04/03/2013 08:41 am
Chính vì vậy, khu vực tư vấn sức khỏe mùa thi, tâm lý, hướng nghiệp cả hai buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Cần Thơ hôm nay 3-3 trở thành một trong những khu vực "nóng" nhất. "Em tính thi khối C ngành hướng dẫn du lịch, em có khiếu ăn nói trước đám đông nhưng khả năng tiếng Anh hơi yếu. Vậy em có thể theo học và làm tốt ngành này được không?" TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng Ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM, tư vấn: "Ngành hướng dẫn du lịch đang được đào tạo ở nhiều bậc học khác nhau. Khi trúng tuyển trường sẽ có các chương trình đào tạo bồi dưỡng tiếng Anh cho sinh viên. Trong một tour nội địa có thể có khách nước ngoài nên nếu có trình độ tiếng Anh, cơ hội việc làm sẽ tốt hơn và mức lương sẽ cao hơn. Trước mắt em hãy cố gắng học để đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh sắp tới, sau đó tiếp tục cố gắng học và bổ sung ngoại ngữ để có thể làm tốt công việc của một hướng dẫn du lịch. Em đã xác định ngành nghề rất rõ ràng, như vậy là rất tốt để có hướng phấn đấu phù hợp". "Em muốn thi ngành quản trị kinh doanh nhưng nghe nói học ngành này ra khó tìm việc làm. Vậy em nên chọn ngành khác hay vẫn tiếp tục dự thi ngành này?" Cô Mai chia sẻ: Nhu cầu nguồn nhân lực là một trong những tham số để chúng ta tham khảo. Ngành nghề nào cũng có thể tìm được việc làm, vấn đề là năng lực và kỹ năng của người tìm việc thế nào. Trước mắt là học sinh, chúng ta nên học cho tốt và chọn ngành theo sở thích và năng lực của mình. Trong vài năm tới, nhu cầu nguồn nhân lực có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm. "Em có năng khiếu về khối C nhưng đang phân vân giữa sư phạm văn và ngành ngữ văn. Vậy em nên chọn ngành nào cho phù hợp? Em nghe nói ngành sư phạm đang thừa giáo viên, liệu em học sư phạm ra có thể tìm được việc hay không?" TS Nguyễn Thị Bích Hồng, trưởng bộ môn tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chân tình chia sẻ: Trước hết, em nên cân nhắc ở các trường sư phạm với các ngành sư phạm văn và ngành ngữ văn ngoài sư phạm. Điểm tuyển ngành sư phạm ngữ văn sẽ cao hơn ngành ngữ văn nên em có thể cân nhắc để chọn trường phù hợp. Trong ngành giáo dục có chỗ thừa, chỗ thiếu giáo viên chứ không phải tất cả đều thừa giáo viên. Nếu em thích thành cô giáo dạy văn, hãy cố gắng học tốt. Nếu thấy năng lực mình tốt thì thi sư phạm văn, nếu thấy năng lực chưa đủ vào sư phạm văn thì có thể học ngành ngữ văn, sau đó học thêm chứng chỉ sư phạm để đi dạy.
