Điểm tin nóng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013

Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 kết thúc, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo để đánh giá sơ bộ về khâu tổ chức cũng như coi thi. Điểm lại những vấn đề nổi cộm trong kỳ thi tốt nghiệp thpt năm nay.

49 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm nay toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, gồm 2.296 Hội đồng coi thi với tổng số 40.361 phòng thi, huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 946.064, số thí sinh đến dự thi ngày cuối là 942.549 thí sinh, đạt 99,63%.

Có tổng cộng 49 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi do mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi, chỉ có 1 trường hợp nhờ người thi hộ; số cán bộ bị đình chỉ làm công tác phục vụ thi là 2 người, do mang điện thoại di động vào khu vực thi. Như vậy so với năm trước số giám thị vi phạm giảm còn số thí sinh tăng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những con số trong bản báo cáo này chưa phải là cuối cùng bởi các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện để đưa ra con số chính xác. Chính vì thế, có thể bản báo cáo sau sẽ có sự thay đổi.

Quang cảnh buổi lễ họp báo kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT 2013.
Quang cảnh buổi lễ họp báo kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT 2013.

Đánh giá tại buổi họp báo, ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết: “Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kiểm tra thực tế tại một số Hội đồng coi thi, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo thi và coi thi.

Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng một số cán bộ coi thi chưa kiên quyết và kịp thời nhắc nhở thí sinh thực hiện các quy định, còn để một số thí sinh trao đổi bài trong phòng thi hoặc vứt bỏ tài liệu sau buổi thi ở sân trường, cổng trường ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục”

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, năm nay hầu hết các trường hợp thí sinh vi phạm đều do cán bộ coi thi phát hiện và xử lý. Điều này khác với các năm trước là hầu hết các trường hợp vi phạm là do thanh tra các cấp phát hiện. Điều đó cho thấy, cán bộ coi thi đã làm việc nghiêm túc hơn, với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Một trong những nguyên nhân tạo ra sự thay đổi này chính là việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, thu hình vào phòng thi.

Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ

Liên quan đến việc phản ánh tình trạng “phao thi” ở ngay trong phòng thi, ngăn bàn ở Hội đồng thi trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), ông Phạm Ngọc Trúc - Phó Chánh thanh tra (Bộ GD-ĐT) cho biết: “Nhận được thông tin Bộ đã yêu cầu Sở GD-ĐT Thanh Hóa kiểm tra báo cáo. Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho hay, Hội đồng thi Lam Sơn gồm có thí sinh của nhiều nơi, buổi trưa các em nghỉ lại và mang theo các đồ dùng tư trang và trong đó có mang các tài liệu môn trước để kiểm tra, đối chiếu xem mình làm như thế nào và đã để lại tại liệu tại phòng thi, ngăn bàn. Sau khi nhận được báo cáo, Bộ đã yêu cầu Hội đồng thi Lam Sơn chấn chỉnh và rút kinh nghiệm để không xảy ra ở các môn tiếp theo”.

Tuy nhiên những thông tin của ông Trúc chia sẻ lại hoàn toàn không “khớp” với lời thầy Lê Anh Niên - Chủ tịch Hội đồng thi trường THPT Chuyên Lam Sơn. Ngay sau sự việc trao đổi với phóng viên, thầy Niên cho biết: “Ngày hôm nay không có thí sinh nào bị đánh dấu bài về việc giở tài liệu, giám thị làm nghiêm túc và triệt để. Và tình trạng phao thi được bỏ lại trong phòng thi có thể là do thí sinh mang vào nhưng sau khi hết giờ đã lấy ra xem đáp án”.

Ông Phạm Ngọc Trúc - phó Chánh thanh tra (Bộ GD-ĐT) giải đáp các vấn 

Ông Phạm Ngọc Trúc - phó Chánh thanh tra (Bộ GD-ĐT) giải đáp các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra.

Liên quan đến công tác thanh tra, PV báo TT đặt vấn đề: Năm nay Bộ GD-ĐT có đoàn kiểm tra không báo trước, độc lập hoàn toàn với địa phương. Tuy nhiên, có những đoàn thanh tra làm rất tốt, nhưng có đoàn thanh tra lại không làm theo nguyên tắc. Chẳng hạn như khi đoàn đến có những cán bộ cơ Sở GD-ĐT túc trực tại đó, thậm chí còn dẫn đường…?

