10/05/2013 10:24 am
“Gà chọi” môn Toán Từ nhỏ, Phạm Quốc Đạt đã rất yêu thích với những gì mình được học, được tiếp thu cả trong lĩnh vực xã hội, tự nhiên, hội họa... Thấy con có khả năng tư duy, bố mẹ hướng em học Toán và theo cách hiểu của Đạt thì mình được rèn để thành “gà chọi” với kết quả đầu tiên là huy chương Bạc giao lưu Toán tuổi thơ toàn quốc năm lớp 5. Liên tục từ đó đến giờ, Đạt đã trải qua rất nhiều cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh, từng giành huy chương Đồng giải Toán bằng máy tính bỏ túi toàn quốc. Đặc biệt năm học này, cậu HS lớp 11 đã liên tục trải qua rất nhiều cuộc thi về Toán như thi vượt cấp lớp 12, thi Toán quốc gia và ấn tượng với Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Toán học 30/4. Phạm Quốc Đạt (giữa) vừa giành Huy chương Bạc kỳ thi Olympic Toán học 30/4. Việc học Toán của Đạt không chỉ là nắm kiến thức hay giải quyết bài tập mà em chú trọng nhiều đến việc tìm hiểu sâu, tư duy để hiểu rõ vấn đề. Với những môn xã hội, Đạt áp dụng sơ đồ tư duy, vẽ vắn tắt lại vấn đề ngay sau khi ghi bài nên khi về học nắm kiến thức dễ dàng hơn mà phải phụ thuộc vào việc học thuộc quá nhiều. “Với tất cả mọi lĩnh vực, khi muốn nắm chắc thức đều có thể dùng sơ đồ tư duy. Khi nắm được cốt lõi vấn đề sẽ kích thích mình tìm tòi, khám phá chứ không phải học theo kiểu gượng ép”, Đạt cho biết. Cậu học trò giỏi Toán, mê thơ thường sử dụng sơ đồ tư duy để tiếp nhận kiến thức. Học bằng sự thích thú nhưng Đạt cũng thừa nhận, vào những lúc cao điểm ôn thi cuối kỳ việc học cũng rất căng thẳng, có lúc Đạt vẫn phải thức đến 12 giờ đêm giải đề cương. Tuy nhiên, quan điểm của Đạt việc gì cũng cần khổ luyện thì trong việc học cũng vậy, cậu xem những khó khăn là những thử thách để mình chinh phục. “Thả mình” với văn thơ Là dân chuyên Toán “gốc” nhưng gần đây Phạm Quốc Đạt “nổi như cồn” với nhiều thơ độc được đăng tải trên Facebook và được truyền với tốc độ nhanh trên cộng đồng mạng. Sau khi viết đơn xin nghỉ học bằng thơ độc lạ, mới đây Đạt còn “tóm lược” Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du… ngắn gọn trong 38 câu thơ một cách súc tích, dễ hiểu. Chưa kể, điều “choáng” nhất là Đạt đưa chính thơ của mình sáng tác vào bài văn giữ kỳ khi phân tích bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương, có thể xem là sự phá cách hiếm có. Những tưởng rằng thầy sẽ la nhưng không ngờ thầy giáo dạy Văn cũng "phá cách" không kém. Thầy dùng bài thơ này của học trò ra phân tích, bình phẩm như một tác phẩm trong sách giáo khoa và góp ý chỉnh sửa thêm một vài chỗ khiến học sinh trong lớp rất thích thú. Phạm Quốc Đạt (bên trái) có những ý tưởng phá cách trong học tập và dám thực hiện điều đó. Đạt kể, em làm thơ từ ngày còn rất nhỏ, chuyện gì đập vào mắt thì thường... quy luôn thành thơ. Đạt ít khi chép lại những bài thơ vừa làm ra giấy mà thuộc luôn. Thậm chí, có những bài làm cách đây 4 - 5 năm, không có bản lưu nhưng nhắc lại Đạt vẫn nhớ. Năm lớp 7, khi cô giáo dạy Văn, cũng là giáo viên chủ nhiệm chuyển chỗ ngồi của mình sang một vị trí khác, Đạt rất buồn lòng vì vấn vương chỗ cũ và chuyển tâm tư thành thơ. Trong tiết Văn, cậu học trò khi đó mới 13 tuổi bất ngờ chủ động xin cô giáo vài phút để đọc thơ em viết: “Chuyển chỗ em chẳng chịu đâu, Cả lớp cùng cười, giáo viên cũng bật cười và đồng ý cho Đạt về chỗ cũ. Bắt đầu từ năm nay, khi lớp 11 chuyên Toán của Đạt lập hội yêu văn thơ, thành viên tăng lên chóng mặt thì việc sáng tác thơ văn của Đạt có phần “chuyên nghiệp” hơn khi tác phẩm được lưu lại trên Facebook. Nhiều người tò mò Đạt giỏi Toán sao có thể làm văn thì cậu giải thích, Toán và Văn tưởng rằng đối lập nhưng thực tế hỗ trợ nhau rất nhiều, đều đòi hỏi tư duy mạch lạc, logic, lập luận… Hơn nữa, Văn thơ giúp dân Toán trở nên cởi mở, mở lòng và giảm được nhiều các áp lực học tập. Đạt được xem là "bản sao" của người bố - "món" gì cũng biết như thơ, văn, vẽ, cờ vua...
Điều đặc biệt, Đạt còn là một tay vẽ cừ khôi, chữ đẹp và hồi nhỏ còn là kỳ thủ cờ vua. Đạt được xem như là “bản sao của bố” - một người thợ cắt tóc, buôn bán nhiều nghề để kiếm sống nhưng có đủ thứ tài, chỉ trừ âm nhạc. Đạt còn học được ở bố quan niệm: trời ban cho mình thứ gì thì hãy chấp nhận vui sống với khả năng đó và cố gắng tìm cách phát triển nó lên chứ không gò ép, bắt buộc mình. Từ lâu, Đạt đã xác định mình sẽ đi theo con đường kinh doanh bởi đó là ước mơ từ nhỏ. Hơn nữa, theo Đạt việc kinh doanh có thể hỗ trợ em nuôi dưỡng và duy trì các khả năng của mình, để chúng trở thành phần quan trọng trong cuộc sống. Cậu học trò đã nghĩ, biết đâu một ngày sẽ đưa văn thơ vào… kinh doanh. Theo Thethaohangngay
|
>> Thú vị bài thơ 'Tóm tắt truyện Kiều' của chàng thi sĩ "Cuốc đất"
>> Thi sĩ "Cuốc đất" phản hồi clip "Sự trăn trở của một kẻ lười biếng" bằng thơ
>> Độc đáo với bài thơ "thầy cô giáo lớp em" của thi sĩ "cuốc đất"