Nhà giáo Nguyễn Quang Kính, thành viên của nhóm nghiên cứu đề tài cấp nhà nước về đào tạo và bồi dưỡng giáo viên (GV) phổ thông, dẫn lời của PGS Bùi Mạnh Hùng, Trường ĐH Sư phạm (SP) TP.HCM: “Nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều hoành tráng, chỉ trừ ông thầy, vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình, vào nghề với sự bất đắc dĩ, vừa dạy học, vừa bươn chải kiếm sống thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai”.
Nếu một nền giáo dục mà mọi thứ đều hoành tráng, chỉ trừ ông thầy, vốn chỉ là những học sinh phổ thông trung bình thì có thể nói một cách quả quyết là nền giáo dục đó không có tương lai |
||
PGS BÙI MẠNH HÙNG - |
||
“Đáng lo ngại là nền GD-ĐT của chúng ta đang phải đối mặt với thực tế đó”, ông Kính nhấn mạnh.
Thiếu giáo viên giỏi
Tiến sĩ Bạch Văn Hợp, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, thừa nhận: “Người giỏi không vào SP cho nên có một thực tế là GV bây giờ không giỏi. Nhất là trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, trò có thể tìm được mọi thông tin trên mạng, thầy mà tụt hậu sẽ rất ê chề. Trò biết mà thầy không biết thì không thể dạy được. Thầy giỏi trò mới giỏi, thầy tệ trò khó giỏi”.
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, nền giáo dục của chúng ta đang phải đối mặt với một vấn đề lớn là chất lượng của GV chưa cân đối, các trường SP không tuyển được học sinh giỏi, từ đó tạo ra GV không giỏi.
Chính vì thực trạng này nên mới xảy ra những sự việc đáng tiếc. Chẳng hạn trường hợp học sinh phổ thông phát hiện GV dạy tiếng Anh phát âm sai. Giảng viên dạy toán ở một trường ĐH lớn có ngành SP thì ngậm ngùi cho rằng càng ngày càng ít sinh viên SP học toán có tư duy toán học.
Một người trong ngành giáo dục lâu năm thừa nhận: “Hiện nay khi tuyển GV, tôi thấy năng lực của giáo sinh có vấn đề, thiếu bản lĩnh, không nhìn thấy được cái chất của họ với nghề”. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sài Gòn, khẳng định: “Chất lượng của SV ngành SP cực kỳ quan trọng. Trường ĐH chỉ có thể biến những SV có lực học trung bình lên mức khá hơn một chút, chứ không thể từ trung bình thành xuất sắc. Do đó, đầu vào thấp là một mối lo lớn về chất lượng của những người thầy tương lai”.
Ông Lê Tiến Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cũng thông tin, trong số 356.000 GV tiểu học hiện nay có khoảng 30% loại khá giỏi, 20% yếu kém.
|
Chỉ là “thợ dạy”
Kết quả khảo sát thực tế ở 8 cơ sở đào tạo GV thuộc Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Sơn La, Cần Thơ cho thấy kỹ năng nghề nghiệp ở các sinh viên rất yếu, đặc biệt là các kỹ năng giáo dục học sinh cá biệt, phối hợp với cha mẹ học sinh và cộng đồng, giải quyết các tình huống SP, lập kế hoạch giáo dục… Sinh viên năm cuối và GV đều có biểu hiện năng lực dạy tốt hơn năng lực giáo dục. Nói nôm na là phẩm chất “thợ dạy” nổi trội hơn “thợ giáo”.
Nói về việc này, một GV tâm sự: “Biết học sinh đó gặp khó khăn về gia cảnh, học tập, hoặc học sinh cá biệt quậy phá… tôi cũng muốn dành thời gian tìm hiểu nhưng thực sự không thể vì thời gian bó hẹp. Tôi còn nhớ, vào những năm 1980, cũng khó khăn trăm bề nhưng phải đặt mục tiêu là mỗi tháng phải đến nhà học sinh một vài lần để nắm tình hình học tập và gia cảnh của các em. Còn giờ đây, hiếm có GV làm được việc này”.
Trong khi ngành GD-ĐT luôn kêu gọi và yêu cầu GV phải đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm thì kết quả nghiên cứu lại cho thấy năng lực tìm hiểu người học là yếu nhất trong các tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp GV hiện nay. Một GV tại Q.8 (TP.HCM) cho biết: “Tôi thừa nhận mình thật sự đánh giá không sát năng lực học tập của học sinh. Nhiều khi tôi cũng muốn đọc kỹ từng ý, từng câu nhưng thời gian không cho phép”.
Mất dần vị thế người thầy
Chất lượng GV không tốt còn dẫn đến một hệ quả là chữ lễ không còn thiêng liêng như trước. Thạc sĩ Mỵ Giang Sơn trăn trở: “Típ “thầy ra thầy” có thể ngày nay lại bị coi là lạc hậu. Học trò, phụ huynh ngày càng giảm sự tôn kính với thầy. Thời xưa trò lễ phép với thầy, giờ học sinh ra khỏi trường đã có thể chửi thầy cô, sinh viên vừa tốt nghiệp cũng quay lại trường sẵn sàng khẩu chiến với thầy”. Ông Sơn cũng cho rằng bạo lực học đường tăng mạnh, mối quan hệ thầy trò không còn như xưa đã có tác động vô cùng lớn đối với xã hội. Trước những tiêu cực của môi trường giáo dục, nhiều người có nhiều cái nhìn cực đoan về ngành.
Chính vì vậy, ông Nguyễn Quang Kính đề nghị cần sửa đổi chính sách để khôi phục vị thế của nghề dạy học. Một trong những chính sách đầu tiên cần phải sửa đổi, đó là tiền lương, phụ cấp, trợ cấp của nhà giáo. GS Đinh Quang Báo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu SP Trường ĐH SP Hà Nội, chia sẻ: “Không phải ai sống cũng với mục tiêu phải có thật nhiều tiền. Nhưng việc đảm bảo cho người ta đồng lương đủ sống mới giúp người ta chọn nghề là vì sở trường, vì năng lực chứ không vì đồng tiền”.
Trả lương gắn với kết quả lao động Trao đổi với PV, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, không chỉ xem lại cách trả lương đã đủ sống hay chưa mà còn nên thay đổi cách trả lương theo hướng phù hợp với giá trị lao động bỏ ra, gắn với kết quả lao động. Như hiện nay dù GV dạy tốt hay không thì mức lương “cứ tăng theo thời gian”. Đồng quan điểm, GS Đinh Quang Báo cũng đề nghị chế độ lương phải kích thích được những người trẻ có năng lực, có cố gắng. Cách trả lương hiện nay khiến người giỏi cũng như người kém, sống lâu lên lão làng. Nhiều GV trẻ rất giỏi nhưng vẫn phải "leo từ từ". Một số nước áp dụng giấy phép hành nghề, tốt nghiệp ĐHSP không có nghĩa là được đi dạy ngay mà phải vượt qua một kỳ sát hạch. Giấy phép hành nghề cũng có thời hạn, chẳng hạn cứ 5 năm phải đổi một lần. Ngay cả khi GV có khả năng vượt trội, được hưởng một mức lương tương xứng với khả năng đó cũng không có nghĩa là sẽ được hưởng mãi mãi. Nếu không cố gắng, thậm chí còn thụt lùi, sẽ phải quay về với mức lương thấp hơn - GS Báo đề xuất. Tuệ Nguyễn |
Theo TN