15/07/2025 08:50 am
Theo kế hoạch, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành chấm thi tốt nghiệp THTP 2025; đúng 8 giờ ngày 16.7, các hội đồng thi trên cả nước sẽ công bố điểm thi. Bộ GD-ĐT cho biết việc công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ theo 34 tỉnh thành chứ không theo các hội đồng thi như trước ngày 1.7. Ngày 13.7 là hạn chót các hội đồng thi trên cả nước tổ chức tổng kết công tác chấm thi; báo cáo sơ bộ kết quả và gửi dữ liệu kết quả thi về Bộ GD-ĐT; đồng thời hoàn thành việc đối sánh kết quả thi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được tổ chức khi cả nước có 63 tỉnh, thành; nhưng thời điểm chấm thi cả nước còn 34 tỉnh, thành. Ghi nhận cho thấy các tỉnh, thành mới dù kiện toàn hội đồng chấm thi nhưng việc chấm thi vẫn theo các ban ứng với tỉnh, thành cũ. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, từ 1.7, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và Hội đồng chấm thi tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, 2 ban chấm thi của hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang (cũ) vẫn tiếp tục được tổ chức tại hai địa điểm, nhưng sẽ công bố điểm chung của cả tỉnh Bắc Ninh (mới) chứ không công bố theo ban chấm thi. Điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn được công bố vào 8h ngày 16/7. Thí sinh có thể tra cứu điểm thi tất cả các tỉnh, thành tại đường link sau: https://diemthi.tuyensinh247.com/diem-thi-tot-nghiep-thpt.html Tương tự, Sở GD-ĐT Ninh Bình đã kiện toàn Hội đồng thi tỉnh Ninh Bình với một hội đồng thi, nhiều ban chấm thi, ban làm phách, ban thư ký. Việc chấm thi đảm bảo đúng phương châm "4 tại chỗ": chỉ đạo tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị tại chỗ; nhân lực tại chỗ; hậu cần, chế độ tại chỗ. Khi công bố điểm thi sẽ theo một đầu mối là hội đồng thi tỉnh Ninh Bình (mới). Tại Hà Nội, việc chấm thi cũng đã hoàn tất. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết địa phương có số lượng bài thi rất lớn nên số bài thi trắc nghiệm cũng rất nhiều (khoảng 450.000 bài), việc chấm và xử lý trên 2 phần mềm khác nhau nên phải tăng cường máy chấm và cán bộ chấm thi mới hoàn thành đúng lịch. Hà Nội đã điều động hơn 800 cán bộ, giáo viên (GV) các trường THPT trên địa bàn thành phố tham gia công tác chấm thi. >> CÁC EM XEM NHỮNG VIỆC CẦN LÀM SAU KHI BIẾT ĐIỂM THI TỐT NGHIỆP THPT 2025 TẠI ĐÂY Một GV tham gia chấm thi môn ngữ văn tại Hà Nội chia sẻ: điểm thi môn văn ở Hà Nội năm nay có vẻ thấp hơn so với năm trước. Số điểm 9 và trên 9 ít hơn, có điểm 9,75. Dù vậy, ở chiều ngược lại, số điểm dưới trung bình cũng "có vẻ giảm hơn". Số điểm 7 - 8 tương đối nhiều. Có những tập bài làm chất lượng cao đồng đều nhưng cũng có tập bài ngược lại, tùy theo chất lượng thí sinh (TS) ở từng điểm thi. Kết quả có vẻ thấp hơn, theo vị giám khảo nói trên, là do các TS chưa thực sự quen với cách ra đề mới, với những thay đổi lớn mà đề môn ngữ văn đặt ra. Ví dụ, đề thi có yêu cầu TS viết 600 chữ về chủ đề "Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc" nhưng có vẻ nhiều TS hiểu rằng chỉ được viết tối đa 600 chữ, viết nhiều hơn thì sợ sẽ bị trừ điểm. Trong khi đó TS chưa đủ "tầm" để gói đầy đủ ý của vấn đề rất lớn lao trong bằng ấy chữ, đặc điểm của học sinh lâu nay thường là viết dài thì may ra mới chạm đến hết các ý mà đáp án đặt ra. Ngoài ra, giám khảo cho biết hướng dẫn chấm năm nay cũng khắt khe hơn trong việc trừ điểm khi chỉ ra hàng loạt lỗi về chính tả, trình bày, diễn đạt… trong khi năm trước chỉ trừ tối đa 0,25 điểm nếu quá nhiều lỗi. Cũng theo GV này, việc chấm thi năm nay lâu hơn so với các năm trước do chính giám khảo cũng phải chậm lại để quen với yêu cầu mới về đề thi và hướng dẫn chấm thi. Với tinh thần tôn trọng sự sáng tạo, suy nghĩ riêng và nỗ lực làm bài của TS nên khi chấm thi giám khảo luôn đặt tinh thần "gạn đục khơi trong" để không "phụ công" làm bài của TS. Hướng dẫn chấm có thuận lợi là tương đối kỹ nhưng cũng có phần đòi hỏi trình độ của chính giám khảo, phải nắm bắt rất chắc tinh thần đổi mới, linh hoạt để ghi nhận sự sáng tạo và những lối đi riêng trong bài làm của TS. Nhận định đổi mới cách ra đề và hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn đang đi rất đúng hướng đổi mới, GV tham gia chấm thi ngữ văn cho rằng đây sẽ là tiền đề để không chỉ học sinh mà cả GV cũng phải đổi mới đi vào chiều sâu hơn nữa trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá đối với môn ngữ văn từ năm học tới. Trước đó, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khi trao đổi với các giám khảo chấm thi môn ngữ văn cũng nhấn mạnh yêu cầu phải ghi nhận những nỗ lực, sáng tạo, chủ động, suy nghĩ riêng của TS, đảm bảo theo chuẩn đầu ra, theo tiêu chí của quá trình giáo dục, cũng như theo hướng dẫn chấm. Nguyên tắc, mục tiêu chung là phản ánh đúng năng lực của các em, hướng tới kết quả thật của TS, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của TS trong tổ chức kỳ thi và đảm bảo công bằng trên toàn quốc. Theo Báo Thanh Niên
🔥 2K8 CHÚ Ý! LUYỆN THI TN THPT - ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC - ĐÁNH GIÁ TƯ DUY!
LỘ TRÌNH SUN 2026 - LUYỆN THI TN THPT - ĐGNL - ĐGTD (3IN1)
|