16/01/2013 14:36 pm
- Còn nhớ năm ngoái ê-kíp diễn chương trình "Táo Quân" phải tập tành đêm hôm, năm nay có tiếp diễn? - Năm nay không có gì thay đổi, thậm chí còn phải tập sớm hơn vì có nhiều lịch ghi hình như gala đầu năm, phiên bản mới gặp nhau cuối tuần và nhiều chương trình truyền hình khác nữa. Lịch dày đặc, trong khi đó, công việc cơ quan tôi cuối năm dồn dập như dựng vở, làm chương trình để ra Tết có cái đi diễn. Thành ra, chúng tôi vừa tập Táo ở đài truyền hình từ 10h đêm đến 4-5h sáng rồi tạt một chút qua nhà đưa con đi học, sau đó lên cơ quan tập vở. Cơ bản là không có thời gian nghỉ ngơi. - Đồng nghĩa với việc thời gian dành cho gia đình cũng không còn? - Nói thật vào thời điểm này, hai từ "gia đình" phải… dẹp sang một bên. Năm ngoái tôi còn có thời gian nghỉ ngơi, năm nay không còn chút nào.
- Cách làm việc vô lối, quên thời gian như vậy dễ ảnh hưởng tới sức khỏe? - Đúng, vô lối ở chỗ chúng tôi làm việc theo cơn, hứng đang lên là không ai muốn nghỉ và sẵn sàng quên mất thời gian. Chúng tôi tập Táo Quân tới khi nào mọi người mệt quá không chịu được nữa mới thôi. Mệt là thế, nhưng mọi người vẫn hò nhau cố thêm một chút bởi ai cũng lo lắng, nếu để sang ngày mai sẽ quên mất kịch bản. Thế là mọi người lại gồng mình lên tập tiếp. - Đã có ai trong ê-kíp bị kiệt sức? - Như anh Khánh có nhiều đêm thức đến sáng, sau đó về không ngủ được lại thức cả ngày, tối lại đi tập Táo. Tôi biết có lần anh ấy bị 3 đêm liền không ngủ tý nào được, mệt quá, đến ngủ ngay tại nơi tập. Những lúc như vậy, anh Đỗ Thanh Hải lại phải thoại hộ. - Đàn ông còn vậy, hẳn chị em phụ nữ như Vân Dung rất vất vả? - Phụ nữ được ưu tiên hơn chút, tập đến 1-2h là được về nhà. - Tập luyện đêm hôm rét buốt, chuyện ăn uống của các nghệ sĩ có đảm bảo? - Ăn uống khỏi nói, phải gọi là la liệt, thích ăn gì có cái đấy. Hà Nội về đêm có cái gì, chỗ tập Táo đều có cả.
- Hẳn anh giữ nhiều kỷ niệm thú vị trong những ngày tập Táo vừa qua? - Nhiều lắm, nhưng nó không phải găm sâu vào trí nhớ vì đã trở thành thói quen với mọi người. Ai đến đài là làm hùng hục, còn ai chưa đến lượt tập thì ngủ. Ở nơi tập, lúc chờ đợi đến lượt cũng nhiều tư thế lạ lắm: người vào mạng xã hội, nhắn tin, đọc báo, kẻ lại gật gù mơ màng. - Vai Táo của Tự Long năm nay có gì đặc biệt? - Vai của tôi rất đặc biệt là vì nó… còn ở trong bí mật. Đến bây giờ, Vân Dung, Trí Trung, Quang Thắng… gần như định hình với vai Táo của mình, riêng tôi vẫn chưa hình thành. - Tức là Vân Dung vẫn làm Táo Kinh tế, Chí Trung làm Táo Giao thông… như mọi năm? - Đại loại như thế, nhưng đến phút chót vẫn còn có thay đổi. Về cơ bản là trên nền vai Táo năm trước bởi dần dần cũng mặc định vai trò từng người, ai diễn vai gì đều có mảng, miếng đánh riêng. Còn tôi thay đổi phiên bản theo từng năm. - Anh thường bị thay đổi vai diễn trong "Táo Quân" vì nhiều tài lẻ hơn mọi người? - Không, làm gì tôi đa tài hơn mọi người. Các vai diễn Táo gần như định hình cho từng người nên việc viết kịch bản cũng theo hướng đầu tư riêng từng người. Đến tôi, người viết kịch bản không xác định được thuộc Táo nào nên cứ viết ra một cái gì đấy để đến khi tập nặn ra một cái gì đó lắp vào "chiến đấu" (cười). - Năm nay có thêm Táo nào mới không? - Chắc chắn có. - Gương mặt mới thì sao? - Có đấy, nhưng vẫn là bí mật.
