13/12/2012 15:55 pm
(Minh họa: Vũ Toản) Khi là nghề cao quý, được cả xã hội tôn vinh thì kèm với đó cũng là một trách nhiệm vô cùng nặng nề. Người thầy luôn luôn phải là tấm gương sáng. Muốn trò “tôn sư” thì trước hết và trên hết, người thầy phải biết “trọng đạo”. Việc giữ gìn sự trong sạch môi trường giáo dục cũng chính là bảo vệ các thầy cô giáo chân chính không vì một vài “con sâu” mà “làm rầu nồi canh”. Cách đây ít lâu, trên báo GDTD có một bài báo gây xôn xao, được nhiều cơ quan thông tấn báo chí đăng tải lại. Đó là bài “Ngậm ngùi vì thầy… sang quá!” của tác giả Hồng Châm. Bài báo có đoạn : “Vị PGS nọ bước vào lớp, dáng dấp phương phi và bước chân đường hoàng, đĩnh đạc. Vừa ngồi vào bàn giáo viên, thầy đã đảo mắt quan sát khắp lượt phòng học và chê bai trang thiết bị ở đây “nghèo” quá. “Thời buổi bây giờ tất cả phải công nghệ cao. Công việc của tôi hàng ngày quá nhiều, nên lúc nào máy móc, phương tiện phục vụ cũng phải chỉn chu”- Thầy nói với chất giọng lơ lớ xứ Nghệ, rồi giở chiếc máy vi tính mới toanh ra để trên bàn và hỏi cả lớp: “Wifi cắm ở đâu các em?”. Một câu hỏi không thể “hài hước” hơn bởi vì Wifi là mạng không dây, sao lại cần phích cắm!? Không dừng ở đó, bài báo kể lại việc thầy gợi ý vòi ăn như thế nào, đòi đi đưa đi massage thư giãn ra sao… Người gửi cho tôi bài báo trên cho tôi, một đồng nghiệp tỏ ra rất bức xúc: “Kinh tế đang suy thoái. Hàng ngàn doanh nghiệp đóng cửa. Hàng trăm ngân hàng điêu đứng. Hàng vạn gia đình có con em đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng chưa có tiền đóng học phí hoặc tiền ăn do ngân hàng không có vốn để giải ngân cho các em vay. Đã có hàng trăm sinh viên bỏ học vì không có tiền để theo đuổi con đường tìm đến tri thức mới vì hoàn cảnh…. Đọc bài viết trên tờ báo của Bộ GD- ĐT mà thấy đau lòng….”. Cách đây hơn 10 năm, tôi đã từng theo học một ông thày mà theo tôi là rất kém về cả tài năng và nhân cách. Ngày đó, tôi đã nhiều lần định lên tiếng nhưng rồi cái “vòng kim cô” là câu “Học thầy rồi phản lại thầy” đã khiến học trò chỉ biết câm lặng dù thầy có sai trái đến đâu. Nó cũng ám ảnh tôi đến mức dù rất uất ức nhưng rồi tôi cũng câm lặng suốt thời gian theo học với một mong muốn mơ hồ rồi thầy sẽ sớm tỉnh ngộ. Và giờ đây, khi đọc những dòng này, tôi ân hận vì mình đã im lặng. Những người như thế này đâu phải là THẦY và đáng gọi là THẦY? Viết đến đây tôi chợt nhớ một bài trên báo điện tử VNN kể về tâm trạng day dứt của một người thầy mỗi khi nhận phong bì nho nhỏ từ các em học sinh ngày lễ, tết. Bài báo viết: “Tôi không thể mỉm cười thanh thản nhận phong bì của học trò, khi biết đằng sau nụ cười của các em là những giọt mồ hôi của người mẹ làm osin xa nhà, của người cha làm phụ hồ mỗi sớm chiều. Tôi cũng không thể thanh thản nhận phong bì của các em, khi mà biết rằng chỉ cần mình quay lưng bước đi, sẽ có tiếng xì xào, bàn tán của học trò: Lớp mày đi bao nhiêu?". Vâng, một thày giáo bình thường ở một ngôi trường xa xôi nào đó đã hành xử đầy cao thượng và tự trọng. Trong khi đó ở một trường ngay giữa Thù đô Hà Nội lại có người làm điều ô danh sự nghiệp mà các bậc tiền nhân như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm… ngày xưa và hàng vạn thầy cô giáo của ngày hôm nay đã và đang dày công vun đắp. Đọc bài trên GD&TĐ, có lẽ người bức xúc nhất, đau lòng nhất, cảm thấy bị xúc phạm nhất mà chính là các người thầy chân chính. Những thầy cô đang ngày đêm lăn lộn nơi giảng đường hết lòng, hết sức vì học sinh thân yêu không thể không cảm thấy bị làm nhục khi có những đồng nghiệp như vị PGS này. Một “con sâu” đang làm ô danh một nghề cao quý và những tâm hồn cao quý. Theo các bạn, nếu một trường đại học nào mà có vị PGS với tư cách như trên có nên cho giảng dạy nữa hay không? Hoặc nói cách khác, có nên để những “ông thầy tha hóa” như thế đứng trên giảng đường để dạy dỗ con cháu chúng ta? Khi thầy “tha hóa”, sao trò “tôn sư”? Theo Thethaohangngay
|