Nhìn ra thế giới: ĐH Pháp không tổ chức thi tuyển liên thông

Phản hồi cho quy định mới về đào tạo liên thông, độc giả Vũ Thắng (từ Pháp) đã chia sẻ cách tuyển sinh liên thông của nước Pháp, cụ thể: người học CĐ phải trải qua một thời gian làm việc và quyền tuyển sinh thuộc về các trường ĐH. Cũng chính vì thế cách thức tuyển sinh của mỗi trường là không giống nhau.

Nhin ra the gioi: DH Phap khong to chuc thi tuyen lien thong
Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Độc giả này đã nêu ví dụ 3 trường ĐH của Pháp có những cách thức tuyển sinh khác nhau.

Trường Kỹ sư Viễn thông Enssat(thành phố Rennes) đặt tiêu chuẩn đầu ra khá cao: đạt trình độ thạc sĩ, tiếng Anh 750 điểm TOEIC, phải được Hội đồng Kỹ sư nước Pháp Cti công nhận. Trường này xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn trực tiếp, không tổ chức thi tuyển. 

Thí sinh đăng ký dự tuyển phải có 1 trong 4 loại văn bằng hoặc chứng chỉ: 

1- Văn bằng Kỹ thuật viên Cao đẳng DUT đào tạo 2 năm tại các Viện cao đẳng công nghệ IUT .
2- Văn bằng Kỹ thuật viên Cao đẳng BTS đào tạo 2 năm tại các Lycée Professionnel có phân ban đại học chuyên nghiệp .
3- Thành công khoá dự bị đại học 2 năm .
4- Thành công 2 năm học bậc Cử nhân cùng chuyên ngành (Licence 2) tại các trường đại học tổng hợp và có chứng nhận được học tiếp năm thứ 3.

Hồ sơ dự tuyển bao gồm:

Phần 1: Bản viết tay trình bày động cơ xin học, dài không quá 400 từ.

Phần 2: Các bản trình bày về năng lực học, gồm :
1)- Quá trình học bậc đại học kể từ sau khi có văn bằng Tú tài (Historique des années d' enseignement superieur): đã học những trường nào, chương trình từng năm học, kết quả học, mức được xếp hạng.
2)- Trình bày về kinh nghiệm nghề nghiệp (Experience professionnelle) sau khi có văn bằng Cao đẳng: đã làm việc ở những doanh nghiệp hoặc những cơ quan nào, có kinh nghiệm về những lĩnh vực nào, những thời gian nào (từ năm nào đến năm nào), tổng cộng thời gian làm việc là bao nhiêu năm tháng.
3)- Những hoạt động thực hành khác đã trải qua (Autres activités pratiquées).

Phần 3: Bảng điểm 2 năm học bậc cử nhân hoặc Cao đẳng hoặc dự bị đại học, kể cả điểm thực tập cuối năm học, có chữ ký giáo viên từng môn học.

Phần 4: Riêng đối với những người đã thành công 2 năm học bậc Cử nhân tại các Đại học tổng hợp, phải có: Ý kiến của Trưởng Khoa của trường Đại học tổng hợp và của 1 giáo viên chính đánh giá và xếp hạng về 3 mặt: Khả năng về trí lực (Aptitudes intellectuelles), Óc sáng kiến và tinh thần trách nhiệm (Esprit d' initiative et sens des responsabilités), Sự cần mẫn làm việc (Application au travail), với các mức so sánh với toàn lớp (ở mức từ 1 đến 10% cao nhất của lớp, hoặc trong số 25% cao nhất, hoặc trong số 3/4 cao nhất …). Kèm theo ý kiến ủng hộ hoặc không ủng hộ việc xin học tiếp của sinh viên vào trường kỹ sư.

Sau khi xét hồ sơ, ứng viên bắt buộc dự cuộc phỏng vấn trực tiếp của Nhà trường và đây là bước cuối quyết định việc tuyển sinh .

Giống với trường kỹ sư Enssat, Viện đào tạo kỹ sư khoa học ứng dụng Insa De Lyon có tiêu chuẩn đầu ra tương tự, hình thức xét tuyển hồ sơ kết hợp phỏng vấn, không tổ chức thi tuyển. 

