09/01/2013 07:03 am
Xét một góc độ nào đó thì việc đồng tình hay phản đối đều có cái lý của nó. Một phần là do quy định đưa ra làm ảnh hưởng đến hàng chục nghìn sinh viên đang ấp ủ học liên thông lên để lấy tấm bằng ĐH. Bên cạnh đó nó cũng ảnh hưởng “tích cực” đến nguồn thu của các trường từ hình thức đào tạo này. Học liên thông để nâng cao trình độ chứ không phải là chạy theo bằng cấp. Liên thông: Nâng cao trình độ chứ không phải tấm bằng Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã có cuộc gặp khá thú vị với những người đầu tiên “đưa” hình thức liên thông vào Việt Nam. Xuất phát từ những nghiên cứu khá công phu và thực tế ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển, vào năm 2002, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức thí điểm đào tạo liên thông cho 6 trường ĐH, CĐ. Nếu lần đến quyết định về việc ban hành quy định tạm thời về đào tạo liên thông dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, CĐ và ĐH vào tháng 5/2002 thì chủ đích đã được Bộ GD-ĐT nêu khá rõ. Theo đó, liên thông là quá trình đào tạo cho phép công nhận và chuyển đổi kết quả học tập và rèn luyện của người học từ một trình độ này tới một hay một số trình độ khác hoặc trong các ngành khác nhau của cùng một trình độ thuộc hệ thống giáo dục và đào tạo. Như vậy mục đích ban đầu là hướng tới việc nâng cao trình độ nhằm đáp ứng nhu câu công việc chứ không như cách mà nhiều người hiểu hiện nay đó là: “Đường vòng để lấy tấm bằng ĐH”. Một cán bộ tham gia soạn thảo quy định tạm thời năm 2002 tâm sự: “Chúng tôi đã tham khảo và học hỏi rất nhiều nước trước khi đề xuất tổ chức thí điểm liên thông. Theo kinh nghiệm của các nước thì học liên thông là nhằm nâng cao trình độ để phục vụ cho công việc chứ không như quan điểm hiện tại của chúng ta đó là bằng cấp. Ở nước họ một anh công nhân có thể kiến thức và trình độ hiểu biết như một thạc sỹ. Điều đó được thể hiện ở trong công việc chứ không phải trên bằng cấp”. Cũng theo lời cán bộ này, quy định trước cũng đưa ra những điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ giữa hai trường phối hợp để tổ chức đào tạo liên thông. Tuy nhiên, chẳng hiểu sao sau này Bộ GD-ĐT lại ban hành thông tư 06 và gần như thay đổi quan điểm so với quy định tạm thời trước đó. Ở đây Bộ GD-ĐT cũng phải chịu trách nhiệm một phần về những bất cập trong đào tạo liên thông suốt thời gian qua. “Chúng ta nên nhớ, Chính phủ cũng đồng ý để Bộ GD-ĐT tổ chức thí điểm đào tạo liên thông từ năm học 2002 - 2003 và đã yêu cầu chỉ tiến hành thí điểm ở phạm vi hẹp và phải chỉ đạo chặt chẽ. Tuy nhiên, sau đó Bộ GD-ĐT chưa có một đánh giá về mặt tích cực và tiêu cực để chấn chỉnh đã mở rộng dẫn đến tràn lan như hiện này” - cán bộ này nhấn mạnh. Lợi ích người học bị ảnh hưởng nếu... buông lỏng Với việc đưa ra quy định mới Bộ GD-ĐT hi vọng sẽ kiểm soát được việc đào tạo liên thông của các trường. Tuy nhiên đó chỉ là bề nổi mà ai cũng có thể nhìn thấy được còn phía sau nó có hướng đến nhiều mục đích quan trọng hơn. Như chúng ta đã biết, nguồn nhân lực lao động hiện nay ở trong nước đang rơi vào cảnh thừa thầy, thiếu thợ. Không ít sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH thất nghiệp hoặc làm việc không đúng với chuyên môn. Với việc hình thành các bậc đào tạo từ TCCN, CĐ và ĐH là mục đích phân tầng nguồn nhân lực. Chính vì thế, việc để cho các sinh viên TCCN, CĐ “rầm rộ” thi liên thông lên các bậc cao hơn trong thời gian qua đã vô tình phá vỡ cấu trúc nguồn lao động trong nước. Chưa dừng lại ở đó, ngay cả hệ thống đào tạo nghề cũng được “cơi nới” lấn sang tạo nên sự hỗn độn không thể kiểm soát. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước việc đào tạo liên thông “bát nháo”, Bộ GD-ĐT từng đưa ra dự thảo với một phương án duy nhất đó là yêu cầu thí sinh thi các môn văn hóa cùng “3 chung”. Nếu điều này được thực hiện thì đồng nghĩa “cánh cửa” liên thông đã khép lại hoàn toàn cho người học. Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp, Bộ GD-ĐT đã quyết định đưa ra phương án cởi mở hơn đó là muốn dự thi liên thông ngay thì phải dự thi các môn văn hóa cùng “3 chung”. Còn nếu sau khi tốt nghiệp ra công tác 3 năm thì sẽ thi các môn do các trường tổ chức. Qua đây cho thấy Bộ GD-ĐT không khuyến khích các sinh viên dự thi liên thông ngay vì việc đó không đúng với mục đích ban đầu của hình thức đào tạo này. Tuy nhiên cũng để đảm bảo dư luận không thể chê trách, Bộ GD-ĐT quyết “chặt” đầu vào liên thông đối với những sinh viên thực sự có năng lực muốn có tấm bằng ĐH nên đã mở ra hướng dự thi “3 chung”. Cái lợi dành cho những SV dự thi liên thông cùng với “3 chung” đó là được giảm bớt các môn học và thời gian học ĐH cũng rút xuống rất nhiều. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, đối mặt với bản chất thật của liên thông sẽ giúp xã hội nhìn và đánh giá thực chất hơn với hình thức đào tạo này. Hiện nay nhiều đơn vị tuyển dụng đã “nói không” với bằng liên thông. Chính vì thế nếu cứ “cởi mở” như hiện nay và người học tiếp tục có quan điểm sai lầm thì đến một lúc nào đó, bản thân họ sẽ mếm "mùi trái đắng" như làn sóng “nói không” với tại chức trong thời gian qua. Hiện nay chỉ có hai hệ đào tạo là chính quy và thường xuyên, vì thế nếu cơ quan tuyển dụng nào đó “nói không” với bằng liên thông thì chẳng có quy định nào cấm đoán điều đó (dù sao thì bằng tại chức vẫn có cơ sở để yêu cầu xã hội công nhận - PV). “Gia đình đã tạo điều kiện cho các em đi học chỉ để mong muốn sớm tốt nghiệp ra trường. Vì thế sau khi tốt nghiệp lại tiếp tục học liên thông ngay thì đồng nghĩa gia đình lại tiếp tục gánh nặng về chi phí. Vậy tại sao không để các em đi làm sau đó tiếp tục học nâng cao hơn bằng chính chi phí mà mình kiếm được. Tôi nghĩ đây là vấn đề đáng để chúng ta suy nghĩ” - một chuyên viên tuyển sinh lâu năm của Bộ GD-ĐT chia sẻ. Theo thethaohangngay
NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
>> Sinh viên hoang mang vì quy định mới về đào tạo liên thông
>> Quy định mới về đào tạo liên thông: Siết chặt hay "Khai tử"?
>> Cánh cửa đào tạo liên thông: Mở rồi lại khép
>> "Thả nổi" đào tạo liên thông: Đã có quy chế "siết chặt"