01/02/2013 15:54 pm
Đường Nguyễn Huệ (quận 1) trước đây là kênh đào Charner nối liền với sông Sài Gòn, 2 bờ kênh là hai con đường rộng. Năm 1887, "kênh đào Charner" biến mất khi người Pháp sáp nhập hai con đường lại thành đại lộ Charner (nay là đại lộ Nguyễn Huệ) với hàng loạt cao ốc, khách sạn, dịch vụ hiện đại và sang trọng. Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là bờ sông Sài Gòn (nay là bến Bạch Đằng). Khoảng những năm 1945 - 1950, đường Charner mọc lên những kios bán hoa lẻ, nhưng mãi đến năm 1960 trở đi con đường này mới xuất hiện chợ hoa mỗi độ Xuân về và dần trở thành cái tên quen thuộc với nhân dân Sài Gòn cũng như khắp mọi miền đất nước. Mỗi dịp Tết, hoa từ khắp nơi theo những con thuyền về tập kết ở bến và trên bờ. Dù chỉ họp một lần trong năm nhưng chợ hoa Nguyễn Huệ cùng chợ chim Huỳnh Thúc Kháng là một trong những điểm tham quan nổi tiếng thời đó. Giữa thập niên 90, con đường này vẫn là chợ hoa xuân chính của người dân thành phố. Những chú heo đất là biểu tượng của đường hoa Nguyễn Huệ Tết Định Hợi 2007. Ảnh: Ban tổ chức. Từ 23 tháng Chạp, nhà vườn tập kết hoa ở bến Bạch Đằng sau đó đặt vào từng ô đã quy định sẵn trên đường Nguyễn Huệ. Người dân đến đây không chỉ để mua hoa mà còn ngắm, thưởng ngoạn và tận hưởng hương vị đặc trưng của chợ hoa Tết. Đó là những tiếng cười nói, tiếng rao, tiếng mặc cả, còi xe, dòng người nô nức giữa những dãy nhà cao tầng ở hai bên. Tuy nhiên, để lập lại trật tự an toàn giao thông, thành phố quyết định không tổ chức chợ hoa trên đại lộ Nguyễn Huệ và quy hoạch chợ hoa ở công viên 23/9. Mặc dù người trồng hoa có chỗ buôn bán và người dân vẫn có chỗ để thưởng lãm, song nơi ấy vẫn "có gì đó thiếu tính truyền thống so với chợ hoa Nguyễn Huệ" đã hình thành trên nửa thế kỷ qua. Nhiều người đã ấp ủ dự định khôi phục chợ hoa trở thành một lễ hội thực sự đặc trưng cho ngày Tết phương Nam. Năm 2002, một doanh nghiệp lữ hành tổ chức đoàn gồm đầy đủ các ban ngành đi tham quan Singapore để tìm hiểu cách làm lễ hội đường phố rồi quyết định biến đường hoa Nguyễn Huệ thành lễ hội hoa. Ý tưởng này sau đó cũng vấp phải sự tranh luận khá gay gắt. Có người phản đối với lý do "xài tiền tỷ để chơi vài ba ngày tết là quá tốn kém", người thì không tin có thể giữ được an toàn cho hoa suốt những ngày tết... Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Dậu 2005. Ảnh: Ban tổ chức. Tuy nhiên, qua vài năm thử nghiệm thành công, UBND thành phố đã cho phép tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ vào dịp Tết để người dân tham quan, vui chơi và giao cho doanh nghiệp lữ hành này làm đơn vị tổ chức. Từ Tết Giáp Thân 2004, chợ hoa Nguyễn Huệ đã trở lại nhưng với diện mạo mới. Không còn cảnh mua bán, chào mời, mặc cả, con đường hoa được bày biện, sắp đặt công phu và chỉ dành cho việc thưởng ngoạn của khách du xuân. Cũng từ năm này, cứ dịp Tết đường hoa Nguyễn Huệ lại được mở ra đón khách với từng chủ đề, ý tưởng khác nhau. Giữa lòng thành phố lại có ao sen với vó câu, dòng kênh với cầu khỉ chênh vênh, đường làng quê với xe thổ mộ và quán cóc bên đường, những gánh hàng hoa hay thuyền hoa, rồi cả những cần xé