Quy định mới về đào tạo liên thông: Bức thư ủng hộ quyết định của Bộ gây chú ý
08/01/2013 14:51 pm
Trong số đông bày tỏ bức xúc, ấm ức, không đồng tình, thậm chí có bạn còn gửi tâm thư xin sự 'gia ân' của Bộ GDĐT về quy định mới về đào tạo liên thông thời gian gần đây, lại nổi lên một bức thư có thể xem là ý kiến trái chiều gây chú ý, khi sinh viên cao đẳng này khẳng định ủng hộ quy định của Bộ.
Xung quanh quy định mới về đào tạo liên thông sắp có hiệu lực từ ngày 07/02/2013, đã có rất nhiều phản hồi từ comment bình luận đến những bức "tâm thư" gửi Bộ cũng đã được gửi đi.
Số đông là bày tỏ bức xúc, ấm ức, không đồng tình về quy định nói trên, thậm chí có bạn còn gửi tâm thư xin sự 'gia ân' của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, trong đó có một bức thư có thể xem là ý kiến trái chiều gây chú ý, khi sinh viên cao đẳng này khẳng định ủng hộ quy định của Bộ.
Cậu nêu ra những dẫn chứng, lý do thuyết phục về chất lượng liên thông, về con đường sự nghiệp học hành của người trẻ.
"Tôi thấy rằng, nhiều năm nay, với hình thức đào tạo liên thông, đã có biết bao cử nhân, kỹ sư kém chất lượng ra lò. Đó sẽ là mối nguy cho đất nước trong tương lai"; "Bản thân tôi cho rằng, không phải quy định thế này là chấm dứt cơ hội học tập như một số người đã nói" - cậu bày tỏ quan điểm.
Chúng tôi xin trích đăng nguyên văn 'tâm thư' của sinh viên này:
"Chào các bạn, mình là Bùi Anh Tuấn - một sinh viên hệ cao đẳng đã tốt nghiệp cách đây 3 năm của một trường CĐ tại Hà Nội.
Nhiều ngày nay, mình đã đọc rất nhiều các bài báo về việc quy định mới về đào tạo liên thông sắp có hiệu lực từ ngày 07/02/2013. Mình cũng đã vào nhiều diễn đàn mạng được báo chi nhắc tới để đọc các “bức tâm thư” của các bạn.
Mình xin được phép góp ý với các bạn một số ý kiến như sau.
Nhiều sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp muốn học lên đại học chỉ vì "cái danh"? (Ảnh minh họa)
Học lên cao chỉ vì cái danh
Trước hết, mình cảm thấy rất cảm thông đối với một số câu chuyện tiêu biểu trong những “bức tâm thư” được các bạn trong hội “Hội những người bức xúc với quy định mới về đào tạo liên thông”.
Nhiều bạn trong hội này đã kể những câu chuyện thật về hoàn cảnh của gia đình mình như việc bạn đỗ đại học nhưng lại chọn học cao đẳng để tiện chăm sóc mẹ do bố mất sớm, hay có bạn thừa nhận nhờ liên thông nên bạn đó từ chỉ đỗ trung cấp nhưng hiện nay đã may mắn được cao đẳng.
Tuy nhiên, đa phần các bạn nêu ra ý kiến của mình đều nói rằng muốn học liên thông lên đại học chỉ để cha mẹ có thể tự hào về mình, để không xấu hổ với hàng xóm, họ hàng khi chỉ có trong tay tấm bằng cao đẳng, trung cấp.
Rõ ràng ở đây các bạn đang có một suy nghĩ khá sai lầm khi cho rằng học chỉ để lấy cái oai, lấy cái danh “đại học” chứ các bạn chưa nghĩ rằng học để làm việc.
Tôi chắc chắn rằng, cha mẹ các bạn, họ hàng của các bạn sẽ thấy vui mừng và tự hào khi các bạn tìm được một công việc tốt, có một thu nhập ổn định hơn việc các bạn cố gắng “kiếm tấm bằng đại học” để rồi thất nghiệp.
