Hôm qua (21/6), hơn 40.000 thí sinh lớp 9 của TP.HCM đã hoàn thành bài thi hai môn Ngữ văn và Anh văn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Hôm nay các thí sinh sẽ dự thi môn Toán, buổi chiều thí sinh dự thi vào các trường chuyên sẽ thi thêm môn chuyên.
|
Thí sinh Hội đồng thi THCS Trần Văn Ơn nhận xét đề thi văn năm nay vừa mở vừa lạ. Ảnh: QV. |
Rớt nước mắt trên trang giấy thi
Nhận xét về đề thi văn, thí sinh Lê Văn Khoa, HS Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, cho biết: “Đề văn không quá khó nhưng câu 3 và câu 4 tụi em rất khó lấy điểm trọn vẹn dù câu 3 là dạng đề thi mở ở phần nghị luận xã hội, được thầy cô ôn luyện khá nhiều. Đọc câu hỏi đó, em đã quá xúc động với những người bạn nghèo phải tự lo cặp, sách để đến trường. Em nghĩ ngay đến những người bạn ở TP.HCM được cha mẹ lo đầy đủ mà không chịu học. Em đã so sánh hai hình ảnh đối lập này để tự nhủ mình may mắn hơn bạn, biết tiết kiệm và dành những bộ sách cũ tặng các bạn”. “Em làm vậy không biết đúng ý không nữa nhưng thật sự em cay mắt khi đọc đề ở câu hỏi này. Thương các bạn nghèo quá” - Khoa nói.
Tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Nga, HS Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), chia sẻ: Em xuất thân từ hoàn cảnh gia đình đông anh em, hiểu được cảnh cha mẹ phải chạy vạy, lo toan cho mấy anh, chị, em trong nhà khi đến mùa tựu trường. Cha mẹ em cũng như ba mẹ các bạn ở Đức Phổ, Quảng Ngãi không bao giờ muốn con mình nghỉ học giữa chừng. Em đã rơi nước mắt trên trang giấy thi.
Cách ra đề thi mới, độc đáo
Cô Dương Thu Trang, giáo viên bộ môn ngữ văn (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi) nhận xét: Nhìn chung, tư duy ra đề rất độc đáo, cũng những kiến thức cơ bản đó, tác phẩm đó nhưng cách đặt vấn đề đã khơi gợi khả năng nhớ-hiểu-vận dụng của thí sinh rất đồng bộ. Câu 1: Hỏi về tác phẩm Chiếc lược ngà nhưng không đơn điệu như thường thấy. Câu 2: Là cách kiểm tra kiến thức tiếng Việt sinh động nhất từ trước tới nay. Chỉ hỏi về phương châm hội thoại nhưng đã nhắc nhở thí sinh về hiện tượng lạm dụng ngôn ngữ chat ở tuổi teen hiện nay. Câu 3, câu nghị luận xã hội vừa thể hiện tính thời sự, vừa mang đến cho thí sinh TP.HCM-những công dân nhí của xứ thành thị cái nhìn tổng thể về cuộc sống, ý thức được sự may mắn của bản thân khi được đến trường trong điều kiện đầy đủ.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Cải, giáo viên văn Trường THPT Quang Trung (Củ Chi), nhận xét: Đề thi văn rất sát với chương trình và hay. Câu 3 gắn liền với cuộc sống, đầy chất nhân văn và đạo đức, tác động rất tốt đến HS nhất là HS TP.HCM, đề thi sinh động cả về hình thức và nội dung.
Đề Anh văn khó
Ở môn thi Anh văn, thí sinh TP.HCM không hồ hởi lắm, nhiều em cho biết đã chọn sai phương án. Thí sinh Phạm Minh Đức (Hội đồng thi THCS Trần Văn Ơn) cho hay em đã nhầm lẫn với nhiều câu hỏi “bẫy”, phần đọc hiểu cũng quá dài khiến em lúng túng và cũng đã làm sai. Dự đoán môn Anh văn sẽ làm hỏng kết quả nguyện vọng 1 của em vào Trường THPT Bùi Thị Xuân.
Thầy Phạm Tấn Hoàng (Trường THPT Vĩnh Viễn TP.HCM) nhận xét: Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Anh văn của TP.HCM tương đối khó, phân loại tốt thí sinh khá, giỏi. Nhiều câu hỏi đòi hỏi HS giỏi mới làm sđược.
Trước thông tin từ tối ngày 20/6, một số phụ huynh và HS “biết trước” đề thi sẽ có tác phẩm Chiếc lược ngà và đề thi đã ra phần đó, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định: Đó chỉ là sự đoán mò của thí sinh và phụ huynh trước các kỳ thi. Đến thời điểm này, đề thi vẫn được bảo mật tốt, hội đồng ra đề thi được cách ly rất nghiêm ngặt.
Còn việc đề thi trích một đoạn trong bài báo đăng trên báo Thanh Niên ra ngày 18/6 là do người ra đề thi, dù cách ly nhưng vẫn được đọc báo giấy mỗi ngày. Đây là phần nghị luận xã hội, đề thi mở thì đáp án cũng sẽ mở để cho điểm phát huy tính sáng tạo của HS khi thể hiện qua bài làm.
Theo Pháp luật TP.HCM