02/12/2024 08:45 am
Ngày 22/11, Bộ GD công bố dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học 2025 với nhiều điểm mới về phương thức xét tuyển sớm (là xét trước khi có điểm thi tốt nghiệp THPT): Chỉ tiêu xét tuyển sớm, Điểm chuẩn quy đổi về 1 thang điểm chung, Xét học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12, ... Dự thảo khiến nhiều trường Đại học có những phản ứng khác nhau từ bối rối, thắc mắc đến công nhận những thay đổi tích cực quy chế mới mang lại. 1. Các trường đại học bối rốiDự định giới hạn xét tuyển sớm quá 20% chỉ tiêu, điểm chuẩn không thấp hơn đợt thường của Bộ Giáo dục theo đại diện các trường là gây ra nhiều rào cản bất hợp lý, khó khả thi. Đọc dự thảo, chuyên gia tuyển sinh ở nhiều trường bối rối. Họ cho rằng Bộ đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật bất hợp lý, vài điểm khó hiểu, khó khả thi. Đầu tiên là giới hạn xét tuyển sớm không quá 20% chỉ tiêu và các trường không được gọi vượt số này. Hiện, hầu hết đại học dành 30-80% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, gọi số trúng tuyển nhiều hơn khoảng 0,5-2 lần để có thể tuyển đủ. "Thí sinh đăng ký xét sớm thường nộp vào nhiều trường, kể cả những em thuộc diện tuyển thẳng nên có tỷ lệ ảo nhất định", trưởng phòng Đào tạo một đại học ở phía Nam lý giải. Còn đại diện một trường kinh tế ở Hà Nội nhìn nhận nếu giảm tỷ lệ xét tuyển sớm còn 20%, các trường phải chật vật lọc ảo với 80% còn lại trong đợt xét tuyển chung (thường vào tháng 7), gây hỗn loạn, dễ tuyển thừa quá nhiều và bị phạt, hoặc tuyển thiếu so với nhu cầu. PGS.TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nha Trang, cho rằng việc giới hạn xét tuyển sớm còn tác động lớn đến thí sinh. "Khi các trường không được gọi trúng tuyển sớm nhiều như trước, điểm chuẩn và tỷ lệ chọi ở các phương thức xét tuyển sớm sẽ cao hơn, cạnh tranh gay gắt hơn", ông nói. GS Nguyễn Đình Đức (Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN) cho rằng Bộ GD-ĐT nên xem xét lại cơ sở khoa học đề xuất tỷ lệ 20%. “Tuyển sinh là việc của các trường đại học được quy định theo Luật, do đó Bộ không nên can thiệp quá sâu và đưa ra tỷ lệ khống chế nếu các phương thức khác của các trường trên thực tế tuyển được các sinh viên giỏi, có chất lượng đầu vào tốt. Bộ chỉ nên hạn chế với các phương thức tuyển sinh dễ dãi, không đánh giá đúng thực chất chất lượng đầu vào, bằng mọi giá để ‘vơ vét’ người học, ông Đức nói. Dự kiến thứ hai khiến nhiều người thắc mắc là yêu cầu điểm trúng tuyển đợt xét sớm không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét theo kế hoạch chung của Bộ. Điểm chuẩn ở mọi phương thức, tổ hợp được quy đổi về thang chung và thí sinh được xét chọn bình đẳng theo điểm này, không phân biệt phương thức. Đại diện Trường ĐH Thương mại cho rằng dự kiến điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo có thể gây khó khăn cho các trường. Bởi mỗi trường có một cách tính cho những mục tiêu khác nhau Một chuyên gia tuyển sinh ở Hà Nội nói ông hiểu điều này đồng nghĩa điểm chuẩn xét theo học bạ, thi đánh giá năng lực hay xét kết hợp chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS...) ở đợt sớm phải bằng hoặc cao hơn điểm dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. "Nếu đúng như vậy thì vô cùng bất hợp lý vì các kỳ thi có độ khó khác nhau. Trong khi điểm chuẩn phụ thuộc vào độ khó và chỉ tiêu tuyển sinh theo từng phương thức", ông nói. Thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ có mục đích chính là xét tốt nghiệp, tỷ lệ luôn đạt khoảng 98-99% trong 10 năm qua. "Việc quy đổi với các trường không khó nhưng tạo ra sự rối rắm, phức tạp, gây khó hiểu cho thí sinh", ông nhận định. Nếu không cào bằng điểm chuẩn giữa các phương thức thì không cần phải quy đổi về thang 30. Theo vị này, dù hiểu theo cách nào, việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm chỉ trong giới hạn 20% sẽ đẩy điểm chuẩn lên cao, đúng với tiêu chí chọn được học sinh có thành tích vượt trội. Nhưng nếu lấy cao quá, các trường sẽ vào thế khó vì mức đầu vào đó không được thấp hơn đợt xét tuyển chung theo kế hoạch của Bộ. "Đưa ra các quy định trên có lẽ nhằm giảm xét tuyển sớm", ông nhìn nhận. Đại diện một trường khác ở Hà Nội có cùng suy nghĩ, cho rằng các quy định này ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh, quyền