25/10/2016 08:30 am
Ngày 24/10 tại Hà Nôi, hội thảo về ngân hàng câu hỏi cho kỳ thi chung tiến tới thi chứng chỉ hành nghề cho bác sỹ đa khoa được tổ chức. Phải có một kỳ thi cấp quốc gia Bà Vũ Thị Minh Hạnh- Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam và một số ít các nước (Singapore, Malaysia,…) đang sử dụng thuật ngữ chứng chỉ hành nghề (CCHN), trong khi các quốc gia khác đều dùng chung thuật ngữ giấy phép hành nghề. Việt Nam hiện chỉ cấp 1 loại CCHN trong khi số đông các nước đều cấp nhiều loại giấy phép hành nghề nhằm đảm bảo vị thế pháp lý cho nhiều hình thức hành nghề, nhiều nhóm tham gia hành nghề trong thực tế. Thời gian thực hành tiền hành nghề để được cấp CCHN của Việt Nam hiện hành là 18 tháng trong khi nhiều nước trên thế giới và trong khu vực là 12 tháng. Việt Nam hiện đang cấp CCHN không thời hạn trong khi số đông các nước đều cấp có thời hạn từ 1 - 5 năm. Việt Nam không có quy định về thi cấp CCHN trong khi đa số các nước đã thực hiện như một phương thức bắt buộc để kiểm soát chất lượng hành nghề của nhân viên y tế. Bà Hạnh cũng cho biết thêm, Việt Nam chưa có cơ chế giám sát hiệu quả chất lượng hành nghề sau khi được cấp CCHN. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, cho biết thực tế chất lượng trường A, trường B là khác nhau vì đầu vào và chương trình dạy ở các trường khác nhau. “Có những trường học 4 năm cũng ra trường, giữa trường trung ương và trường địa phương cũng khác nhau dù ra trường vẫn là bằng bác sĩ. Vì vậy trong quy định của Bộ GD&ĐT, chỉ có một số ngành trong bằng viết là bác sĩ, còn lại các ngành khác của y viết là đại học” - ông Nghĩa lưu ý. Yêu cầu đánh giá độc lập Tại hội thảo, sau khi chia nhóm thảo luận, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết nhóm của ông đề xuất kỳ thi quốc gia cấp CCHN y áp dụng với tất cả nhân lực y tế nói chung, những đối tượng phải cấp CCHN, không riêng bác sĩ đa khoa. Câu hỏi được đặt ra vậy đơn vị nào sẽ tổ chức kỳ thi này và thi như thế nào. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí, Bộ GD&ĐT cho rằng không thể để cho các trường tổ chức mà phải là một tổ chức độc lập. “Vì chúng ta đang “ép” các trường phải dạy theo phát triển năng lực. Tức là đào tạo đảm bảo năng lực đầu ra mà Bộ Y tế quy định. Việc này là cần thiết nhưng các trường có làm đúng yêu cầu hay không thì chúng ta chưa nắm được. Vì vậy, chốt một kỳ thi quốc gia cấp CCHN sẽ ép các trường phải dạy đáp ứng chuẩn đầu ra của Bộ Y tế” - ông Nghĩa lý giải. Cũng theo ông Nghĩa, ở các nước, công việc này là của các hiệp hội đảm nhiệm. Nhưng ở Việt Nam các hiệp hội chưa mạnh nên cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm. Hình thức thi Về nội dung kỳ thi, các thành viên nhóm 3 đề xuất 3 môn chính: kiến thức cơ sở, y tế công cộng, thực hành lâm sàng. Trong đó, thực hành lâm sàng sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất và các chuyên môn trước mắt là: nội, ngoại, sản, nhi… cộng thêm các chuyên khoa khác. Về cấu trúc đề thi, đối với phần thi lý thuyết sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Nếu có điều kiện, sau này sẽ tổ chức thi online. Ở phần thực hành, các đại biểu đề xuất thi tại các trung tâm do Bộ Y tế giao. Cả nước phải có ít nhất 3-5 trung tâm, đảm bảo điều kiện thi tương đối giống nhau. Các trường Y sẽ không trực tiếp tổ chức thi, mà Bộ Y tế sẽ giao cho các trung tâm tổ chức thi. Các trường chỉ được mời tham gia một phần nào đó. Về các thành viên của Ủy ban đề thi (soạn thảo câu hỏi), các đại biểu nhóm 4 cho rằng nên lựa chọn thành viên bao gồm cả các bộ phận quản lý và bộ phận chuyên môn. Bộ phận quản lý gồm các Bộ, Cục liên quan. Thành viên chuyên môn là các chuyên gia tới từ các trường đào tạo, các bệnh viện lớn. 100% đại diện các trường cũng thống nhất sẽ xây dựng bộ câu hỏi hoàn toàn mới, chứ không dựa trên đề thi của các trường đào tạo y khoa. Tuy nhiên, Ủy ban đề thi nên tham khảo bộ câu hỏi của các trường và các trường nên đề xuất bộ câu hỏi cho ban đề thi tham khảo. Ngoài ra, Ủy ban cũng nên tham khảo bộ đề thi của các nước trên thế giới để bắt kịp xu hướng. Các trường Y sẽ phải đổi mới Với cương vị là người đào tạo, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội, cho biết với việc sẽ có một kỳ thi CCHN cấp quốc gia sắp tới, trường phải tiếp tục đổi mới và sẽ có những thay đổi đáng kể so với hiện tại. Còn GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong ngành y thời gian tới sẽ có hai hệ thống riêng biệt: nghiên cứu và khám chữa bệnh. “Từ trước đến nay, đào tạo sau ĐH có thạc sĩ, tiến sĩ và hệ thống bằng cấp của Bộ Y tế quy định. Như vậy, sắp tới, hệ thống bằng cấp của Bộ sẽ được công nhận là hệ thống chuẩn quốc gia. Người học sẽ không còn phải chạy ngang chạy ngửa lo chứng chỉ” - GS Cường nói. GS Lê Quang Cường cũng cho biết, các trường đào tạo y trên thế giới có tổ chức thi CCHN. Thi CCHN là một việc làm bắt buộc, không phải là một thủ tục hành chính như chúng ta vẫn quan niệm hiện nay. “Tại sao phải có hệ thống đánh giá độc lập. Vì nếu trường ra đề và trường chấm điểm thì không có thí sinh nào trượt. Khi kỳ thi được chuẩn hóa cấp quốc gia, dạy như hiện nay tỷ lệ trượt không nhỏ. Các thầy cũng phải đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu mới”- GS Cường khẳng định. Theo Thethaohangngay NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |