21/07/2014 09:55 am
Có thể cồng kềnh, tốn kém hơn trướcPhó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu và thực hiện 1 kỳ thi quốc gia. Nếu chuẩn bị kịp và nhận được đồng thuận từ cơ sở thì năm 2015 sẽ chỉ còn một kỳ thi làm cơ sở xét tốt nghiệp và tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Ông có đồng ý với chủ trương này? Việc thực hiện chủ trương này có quá gấp gáp không? - GS Nguyễn Minh Thuyết: Nghị quyết 29 của TW Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã xác định đổi mới thi cử là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay. Việc Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GD-ĐT nghiên cứu, sớm thống nhất kỳ thi tốt nghiệp phổ thông với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hiện nay thành 1 kỳ thi quốc gia là để thực hiện Nghị quyết 29. Ta cũng nên nhớ rằng Nghị quyết 29 ra đời đã 8 tháng rồi. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết Về những hiện tượng tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, tôi nhớ năm 2004, các đại biểu Quốc hội khóa XI đã phê phán rất nhiều khi qua báo chí được chứng kiến cảnh bắc thang trèo tường ném đáp án vào phòng thi hay bắc loa đọc đáp án cho thí sinh.Tôi đồng tình với chủ trương này nhưng cũng muốn cảnh báo trước: Không nên nghĩ rằng gộp 2 kỳ thi làm một sẽ giải quyết được 2 vướng mắc lớn hiện nay là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông còn nhiều tiêu cực, không đánh giá được chính xác kết quả học tập của học sinh và tổ chức 2 kỳ thi riêng rẽ rất cồng kềnh, tốn kém. Nay những hiện tượng vi phạm pháp luật trắng trợn như vậy đã chấm dứt, nhưng vẫn còn chuyện xuê xoa, dễ dãi và nhiều hành vi tiêu cực khác. Kết quả là sau kỳ thi “2 không” nghiêm khắc năm 2007, mọi việc lại gần như quay về chỗ cũ. Có tỉnh năm 2007 chỉ có dưới 20% học sinh tốt nghiệp, ngay năm sau đã lên đến trên 80% và bây giờ cũng trên 90% học sinh đỗ tốt nghiệp như nhiều địa phương khác. Không ai tin có phép thần nào khiến chất lượng giáo dục thay đổi nhanh đến như vậy. Việc gộp 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi quốc gia tự thân nó không giải quyết được những hiện tượng tiêu cực hay bệnh thành tích ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông hiện nay. Kỳ thi “2 trong 1” cũng không giải quyết được chuyện cồng kềnh, tốn kém. Kết quả của kỳ thi quốc gia này chỉ là căn cứ để các trường ĐH,CĐ tuyển sinh. Các trường có quyền tổ chức thêm một kỳ thi riêng, nếu cần thiết. Cồng kềnh vẫn cồng kềnh, tốn kém có thể hơn vì nếu thí sinh muốn thi nhiều trường thì sau kỳ thi quốc gia có thể còn phải dự 2-3 kỳ tuyển sinh riêng của các trường ĐH,CĐ. Xem thêm: Năm 2015 chỉ còn duy nhất 1 kỳ thi Quốc GiaCần có tổ chức khảo thí độc lậpVậy theo ông làm sao để giải quyết 2 tồn tại này? - Ý kiến tôi là giao việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cho các tỉnh, thành (xin lưu ý là giao cho các tỉnh, thành, chứ không phải giao cho các sở GD-ĐT, vì đây là việc quốc gia, chứ không phải việc riêng của ngành giáo dục) và giao việc tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ tự quyết. Tuy nhiên, nếu giới hạn câu chuyện trong phạm vi đề án gộp 2 kỳ thi thành 1 kỳ thi quốc gia thì để khắc phục những hạn chế này cần có cách ra đề, tổ chức thi thích hợp. Các bài thi trong kỳ thi chung sẽ không kiểm tra kiến thức, kỹ năng từng môn riêng rẽ mà là bài thi liên môn, ví dụ: bài thi các môn khoa học tự nhiên, trong đó có câu hỏi riêng về kiến thức lý, hóa, sinh và những câu hỏi tổng hợp kiến thức, kỹ năng từ cả 3 môn để đánh giá năng lực tổng hợp của thí sinh. Mỗi đề thi cần có 2 phần: phần cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp và phần có tính phân loại để làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Đề thi cũng phải dần dần nâng mức yêu cầu lên.. Ví dụ, ngoại ngữ phải là môn thi bắt buộc. Học sinh VN tốt nghiệp cần đạt chuẩn ngoại ngữ như một số nước phát triển trong khu vực. Chẳng hạn, tiếng Anh không được như Singapore thì ít nhất cũng phải ngang học sinh Thái Lan, Malaysia. Cách tổ chức và yêu cầu đối với môn thi, đề thi như vậy sẽ góp phần cải thiện khả năng đánh giá chính xác kết quả dạy và học tập ở trường phổ thông. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu tổ chức chung 1 kỳ thi Quốc gia năm 2015 Còn để giảm bớt áp lực phát sinh tiêu cực, có thể tổ chức thi 2 lần trong năm, thậm chí nhiều lần hơn. Học sinh khi đó sẽ không có tâm lí buộc phải đỗ, thầy cô cũng bớt xuê xoa, cả nể. Chuyện đâu đó phải đóng “tiền chống trượt tốt nghiệp” cũng sẽ giảm. Nhưng khi đã có tới 2 kỳ thi trong năm trở lên thì nên giao nhiệm vụ tổ chức thi cho một cơ quan hoặc tổ chức khảo thí độc lập. Bởi vì nếu Bộ GD-ĐT quanh năm phải lo chuyện thi cử thì sẽ khó hoàn thành các nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương. Hiện nay ở nước ta chưa có ai chịu đứng ra lập những tổ chức khảo thí độc lập như vậy, vì làm thì lợi nhuận ít, trách nhiệm nhiều, lại dễ “gây thù chuốc oán”. Thông thường, những việc hữu ích mà xã hội “chê” thì Nhà nước phải làm. Theo tôi, có hai hướng giải quyết vấn đề này: Một là Nhà nước cho thành lập cơ quan khảo thí quốc gia; cơ quan này có thể dựa trên nòng cốt ban đầu là Cục Khảo thí của Bộ GD-ĐT hiện nay nhưng độc lập với tất cả các bộ để đảm bảo tính khách quan trong đánh giá. Cách thứ hai là giao cho những trường ĐH lớn thành lập các tổ chức khảo thí để gánh vác trách nhiệm này. Để giảm bớt cồng kềnh, tốn kém do có nhiều kỳ sát hạch riêng của các trường ĐH, CĐ, theo tôi, nên khuyến khích các trường tổ chức thành cụm thi để thí sinh khỏi phải thi nhiều lần ở nhiều trường. Phải công bố sớm để thầy cô không sốcVậy lộ trình thực hiện cần tiến hành như thế nào để thầy cô, học sinh, nhà trường không bị sốc, thưa ông? - Trước hết Bộ GD-ĐT cần công bố quyết định thực hiện một kỳ thi quốc gia từ 2015. Ít nhất trong tháng khai trường là tháng 9/2014, Bộ phải xác định được hướng tổ chức bài thi, cấu trúc đề thi như thế nào để thầy cô và học sinh chuẩn bị. Thứ hai, Bộ cần tập huấn cho cán bộ quản lí và cán bộ ra đề thi. Trước hết là tập huấn cho cán bộ Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng. Sau đó, tập huấn cho giảng viên các trường đại học lớn vì đa phần người ra đề đều ở những cơ sở này. Tiến tới một kỳ thi chung, Bộ GD-ĐT đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn, trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn. Ngoài ra, thí sinh nào có nguyện vọng thi thêm môn nào nữa thì có thể đăng ký thi thêm để phù hợp với nhu cầu được xét tuyển ĐH. Ông đánh giá như thế nào về phương án Bộ đưa ra?Tôi tin nếu quyết tâm làm thì không quá khó. Nhưng phải bắt tay vào làm ngay. - Đã gộp 2 kỳ thi làm một thì đừng đặt ra 8 hay 10 môn. Theo tôi, học gì thi nấy. Như vừa qua thi tốt nghiệp, học sinh tự chọn, có mấy em thi Lịch sử đâu? Nay ta tổ chức bài thi dưới dạng tích hợp càng không nên đặt vấn đề tự chọn ở đây. Mô hình của Pháp đáng quan tâmViệt Nam nên học theo mô hình thi cử của nước nào và nên đi theo lộ trình cụ thể thế nào để tránh tâm lý đổi mới đột ngột đến những người thực thi, thưa ông? - Bộ GD-ĐT đã cử nhiều đoàn, nhiều cán bộ đi nghiên cứu nước ngoài chắc sẽ có sự đánh giá và lựa chọn thích hợp hơn cá nhân tôi. Về phần mình, tôi thấy mô hình mỗi nước đều có ưu điểm riêng; có thể nghiên cứu để chọn những cách tổ chức phù hợp với hoàn cảnh của ta. Mô hình tuyển sinh ở Pháp cũng là một mô hình đáng quan tâm. Các trường ĐH trọng điểm (grandes écoles) tự tổ chức thi tuyển, vào được những trường này rất khó, nhưng sinh viên tốt nghiệp có cơ hội việc làm rất tốt. Còn các trường ĐH khác (univerrsités) thì chỉ xét tuyển, nói cho đúng là học sinh nào đã tốt nghiệp trung học đều có thể ghi danh vào học. Tuy nhiên ở cả 2 loại hình, tính sàng lọc đều rất cao. Không có chuyện vào trường 100 ra cũng 100 như ở ta. Tối đa ở 100 ‘anh” vào chỉ khoảng 40 đến 50 “anh” được cái bằng thôi. Cái mình học được ở cách tuyển sinh của Pháp là tạo điều kiện cho các trường chủ động tuyển sinh. Trường tự quyết định phương thức tuyển, số lượng chỉ tiêu dựa trên những tiêu chí do Bộ GD-ĐT quy định, nếu làm sai thì bị xử lí nghiêm. Các trường được quyền chủ động cao thì cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Không thể cứ hạ thấp yêu cầu tuyển sinh, coi nhẹ yêu cầu chất lượng rồi bắt xã hội phải gánh chịu; đơn vị sử dụng lao động không nhận thì bảo người ta đối xử không công bằng. Cũng như doanh nghiệp được tự do kinh doanh nhưng chấp nhận sản phẩm là quyền của xã hội. Một cô gái không đắt chồng chỉ có thể thay đổi tình thế bằng cách hoàn thiện mình, chứ không thể buộc người ta phải lấy mình được. Theo Văn Chung - Báo Vietnamnet DÀNH CHO BẠN – LỘ TRÌNH LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐGNL - ĐGTD!
Xem ngay lộ trình luyện thi 3 trong 1 tại Tuyensinh247: Luyện thi TN THPT - ĐGNL - ĐGTD ngay trong 1 lộ trình.
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
||||||||
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi. |