trái cây của một vùng đất Nam Bộ trù phú, màu mỡ cùng những đồng lúa, nương bắp thân quen... đem lại cho du khách cảm giác thích thú mà ấm áp, mới lạ mà gần gũi. Ngoài hàng trăm nghìn chậu hoa và nhiều cảnh vật, luôn có biểu tượng làm "linh hồn", điểm nhấn của cả đường hoa Nguyễn Huệ. Đó là con giáp của năm. Các con vật như chó, gà, cọp, rồng... được các nghệ nhân thiết kế đẹp mắt luôn là điều làm nhiều người "tò mò" muốn xem đầu tiên tại đường hoa. Những quả dưa hấu "khổng lồ" trên đường hoa Nguyễn Huệ Tết Kỷ Sửu 2009. Ảnh: Ban tổ chức. Ngoài ra, đường hoa Nguyễn Huệ còn là nơi chuyển tải tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân; thể hiện sự vững tin vào tương lai tươi sáng của thành phố, dân tộc. Không chỉ là sự kiện vui chơi giải trí, lễ hội Tết mà còn là dịp mang lại niềm vui cho những gia đình khó khăn, trẻ em tại các mái ấm nhà mở thông qua việc tặng quà, bánh tét... Sau 9 năm xuất hiện, đường hoa Nguyễn Huệ nay trở thành hoạt động quen thuộc, nét văn hóa với người dân Sài Gòn và cả du khách quốc tế mỗi dịp Tết. Năm nay sẽ có nhiều hoạt động để kỷ niệm đường hoa Nguyễn Huệ tròn 10 tuổi. Trong đó, sẽ dành ra một khu vực để trưng bày mô hình thu nhỏ con giáp của các năm qua. Chất liệu làm con giáp giống như chất liệu đã được dùng để tạo hình qua từng năm như gà tre, chó đá, heo đất, chuột lục bình, trâu gốm, cọp sơn màu, mèo thạch cao, rồng mây; riêng năm đầu tiên là khỉ được tạo hình mới bằng chất liệu xơ dừa và rắn vỏ cừ tràm để tạo thành trọn bộ 10 con giáp qua 10 năm đường hoa Nguyễn Huệ. Tư tưởng chủ đạo của đường hoa năm nay là "Lòng dân và thế nước", nhằm chuyển tải hình ảnh một dân tộc hiếu hòa và tôn vinh con người Việt Nam anh dũng. Dựa trên chủ đề tư tưởng đó, đơn vị tư vấn thiết kế đường hoa là Công ty TA Landscape Architecture thể hiện sự toàn vẹn lãnh thổ với các phân đoạn cách điệu 3 vùng miền của đất nước: núi rừng, đồng bằng và biển đảo. Cụ thể, theo ông Trần Hùng Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist - đơn vị thực hiện đường hoa từ ngày đầu), đường hoa chia thành 3 khu vực, gồm Xuân non cao (từ đường Lê Lợi đến Mạc Thị Bưởi), Xuân đồng bằng (từ đường Mạc Thị Bưởi đến Ngô Đức Kế) và Xuân biển đảo (từ đường Ngô Đức Kế đến Tôn Đức Thắng).
Như mọi năm, cánh cổng mở vào đường hoa Nguyễn Huệ tết 2013 là hình ảnh con giáp của năm - con rắn. Khu vực truyền thống của đường hoa là Vườn mai Bác Hồ, được thiết kế gắn với chủ đề Trái tim Việt Nam qua hình ảnh 54 cột hoa hình trái tim nối thành vòng tròn xung quanh tượng đài Bác. Mỗi trái tim là một màu hoa, một dải vải hoa văn riêng biệt quấn trên nền trụ tre, tượng trưng cho sự đoàn kết thống nhất 54 dân tộc anh em. Cũng như mọi năm, Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ mở cửa cho người dân đến thưởng thức, vui chơi từ 27 tháng Chạp đến 22h đêm mùng 4 Tết Quý Tỵ.
Ảnh đường hoa Nguyễn Huệ qua các năm
Hữu Nguyên tổng hợp (Ảnh: Ban tổ chức)
Cùng like Bí mật 12 cung hoàng đạo trên Facebook
|
|||||||||||||||||||||||||||
>> Đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2013- tết Quý Tỵ
>> Đường hoa Nguyễn Huệ 2013 tại TP.HCM sẽ có nhiều kỷ lục