Lộ diện 13 ứng cử viên cho ngôi vị quán quân Olympia dành cho sinh viên đại học

Đã xác định được 13 đề tài xuất sắc lọt vào vòng bán kết đến chương trình “Olympia dành cho sinh viên đại học”.

“Olympia dành cho sinh viên đại học” là chương trình để những góc nhìn, suy nghĩ, ý tưởng được các bạn sinh viên thể hiện bằng đề tài NCKH và những ý tưởng, sự sáng tạo gần như không có giới hạn với các bạn sinh viên ở sân chơi này. Mỗi đề tài, mỗi câu chuyện, cùng xuất phát điểm là góc nhìn sinh viên, nhưng lại dẫn dắt vào từng ngóc ngách, những khía cạnh đầy khác biệt thú vị của cuộc sống thông qua công trình nghiên cứu của họ.

Đặng Thị Kim Thoa - sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM như dẫn dắt mọi người cùng đi khám phá câu chuyện nhận thức an toàn vệ sinh lao động tại các cơ sở hàn điện tư nhân trên địa bàn TP.HCM bằng nghiên cứu của mình. Đề tài này  hướng đến mục đích nâng cao nhận thức cho người lao động nghề gò hàn, vốn các thiết bị an toàn rất sơ sài, tạm bợ, và để hạn chế các mối nguy hiểm hàng ngày đe doạ đến sức khoẻ và tính mạng của người làm nghề gò hàn trên địa bàn thành phố.
 
Chương trình Olympia dành cho sinh viên đại học 1
Đặng Thị Kim Thoa - sinh viên ĐH Tôn Đức Thắng TP.HCM trong quá trình thực hiện  đề tài “Đánh giá môi trường lao động của các cơ sở hàn điện tư nhân và đề xuất biện pháp nâng cao nhận thức an toàn vệ sinh lao động cho người lao động”
 
Quá trình thực hiện đề tài mà các bạn sinh viên gửi đến chương trình “Olympia dành cho sinh viên đại học”, là một thử thách, một trải nghiệm không có trong giáo án ở trường. Kim Thoa kể: “Trường học là nơi chúng tôi tiếp thu các bài giảng, còn khi ra với xã hội, mọi thứ hoàn toàn mới mẻ và khác biệt với sinh viên chúng tôi. Vì vậy ngay trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi gặp không ít những khó khăn, vất vả trong việc tìm người, tìm nguồn thông tin. Để có một đề tài hay và hấp dẫn, chúng tôi phải kiên trì đeo bám, có những nhân vật phải tiếp xúc đến 3 - 4 lần họ mới chia sẻ thông tin về nghề và cuộc sống của họ”.
 
Những mong muốn, khát khao thể hiện mình thông qua từng đề tài cụ thể, các sinh viên đã đem đến một sự cộng hưởng thú vị, bằng chính những đề tài nghiên cứu đậm chất học thuật, gắn liền với nhu cầu thực tiễn, và không hề có giới hạn trong sáng tạo. Chính những yếu tố đó đã tăng thêm phần hào hứng cho các bạn sinh viên khi tham gia vào chương trình.

Mục đích của chương trình được Ban Tổ Chức - Công ty LG Electronics Việt Nam xác định rất rõ, đó là tạo ra một sân chơi tri thức và cơ hội tranh tài cho sinh viên làm NCKH. Với những đề tài mang tính chuyên môn, việc ứng dụng công nghệ đòi hỏi cấp độ cao là một thách thức, nhất là với những sinh viên chưa tốt nghiệp.

Sinh viên Nguyễn Hữu Hiếu, nhóm thực hiện đề tài “Thiết kế hệ thống điều khiển tự động cho băng chuyền phân loại sản phẩm theo màu sắc”, chia sẻ: “Khi thực hiện, thông tin chúng tôi có được rất hạn chế, qua tìm hiểu những công trình tương tự ở nước ngoài thì thấy quy mô quá lớn, chúng tôi là sinh viên nên không có điều kiện đầu tư máy móc, công nghệ như doanh nghiệp. Nhưng chúng tôi cố gắng thể hiện đề tài, từ cái nền tảng ban đầu chúng tôi triển khai tính ứng dụng vào các nguyên lý khác như chiều cao, sẽ có thể cho ra những sản phẩm ứng dụng có tính tương tự khác”.

PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng khoa Điện tử Viễn thông - ĐH Bách Khoa Đà Nẵng, thành viên Hội đồng khoa học của chương trình, chia sẻ: “Tôi thấy các đề tài gửi về cuộc thi, có khá nhiều công trình có tính tiềm năng, cho phép có thể mở rộng nghiên cứu, phát triển lên một bước cao hơn, có tính thực tiễn và ứng dụng rộng rãi”.
 

13 đề tài lọt vào vòng Bán kết


1. Hệ thống bàn cảm ứng thông minh (ĐH KHTN TP.HCM)

2. Thiết kế hệ thống bãi giữ xe bằng thẻ sinh viên (ĐH Tôn Đức Thắng)

3. Ngôi nhà thông minh chống lũ (ĐH KHTN TP.HCM)

4. Nhận diện chữ số viết tay sử dụng đặc trưng bậc cao rút trích bằng thuật toán Sparse Autoencoder (ĐH KHTN, TP.HCM)

5. Thiết kế chế tạo mô hình gara ô tô tự động (ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật Nam Định)

6. Thiết kế hệ thống điều khiển tự động cho băng chuyền phân loại sản phẩm theo màu sắc (ĐH Giao Thông Vận Tải Hà Nội)

7. Phương thức quảng cáo qua các cuộc thi trực tuyến tại TP Hồ Chí Minh: Thực trạng và Giải pháp (ĐH Ngoại Thương TP.HCM)

8. Phân tích tác động của cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn TP.HCM. (ĐH Ngoại Thương TP.HCM)

9. Khoảng cách kỳ vọng kiểm toán và giải pháp giảm thiểu khoảng cách kỳ vọng kiểm toán tại Việt nam (ĐH Ngoại Thương Hà Nội)

10. Quản trị chuỗi cung ứng cho vùng rau an toàn trọng điểm Túy Loan, Quảng Nam (ĐH Kinh Tế Đà Nẵng)

11. Nghiên cứu các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng thực phẩm an toàn của người tiêu dùng Việt Nam (ĐH Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội)

12. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động bán hàng qua truyền hình tại Việt Nam (ĐH Ngoại Thương TP.HCM)

13. Phát triển và kiểm định mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng xanh (ĐH Kinh Tế - ĐH Quốc Gia Hà Nội)
 

Vòng bán kết chương trình dự kiến sẽ diễn ra vào 12.1.2013 và 19.1.2013 tại Hà Nội và TP.HCM.


Theo Thethaohangngay

 

Viết bình luận: Lộ diện 13 ứng cử viên cho ngôi vị quán quân Olympia dành cho sinh viên đại học

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247