Những nỗi lo khó nói của tân sinh viên

Đôi khi là những nỗi lo lắng hơi lạ lùng.

Sợ qua đường
 
Sợ xe cộ, sợ qua đường là nỗi lo của không ít bạn trẻ khi ra thủ đô học tập. 
 
Nhung noi lo kho noi cua tan sinh vien

Lan (Tân SV ĐHKHXH&NV) cho biết: “Mình ở ký túc xá mỗi lần tới trường qua đoạn giao giữa đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Tuân lần nào cũng phải níu chặt tay nhỏ bạn đi cùng. Sợ đường HN thật đấy!”. 
 
Giúp bạn: HN xe cộ qua lại như mắc cửi nhưng được phân sẵn đường 1 chiều, 2 chiều. Khi đi đường, bạn nhớ chú ý quan sát các phương tiện giao thông, đèn tín hiệu. Chú ý khi sang đường cần xin đường, thông báo cho người tham gia phương tiện giao thông biết.
 
Không khí ngột ngạt
 
Với Huy (tân SV CĐ điện lực) thì không khí của HN thật ngột ngạt và khó chịu. Nhà cửa thì chật hẹp, xe cộ thì đông đúc và nhất là lúc nào cũng cảm thấy mọi người bận bịu, vội vã, chen nhau mà đi…“Ngoài đường đã thế, nhà trọ cũng bí bách không kém. Mọi sinh hoạt chỉ vỏn vẹn trong 10m2. Cứ 3 phòng thì dùng chung một nhà vệ sinh” - Huy than thở.
 
Giúp bạn: Hãy cố gắng làm quen với sự phồn hoa của HN, đôi khi tìm cho mình khoảng lặng bằng việc ngồi trong công viên, hít thở khí trời… Cũng có thể thức dậy vào sáng sớm, đi bộ quanh khu trọ, bờ hồ… bạn sẽ cảm nhận được sự nhẹ nhàng, dịu dàng của HN.
 
Thậm chí sợ cả chuột thành phố
 
“Không hiểu sao chuột ở đây to thế, bằng bắp chân ấy? Mà nó không sợ người hay sao ấy! Nó cứ chạy lung tung giữa khuôn viên trường. Thậm chí ngay ở khu trọ cũng rất nhiều chuột” - Bảo Nam (ĐH KHTN) ngạc nhiên nói.
 
Mách bạn: cố gắng giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định. Và ở nhà trọ nhớ đổ rác thường xuyên. Bạn có thể nuôi 1 con mèo nhỏ ở nhà trọ, hay tìm các đánh bẫy chúng.
 
Sinh hoạt đắt đỏ
 
Ở HN cái gì cũng đắt: nhà đắt, nước đắt, điện cũng đắt hơn ở nhà. “Mớ rau mua ở quê chỉ có 1.000 mà ở HN bán với giá 3.000 - 4.000. Học phí 1 năm ĐH cũng chỉ bằng tiền 3 tháng sinh hoạt phí thôi” - Trung (Hà Nam) nói.
 
Khuyên bạn: Cố gắng chi tiêu phù hợp để không gặp phải tình trạng “viêm màng túi” nhé. Hàng tháng bạn có thể mang gạo từ nhà ra, chịu khó nấu ăn…Ngoài ra bạn cũng có thể làm thêm lúc rảnh. Nhưng nhớ việc chính của bạn là học nhé!
 
Phải học thế nào?
 
Lên ĐH môi trường học tập hoàn toàn khác cấp 3, nhiều bạn không tránh khỏi lo âu khi thay đổi cách học.
 
“Mình đang học với quỹ thời gian kín mít: sáng học chính, chiều học thêm, tối làm bài. Giờ mới học có nửa tháng mà mình chẳng biết học sao? Đi học khoảng 3 tiếng buổi sáng rồi ở nhà chơi. Chán lắm” - Khánh Ly (Hải Dương) than thở.
 
Giúp bạn: ĐH là tự học, thời gian tới lớp rất ít mà chủ yếu bạn cần tự học. Thời gian còn lại ở nhà bạn có thể đi học thêm ngoại ngữ, các lớp kỹ năng, tham gia các hoạt động tình nguyện, ngoại khóa hay đi làm thêm để kiếm tiền…
 
Ngại làm quen bạn mới
 
Nghe hơi vô lý nhưng điều đó có thật đó teen nhé!
 
nhung-noi-lo-kho-noi-cua-tan-sinh-vien
 
Phương Anh (SV năm 2, ĐH Thủy Lợi) bồi hồi nhớ lại: “Cảm giác bước vào lớp chẳng quen ai, mình đã từng rất lo sẽ không thể hòa nhập được với các bạn. Nhìn các bạn ở thành phố vô cùng tự tin, nhanh chóng kết thân và làm quen nhau quả thực lúc đó mình rất tủi thân, tự ti đấy”.
 
“Hãy gạt bỏ những lo lắng viển vông, cố gắng hòa mình với mọi người và tự tin thể hiện bản thân mình. Tin tưởng rằng, các bạn là những người xuất sắc nên đã thành công ở cuộc thi gay go vừa qua” - Phương anh chia sẻ. Với tân SV, các bạn nên nhiệt tình tham gia các hoạt động của lớp, nói chuyện và kết thân với những người bạn xung quanh mình để bắt đầu cuộc sống SV nha.
 
Ước được như anh chị khóa trên
 
Tân SV mới lên HN học, vẫn còn nguyên nét đáng yêu của học trò. Các bạn đều nhìn các anh chị khóa trên bằng những ánh mắt ngưỡng mộ: “Không biết bao giờ mới hết 4 năm nhỉ? Ước gì em cũng được như chị?” Duyên (tân SV khoa Báo ảnh, HV báo chí tuyên truyền) nói với một chị trong phòng.
 
Nhiều bạn ở tỉnh lẻ lên HN học, luôn lo lắng làm sao để bằng được bạn bè cùng lớp. Vô tình các bạn đã quên những ưu điểm mình có.
 
Lời khuyên cho “ma mới”: Hãy tự tin phát huy ưu điểm của mình. Sẽ rất nhanh các bạn cũng trở thành “ma cũ”. Cố gắng tận dụng 4 năm SV để học tập, tham gia các hoạt động… để có quãng đời SV thật tuyệt nhé!
 
TTVN

 

Viết bình luận: Những nỗi lo khó nói của tân sinh viên

  •  
Khoá học lớp 2-12 - Tuyensinh247