tự chủ của nhiều trường. Ngoài ra, các chuyên gia chỉ ra một số điểm chưa rõ ràng trong dự thảo của Bộ, như tổ hợp xét tuyển theo cách chọn môn ở chương trình giáo dục phổ thông mới; quy đổi điểm chuẩn thế nào với những thí sinh được tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển khi có giải quốc gia, cấp tỉnh và thành tích học thuật, hoạt động xã hội... >> Xem thêm Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH 2025 Tại đây 2. Những thay đổi tích cựcDù vậy, đại diện nhiều trường đánh giá dự thảo quy chế tuyển sinh có một số điểm tích cực, đặc biệt là yêu cầu sử dụng điểm cả năm lớp 12 khi xét tuyển học bạ, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay. PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, trường Đại học Mỏ - Địa chất, cho rằng điều này giúp học sinh không lơ là học tập trong những tháng cuối cấp, đảm bảo chất lượng giáo dục phổ thông như định hướng của Bộ. Đại diện Trường ĐH Thương mại ủng hộ việc xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh. “Đó là điều tốt để thí sinh tập trung học tập các môn. Như các năm trước đây, khi thí sinh biết mình đủ điều kiện trúng tuyển vào đại học quá sớm, các em sẽ có suy nghĩ chỉ cần học làm sao thi đủ ngưỡng vượt qua tốt nghiệp là được. Như vậy, việc học của các em sẽ bị chểnh mảng và thậm chí còn gây ảnh hưởng đến kết quả học tập của các bạn khác (nhóm đang muốn nỗ lực cao hơn). Chưa kể, một số thí sinh sẽ đỗ vào các ngành/trường thực tế chưa tương xứng với năng lực của các em, có thể dẫn đến tâm lý tự mãn”. Ông Tô Văn Phương cũng đánh giá quy định trên hợp lý, đảm bảo tính thống nhất giữa các trường, tạo sự công bằng cho thí sinh. Hiện, một số trường đại học đã công bố định hướng tuyển sinh năm 2025, cơ bản giữ ổn định về phương thức và phân bổ chỉ tiêu. Trước dự thảo của Bộ, nhiều trường dự kiến họp bàn ngay đầu tuần để góp ý tới Bộ, lên các phương án thay đổi kế hoạch tuyển sinh. >> Xem thêm danh sách các trường ĐH công bố đề án tuyển sinh 2025 Tại đây Các trường cũng cho rằng dù có thay đổi theo hướng nào, Bộ không nên áp dụng ngay trong kỳ tuyển sinh năm 2025 bởi hiện tại, cả trường đại học và học sinh đều đã có sự chuẩn bị nhất định. "Bất kỳ thay đổi đột ngột nào vào lúc này cũng khiến các bên bị động", một chuyên gia nói. Năm ngoái, 214 trong 322 trường xét tuyển sớm. Các phương thức xét tuyển sớm chủ yếu là xét học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy, xét chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IELTS...) hoặc kết hợp giữa các yếu tố trên. Số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em, trong đó 147.400 em đặt làm nguyện vọng 1 (gần 40%). >> Xem thêm đề án tuyển sinh của tất cả các trường ĐH mới nhất Tại đây Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhìn nhận xét tuyển sớm có những ưu điểm nhất định. Trưởng phòng đào tạo của một trường đại học tại TP HCM cho rằng việc này giúp thí sinh giảm áp lực phải "dồn tất cả trứng vào một giỏ", phụ thuộc hoàn toàn vào kỳ thi tốt nghiệp. Mặt khác, không ít trường, chuyên gia nhiều lần khẳng định kỳ thi tốt nghiệp không đủ tính phân hóa để xét tuyển vào các ngành có tính cạnh tranh cao. Các phương thức xét tuyển sớm giúp các trường giải quyết việc này. Tuy nhiên, theo PGS.TS Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, khi các trường tăng chỉ tiêu xét tuyển sớm với nhiều phương thức hơn, nhiều vấn đề lộ ra, lấn át các ưu điểm. Ông lấy ví dụ những thí sinh không có thời gian, kinh phí thi lấy chứng chỉ quốc tế, chỉ còn cách dùng điểm thi tốt nghiệp để xét tuyển, trong khi chỉ tiêu cho phương thức này ngày càng ít, điểm chuẩn bị đẩy lên cao, gây mất công bằng. Ngoài ra, nhiều phương thức không đảm bảo trên một chuẩn chung. "Mỗi đề thi một kiểu, độ khó khác nhau. Chúng ta không thể so sánh được người đạt 26 điểm xét bằng học bạ với người đạt 26 điểm thi đánh giá năng lực hoặc thi tốt nghiệp là ai giỏi hơn vì không có chuẩn chung", ông Lập nói thêm. Theo Báo Vnexpress DÀNH CHO BẠN – LỘ TRÌNH LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐGNL - ĐGTD!
Xem ngay lộ trình luyện thi 3 trong 1 tại Tuyensinh247: Luyện thi TN THPT - ĐGNL - ĐGTD ngay trong 1 lộ trình.
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
||||||||
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi. |