14/06/2013 11:15 am
Loay hoay tìm chỗ gửi
Với những nhà có ông bà ở quê, giải pháp nhanh gọn nhất là gửi con về quê nhờ ông bà trông. Thế nhưng không phải ai cũng có được may mắn như vậy. Chị Thu Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Con vừa nghỉ hè là cả bố cả mẹ đều lo sốt vó. Con nhà tôi vừa học hết lớp 1, bé quá nên có muốn cho con tham gia các khóa học hè như trại hè quân đội, hoạt động ngoại khóa… cũng không nơi nào nhận. Ông bà đều già yếu không nhờ được, vợ chồng đành phải thay phiên nhau mang con đến cơ quan. Biết là phiền toái cho đồng nghiệp nhưng không còn cách nào khác. Tôi đang cố gắng tìm lớp trông trẻ dịp hè nhưng khó quá, giá như nó còn đang học mầm non thì còn đỡ”. Cùng chung nỗi niềm, chị Ngọc Hằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Mấy hôm nay tôi gửi tạm con sang nhà bác hàng xóm. Nhà bác ấy có mấy đứa trẻ con, chúng chơi với nhau cũng vui. Nhưng đến ngày thứ 3 thì bác hàng xóm đã có ý không muốn trông nữa vì bọn nhỏ nghịch quá, hò hét, nhảy nhót suốt ngày, bác ấy không chịu được. Tôi đang không biết phải gửi con ở đâu”. Tuy ngại với bác hàng xóm và biết rằng gửi kiểu này không thể được dài ngày, nhưng vì chưa thu xếp được cách khác nên tạm thời chị Hằng vẫn phải “trơ mặt” tiếp tục gửi con đồng thời tìm các phương án khác. Mặc dù dịp hè tại các nhà văn hóa, cung thiếu nhi luôn có các lớp năng khiếu, câu lạc bộ dành cho trẻ, nhưng lịch học mỗi tuần 1-2 buổi, mỗi buổi chỉ kéo dài khoảng 1-2 giờ đồng hồ cũng thật sự là một khó khăn không nhỏ cho các bậc phụ huynh. Chị Hằng cho biết: “Vợ chồng tôi cũng đã tính đến việc cho con đi học hè, nhưng không thể tuần nào cũng bỏ việc giữa giờ vài buổi để đưa đón con được, mà học có một lúc như thế, học xong thì đưa con đi đâu? Chả nhẽ ngày nào cũng mang con lên cơ quan? Cho học nhiều lớp để kéo dài thời gian ư? Nếu nghỉ hè mà ngày nào cũng phải học 4 ca thì nó phát bệnh tâm thần là cái chắc". Các loại lớp kỹ năng Không khó khi tìm thông tin về các loại lớp kỹ năng sống, kỹ năng mềm, học kỳ quân đội, tu thiền… dành cho trẻ. Đối tượng chính của các lớp này là học sinh từ lớp 3 trở lên, nhằm giúp cho trẻ học cách tự lập trong cuộc sống, biết tự chăm sóc bản thân, biết cách hòa đồng và chia sẻ. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận của các khóa học này, không thể không kể đến những “tác dụng ngược” đối với một số trẻ. Sau khi gửi con lên thiền viện tham gia khóa tu thiền học Phật pháp được 3 ngày, chị Hòa (quận Đống Đa, Hà Nội) hốt hoảng lên đón con về khi nghe con khóc nức nở trong điện thoại. Nhìn thấy mẹ, cậu bé 10 tuổi bám chặt không rời. Về nhà, hỏi gặng con chị mới biết, hóa ra cậu bé bị sốc khi môi trường sống bị thay đổi đột ngột. Đang quen với tivi, máy tính, Ipad hàng ngày, đột nhiên cậu bé bị “ném” vào khung cảnh trầm mặc khói hương, cả ngày nghe tiếng tụng kinh gõ mõ, những bài rao giảng, lại không được xem tivi, không điện thoại, không có một người quen nào bên cạnh... cậu bé trở nên hoảng loạn. Trái ngược với hoàn cảnh của chị Hòa, vợ chồng