Nhận xét Đề minh họa Đánh giá năng lực Hà Nội - HSA 2025

Sau khi Trung tâm khảo thí ĐHQGHN công bố đề minh họa HSA 2025, thầy cô tại Tuyensinh247 đã có những nhận xét chi tiết từng phần thi trong đề minh họa Đánh giá năng lực Hà Nội 2025: Toán học và xử lý số liệu, văn học - ngôn ngữ, Khoa học, tiếng Anh cụ thể như sau:

I. Nhận xét Phần Toán học và xử lý số liệu

1. Về phạm vi kiến thức

Đề thi sử dụng hầu hết các kiến thức trong sách giáo khoa mới theo chương trình cải cách năm 2018 của Bộ GD&ĐT. Trọng điểm rơi vào lớp 12 (gồm 34 câu) cụ thể các phần Hàm số (10 câu), Phương pháp tọa độ (9 câu), Nguyên hàm - tích phân (6 câu), Thống kê (6 câu), xác suất (3 câu). Các kiến thức thuần lớp 10 và 11 gồm có Phương trình lượng giác, phương trình mũ loga, hình học không gian, đạo hàm chiếm phần còn lại. Điểm đặc biệt là đề thi cũng giảm tải khá nhiều theo chương trình SGK mới của Bộ, như là bỏ phần Số phức, bỏ phương pháp tính tích phân, bỏ khối nón và trụ, bỏ hàm số chứa dấu trị tuyệt đối, bỏ tích phân hàm hợp và hàm ẩn... Bên cạnh đó số lượng câu vận dụng hoặc có liên quan đến thực tế được tăng mạnh đúng theo tinh thần đưa toán học tới gần với cuộc sống hơn.

2. Về độ khó

Khó là điều đầu tiên mà chúng ta phải nói tới trong đề Minh họa này bởi các nguyên nhân sau:

a)     Có rất nhiều câu liên quan đến kiến thức thực tế, khiến đề trở nên dài, chỉ tính đọc đề đã mất nhiều thời gian của thí sinh nếu không biết cách lựa chọn “Key”.

b)    Tuy rằng không có câu nào thuộc mức độ “Vận dụng cao” nhưng số lượng câu ở mức độ “vận dụng” lại khá nhiều, cộng với thời gian eo hẹp (trung bình 1.5 phút/câu) khiến đề được đánh giá ở mức rất khó lấy điểm từ 40-50.

c)     Mặc dù mình tự tin là người rất nhiều mẹo tính nhanh đồng thời tính nhẩm tốt, nhưng đề lại rất ít câu sử dụng được mẹo tính nhanh. Đề thi đòi hỏi học sinh phải học rất bài bản và hiểu bản chất mới có thể đạt được điểm cao.

3. Về các dạng bài

Nhận xét chi tiết về các dạng bài thì khó, nhưng tóm tắt lại có một vài ý chính sau các em cần chú ý kĩ.

a)     Hàm số có nhiều tương giao, đạo hàm xong vẫn phải tương giao, do đó nên học kĩ tương giao hàm số. Ngoài ra cũng khá nhiều hàm hợp, vẫn nhiều tham số m.

b)    Nguyên hàm và tích phân không đòi hỏi tính toán phức tạp, nhưng tập trung nhiều vào ứng dụng của tích phân như bài toán chuyển động, diện tích, thể tích.

c)     Thống kê trải dài từ dễ tới khó, bài dễ có thể bấm máy tính nhưng bài khó thì còn phải biết thêm kĩ năng đọc và phân tích số liệu.

d)    Xác suất thực sự khó, phần quy tắc tính xác suất (lớp 11) đã khó, mà xác suất có điều kiện (lớp 12) thì hiển nhiên là khó hiểu với học sinh.

e)     Hệ tọa độ không có câu nào thuộc mức độ nhận biết, toàn từ thông hiểu đến vận dụng cao, khá lạ là không thấy có bài ứng dụng thực tế của hệ tọa độ trong đề.

f)      Hình học không gian tuy chỉ có 4 câu nhưng lại có tới 3 câu mức độ vận dụng. Kiến thức sử dụng gồm song song, góc, khoảng cách, thể tích, diện tích.

g)    Cấp số cộng và nhân có 2 câu nhưng một câu trong số đó là vận dụng cao, một câu còn lại cũng không đơn giản.

h)    Lượng giác chỉ có 3 câu, tuy kiến thức toán không khó nhưng lại liên quan tới vận dụng thực tế nên đề có chút dài.

i)       Phần phương trình, bất phương trình rơi vào mức độ thông hiểu và vận dụng, nhiều bài có tham số m.

Tổng kết: Đề minh họa kỳ thi HSA năm 2025 được đánh giá là KHÓ vì kiến thức rộng và tổng hợp, mức độ thông hiểu rất ít, bài toán thực tế nhiều trong khi thời gian lại eo hẹp. Để làm tốt đề này các em học sinh cần học chắc kiến thức từ cơ bản, sau đó chắc chắn phải rèn luyện nâng cao và bổ sung thêm một số kỹ năng như đọc hiểu, kĩ năng tính toán, kiến thức liên môn,... Các em nên có sự xuất phát từ sớm nếu thực sự muốn có kết quả tốt trong kỳ thi Đánh Giá Năng Lực này.

>> Xem chi tiết nhận xét phần Toán học và xử lý số liệu TẠI ĐÂY

II. Nhận xét Phần Văn học - ngôn ngữ

1. Về phạm vi kiến thức

Nhìn chung, phạm vi kiến thức được sử dụng trong đề minh hoạ ĐGNL Hà Nội năm 2025 có những thay đổi nhất định, phù hợp với định hướng ra đề thi chung của chương trình giáp dục phổ thông 2018 cũng như Công văn 3935/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025.

Cụ thể:

Nếu như trong đề minh hoạ ĐGNL Hà Nội năm 2024, tỉ lệ các văn bản ngoài sách giáo khoa xuất hiện chỉ chiếm 16% (3/19 văn bản) thì trong đề minh hoạ năm 2025 tỉ lệ này lên đến 100%.

Như vậy, ngữ liệu hoàn toàn nằm ngoài phạm vi sách giáo khoa. Có thể gặp những tác giả quen thuộc (Huy Cận, Nguyễn Minh Châu…) nhưng là những tác phẩm không quen thuộc với HS như trước đây.

Tuy nhiên, kiến thức về đặc trưng thể loại (đối với văn bản) và kiến thức tiếng Việt không quá xa lạ với thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Về những lĩnh vực xuất hiện trong đề thi, có thể thấy, phạm vi kiến thức không chỉ dừng lại ở kiến thức văn học (tác phẩm, văn học sử, lí luận văn học…) mà đã mở rộng ra đời sống, xã hội: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, đời sống hàng ngày… Điều này đã được thể hiện trong các đề minh hoạ cũng như đề thi chính thức của ĐGNL Hà Nội trước đây. Nhưng với đề năm 2025, tỉ lệ các câu hỏi này chiếm tỉ lệ cao hơn nhiều.

>> Đề minh họa Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025, các em xem TẠI ĐÂY

2. Về độ khó

Với việc sử dụng chủ yếu ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, độ khó của đề thi một phần đến từ việc thí sinh chưa được tiếp cận với những văn bản hoàn toàn mới, phải đọc hiểu và tìm ra đáp án trong một khoảng thời gian ngắn.

Dung lượng ngữ liệu không dài nhưng có những khái niệm, kiến thức mới (không có phần chú thích, lí giải) nên thí sinh sẽ gặp khó khăn trong việc đưa ra những dự đoán ban đầu bằng bản năng.

Về câu hỏi: các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. Số câu hỏi ở mức độ vận dụng chiếm khoảng 16%. Các câu hỏi này thường liên quan đến kiến thức tiếng Việt, đòi hỏi thí sinh phải hiểu nghĩa của từ và sử dụng từ phù hợp với ngữ cảnh.

Về đáp án: các đáp án gây nhiễu khiến thí sinh gặp trở ngại lớn nếu không nắm vững kiến thức cơ bản về thể loại, tiếng Việt và không đọc kĩ - hiểu rõ văn bản.

 Như vậy có thể thấy độ khó của đề thi chủ yếu nằm ở việc đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng đọc hiểu văn bản và vận dụng kiến thức, trải nghiệm cá nhân vào trong những ngữ cảnh nhất định. Bên cạnh đó, vẫn cần đảm bảo nền tảng kiến thức vững chắc - những nội dung được học trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, những nội dung kiến thức này không phải học thuộc, nhớ máy móc mà bắt buộc phải biết các áp dụng để tìm ra những đáp án phù hợp nhất.