Trả lời câu hỏi này, ông Trúc nhấn mạnh: “Những thông tin này đề nghị nhà báo cho biết cụ thể hơn để chúng tôi kiểm tra và nếu có gì chưa đúng theo quy định thì sẽ rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ở năm sau. Tất cả các đoàn thanh tra và kiểm tra của Bộ đều thực hiện theo nguyên tắc xuống địa phương sau đó thống nhất và chủ động đề xuất địa điểm, sau đó cùng với địa phương xuống địa điểm này”.

Trên thực tế, vẫn có đoàn thanh tra không làm theo nguyên tắc như phóng viên phản ánh.

Không có chuyện “lộ” đề thi Văn

Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi được bảo mật tuyệt đối; nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, không có sai sót về nội dung và hình thức. Đề thi các môn Khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở, phát huy tính tích cực và năng lực tư duy sáng tạo, có tác động tích cực đến tình cảm, đạo đức thí sinh.

Trước thông tin dư luận cho rằng lộ đề thi môn Văn bởi trước đó nhiều thầy cô đã luyện rất kỹ những câu hỏi trong đề, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Giáo viên tập dượt nhiều, trùng với nội dung đề thi là bình thường, chuyện găp nhau là bình thường, ngẫu nhiên, giáo viên càng giỏi càng biết sự trùng lặp. Bộ GD-ĐT không đồng tình với việc chưa có chứng cứ mà đã có thông tin lộ đề”.

Về câu hỏi nghị luận có những ý kiến trái chiều nhau nên đòi hỏi phải có đáp án phù hợp? “Ra đề mở nhiều cách chấm khác nhau, quan trọng là lập luận chặt chẽ để đạt điểm cao, còn chuẩn mực đạo đức khác nhau, không áp đặt cho lớp trẻ. Ra đề mở theo hướng càng những năm về sau, ra đề càng hay hơn các năm trước, do giáo viên có kinh nghiệm hơn” - Thứ trưởng Hiển cho biết.

Cũng theo Thứ trưởng Hiển, đề mở đáp án mở, không bắt chi tiết, nếu thí sinh đưa ra ý kiến có lập luận thì được xác nhận.

Ghi âm, thu hình: Có tác dụng ngăn chặn là chính

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác dụng của việc cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, thu hình vào phòng thi năm nay đã có hay chưa, Thứ trưởng Hiển cho hay: “Việc ghi âm, ghi hình nhằm có tác dụng ngăn chặn là chính chứ không phải tác dụng phát hiện. Hiện tại Bộ GD-ĐT chưa phát hiện hay tiếp nhận các phản ánh sai phạm nghiệm trọng như ở Đồi Ngô”.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng tiết lộ thêm, giải pháp của Bộ GD-ĐT sau kỳ thi là chấm thẩm định và công bố kết quả công khai. Năm trước thực hiện chấm thẩm định ở 18 tỉnh thành phố và năm nay có thể sẽ mở rộng thêm.

 

Việc ghi âm, ghi hình nhằm có tác dụng ngăn chặn là chính 
"Việc ghi âm, ghi hình nhằm có tác dụng ngăn chặn là chính chứ không phải tác dụng phát hiện" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.

Trước ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị vào phòng thi đồng nghĩa với việc giao cho các em phải giám sát, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Ai cũng có quyền giám sát cơ quan, cán bộ nhà nước, những người công quyền khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trách nhiệm buộc có phải giám sát hay không là vấn đề hoàn toàn khác. Học sinh không buộc phải làm nhiệm vụ giám sát, việc của các em vào phòng thi là làm bài, nếu có điều kiện thì các em giám sát. Đối với giám thị nếu lơ là và nghiệm vụ kém thì quy định này cũng là điều cần thiết để họ có trách nhiệm hơn”.

Về việc lắp camera ở các phòng thi, Thứ trưởng chia sẻ: “Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thêm về vấn đề này. Tuy nhiên, môi trường giáo dục có những yếu tố riêng, không phải chỉ có giám sát, bên này luôn luôn chống lại bên kia… Chúng tôi quan niệm môi trường giáo dục là tất cả mọi người cùng có ý thức trách nhiệm để làm tốt trọng trách của mình, quan trọng nhất là nhiệm vụ giáo dục”.

S.H

 

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Viết bình luận: Điểm tin nóng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013

  •  
Điểm chuẩn tất cả các trường ĐH