Dù chỉ học hệ cao đẳng, lại là ngành thiết kế thời trang nhưng bằng sự tìm tòi và học hỏi của mình tôi cũng tìm được một công việc phù hợp với chuyên môn và có mức thu nhập còn cao hơn cả những bạn tốt nghiệp đại học đang cùng làm ở công ty.
Tôi không phủ nhận rằng hiện nay xã hội chúng ta đang có quan niệm trọng bằng cấp, thích bằng đại học nhưng chúng ta là những người trẻ, chúng ta phải thay đổi tư duy đó bằng chính năng lực của mình.
Tôi chợt nhận ra, tâm lý chuộng bằng cấp cũng chỉ là ý nghĩ thoáng qua của bố mẹ, của họ hàng và của những người hàng xóm. Khi tôi đem về những tháng lương đầu tiên sau 3 năm học cao đẳng, bố mẹ tôi đã vui biết chừng nào. Mỗi tháng, bố mẹ tôi cũng không phải gửi đều đặn 2 triệu đồng cho tôi sinh sống trên Thủ đô.
Khi tôi nỗ lực để đạt được những thành công nhỏ trong công ty, khi mức lương của tôi tăng lên khi đem lại giá trị cho công ty, bố mẹ tôi đã tự hào về tôi biết chừng nào. Thậm chí, những người hàng xóm còn rỉ tai với bố mẹ tôi rằng: “đấy con nhà anh chị chỉ học cao đẳng mà còn hơn ối đứa học đại học vẫn còn đang thất nghiệp dài dài”.
Rõ ràng, tâm lý chuộng bằng đại học là có nhưng ngay cả những phụ huynh còn đang thay đổi thì tại sao chúng ta là những người trẻ lại tỏ ra nặng nề đến thế.
Cơ hội nghề nghiệp luôn rộng mở với tất cả các hệ đào tạo
Cơ hội kiếm việc luôn rộng mở
Tôi cũng đọc nhiều ý kiến trên các diễn đàn khi các bạn kêu than, lo lắng khi học xong trung cấp, cao đẳng không có việc làm. Rõ ràng, các bạn đang đi bàn luận câu chuyện không phải của mình.
Hiện nay, hàng vạn sinh viên các trường đại học khi ra trường vẫn không kiếm được việc làm chứ không chỉ riêng gì những người có bằng cao đẳng, trung cấp.
Tôi phải nói rằng, những người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp không kiếm được việc làm đa phần là những người không có trình độ và năng lực thực sự.
Hiện nay, đa số các bạn tốt nghiệp ra trường đều sẽ phải tìm cho mình những cơ hội tại các công ty tư nhân, các tập đoàn, các doanh nghiệp ngoài nhà nước. Ở những công ty này, các bạn phải thể hiện khả năng của bản thân chứ không phải là tấm bằng đại học hay cao đẳng, trung cấp.
Ngay trong trường hợp của tôi, tôi đã vào công ty một cách đường hoàng thông qua việc thi tuyển. Dù trong đợt thi tuyển đó, có hàng chục hồ sơ của những bạn đã tốt nghiệp những trường đại học danh tiếng cùng chuyên ngành thiết kế nhưng tôi vẫn được lựa chọn. Cùng được tuyển vào công ty của tôi còn có một bạn cùng lớp cũng chỉ tốt nghiệp cao đẳng.
Hiện nay, mức lương của tôi và cậu bạn đã cao hơn nhiều so với những người có bằng đại học được xét tuyển cùng đợt. Vì bằng các sản phẩm của mình, chúng tôi đã tạo ra được giá trị cho công ty.
Các bạn có để ý rằng, hiện nay có nhiều các tỉnh thành trên cả nước “nói không” với bằng tại chức, liên thông thì liệu rằng những đơn vị các bạn đang định xin vào sau này liệu họ có nhận?
Gia đình tôi cũng nghèo như một số bạn nên cũng không có tiền để “chạy” vào những vị trí tốt trong các đơn vị nhà nước nên ngay từ quá trình học cao đẳng, tôi đã phải xác định “học thật” và tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Rõ ràng, khi các bạn còn chưa ra trường, chưa trang bị cho mình những kỹ năng mềm, những kinh nghiệm thực tế thì việc các bạn lo lắng không tìm được việc cũng là tâm lý dễ hiểu.