3. Về các dạng bài

Cấu trúc các dạng bài cơ bản không thay đổi so với đề minh hoạ và đề thi chính thức của các năm trước đây.

Đề thi gồm có 50 câu với 5 dạng bài:

(1)   Tìm đáp án không cùng nhóm

(2)   Điền từ vào chỗ trống

(3)   Tìm lỗi sai

(4)   Đọc hiểu văn bản - dạng câu hỏi đơn

(5)   Đọc hiểu văn bản - dạng câu hỏi kết hợp

Tuy nhiên, về hình thức trình bày trong đề thi có sự thay đổi khi các bài đọc hiểu văn bản - dạng câu hỏi kết hợp (dạng (5)) không được sắp xếp liền nhau mà có sự ngắt quãng.

Ngoài ra, nội dung đề thi đã có những thay đổi đáng kể.

Cụ thể:

Dạng (1) Tìm đáp án không cùng nhóm:

5/5 câu hỏi đều liên quan đến kiến thức tiếng Việt, tập trung vào nghĩa của từ. Các câu hỏi liên quan đến cấu tạo từ, tác giả, tác phẩm không xuất hiện trong đề minh hoạ.

Mức độ nằm ở thông hiểu, các từ không khó hiểu nghĩa nhưng không dễ để thí sinh có thể tìm ra đáp án đúng vì không dễ tìm ra “ranh giới" nghĩa giữa những từ ngữ đó. 

Dạng (2) Điền từ vào chỗ trống:

5/5 câu hỏi yêu cầu điền từ vào hai chỗ trống và không giới hạn phạm vi kiến thức. Các câu xuất hiện trong đề minh hoạ là câu ghép, dung lượng tương đối dài. Có những câu có cấu trúc phức tạp, liên quan đến những lĩnh vực mới mà đôi khi thí sinh ít để tâm. Nhiều đáp án gây nhiễu, có nét nghĩa tương đồng nhưng khác ngữ cảnh sử dụng buộc thí sinh phải tỉnh táo và có vốn từ rộng, hiểu sâu về từ ngữ. 

Dạng (3) Tìm lỗi sai

5/5 câu hỏi có dung lượng dài, chủ yếu liên quan đến kiến thức văn học và đời sống. Độ khó của những câu hỏi này nằm ở việc thí sinh phải có tư duy ngôn ngữ logic, hiểu nghĩa của từ và nắm chắc kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt.

NGOÀI RA, việc đảo thứ tự đáp án so với thứ tự từ/cụm từ được gạch chân trong ngữ liệu cũng gây khó khăn cho thí sinh. 

Dạng (4) Đọc hiểu văn bản - dạng câu hỏi đơn

Khác với những năm trước, ngữ liệu dạng bài này trong đề minh hoạ 2025 hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa. Bên cạnh đó, đề minh hoạ 2025 đã giảm số lượng câu hỏi dạng này: TỪ 15 CÂU HỎI XUỐNG 10 CÂU HỎI.

Mỗi ngữ liệu tương ứng với một câu hỏi, trong đó, có 8/10 ngữ liệu liên quan đến các tác phẩm văn học (thơ hiện đại chiếm đa số) và 2/10 ngữ liệu liên quan đến đời sống và văn hoá.

Các câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu, đòi hỏi thí sinh hiểu rõ về đặc trưng thể loại (truyện ngắn, thơ, kí, văn bản nghị luận…) để xác định, đánh giá những nội dung, hình ảnh… mà đề bài yêu cầu. 

Dạng (5) Đọc hiểu văn bản - dạng câu hỏi kết hợp

Tương tự dạng (4), ngữ liệu dạng (5) hoàn toàn nằm ngoài sách giáo khoa với số lượng câu hỏi đã tăng lên: TỪ 20 CÂU HỎI (4 VĂN BẢN) LÊN 25 CÂU HỎI (5 VĂN BẢN).

Phạm vi kiến thức của các ngữ liệu không giới hạn: khoa học tự nhiên, xã hội, văn hoá, đời sống, tác phẩm văn học…

Nội dung câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết và thông hiểu nhưng đòi hỏi thí sinh phải có cái nhìn bao quát, tổng thể nhưng cũng phải rất chi tiết, tỉ mỉ đối với từng ngữ liệu. Các dạng câu hỏi không xa lạ khi vẫn đề cập đến những kiến thức về phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, chủ đề, nội dung, ý nghĩa, biện pháp nghệ thuật, yếu tố tượng trưng…

>> Xem chi tiết nhận xét phần Văn học - ngôn ngữ TẠI ĐÂY

III. Nhận xét Phần Khoa học

Phần Khoa học đề minh họa HSA 2025 gồm các chủ đề: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.

1. Chủ đề Vật lý

a. Về phạm vi kiến thức

-         Kiến thức trải dài từ chương trình lớp 10, 11 và 12 ở đầy đủ các chuyên đề.

-         Lớp 10 chiếm 30%

-         Lớp 11 chiếm 35%

-         Lớp 12 chiếm 35%

b. Về độ khó

-         Nhận biết chiếm khoảng 10%

-         Thông hiểu chiếm khoảng 30%

-         Vận dụng và vận dụng cao chiếm 60%

c. Về các dạng bài

Có 3 dạng câu hỏi chính:

-         Trắc nghiệm khách quan 4 đáp án.

-         Câu hỏi điền vào chỗ trống.

Có thêm dạng bài đọc và trả lời các câu hỏi liên quan, dạng mới so với đề cũ.

d. So sánh với đề THPT

-         Về phạm vi kiến thức: tương đương nhau. Kiến thức được cho đầy đủ từ lớp 10 đến lớp 12.

-         Về mức độ câu hỏi: đầy đủ các mức độ câu hỏi từ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng - vận dụng cao. Câu hỏi thuộc mức độ thông hiểu và vận dụng chiếm khoảng 60 - 70% trong đề ĐGNL, có sự tương đồng với đề thi THPT mẫu.

-         Về dạng câu hỏi: đề ĐGNL có 2 dạng chính là trắc nghiệm khách quan 4 đáp án và Điền đáp án vào chỗ trống là 2 dạng giống với đề thi THPT. Bài thi ĐGNL có dạng bài đọc à trả lời câu hỏi bên dưới, là hình thức khác so với đề THPT.

Với đề thi minh họa 2025, cho thấy sự tương đồng khá lớn với đề thi THPT về cả phạm vi kiến thức và hình thức câu hỏi.

Đề thi không quá nặng về giải toán mà nặng về hiện tượng, áp dụng thực tế khá nhiều, đúng quan điểm của chương trình GDPT mới.

2. Chủ đề Hóa học

-         Dạng bài:

Trắc nghiệm khách quan: 4/16 câu tính toán; 5/16 câu có nội dung về xác định tính đúng/sai của mệnh đề; còn lại là các câu hỏi dạng quen thuộc. So với đề thi minh họa 2021 thì số câu tính toán được giảm ở mức cao.

Bổ sung thêm dạng câu hỏi chùm (trước chỉ có trong đề ĐGNL của HCM hoặc ĐGTD)

Trả lời ngắn: 1 câu để trả lời được đòi hỏi nhiều thành tố về năng lực (phân tích/ đọc được phổ IR từ đó đề xuất cấu tạo hợp chất, từ cấu tạo ta tính theo phương trình hóa học - dạng câu hỏi này không có khả năng “mò” - % may mắn gần như không có)

-         Mức độ câu hỏi: Vừa tầm phủ đầy các mức độ nhận thức. Có câu hỏi ở mức 1 - nhận biết (câu 214, yêu cầu nhớ được công thức và tên gọi của carbohydrate), mức 2 - thông hiểu (câu 215, yêu cầu xác định sự biến đổi số oxi hóa của nguyên tố trong quá trình hóa học; câu 203, yêu cầu dựa vào nguyên tắc lắp đặt để thực hiện quá trình mạ điện); đa phần các câu hỏi ở mức độ vận dụng có liên đới hoặc dẫn ra các kiến thức thực tế trong cuộc sống (câu 202, cách thức làm tăng hiệu suất tổng hợp ammonia; câu 208, các tách chất hữu cơ trong quá trình tinh chế, phân tích;...); một số câu hỏi phân loại học sinh ở mức độ cao (câu 212, đòi hỏi nhiều kĩ năng nhỏ cần giải quyết để làm bài; câu 217, yêu cầu vận dụng kiến thức liên môn để khai thác quan hệ giữa các đại lượng).

-         Những đổi mới được cập nhật phù hợp với chương trình mới:

Vấn đề danh pháp, công nghệ hóa học (quá trình tinh chế(câu 208); quá trình phân tích định lượng (câu 207); quá trình sản xuất hóa học (câu 217) được đưa vào và cập nhật khéo léo trong toàn bộ đề thi phần hóa học.

Các hình ảnh đưa vào đề thi có mục đích khai thác cụ thể rõ ràng chứ không phải để minh họa. 

Đề thi không còn các câu hỏi “khó” như ester, peptide mà thay vào đó là các câu hỏi yêu cầu học sinh phải giải quyết các vấn đề thực tiễn cụ thể (câu 202, 203 và 217).

3. Chủ đề Sinh học

Phần Khoa học - môn Sinh học: cấu trúc bài thi gồm 17 câu (14 câu trắc nghiệm khách quan + 3 câu dựa vào nội dung đoạn văn đọc hiểu)

- Lớp 10: 2 câu (11,76%) câu hỏi về phương pháp nghiên cứu và vận chuyển các chất qua màng

- Lớp 11: 5 câu (29,41%) với các nội dung về: vận chuyển các chất trong cây, quá trình sinh trưởng ở thực vật, hệ mạch hệ tuần hoàn, cân bằng nội môi, phản xạ.

- Lớp 12: 10 câu (58,83%): công nghệ gene, đột biến gene, đột biến NST, bài tập phả hệ, điều hoà hoạt động gene, di truyền quần thể.

Nhìn chung kiến thức được phủ rộng từ lớp 10 đến lớp 12, với trọng số câu hỏi lớn nhất ở lớp 12. Đặc biệt, xuất hiện các câu hỏi dài, liên hệ thực tế (Câu 306, Câu 307, Câu 115-117). Đề thi tập trung khai thác thí sinh hiểu bản chất môn học, tránh lạm dụng các bài tập tính toán.

4. Chủ đề Lịch sử:

Nhận xét chung:

- Lịch sử thế giới cận đại và hiện đại.

- Lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại.

- Lịch sử khu vực Đông Nam Á

- Chuyên đề HT: Danh nhân lịch sử, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

3. Dạng bài

- Câu hỏi trắc nghiệm 4 đáp án: 11 câu.

+      Câu hỏi thường.

+      Ghép nối.

+      Dựa vào tư liệu gốc

- Câu hỏi chùm: 2 câu, mỗi câu chùm có 3 câu con

4. Nhận xét chung/Định hướng ôn tập

* Nhận xét chung:

- Phạm vi kiến thức:

+      Lớp 10: Chiếm khoảng 10% tập trung các chủ đề văn minh Đông Nam Á, khối đại đoàn kết dân tộc.

+      Lớp 11: Chiếm khoảng 30% vào gần như hết các chủ đề: Chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản, Việt Nam và Biển Đông, các cuộc cải cách trong lịch sử Việt Nam.

+      Lớp 12: Chiếm khoảng 60% khối lượng kiến thức, đủ 100% kiến thức lớp 12.

- Dạng câu hỏi: 2 loại (11 câu TN thường và 2 câu hỏi chùm).

- Mức độ: gồm 3 mức độ (NB, TH, VD)

* Định hướng ôn tập:

+      HS cần ôn kĩ các kiến thức lớp 10 và 11 và 12.

+      Vận dụng linh hoạt các kiến thức lịch sử để giải quyết các vấn đề.

5. Chủ đề Địa lý

a. Về phạm vi kiến thức

Đề thi tham khảo - bài thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2025, nằm trong nội dung ôn tập mà ĐHQG đã công bố trước đó. Phân môn Địa lí gồm 17 câu (từ câu 501 đến câu 517), nằm trong cả chương trình Địa lí lớp 10, 11 và 12. Đề thi có nhiều câu hỏi sử dụng kỹ năng địa lí, đòi hỏi học sinh phải có được các năng lực địa lí đặc thù (biểu đồ, bảng số liệu, đọc bản đồ Địa lí). Đề thi có sự phân hóa cao, yêu cầu học sinh ngoài việc nắm chắc kiến thức cơ bản, trọng tâm, cần phải biết áp dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, phải có tư duy logic và phản biện trong quá trình học.

