - Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất ) khơi gợi những đặc tính quí báu của con người, dân tộc Việt Nam - vừa chân chất, giản dị vừa bất khuất, anh hùng. Điểm đặc biệt là cái nhìn phát hiện các yếu tố truyền thống qua việc cảm nhận những âm thanh vô hình bằng thính giác (Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất / Những buổi ngày xưa vọng nói về). 3. Đánh giá chung : - Hình ảnh đất nước vừa tươi đẹp vừa giàu truyền thống hiện ra qua niềm vui rạo rực, qua tâm trạng sảng khoái, qua cái nhìn tự hào của một con người đang ý thức rõ rêt về sự thay đổi lớn lao của đất nước cũng như những biến chuyển trong lòng mình. Cái tôi nhỏ bé đã chuyển thành cái ta chung rộng lớn, đang náo nức ngân vang .. - Nhịp thơ có lúc nhanh mạnh, sôi nổi (2 khổ đầu), có lú trầm lắng, suy tư (khổ cuối), hình ảnh thơ dân dã khỏe khoắn, câu thơ tự do biến đổi linh hoạt, âm hưởng thơ hào sảng đậm chất sử thi … tất cả các yếu tố nghệ thuật này đã góp phần mang đến cho người đọc một bức tranh đất nước trong kháng chiến chống Pháp, ấn chứa niềm tự hào vô hạn của tác giả. PHẦN RIÊNG Câu III.a. Theo chương trình KHÔNG phân ban (3 điểm) HS cần trình bày được các ý chính sau : 1. Giới thiệu khái quát về tác giả Thạch Lam, về tác phẩm Hai đứa trẻ : - Thạch Lam là một cây bút truyện ngắn tài hoa xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930 -1945. Những truyện ngắn của Thạch Lam được đánh giá như những bài thơ trữ tình đượm buồn vì vừa đậm chất trữ tình vừa thể hiện cảm quan hiện thực sâu sắc. - Hai đứa trẻ (in trong tập Nắng trong vườn) là một truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, vừa tiêu biểu cho bút pháp của nhà văn, vừa thể hiện giá trị tư tưởng sâu sắc và mới mẻ. 2. Phân tích giá trị nhân đạo trong truyện ngắn Hai đứa trẻ : * Giá trị nhân đạo : là một trong những phương diện quan trọng tạo nên giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm, thể hiện thái độ của nhà văn trước hiện thực cuộc sống (sự thấu hiểu, cảm thương, trân trọng, bất bình .. ). Với Hai đứa trẻ, Thạch Lam đã cất lên tiếng nói nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của mình từ một bức tranh cuộc sống tẻ nhạt, đơn điệu nơi phố huyện nghèo. * Bức tranh cuộc sống nơi phố huyện nghèo : - Tác phẩm đưa người đọc vào một bức tranh liên hoàn (từ buổi chiều hoàng hôn chạng vạng đến đêm khuya) nhằm khắc họa cuộc sống buồn tẻ, tù đọng nơi phố huyện nghèo. Nơi ấy, hiện dần lên những hoạt động âm thầm, lặng lẽ của những kiếp người nhỏ bé, sống cuộc sống mờ mờ nhân ảnh. Đó là cảnh phiên chợ chiều đã vãn nghèo nàn, tiêu điều cùng hình ảnh mấy đứa trẻ con nhà nghèo lom khom nhặt nhạnh. Đó là mẹ con chị Tí bán hàng nước, cứ bày ra rồi lại thu vào vì vắng khách.Đó gánh phở của bác Siêu - một thứ quà xa xỉ ở nơi này, đang ế khách. Đó là vợ chồng bác Xẩm có đứa con đang bò lê nghịch những rác bẩn ven đường … - Nổi bật lên trong tác phẩm là chị em cô bé Liên với tâm trạng đợi tàu. Ngày này qua ngày khác, cuộc sống của chị em Liên trôi qua trong tẻ nhạt ở cửa hàng tạp hóa với những món hàng nhỏ nhoi không hề thay đổi… Bởi thế, việc đợi một chuyến tàu đêm – hoạt động khá nổi bật nơi này, dường như đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu, thành một biểu tượng cho những mong mỏi tội nghiệp được thay đổi cuộc sống (cảnh đợi tàu của chị em cô bé Liên được miêu tả khá tỉ mỉ : từ sự ngóng đợi, tâm trạng háo hức khi đoàn tàu đến, nỗi niếc nuối, dòng mơ tưởng về một Hà Nội xa xăm, một Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo khi đoàn tàu đi qua…) * Khái quát lên giá trị nhân đạo của tác phẩm : Thạch Lam thể hiện tấm lòng cảm thông, xót thương đối với những kiếp người nhỏ bé, vô danh ở phố huyện nghèo, nói rộng hơn là của những con người nhỏ bé sống trong xã hội cũ; trân trọng trước những ước mơ, khát vọng muốn được thay đổi cuộc sống của những con người tưởng như bao giờ được biết đến niềm vui, ánh sáng và hạnh phúc. 3. Đánh giá chung : Hai đứa trẻ thể hiện giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của Thạch Lam. Đặt trong bối cảnh xã hội lúc ấy, tác phẩm không chỉ thể hiện mối quan tâm sâu sắc của nhà văn trước những mảnh đời nhỏ bé mà còn có tác dụng tích cực, góp phần làm lay tỉnh những tâm hồn ể oải, đang lụi tàn. Câu III.b. Theo chương trình phân ban (3 điểm) Cần đáp ứng được một số ý chính sau : 1.Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thi, truyện ngắn Những đứa con trong gia đình : - Nguyễn Thi là nhà văn nổi tiếng trong thời kì chống Mĩ. Ông được coi là nhà văn của người nông dân Nam Bộ bởi lẽ hình ảnh của họ luôn xuất hiện trong các trang viết của ông với tính cách hồn nhiên, sôi nổi, bộc trực, giàu tình nghĩa với quê hương và gia đình. - Những đứa con trong gia đình là một tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Thi, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn người nông dân Nam Bộ thời chống Mĩ. Nhân vật Việt – nhân vật trung tâm của tác phẩm, thể hiện khá tập trung những đặc điểm tính cách nhân vật của nhà văn. 2. Nhận xét nghệ thuật xây dựng nhân vật Việt : chủ yếu ở những phương diện sau : - Trước hết là lối trần thuật độc đáo : trần thuật theo ngôi thứ ba của người kể chuyện tự giấu mình nhưng cách nhìn và lời kể lại theo giọng điệu, dòng ý thức của nhân vật (Việt rơi vào tình huống đặc biệt, bị thương nặng, phải nằm lại ở chiến trường. Anh nhiều lần ngất đi rồi tỉnh lại). Dòng ý thức khi đứt (lúc nhân vật bị ngất) khi nối (khi nhân vật tỉnh lại) giúp người đọc hình dung về cuộc sống, suy nghĩ rất riêng của nhân vật này. Lối trần thuật này đòi hỏi khả năng nhập thân nhân vật một cách tài tình mà không phải nhà văn nào cũng làm được. - Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật mang đậm sắc thái Nam Bộ : Việt hiện lên trong dòng hồi tưởng là vừa mang những nét hồn nhiên, hiếu động ( thích lang thang bắn chim, bắt cá, lúc nào cũng có cái ná thun trong người ..), hiếu thắng (hay tranh phần hơn với chị, kể cả việc ghi tên nhập ngũ), hay ỷ lại vào chị vì quen được chị chiều chuộng … vừa rất thẳng thắn, bộc trực, giàu tình cảm, ngùn ngụt căm thù, đặc biệt là rất dũng cảm với cách thể hiện rất Nam Bộ, của người Nam Bộ (chú ý chi tiết ở đơn vị, Việt giấu biệt chị đi vì sợ người ta lấy mất chị ; chiến trường, cách thể hiện tình cảm thích đáng nhất của Việt dành cho má, cho chú Năm. cho chị là đánh giặc). ChấtNam Bộ cũng thể hiện rõ trong hệ thống phương ngữNam Bộ mà nhân vật sử dụng. - Ngôn ngữ đối thoại xen lẫn với độc thoại nội tâm: trong tác phẩm, ngoài những đoạn đội thoại (dòng suy nghĩ của nhân vật), cần chú ý những đoạn đối thoại giữa hai chị em Việt và Chiến (Việc giành nhau đi bộ đội, bàn về việc nhà trước khi đi đánh giặc .. ) . Đây là những đoạn đối thoại hấp dẫn và cảm động, thể hiện rõ tính cách nhân vật. 3. Đánh giá chung : - Nhân vật Việt được xây dựng bằng nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, tiêu biểu cho tính cách nhân vật Nguyễn Thi. - Qua nhân vật Việt, Nguyễn Thi đã làm bật lên vẻ đẹp tâm hồn người dânNamBộ : giàu lòng yêu nước, căm thù giặc. chan chứa tình cảm đối với gia đình. Chính những điều này đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn giúp họ vững vàng, quyết chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mĩ. Các em chú ý theo dõi các đề thi thử đại học môn Văn tiếp theo trên Tuyensinh247 Tuyensinh147 tổng hợp
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
>> Đề thi thử đại học môn Văn khối C,D năm 2014 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diệu
>> Đề thi thử đại học môn Văn khối C, D năm 2014 trường THPT Tánh Linh