Trường này tuyển vào năm thứ nhất, năm thứ 3 và năm thứ 4. Riêng năm thứ 4 chỉ tuyển những người học loại hình đào tạo nối tiếp (Formation continue).

Điều kiện về học lực cụ thể như sau:

Tuyển vào năm thứ nhất : Những người có bằng Tú tài khoa học ( Baccalauréat Scientifique)

Tuyển vào năm thứ 3 : Những người có 1 trong 4 loại văn bằng sau :
1)- Có bằng Kỹ thuật viên Cao đẳng 2 năm DUT của Viện cao đẳng công nghệ IUT.
2)- Có bằng Kỹ thuật viên Cao đẳng 2 năm BTS của các trường Lycée Professionnel có phân ban đại học chuyên nghiệp .
3)- Thành công khoá 2 năm dự bị đại học CPGE.
4)- Thành công 2 năm học bậc Cử nhân cùng chuyên ngành tại trường Đại học tổng hợp và có chứng nhận được học tiếp năm thứ 3.

Tuyển vào năm thứ 4: Những người đang học Thạc sĩ năm thứ nhất cùng chuyên ngành .

Đồng thời, trường Insa De Lyon cũng có chỉ tiêu tuyển sinh dành cho từng đối tượng, dưới đây là chỉ tiêu của năm học 2005-2006:

Nộp hồ sơ dự tuyển vào năm thứ 3 gồm:

-Số người có bằng Cao đẳng DUT: 26% tổng số dự tuyển
-Số người có bằng Cao đẳng BTS: 5%
-Số người thành công dự bị đại học: 40%
-Số người thành công 2 năm đại học trường đại học tổng hợp: 13%
-Những văn bằng khác: 16%

Được tuyển vào năm thứ 3 gồm:

-Số người có bằng Cao đẳng DUT: 40% tổng số dự tuyển
-Số người có bằng Cao đẳng BTS: 2%
-Số người thành công dự bị đại học: 40%
-Số người thành công 2 năm đại học trường đại học tổng hợp: 16%
-Những văn bằng khác: 5%

Trường đào tạo kỹ sư chế tạo máy bay ISAE (Toulouse) cũng không tổ chức thi tuyển nhưng có thể kiểm tra với những trường hợp cần thiết.

ISAE chỉ tuyển những người đã có bằng Cử nhân khoa học tương thích (Licence), chẳng hạn cử nhân chuyên ngành điện tử, cử nhân vật lý... Đặc biệt trường này không tuyển từ cao đẳng. Tiêu chuẩn đầu ra: chung cho kỹ sư của nước Pháp.

Ngoài đơn xin vào học năm thứ nhất, ứng viên phải có đủ hồ sơ theo các mẫu sau :

Mẫu số 1: Khai quá trình được đào tạo bậc Cử nhân kể từ khi có bằng Tú tài (Curriculum universitaire ), trong đó trình bày đầy đủ các thông tin: đã học những trường nào ,đã học những chương trình nào, đã đạt được những văn bằng nào, sự xếp hạng tương ứng , những thời kỳ tạm ngưng việc học ở trường, khai từng năm học.

Mẫu số 2: Số tín chỉ đã đạt được về 3 phần học: Toán, Vật lý, Các môn khoa học của kỹ sư (Cơ khí, Điện- Điện tử, Tự động hóa).

Mẫu số 3: Những giấy tờ bắt buộc nộp theo hồ sơ :
1- Bản viết tay trình bày động cơ xin học, dài không quá 400 từ.
2- Bảng điểm các môn học, sự xếp hạng từng môn học kể từ sau khi có bằng Tú tài (Baccalaureat).
Kết quả học kỳ 1 của năm học thứ 3 bậc cử nhân . Kết quả toàn năm học thứ 3 bậc cử nhân (bổ sung trước ngày 30/5).
3- Hai thư giới thiệu của 2 giáo sư đã trực tiếp theo dõi quá trình học của ứng viên.
4- Kèm theo nếu có: văn bằng được cấp về đào tạo trong lĩnh vực hàng không , số giờ bay.

Theo thethaohangngay

 

2 bình luận: Nhìn ra thế giới: ĐH Pháp không tổ chức thi tuyển liên thông

  •  
Khoá học lớp 1-12 - Tuyensinh247