- Trong một bài phỏng vấn, Xuân Bắc từng nói chán vai Nam Tào lắm rồi, anh thì sao? - Ôi trời, Bắc Đẩu hay Nam Tào đều chán bởi họ bị rập khuôn nhưng không thể làm khác vì họ là hai người cầm dây - giống như trẻ con chơi trò nhảy dây, 2 người cầm đầu dây rất quan trọng, đứa nào chơi đểu giật lên một cái là bạn chơi ngã ngay. Hai ông đấy quan trọng lắm, giữ nhịp cho trận đấu, họ giữ nhịp không chuẩn, trận đấu sẽ chệch choạc không có điểm nhấn. Nam Tào - Bắc Đẩu ví như tiền vệ trung tâm của một đội bóng, làm công tác thu phát, phân hồi, điều động bóng. Ngọc Hoàng là người quyết định trận đấu, có bước ngoặt hay không là do Ngọc Hoàng. - Anh kết vai diễn Ngọc Hoàng của Quốc Khánh ở điểm nào? - Khó kiếm được một người có chất diễn như anh Khánh. Qua nhiều năm diễn Táo, anh biết điểm nhấn nào là tốt, biết chỗ nào cần "thả" một câu hài hước thâm thúy "chết người". Anh Khánh bắt nhịp với mọi người rất nhạy và nhanh. Nói chung là khó ai thay thế được. - Nhiều người nói, nếu một ngày nào đó, "Táo Quân" phải thay vai diễn cô Đẩu, không ai hợp hơn ngoài anh? - Để làm tròn vai, tôi tin ai cũng sẽ làm tốt nhưng muốn xóa đi một tượng đài hay xô đổ những gì lớn lao sẽ rất khó. Hình bóng của Xuân Bắc hay Công Lý, chắc chắn không phải ai cũng xóa nhòa được. Nếu bây giờ bất đắc dĩ phải thay một ông Nam Tào hay Bắc Đẩu, người thay thế chắc chắn 100% không thể bằng được họ do vai diễn này đã quá ấn tượng. Sau 10 năm diễn Táo Quân hỏi Xuân Bắc đóng được những vai gì - đương nhiên, câu trả lời đúng nhất chính là Nam Tào. - Trong suốt những năm qua, anh thích nhất vai Táo nào? - Năm nay, có thể sẽ có clip tổng kết 10 năm qua xem ai làm Táo nào và diễn vai đó ra sao. - Vai Táo quân năm nào anh cảm thấy "khoai" nhất? - Năm nào cũng khoai. - Còn khoái nhất? - Là vai diễn ở Táo Quân 2008. Điều đặc biệt là năm nào làm Táo, tôi cũng ra cuối cùng. Nó giống như một cái đinh để chốt hạ. Nhiều khi anh em đi xem cứ nhắn tin gọi điện hỏi sao lâu thế, đợi mãi chả thấy diễn. - Theo Tự Long tại sao lại thế? - Tôi không biết, có khi số mình vất vả, toàn phải làm cuối. Theo GDVN |
||||||
>> Đạo diễn Táo quân 2013: GS Xoay không thể làm "Táo"
>> Táo quân 2013 "đá xoáy" The Voice, Đàm Vĩnh Hưng