Học sinh đánh thầy: Gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường

Những ngày vừa qua xảy ra không ít vụ học sinh hành hung thầy cô giáo chỉ vì những lý do nhỏ nhặt. Điều này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tội phạm và bạo lực học đường.

Ngày 31/5, tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Tạ Quang Nghĩa (24 tuổi, quê Hà Giang, sinh viên năm thứ 1 trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) đánh trọng thương thầy giáo Nguyễn Huy Oánh (70 tuổi) ngay tại nhà vệ sinh của trường.

Hoc sinh danh thay: Giong len hoi chuong canh bao ve nan bao luc hoc duong

Hiện trường vụ sinh viên đánh thầy tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ.

Khi một nhân viên vệ sinh phát hiện ra thì thầy Oánh đang nằm trên vũng máu. Thầy Oánh được đưa đến bệnh viện Thanh Nhàn cấp cứu. Lúc này trên cổ thầy còn quàng một chiếc túi xách.

Sau khi khám nghiệm hiện trường nơi xảy ra xô xát, tiến hành kiểm tra chiếc túi, cơ quan chức năng đã phát hiện các giấy tờ mang tên Tạ Quang Nghĩa (sinh năm 1989), sinh viên của trường đại học Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.

Trưa cùng ngày, Tạ Quang Nghĩa đã đến cơ quan công an đầu thú. Tại đây, sinh viên này khai do có ý định trả thù thầy Oánh về việc giáo viên này đánh dấu số buổi nghỉ học của mình.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy, rất có khả năng Nghĩa ra tay với thầy giáo nhằm mục đích cướp tài sản. Bởi lúc đó thầy Oánh đeo nhiều đồ đắt tiền như nhẫn vàng, đồng hồ hàng hiệu Rolex trong khi trước đó Nghĩa từng có tiền án về tội cướp giật.

Trao đổi với PV, ông Lê Xuân An, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) lấy làm tiếc vì vụ việc nghiêm trọng vừa xảy ra tại trường. Thông tin từ ông An, hiện thầy Nguyễn Huy Oánh vẫn đang điều trị tại bệnh viện Thanh Nhàn với nhiều vết khâu trên cơ thể. Thầy Oánh đã hồi tỉnh nhưng tình trạng sức khoẻ vẫn còn yếu.

Hoc sinh danh thay: Giong len hoi chuong canh bao ve nan bao luc hoc duong

Chân dung nam sinh côn đồ Tạ Quang Nghĩa.

Trước đó, dư luận đã từng chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng, trò đánh thầy với những lý do rất vô lý.

Chỉ vì bị thầy giáo nhắc nhở do không mặc đồng phục, một nam sinh lớp 10 ở TP. Hồ Chí Minh đã đánh thầy giáo chảy máu đầu ngay trên bục giảng. Cũng chỉ vì nhắc nhở học sinh cắt tóc trọc khi đến lớp, một thầy giáo trẻ ở huyện Thanh Chương - Nghệ An đã bị chính học sinh của mình rủ bạn đón lõng đánh thầy phải nhập viện.

Không chỉ thầy giáo mới là nạn nhân của những học sinh ngỗ ngược, côn đồ mà ngay cả cô giáo chân yếu tay mềm cũng đã từng bị học sinh hành hung. Tại tỉnh Ninh Thuận, trên đường đi dạy về, cô giáo Lý Thị Thu S. bị một nam sinh vẫn còn mặc đồng phục của trường chặn đường hành hung. Tên học sinh côn đồ đã đạp cô giáo ngã xuống đường, đấm đá túi bụi khiến cô S. bất tỉnh. Cô S. được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện đa khoa Ninh Thuận với vết thương dài sau gáy, gãy xương sống mũi.

Thành tích bất hảo của sinh viên đánh thầy nhập viện

Theo ông Lê Xuân An, Nghĩa từng có tiền sự cướp xe tại Hà Giang, bị xử án tù, nhưng thông tin này hoàn toàn không có trong hồ sơ nhập học của sinh viên. Cũng theo ông An: "Nghĩa bị tù 4 năm, sau khi ra tù, Nghĩa chuyển từ Hà Giang về một trường THPT ở Hà Nội để học tiếp lớp 12 và thi ĐH. Kỳ thi đại học năm ngoái Nghĩa được 15 điểm và chuyển nguyện vọng 2 về học tại trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội".

"Trong những ngày gần đây Nghĩa bị anh trai đuổi ra khỏi nhà vì mang chiếc xe máy của anh trai đi cầm đồ. Hành động của Nghĩa hôm 31/5 không liên quan đến tư thù giữa thầy giáo và sinh viên. Đây là một hành động có chủ đích thực sự", ông An nhấn mạnh.   

PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cho rằng, dù bất kỳ lý do gì thì việc trò vô lễ với thầy cô giáo đã không chấp nhận được, chứ chưa nói đến việc hành hung thầy giáo. Đáng tiếc là những hành động không chấp nhận được ấy vẫn xảy ra trong các trường học mà chưa hề có dấu hiệu giảm xuống.

"Rất nhiều thầy cô giáo không ngại khó khăn, vất vả, không tiếc mồ hôi nước mắt để cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Ngày trước, có nhiều thầy giáo sẵn sàng gác bút lên đường cầm súng chiến đấu. Như vậy, họ không sợ hi sinh, không sợ gian khổ. Nhưng, tâm lý, tinh thần của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổn thương nghiêm trọng nếu bị học trò vô lễ, hành hung.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách của người học, kiên quyết chấm dứt những sự việc đáng buồn như vừa qua", PGS. Văn Như Cương chia sẻ.

Theo phân tích của PGS. Văn Như Cương, việc học sinh ngày nay tiếp xúc nhiều với Internet, các trò chơi bạo lực, các bộ phim có xu hướng bạo lực đã ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ, thêm vào đó sự giáo dục của gia đình, xã hội chưa tốt đã dẫn đến những câu chuyện đau lòng.

Xung quanh câu chuyện đáng buồn này, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình, Giám đốc trung tâm Dư luận xã hội, viện Xã hội học cho rằng, đạo đức của một bộ phận không nhỏ sinh viên, giới trẻ đang có chiều hướng đi xuống. Một trong những giải pháp đầu tiên để giảm thiểu những suy nghĩ và hành vi lệch chuẩn của giới trẻ là sự giáo dục từ gia đình.

Cha mẹ cần dành nhiều thời gian quan tâm chăm sóc, giáo dục con cái  trong mọi vấn đề, nhất là đạo đức, củng cố mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, tạo nên một môi trường thuận lợi cho việc giáo dục xã hội hóa thế hệ trẻ.

Trở lại sự việc nam sinh Tạ Quang Nghĩa dùng tuýp sắt đánh thầy giáo nhập viện, theo thông báo của Hội đồng kỷ luật trường đại học Kinh doanh và Công nghệ, đơn vị này đã họp và quyết định đuổi học vĩnh viễn đối với sinh viên Tạ Quang Nghĩa vì hành vi hành hung thầy giáo.                                      

Theo Thethaohangngay

Viết bình luận: Học sinh đánh thầy: Gióng lên hồi chuông cảnh báo về nạn bạo lực học đường

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247