b. Về độ khó

Đề thi có sự phân hóa cao, khoảng 50% ở mức độ cơ bản (nhận biết, thông hiểu), và 50% ở mức độ nâng cao (vận dụng và vận dụng cao). Các câu hỏi ở mức độ cơ bản chủ yếu thuộc kiến thức lớp 10 và lớp 11: yêu cầu học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản về các vấn đề Địa lí tự nhiên đại cương, kinh tế - xã hội đại cương, các vấn đề kinh tế - xã hội thế giới. Liên hệ các kiến thức vào thực tiễn. Các câu hỏi ở mức độ vận dụng chủ yếu thuộc kiến thức lớp 12 và phần các kỹ năng Địa lí. Đặc biệt là nội dung kiến thức về các ngành kinh tế, các vùng kinh tế. Phần kỹ năng mang tính chất đặc thù, đòi hỏi các em học sinh phải có sự rèn luyện đa dạng các bài tập về kỹ năng đọc bản đồ, kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu.

c. Về các dạng bài

Môn Địa lí gồm 17 câu, hoàn toàn là dạng trắc nghiệm lựa chọn đáp án đúng nhất.

So với các đề thi của các năm trước, số lượng câu hỏi về các kỹ năng Địa lí tăng lên; đồng thời xuất hiện thêm kỹ năng đọc bản đồ để trả lời chuỗi câu hỏi có liên quan.

>> Xem chi tiết nhận xét đề minh họa ĐGNL Hà Nội 2025 phần Khoa học TẠI ĐÂY

IV. Nhận xét Phần Tiếng Anh

Đề minh họa ĐGNL của ĐHQG Hà Nội có 50 câu hỏi, nhiều hơn 10 câu hỏi so với format mới đề thi Tốt nghiệp THPT 2025 mà BGD đã ban hành. Tuy nhiên đề vẫn giữ 3 bài đọc như đề thi cũ (1 bài điền thông tin khuyết thiếu và 2 bài đọc hiểu, trả lời câu hỏi). Đặc biệt, đề có thêm phần sắp xếp câu để tạo thành đoạn hội thoại/đoạn văn có nghĩa và phần tư duy logic và giải quyết vấn đề.

1. Về phạm vi kiến thức: 

Ngữ liệu chủ yếu được lấy trong phạm vi kiến thức của lớp 12 (chiếm khoảng 60%) tiếp đến là lớp 11 (khoảng 30%) và lớp 10 (khoảng 10%).

2. Về độ khó: 

Đề có khoảng 10 câu ở mức nhận biết, 25 câu ở mức thông hiểu và vận dụng và có 15 câu ở mức vận dụng đòi hỏi và phân loại trình độ học sinh khá rõ.

3. Về các dạng bài:

Xuất hiện một số dạng câu hỏi mới ở phần Tư duy logic và giải quyết vấn đề. Ở dạng bài này, học sinh đọc hiểu tình huống (tình huống giao tiếp hoặc hiện tượng cuộc sống) rồi chọn đáp án phù hợp.

4. So sánh với đề THPT: 

Tỉ lệ các câu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao) không khác nhiều so với đề thi THPT quốc gia tuy nhiên mức độ khó là cao hơn do đề thi muốn đánh giá trình độ tiếng Anh của học sinh muốn xét tuyển vào các chuyên ngành có môn Tiếng Anh tại đại học, khác với đề thi THPT nhằm đánh giá trình độ học sinh đạt đủ điều kiện tốt nghiệp.

>> Xem chi tiết nhận xét Đề minh họa HSA 2025 phần Tiếng Anh TẠI ĐÂY

Theo TTHN

DÀNH CHO 2K7 – LỘ TRÌNH ÔN THI ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC 2025!

Bạn đang không biết bài thi ĐGNL theo chương trình GDPT mới sẽ như thế nào?

Bạn cần lộ trình ôn thi bài bản từ những người am hiểu về kì thi và đề thi?

Bạn cần thầy cô đồng hành suốt quá trình ôn luyện?

Vậy thì hãy xem ngay lộ trình ôn thi bài bản tại ON.TUYENSINH247.COM:

  • Học live, luyện đề cùng giáo viên và Thủ khoa ĐGNL
  • Tổng ôn toàn diện, trang bị phương pháp làm bài hiệu quả
  • Bộ 20+ đề thi thử chuẩn cấu trúc theo chương trình GDPT mới

Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY

Group Ôn Thi ĐGNL & ĐGTD Miễn Phí

>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi.

Viết bình luận: Nhận xét Đề minh họa Đánh giá năng lực Hà Nội - HSA 2025

  •  
Đăng ký tư vấn khóa ĐGNL!