anh Ngọc (quận Thanh Xuân) lại phải đối đầu với cậu con trai học lớp 9 ngang bướng, lười học, hay gây gổ đánh nhau. Nghĩ rằng ép con tham gia học kỳ quân đội sẽ giúp con “thuần tính” hơn, ai dè sau 10 ngày của khóa học, cậu con trai không thay đổi gì, thêm vào đó lại kéo thêm một “đội quân chiến hữu” đồng cảnh ngộ. Theo bà Lệ Thủy, cán bộ một trung tâm bồi dưỡng kỹ năng quận Cầu Giấy, chính cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên về việc cho con tham gia hoạt động hè nào. Mỗi đứa trẻ là một cá thể với tính cách khác nhau, có thể có những hoạt động phù hợp, hiệu quả với trẻ này nhưng lại không tốt cho trẻ khác, vì thế nhiều em sau các khóa học ở chùa cảm thấy học được lối sống lành mạnh, hướng thiện, nhưng cũng có những trẻ cảm thấy sợ hãi, buồn chán với nếp sống khổ hạnh, trầm buồn nơi cửa Phật; hay các khóa học làm bộ đội, nông dân... có thể giúp một số trẻ được trải nghiệm cuộc sống khác, học cách tự phục vụ bản thân, rèn tính kỷ luật, nề nếp... nhưng cũng có những cháu không thích, lại ngấm ngầm phản kháng, bày trò phá rối... Vì thế, cha mẹ cần tìm hiểu kỹ xem khóa học đó có phù hợp với con mình hay không, đừng chạy theo “tâm lý đám đông”, đồng thời cha mẹ không thể giao hết trách nhiệm dạy kỹ năng sống cho các trung tâm, bởi kỹ năng sống cần phải học cả đời, học ngay từ trong cuộc sống hàng ngày chứ không phải chỉ theo một vài khóa học.
Con nghỉ hè là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh: Kỳ Anh
Nghỉ hè ở trường
Không còn cách nào khác, nhiều phụ huynh đã buộc phải cậy nhờ lớp bán trú hè do các trung tâm, trường tư thục và cả các cô giáo tiểu học… mở và chiêu sinh rầm rộ. Tùy vào nhu cầu, phụ huynh có thể gửi con vài ngày, một tháng… cho tới khi trường công hoạt động trở lại hoặc gửi trọn gói 3 tháng hè. Những địa chỉ mà phụ huynh hay tìm đến là Cung Thiếu nhi Hà Nội - vốn được biết đến với các lớp học năng khiếu riêng lẻ thì vài năm nay cũng mở kỳ học bán trú hè cho HS tiểu học. Năm nay, Cung Thiếu nhi tuyển HS từ 6-8 tuổi, học từ ngày 3.6 - 31.7, học phí hơn 5 triệu đồng/kỳ học. Trong một ngày, các bé được học cả môn văn hóa như toán, văn, ngoại ngữ, luyện chữ lẫn môn năng khiếu như MC, tạo hình, vẽ, múa… Nhiều trung tâm trên địa bàn Hà Nội cũng chiêu sinh các chương trình học hè, tuy nhiên mức học phí khá cao. Như chương trình Vui học Kỹ năng sống mùa hè 2013 của Trung tâm S.S diễn ra trọn vẹn trong tháng 6. Dù chương trình quảng cáo miễn phí toàn bộ tiền ăn, nhưng chỉ riêng học phí cũng đã lên tới gần 6 triệu đồng. Chương trình Trại hè bán trú Việt Mỹ camp diễn ra tại Trường Tiểu học Việt Mỹ dành cho các HS lớp 1-4 (mỗi lớp 25 HS) từ 10-21.6 lên tới 1,5 triệu đồng/tuần, 2,5 triệu đồng/khóa 2 tuần. Không chỉ các trường ngoài công lập mà đến năm học này, khá nhiều trường công lập cũng đã tham gia vào việc tổ chức sinh hoạt hè cho học sinh. Trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) đầu tháng 6 khai giảng một loạt các lớp năng khiếu như mỹ thuật, võ thuật, bơi, bóng đá, bóng rổ, đàn phím điện tử, cờ vua, đàn piano. Các lớp này hầu hết học vào buổi chiều, mỗi buổi 1h15 phút. Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Hà Nội) phối hợp với Trung tâm TDTT quận Hai Bà Trưng tổ chức các CLB TDTT hè năm 2013. Ban giám hiệu nhà trường cho biết hoạt động này nhằm giúp các em học sinh có một sân chơi bổ ích, lành mạnh, đồng thời nâng cao sức khỏe, phát triển các tố chất thể lực, tránh xa được các tệ nạn xã hội và đẩy mạnh phong trào TDTT của nhà trường. Thông qua CLB TDTT góp phần phát triển toàn diện về “đức - trí - thể - mỹ” cho học sinh, qua đó sẽ phát hiện và tuyển chọn những em có năng khiếu ở các bộ môn vào đội tuyển của lớp, của nhà trường tham gia thi đấu giải bóng rổ, bóng đá, bóng bàn, taekwondo, bơi lặn cấp trường, cấp quận và thành phố... Thời lượng sinh hoạt tùy thuộc vào bộ môn các em tham gia, ít nhất 2 buổi/tuần, nhiều nhất 6 buổi/tuần, mỗi buổi 1h30 phút. Tuy nhiên, các lớp năng khiếu tại trường như vậy thường có thời gian ngắn, chỉ khoảng 1h30 phút/buổi, nên việc đưa đón trẻ khá bất tiện đối với nhiều gia đình. Trong khi đó thời gian còn lại trong ngày cũng vẫn nhiều. Trước nhu cầu thực tế của phụ huynh, tại TPHCM, nhiều trường tiểu học đã tiên phong thử nghiệm mô hình nghỉ hè ở trường. Thay vì phụ huynh chạy khắp nơi tìm chỗ trông trẻ hay phải gửi vào các trung tâm tư nhân với giá cắt cổ, thì học sinh có thể đến sinh hoạt hè bán trú tại chính ngôi trường tiểu học của mình. Tiêu biểu cho những trường thực hiện mô hình này là Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Kiêm (TPHCM), mở khóa sinh hoạt hè tại trường từ ngày 17.6 - 26.7. Đối với khóa sinh hoạt một buổi (thứ 2, 4, 6) từ 7h30 -10h30 học phí chỉ ở mức 900.000 đồng/khóa. Học sinh được tham gia CLB tiếng Việt, toán, múa hát dân gian, mỹ thuật, kỹ năng sống. Đối với khóa bán trú (từ thứ 2 đến thứ 6) từ 7h30 - 16h00, học phí là gần 4 triệu đồng/khóa. Học sinh được học các môn văn hóa như tiếng Việt, toán, tin học, Anh văn (có giao tiếp với giáo viên bản ngữ). Bên cạnh đó là các môn năng khiếu: Bơi, cờ vua, vovinam, bóng rổ/bóng đá, múa hát dân gian, mỹ thuật, khéo tay hay làm, chương trình kỹ năng sống, kỹ năng tự học, rèn chữ đẹp, tham quan dã ngoại. Đặc biệt, đối với lớp bán trú, HS lớp 1 được tham gia chương trình “Em là học sinh lớp 1”. Học sinh được rèn luyện phương pháp tự học hiệu quả do các chuyên gia tâm lý phụ trách. Trường công lập có lợi thế là cơ sở vật chất tốt. Nhiều phụ huynh bày tỏ mong mỏi nếu tổ chức lớp bán trú, học hè cho trẻ ngay tại trường thì có thể giúp cho các gia đình rất nhiều khi mà trẻ còn quá nhỏ, chưa biết quản lý bản thân còn cha mẹ thì vẫn phải đi làm. Trong kỳ nghỉ hè, thay vì dạy và học các môn văn hóa thì việc dạy năng khiếu, môn kỹ năng sống do giáo viên của trường cũng như giáo viên trường tuyển chọn về đảm nhiệm… Như vậy vừa đảm bảo trẻ vừa được vui chơi, vừa được học những kỹ năng nhất định trong dịp hè, phụ huynh không bị xáo trộn nhiều trong giờ làm việc.
Theo Thethaohangngay NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |