18/08/2012 13:25 pm
Chu Thị Thanh Loan sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo miền sơn cước thuộc xã An Châu, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Loan là con cả trong gia đình 3 chị em. Kinh tế chỉ dựa vào nông nghiệp, bố mẹ Loan chật vật để nuôi ba người con ăn học và phụng dưỡng mẹ già.
Từ nhỏ, cô bé Loan đã quen với ruộng đồng và chuyện cấy hái giúp gia đình. Chăm chỉ việc nhà nhưng Loan luôn là học sinh khá giỏi ở trường. 12 năm học phổ thông, Loan nhiều lần đi thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh các môn Văn – Sử - Địa. Hai năm lớp 9 và lớp 11, Loan đạt giải Nhất môn Văn cấp huyện. Lớp 11 thêm giải Ba cấp tỉnh môn Văn. Học giỏi nhưng ước mơ trở thành cô giáo dạy Văn với Loan không trở thành hiện thực. Năm đầu tiên thi ngành Sư phạm Văn, ĐH Sư phạm Thái Nguyên, Loan thiếu 0,5 điểm; năm thứ hai vẫn vậy. Cô bạn may mắn khi nhận được lời khuyên của thầy chủ nhiệm THPT, đăng ký thi thêm vào hệ Trung cấp của Trường CĐ Sư phạm Nghệ thuật TW (nay là ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW) ở Hà Nội. Vốn có năng khiếu ca hát qua những lần biểu diễn ở “sân khấu” làng đến trường học nên cùng năm thứ hai thi ĐH trượt, Loan đỗ vào trường cao đẳng. Học hết hai năm trung cấp, từ bố mẹ đến họ hàng đều muốn em về quê dạy học, đỡ đần gánh nặng cho gia đình. Không muốn cuộc đời “cứ bình lặng trôi như thế” cộng thêm lời khuyên “Em học tốt. Theo học ĐH sẽ phát triển hơn” của thầy cô, Loan giấu bố mẹ đăng ký thi lại ĐH lần 3 vào trường mình (đã lên ĐH). Trước khi “vượt vũ môn” 15 ngày, Loan đi “vận động” từ mẹ đến bố rồi các mợ, cô cho mình thi ĐH lần nữa. Mẹ thương con gái nên gật đầu. Bố chỉ ậm ừ: “Cứ biết thế!”. Lần thứ 3 đi thi, Loan rất tự tin: “Nếu đỗ điểm thấp con sẽ không học. Con cũng sẽ không để bố mẹ phải lo tiền học 4 năm nếu học tiếp”. Tin con gái đỗ thủ khoa đầu vào của ĐH Sư phạm Nghệ thuật TW với 39 điểm (môn năng khiếu nhân hệ số hai) chỉ khiến bố Loan “cười nhưng không nói gì” vì lo không có tiền cho con học tiếp. Cô thủ khoa “con giời” Lên ĐH, chỉ riêng lịch học của trường (cả ngày từ thứ hai đến thứ sáu, sáng thứ bảy) đã khiến nhiều sinh viên mệt mỏi vì kiến thức lớn và bài tập phải trả thường xuyên. Tuy nhiên, giữ đúng lời hứa “sẽ kiếm tiền đi học” với bố mẹ, hết học kỳ I năm thứ nhất, Loan nhờ bạn giới thiệu làm gia sư cho một học sinh cấp II. Nhờ khả năng và sự nhiệt tình, Loan có thêm nhiều học trò sau đó. Sang năm thứ hai, Loan còn kiêm thêm chức Bí thư rồi Ban chấp hành đoàn đến tham gia vào dàn hợp xướng của trường. Lịch học, lịch tập diễn, công tác đoàn đội chiếm gần trọn quỹ thời gian trong ngày của cô bạn. Tuy nhiên, cô bạn này vẫn không bỏ công việc gia sư. Nhiều học sinh, Loan chia nhỏ ra từng nhóm và nhiều buổi dạy trong tuần để vẫn đảm bảo đủ thời lượng giúp trò tiếp thu bài mà các công việc khác của mình không lỡ dở. Tuy nhiên, khó khăn trong việc bố trí lịch học, dạy không ít bởi thời gian tập trong dàn hợp xướng nhiều nên có buổi Loan