20/12/2014 08:26 am
Nhiều giáo viên THPT, ĐH cho rằng thang điểm 10 vẫn giúp phân hóa tốt bài thi, không cần thiết phải chuyển sang thang 20 để tránh gây tâm lý bất ổn cho thí sinh. Hiệu trưởng THPT Anhxtanh, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội Đào Tuấn Đạt cho rằng, thang điểm 20 chấm chính xác đến 1/4 điểm sẽ tương đương với thang điểm 10 chấm chính xác đến 1/8 điểm. "Hẳn là Bộ muốn chấm chính xác hơn, đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh, nhưng về kỹ thuật chỉ cần ghi chấm chi tiết đến 1/8 điểm ở thang 10 là xong, không cần rắc rối ghi chấm chi tiết đến 1/4 điểm ở thang 20", thầy Đạt góp ý. Theo thầy Đạt, chỉ cần một động tác kỹ thuật nho nhỏ là ghi chi tiết đến 1/8 điểm khi dùng thang điểm quen thuộc là 10 sẽ tránh được việc phải diễn giải nhiều không cần thiết, lại gây khó khăn trong việc hình dung mức điểm của học sinh. Đó là chưa kể đến phải thay đổi công thức tính, chẳng hạn công thức tính điểm xét tốt nghiệp trước đây lấy tổng điểm 4 bài thi chia cho 4, nhưng vì nâng thành thang 20 điểm nên phải chia cho 8. Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng, ông Trần Mạnh Dũng nhận xét, việc thay đổi thang điểm thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm 2015 từ 10 lên 20 về bản chất không có nhiều khác biệt, chỉ là nhân hệ số 2 điểm các môn thi. Hạn chế của thang điểm này là sẽ tạo ra sự không thống nhất vì điểm THPT vẫn được tính theo thang điểm 10 và một số trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể lấy theo thang điểm cũ. Đồng tình với quan điểm trên, hiệu trưởng một trường ĐH ở Hà Nội cho rằng, không cần thiết thay đổi thang chấm điểm truyền thống. Sử dụng thang 20 chỉ là cách nhân đôi số điểm lên, không có lợi gì cho thí sinh và về mặt kỹ thuật cũng chẳng thuận lợi cho người chấm điểm. Chi tiết hóa điểm số, theo vị hiệu trưởng này, có thể hợp lý với khối môn tự nhiên, nhưng gây khó khăn cho khối môn xã hội. "Một bài Toán, ta có thể chấm điểm cho từng bước giải của học sinh, nhưng với môn Văn không có chuyện một nửa chân lý là tạo thành một chân lý nên việc cho điểm từng bước nhỏ là rất khó. Chấm điểm các môn xã hội dùng phép định tính đôi khi hợp lý hơn là chi tiết quá", vị hiệu trưởng nói. Trưởng phòng đào tạo của một học viện lớn ở Hà Nội cũng băn khoăn, thay đổi thang điểm chấm thi ĐH chẳng có lợi cũng không có hại, vậy thực hiện để làm gì? Vị trưởng phòng cho rằng, về mặt kỹ thuật, kể cả khi thước đo xét tốt nghiệp THPT không đồng nhất (dùng thang 10 với điểm lớp 12 và thang 20 với các môn thi kỳ thi chung) vẫn không gây khó khăn. Song, sự thay đổi dù nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người chấm và người thi khi phải tiếp nhận cái mới.
"Tôi không hiểu đổi thang điểm chấm thi ĐH từ 10 thành 20 để làm gì?", PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) thẳng thắn nói. Theo thầy Cương, dùng thang 10, 20, hay 100 chỉ là cách quy ước, không làm thay đổi bản chất vấn đề, hoặc giúp phân hóa thí sinh được tốt hơn. Thang điểm 10 từ trước đến nay vẫn phân loại được năng lực của người học khá tốt. Nếu muốn chi tiết hóa kết quả, thang 10 cũng có thể làm được khi chấm đến 0,15 điểm, thay vì 0,25 điểm như trước nay. Yếu tố quan trọng nhất để phân hóa học sinh, theo PGS Văn Như Cương là đề thi. Ông lo lắng rằng, đề của kỳ thi quốc gia năm nay sẽ khó giúp phân hóa khi phải đảm bảo 2 mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét vào ĐH. "Đề thi phải vừa không quá khó để các em có thể đủ điểm tốt nghiệp cấp ba, nhưng nếu dễ quá thì sự phân hóa để tuyển sinh ĐH lại không chất lượng. Hơn nữa, chúng ta phải quy định hợp lý mức chênh điểm giữa đỗ tốt nghiệp và đậu ĐH", PGS Văn Như Cương nói. Từ góc độ học sinh, em Thanh Thuý (lớp 12 THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho rằng năm tới lứa học sinh như em sẽ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi trong kỳ thi quan trọng của cuộc đời. "Nếu những gì không cần thiết, em mong Bộ GD&ĐT sẽ không thay đổi hoặc làm dần từng bước để chúng em có thể ổn định tâm lý, vững vàng vượt vũ môn", Thanh Thuý nói. Trước đó chiều 18/12, Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo quy chế thi THPT quốc gia năm 2015. Bộ dự kiến dùng thang điểm 20 thay vì thang điểm 10 như hiện nay để chấm thi ĐH, CĐ. Chính vì dự kiến dùng thang điểm mới này nên điểm liệt của thí sinh sẽ được tính là 2 chứ không phải 1 như trước đây; số điểm ưu tiên tối đa sẽ là 8 chứ không phải 4. Lý giải việc thay đổi này, Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh nói: "Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng sự phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước. Thang điểm 20 sẽ giúp các trường tuyển được thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường". Mặt khác, theo ông Trinh, việc mở rộng sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn, từ đó hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển của các trường ĐH, CĐ. Dự kiến sau 45 ngày kể từ 18/12/2014 khi công bố lấy ý kiến xã hội đóng góp, Bộ sẽ công bố Quy chế chính thức để các trường, thí sinh biết và thực hiện. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: “Bộ GD&ĐT mong muốn được nhận những ý kiến góp ý, phản biện có trách nhiệm để hoàn thiện dự thảo” Quỳnh Trang - Hoàng Thùy (Theo Vnexpress.net) DÀNH CHO BẠN – LỘ TRÌNH LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐGNL - ĐGTD!
Xem ngay lộ trình luyện thi 3 trong 1 tại Tuyensinh247: Luyện thi TN THPT - ĐGNL - ĐGTD ngay trong 1 lộ trình.
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
||||||||
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi. |