Nhưng theo tôi, thay vì lo lắng, các bạn hãy nỗ lực bằng chính khả năng của mình thì một công việc ưng ý trong tương lai sẽ không còn là điều xa vời.
Bộ ra quyết định đúng
Các bạn vẫn luôn cho rằng nền giáo dục nước nhà còn quá nhiều những yếu kém nhưng tại sao khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT khắc phục một trong những yếu kém hiện hữu, các bạn lại phản ứng gay gắt đến thế.
Bản thân tôi, trước kia đã từng có ý định học liên thông ở một trường đại học nhưng sau khi tìm hiểu tôi đã quyết định từ bỏ ý nghĩ đó của mình.
Tôi được biết rằng, thi liên thông là một kỳ thi dễ nhất từ trước tới nay với một số tiền đóng vào, bạn nghiễm nhiên sẽ có tên trong danh sách sinh viên liên thông. Không những thế, theo tôi được biết, trong quá trình học, mức học phí thường cao hơn mức quy định từ 5-7 lần.
Với hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi, một mình mẹ tôi ở quê cũng không thể lo chi phí tiền học hàng triệu mỗi tháng. Còn đối với nhiều bạn đã gửi “tâm thư”, liệu gia đình các bạn có thể lo kinh phí hàng triệu đồng tiền học khi các bạn cũng đều chia sẻ hoàn cảnh gia đình mình rất khó khăn?
Các bạn học Đại học lấy bằng Đại học, học Cao đẳng là để lấy bằng Cao đẳng, học Trung cấp là để lấy bằng Trung cấp, liên thông hiện nay chỉ đồng nghĩa với việc mở ra con đường khác để lấy bằng Đại học mà thôi.
Liệu rằng, các bạn vẫn tiếp tục muốn tiếp tục coi liên thông là cơ hội chỉ để các bạn lấy bằng và là cách để một số trường kiếm tiền?
Mục đích của hệ cao đẳng, trung cấp mở ra với mục đích để đào tạo những công nhân kỹ thuật cao phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, chứ không phải để làm con đường vòng để cho những cá nhân kém cỏi kiếm tấm bằng đại học.
Điều này, tôi cũng đã thấy trong quan điểm của lãnh đạo Bộ GD-ĐT khi cho rằng không phải tất cả những người học xong hệ cao đẳng, trung cấp lại chăm chăm vào học đại học.
Tôi cũng thấy rằng, nhiều năm nay, với hình thức đào tạo liên thông, đã có biết bao cử nhân, kỹ sư kém chất lượng đã được ra đời. Đó thực sự còn là mối nguy cho đất nước trong tương lai.
Bản thân tôi cho rằng, không phải quy định thế này là chấm dứt cơ hội học tập như một số người đã nói.
Cơ hội học cao hơn vẫn dành cho những ai thực sự có đủ năng lực. Nếu bạn cảm thấy chưa đủ năng lực thì nên tiếp tục rèn luyện, phấn đấu còn nếu không thì cũng nên dừng lại ở một mức độ nhất định.
Tôi biết rằng, với quy định này sẽ có một số lượng nhỏ các bạn sinh viên hệ cao đẳng, trung cấp có mong muốn học thật và thi thật cũng sẽ bị ảnh hưởng một phần nào đó. Tuy nhiên, sau 3 năm tích lũy kinh nghiệm thực tế, bạn sẽ thấy việc học rất nhẹ nhàng và có ích hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, các bạn cũng nên cảm thông với Bộ GD-ĐT để chấn chỉnh hình thức liên thông một cách mạnh mẽ và trả lại giá trị thật cho người học.
Chúc các bạn thực sự có năng lực có thể tìm được cơ hội cho chính mình trong khó khăn".
Bộ ra quyết định cứng rắn để trả lại đúng giá trị cho người học (Ảnh minh họa)