Đề xuất bỏ mô hình Đại học quốc gia

Mô hình đại học hai cấp như đại học quốc gia theo một số hiệu trưởng là gây khó cho tự chủ, lại khác biệt với thế giới khi "university trong university", nên đề xuất bỏ.

Đây là đề xuất của PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng, tại tọa đàm "Tham vấn chính sách xây dựng dự án luật giáo dục đại học sửa đổi", ngày 14/5 tại Hà Nội.

Theo ông Hải, hiện trên thế giới gần như không xuất hiện mô hình đại học hai cấp, nghĩa là không có các "trường đại học trong đại học".

Điều này khiến các trường thành viên không thể phát triển, đồng thời rơi vào cảnh "một cổ hai tròng", vừa chịu sự quản lý của đại học và của cơ quan quản lý nhà nước.

De xuat bo mo hinh Dai hoc quoc gia

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng

Ông Hải lý giải, năm 1995-1996, mô hình đại học quốc gia ra đời. Một số đơn vị đưa nhiều trường thành viên vào và lập rất nhiều khoa.

Những năm qua, các khoa này lần lượt trở thành trường thành viên. Có những trường thành viên nho nhỏ, quy mô chỉ khoảng 100 giáo viên với vài nghìn sinh viên cũng ra đời.

"Khi chúng tôi nói chuyện với một số chuyên gia nước ngoài, chúng tôi không biết nên giải thích thế nào về mô hình "trường đại học" trong "đại học" (university trong university) đang tồn tại hiện nay ở trong nước.

Hãy thử xem ở các nước trên thế giới, nước nào có mô hình đại học hai cấp như chúng ta không?

Điều này khiến các trường thành viên thêm một tròng mới bởi ĐH chủ quản không phải là cơ quan quản lý nhà nước, không có chức năng quản lý nhà nước nhưng lại quản trị các trường, như vậy là trái với nguyên tắc tự chủ đại học", ông Hải nói.

Cũng với góc nhìn này, ông Vũ Hoàng Linh, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng, mô hình đại học 2 cấp đang vướng mắc, cần phải rà soát.

"Với những người làm chuyên môn như chúng tôi, khó nhất của mô hình đại học không phải về quản lý, mà khi làm việc với đối tác nước ngoài, họ đến tôi giới thiệu là trường đại học", ở trên tôi lại có một trường đại học nữa.

Nước ngoài họ không hiểu giáo dục đại học Việt Nam như thế nào khi có trường đại học trong đại học. Chúng tôi lại phải giải thích đại học ở trên như một cái ô", ông Vũ Hoàng Linh chia sẻ.

Không nên có mô hình "trường đại học trong đại học"

Tại đánh giá tác động của chính sách luật giáo dục đại học sửa đổi cũng cho biết, quy định về tổ chức đại học có trường đại học thành viên (mô hình 2 cấp) có nhiều bất cập, đặc biệt khi thực hiện cơ chế tự chủ.

Hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, hình thức.

Về tổ chức và quản trị cơ sở giáo dục đại học, quy định về các đơn vị trực thuộc cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân gây khó khăn, phức tạp và rủi ro trong tổ chức và quản lý cơ sở giáo dục.

Về điều này ông Hải cho rằng, nếu đã xác định các trường đại học thành viên, hãy để họ tự chủ như các trường độc lập khác, không cần "cái ô bên trên" (đại học cấp trên) như hiện nay.

"Chúng ta phải mạnh mẽ cải cách điều này, để các trường đại học thành viên và các trường đại học vùng tự chủ phát triển, không thể xếp ngang hàng.

Riêng vấn đề đại học không có các trường thành viên có tư cách pháp nhân, tôi ủng hộ ý kiến này bởi dứt khoát không có một trường có pháp nhân nằm trong một đơn vị có pháp nhân khác.

Không nên cho phép các trường đại học có các trường thành viên bên trong. Theo đó, nên bỏ các đại học quốc gia và các đại học vùng, phát triển hợp nhất các trường đại học nho nhỏ vào đại học quốc gia và đại học vùng vào cho xứng tầm. Nếu chúng ta duy trì các trường đại học quá bé sẽ triệt tiêu tiềm lực đầu tư phát triển về đội ngũ, tài chính", ông Hải nói.

Trả lời ý kiến của ông Hải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, chúng ta nói về bất cập của mô hình đại học hai cấp chứ không phải của đại học vùng hay riêng đại học quốc gia.

"Như ban đầu đã nói, các đại học quốc gia được nhà nước quản lý theo sứ mạng riêng, có vị thế riêng.

Ở đây, chúng ta bàn về việc quản trị bên trong chứ không phải bỏ đại học vùng hay đại học quốc gia, phải xem mô hình đó hiện như thế nào, nên đề xuất cải tiến ra sao để sắp xếp tối ưu hóa sao cho hiệu quả", Thứ trưởng nói.

Trả lời ý kiến của ông Vũ Hoàng Linh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, mô hình trường đại học trong đại học đã được thảo luận nhiều.

Theo thứ trưởng, từ những bất cập, việc cần thảo luận là có nhất thiết phải thay đổi không, nếu thay đổi thay đổi theo hướng nào, phương án giữ nguyên như hiện nay hay giảm dưới tăng trên, hoặc hay giảm trên tăng dưới? Nghĩa là chúng ta nên tăng quyền của đại học và giảm quyền của trường đại học thành viên hay ngược lại.

Hiện, Việt Nam có Đại học Quốc gia Hà Nội, TP HCM cùng các đại học vùng là Đại học Huế, Đà Nẵng, Thái Nguyên. Theo quy hoạch mạng lưới đại học đến năm 2030, cả nước có thêm đại học quốc gia tại Huế và Đà Nẵng. Các đại học vùng gồm Thái Nguyên, Cần Thơ, Vinh (Nghệ An), Nha Trang (Khánh Hòa), Tây Nguyên (Đăk Lăk)

Theo Báo Dân Trí

🔥 2K8 CHÚ Ý! LUYỆN THI TN THPT - ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC - ĐÁNH GIÁ TƯ DUY!

  • Em muốn xuất phát sớm nhưng chưa biết học từ đâu?
  • Em muốn luyện thi cùng TOP thầy cô giỏi hàng đầu cả nước?
  • Em muốn vừa luyện thi TN THPT vừa ĐGNL/ĐGTD mà không bị quá tải?

LỘ TRÌNH SUN 2026 - LUYỆN THI TN THPT - ĐGNL - ĐGTD (3IN1)

  • Luyện thi theo lộ trình: Nền tảng, luyện thi, luyện đề
  • Top thầy cô nổi tiếng cả nước hơn 15 năm kinh nghiệm
  • Ưu đãi học phí lên tới 50%. Xem ngay - TẠI ĐÂY

Group 2K8 ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

Viết bình luận: Đề xuất bỏ mô hình Đại học quốc gia

  •  
Xem đề án tuyển sinh Đại học 2025