phải ở lại trường đến 19h. Trong khi dó, gia đình học trò không phải ai cũng chấp nhận con học nghệ thuật từ 20h hay 21h. Đi học và làm bằng chiếc xe đạp cà tàng từ phố Nguyễn Trãi đi phố Định Công gần 10km, Loan luôn trong trạng thái phải cố sức. Vừa làm vừa tích cóp, cô bạn này mua được chiếc xe máy cũ với giá 4,7 triệu đồng để tiện cho việc đi lại. Thế nhưng chiếc xe máy Trung Quốc, lại cũ khiến Loan nhiều lần khổ sở vì “chết máy, thay đủ thứ đồ”. Sang năm thứ ba, Loan còn nghiên cứu khoa học rồi đi dạy ở một trường mầm non tư thục. Một ngày với Loan thường bắt đầu lúc 6h15, tối về nhà lúc 22h và ngủ lúc 2h sáng hôm sau. Tháng 8, Loan đón tin mình tốt nghiệp thủ khoa khi đã có bầu 8 tháng. Bạn bè và thầy cô gọi đùa Loan là “con giời" vì "Không hiểu nó lấy sức ở đâu và việc gì cũng tốt thế!”. 4 năm ĐH Loan đều đứng đầu lớp với điểm số xuất sắc. “Có những đợt thi thậm chí phải thức trắng đêm nhưng may mắn là suốt 4 năm học mình gần như không ốm đau, bữa nào cũng về nhà nấu cơm ăn. Trên lớp mình luôn xin ngồi bàn đầu để nghe rõ lời thầy cô và cố gắng học kiến thức ngay trên giảng đường”, Loan tâm sự. Cô bạn chia sẻ: “Cũng có lần mình mệt mỏi, chán nản. Mình muốn buông xuôi nhưng lại tự vận động mình không đầu hàng vì phía sau còn có gia đình và rất nhiều người quan tâm, hy vọng ở mình”. Tình yêu không hoa hồng “Mình quen biết anh và gia đình từ trước. Mình sinh 1986, kém anh 5 tuổi. Anh là kỹ sư trong ngành thí nghiệm điện. Mọi người đúng khi nói yêu con trai làm khoa học vất vả, thiệt thòi. Anh đi công tác liên tục. Trước hay sau cưới anh chỉ được một tuần bên vợ, rồi lại phải đi. Ngày lễ tình yêu, dịp 20/10, 8/3 hay 20/11 anh cũng chưa từng có quà hay hoa hồng tặng vợ”, Loan bộc bạch. Loan và anh yêu nhau chủ yếu qua sự đồng cảm và những cuộc điện thoại. Anh lại càng ít những dịp cuối tuần đưa vợ đi chơi hay ăn uống: “Nhưng anh vẫn khéo chiều vợ, nấu ăn ngon và hiền lành”. Yêu và lấy chồng khi đang học năm thứ 3 đại học song Loan không mong muốn các bạn có quyết định như mình. Bản thân Loan thấy nhiều bạn vì yêu mà học hành sa sút thậm chí gặp nhiều cú sốc trong cuộc sống. Loan cho biết: “Mình chỉ quyết định cưới khi đã tự lo được về tài chính, không phụ thuộc vào chồng, đủ chín chắn để nhận thấy anh có trách nhiệm với vợ”. Từ khi lấy nhau, Loan chuyển về nhà chồng ở TP. Bắc Ninh, sáng bắt xe khách đến bến xe Gia Lâm rồi lấy xe máy ở cơ quan của chồng gần đó đi học, đi làm. Chiều lại hành trình đó về nhà. Ngoài làm gia sư, Loan đi dạy hợp đồng cho một trường mầm non ở gần bến xe Pháp Vân. Hà Nội nói tuyển thẳng thủ khoa vào làm các cơ quan nhà nước tại thủ đô. Loan là thủ khoa xuất sắc, ở cả đầu vào và đầu ra. “Liệu thành phố có cơ chế nhận thủ khoa người ngoại tỉnh như mình? Và nếu có được nhận mình có được đi dạy hay làm bàn giấy?”, Loan tâm tư. Theo VNN NẮM CHẮC KIẾN THỨC, BỨT PHÁ ĐIỂM 9,10 LỚP 1 - LỚP 12 CÙNG TUYENSINH247! Nếu em đang:
Tuyensinh247 giúp em:
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
||