22/01/2013 13:39 pm
Dễ dãi trong đào tạo liên thông và thạc sĩ Bộ GD-ĐT cho biết, trong thời gian qua, do những quy định về chương trình đào tạo, tuyển sinh và quản lý đào tạo liên thông chưa chặt chẽ, mập mờ, dễ dãi trong xác định chỉ tiêu nên trong một thời gian ngắn số trường ĐH đào tạo liên thông tăng nhanh, chất lượng đào tạo giảm sút.
Khảo sát công tác tuyển sinh đào tạo liên thông năm 2011 của 42 trường ĐH cho thấy, có đến 34/42 trường tuyển sinh liên thông hệ chính quy (81%), chỉ có 8/42 trường đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm. Đáng lưu ý là có 21/42 trường tuyển sinh người có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng (CĐ) loại trung bình, không cần thâm niên công tác cũng được dự thi liên thông lên ĐH. Kết quả khảo sát cho thấy số trường vi phạm quy chế đào tạo liên thông chính quy là rất lớn. Nhiều trường đào tạo liên thông từ trung cấp lên ĐH, từ trung cấp nghề lên ĐH và CĐ, từ CĐ nghề lên ĐH chưa có phép của Bộ GD-ĐT; tổ chức đào tạo liên thông chính quy ngoài cơ sở đào tạo không đúng với quy định hiện hành; xác định chỉ tiêu tuyển sinh và thực hiện tuyển sinh vượt quá năng lực của trường. Những điều này đã gây bức xúc trong dư luận xã hội và người học. Bộ cũng thừa nhận do thời gian qua quy mô đào tạo tăng nhanh nên các điều kiện đảm bảo chất lượng không theo kịp dẫn đến chất lượng đào tạo thấp; việc đổi mới nội dung chương trình đào tạo ở các trường ĐH còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn, phương pháp giảng dạy ở các trường còn nặng truyền đạt một chiều, thụ động. Đặc biệt, Bộ đã chỉ ra những yếu kém trong công tác quản lý hệ đào tạo không chính quy nên dẫn đến việc đào tạo chất lượng thấp. Điều này là nguyên nhân khiến cho các địa phương và người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng. Một trong những yếu kém đó là sự mất cân đối về ngành nghề và trình độ đào tạo: các trường chủ yếu tuyển sinh các ngành dễ dạy, dễ học, ít phải đầu tư cơ sở vật chất, không phải thí nghiệm thực hành; đào tạo ĐH là chủ yếu (chiểm trên 80% so với tổng quy mô đào tạo không chính quy). Bên cạnh đó là việc mất cân đối về hình thức đào tạo. Giáo dục thường xuyên gồm 3 hình thức vừa học vừa làm, đào tạo từ xa và tự học có hướng dẫn nhưng quy mô đào tạo chủ yếu tập trung vào hình thức vừa học vừa làm, chiếm trên 65% tổng quy mô đào tạo không chính quy. Nhiều lớp học mở tại địa phương tổ chức không chặt chẽ, nhiều lớp cắt xén giờ giảng, coi thi kiểm tra không nghiêm túc… Một vấn đề được Bộ cảnh báo là trong thời gian qua, các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn hạn chế. Kết quả rà soát đào tạo thạc sĩ năm 2012 cho thấy có 161/1.002 ngành, chuyên ngành, thuộc 50 cơ sở đào tạo không đảm bảo điều kiện. Có nhiều cơ sở đào tạo xác định năng lực đào tạo thạc sĩ vượt quá năng lực về đội ngũ, đặc biệt là đào tạo thạc sĩ về ngành quản trị kinh doanh. Có nhiều cơ sở đào tạo đã liên kết đào tạo thạc sĩ tại địa phương, trái với quy định và không đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng. Siết chặt kỷ cương Một trong các giải pháp mà Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện trong năm nay là việc tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng. Bộ sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh vừa học vừa làm, liên thông chính quy. Cụ thể, chỉ tiêu vừa học vừa làm còn 50% tổng chỉ tiêu đào tạo; chỉ tiêu liên thông chính quy không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy của nhà trường. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm 2012 đã có 23 trường ĐH được thành lập. Trong đó chỉ có 3 trường được thành lập mới và đều là trường tư thục. Còn lại là các trường được nâng cấp từ bậc học thấp hơn. Hà Nội là địa phương có nhiều trường được thành lập nhất, gồm 5 trường, trong đó có 4 trường là trường công lập được nâng cấp. Đối với đào tạo sau ĐH, Bộ cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung quy chế đào tạo sau ĐH; xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ theo hai hướng nghiên cứu và ứng dụng; rà soát chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ; nâng cao chất lượng luận văn, luận án thông qua quy trình đăng ký công khai, minh bạch. Bộ sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các cơ sở đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, dừng tuyển sinh đào tạo đối với các ngành, chuyên ngành không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng; tiếp tục triển khai thẩm định luận án tiến sĩ, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Giảm mạnh chỉ tiêu sau đại học các ngành đã vượt nhu cầu xã hội như quản lý giáo dục… Bộ cũng cho biết, trong năm học này sẽ hoàn thiện cơ chế tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội. Nghiêm cấm việc lợi dụng chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội để trục lợi, đào tạo không đúng mục đích sử dụng… Đặc biệt, giải pháp mà Bộ quan tâm thực hiện trong năm 2013 là việc thanh kiểm tra, lập lại kỷ cương trong GDĐH. Bộ cho biết, năm học này sẽ tiếp tục đổi mới quản lý GDĐH theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình xã hội của cơ sở GDĐH. Bộ sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan và địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ sở GDĐH; công bố công khai kết quả thanh tra, kiểm tra. Năm nay, Bộ sẽ tăng cường thanh tra trên diện rộng hoạt động tuyển sinh và đào tạo theo hình thức liên thông, liên kết đào tạo với các trường ĐH, CĐ và công tác quản lý liên kết đào tạo tại các cơ sở đào tạo; tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra sau ĐH; xử lý việc đào tạo sau ĐH ở địa phương, đào tạo không đúng địa điểm và liên kết đào tạo chưa được sự đồng ý của Bộ GD-ĐT; tăng cường thanh tra tuyển sinh bao gồm các khâu coi thi, chấm thi, xét tuyển; kiểm tra việc thực hiện các quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh... Theo thethaohangngay |
|
>> Sinh viên cao đẳng "trải lòng" về quy định đào tạo liên thông mới
>> "Thả nổi" đào tạo liên thông: Đã có quy chế "siết chặt"
>> Quy định mới về đào tạo liên thông: Bức thư ủng hộ quyết định của Bộ gây chú ý
>> Gấp rút thông báo tuyển sinh liên thông để 'né' quy định mới