"Em muốn thi khối D nhưng gia đình muốn theo ngành y học cổ truyền. Em phải làm thế nào để thuyết phục cha mẹ vì gia đình có truyền thống nghề y học cổ truyền từ nhiều năm rồi. Em không giỏi môn sinh và môn hóa". Câu hỏi này được TS Nguyễn Thị Bích Hồng giải đáp: Em đã nhận biết thi vào ngành y là quá sức đối với em, đó là điều rất tốt. Em nên nói cho cha mẹ biết thế mạnh và hạn chế của mình. Thứ nhì, em tìm hiểu kỹ và giải thích với ba mẹ ngành mà mình dự tính thi khối A1 và D1 và khả năng mình thành công với ngành mà mình đã chọn. Thuyết phục cha mẹ bằng cách nêu những thế mạnh của mình phù hợp với ngành nghề đó như thế nào, khả năng thích ứng công việc ra sao. Đừng quyết định chọn ngành chỉ vì tự ái với cha mẹ. "Em muốn thi vào chuyên ngành tiếng Anh phiên dịch nhưng hiện tại học ở tỉnh nhỏ, nghèo, tiếng Anh… hơi tệ. Khi thi đại học, so với HS các trường ở Cần Thơ, TP.HCM thì thế nào? Em có nên thi ngành đó?". TS Lê Thị Thanh Mai khuyên: Em thử làm trắc nghiệm, thử làm đề thi tuyển sinh các năm trước xem sức học của mình tới đâu. Nếu trắc nghiệm em đạt điểm cao thì không lo học sinh ở TP.HCM hay Cần Thơ. Thực tế cho thấy những năm qua các kỳ thi tuyển sinh đại học, những em đạt điểm cao hầu hết là ở các tỉnh. Nếu em lo lắng hiện tại kỹ năng giao tiếp ít thì trong môi trường đại học em sẽ được rèn luyện. Cái lo lớn nhất hiện nay là làm sao vượt qua kỳ thi tuyển sinh sắp tới. "Em muốn học bác sĩ nhưng nghe nói thời gian học dài, chi phí ăn ở cao, khi học em có thể làm thêm không?". TS.BS Trần Thị Minh Hạnh trả lời: Em nên xem lại sức học của mình, khả năng kinh tế của gia đình và sức khỏe. Các ngành khác thường học khoảng 4 năm nhưng ngành y phải học 6 năm, ra trường rồi còn học thêm 1 - 2 năm chuyên khoa nữa. Để có thể đi làm kiếm nguồn kinh tế phụ cho gia đình, em phải xác định lại vì vừa học đi làm rất căng thẳng và ảnh hưởng sức khỏe. Em phải học cả ngày, sáng đi bệnh viện, chiều học lý thuyết, nếu có đi làm thêm thì chỉ có thể dạy kèm hoặc làm gì đó vào buổi tối, vì vậy thời gian còn lại rất hạn hẹp nên thời gian nghỉ ngơi, ăn uống, giải trí còn ít, em nên cân nhắc. "Em học giỏi toán, lý nhưng không biết chọn ngành nào phù hợp vì em thích cả tâm lý và kinh tế. Học chuyên về tâm lý thì ít việc làm, ít ngành để có thể chọn lựa. Cô có thể giới thiệu không?". Câu hỏi được TS Nguyễn Thị Bích Hồng tư vấn: cô nghĩ lĩnh vực nào cũng cần hiểu về tâm lý. Bán hàng thì phải hiểu tâm lý khách hàng, nếu làm lãnh đạo thì cũng phải hiểu tâm lý con người. Ngành báo chí, sư phạm, y tế… cũng cần hiểu tâm lý con người, nói chung là là ngành nào cũng cần hiểu về tâm lý, ngành nào liên quan tới con người là cần hiểu về tâm lý. Nếu thấy học kinh tế em nổi trội hơn thì đi vào ngành đó. Trước kỳ thi, không nên ăn chuối? Để đảm bảo sức khỏe mùa thi, BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, khuyên: muốn thi đạt kết quả tốt, ngoài học tốt còn phải giữ gìn sức khỏe thật tốt. Không phải các em chỉ thi một ngày mà là cả một thời gian. Các em phải cố gắng ăn đầy đủ các bữa ăn chính, không bỏ ăn sáng. Nếu không có thời gian ăn đúng giờ thì nên mang theo các loại thức ăn để có thể ăn bổ sung. Nếu ăn bữa chính không đầy đủ thì nên ăn nhiều bữa ăn phụ. Trước ngày thi, không nên ăn nhiều đồ ăn bổ dưỡng mà nên ăn theo chế độ bình thường, tránh trường hợp cơ thể bị dị ứng. Giấc ngủ rất quan trọng. Nhiều học sinh cho rằng mình không có thời gian để ngủ. Phải để đầu óc được thư giãn và ngủ đủ giấc. Bình quân các em nên ngủ từ 6-8 tiếng/ngày. Nếu ngủ đủ và sâu thì việc học sẽ tốt hơn và dễ nhớ hơn. Xen kẽ giữa lúc học nên vận động để cơ thể có thêm oxy, khỏe khoắn hơn. "Em nghe nói chuẩn bị thi thì không ăn chuối mà ăn đậu, ăn như vậy có ảnh hưởng gì tới sức khỏe?". TS.BS Trần Thị Minh Hạnh, phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, đáp: chuối là trái cây xứ nhiệt đới, có vỏ bọc bên ngoài nên ăn rất an toàn cho sức khỏe. Có nhiều ý kiến cho rằng ăn chuối dễ bị trượt, điều đó không có căn cứ gì. Nếu em học thuộc bài, nắm vững kiến thức thì sẽ thi có kết quả tốt. Còn đậu là loại thực phẩm giàu đạm, có nguồn gốc thực phẩm, cũng rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên ngày nào cũng ăn chè đậu thì sẽ ngán, mà coi chừng nước cốt dừa trong chè đậu gây đau bụng. Nếu em thích ăn đậu cho an tâm thì cứ ăn nhưng lâu lâu hãy ăn. Cô lưu ý là đối với thức ăn lạ mà các em chưa ăn bao giờ, nếu ăn vào thời điểm chuẩn bị thi với niềm tin là để thi cho đậu thì coi chừng bị đau bụng, nổi mẩn đỏ. Ngoài ra các em cần tránh ăn sống, ăn uống cần đảm bảo vệ sinh. "Ban đêm em rất khó ngủ nhưng ban ngày lại rất buồn ngủ. Làm thế nào để em có thể khắc phục việc này?" TS.BS Trần Thị Minh Hạnh tư vấn: Có nhiều lý do dẫn đến việc khó ngủ ban đêm: dùng các thức uống có chất kích thích như trà, cà phê hoặc các em đang lo lắng - có thể lo lắng chuyện học bài chưa xong hay chuyện gì đó. Dù gì thì mất ngủ khiến cho cơ thể rất mệt mỏi và hậu quả là sáng hôm sau lại buồn ngủ. Do đó cần sắp xếp thời gian học bài hợp lý, không để bài học dồn lại quá nhiều khiến cho mình lo lắng. Trong ngày em nên có những lúc chợp mắt khoảng 15 phút, sau đó vận động để cơ thể tỉnh táo hơn. Cố gắng thực hiện đều đặn thì cơ thể sẽ trở lại nhịp sinh học bình thường. Chế độ ăn uống cũng phải đầy đủ. "Em bị loét dạ dày, thức khuya là đau, ảnh hưởng việc học nhiều nhưng không biết cách nào khắc phục?". TS.BS Trần Thị Minh Hạnh giải đáp: Khi loét dạ dày sẽ gây đau và càng đau càng loét nhiều hơn. Vì vậy, em không được ăn quá no, khi ăn phải nhai kỹ và cũng không để quá đói. Nên ăn thức ăn dễ tiêu, không nhiều chất xơ và chất béo và cũng không vừa ăn vừa đọc sách hoặc học bài vì như vậy sẽ không tiết dịch vị để tiêu hóa. Em cũng không ăn đồ chua, cay, không nên lạm dụng cà phê, trà và thức khuya. Em nên giữ cho tinh thần thoải mái, tránh ảnh hưởng thần kinh vì càng căng thẳng càng đau, càng đau thì càng căng thẳng. Chương trình học ĐH khác phổ thông thế nào? Một câu hỏi được ban tư vấn đánh giá “khá thú vị” của một thí sinh về sự khác biệt giữa chương trình học phổ thông và ĐH được TS Phạm Tấn Hạ tư vấn: “Kiến thức phổ thông là kiểm tra để bạn có đủ kiến thức để theo các chương trình ở ĐH hay không. Kiến thức phổ thông sẽ được tiếp nối trong chương trình ĐH. Học ở ĐH, thầy cô không kiểm soát các bạn như ở phổ thông nên các bạn có quyền cho mình đi học hay không đi học, không ai kiểm tra các bạn hết. Thầy cô ở ĐH trao cho các bạn quyền tự học rất lớn. Tuy nhiên, bạn cần xác định là đi học để làm việc nên bạn cần học hành chăm chỉ, tích lũy những kỹ năng ngoài bài giảng. Nếu các bạn cứ học lơ tơ mơ thì sau này sẽ không làm được gì hết. Học hay không là quyền ở các bạn…". "Cho em hỏi triển vọng của ngành toán ứng dụng sau này ra sao?" - Thắc mắc này đã được PGS.TS Hồ Thanh Phong - hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) - giải đáp: Bản thân câu hỏi này rất rộng, toán ứng dụng lĩnh vực nào? Có hình dung các lĩnh vực như toán học ứng dụng trong sản xuất, quản lý, điều khiển… sẽ biết được góc độ khả năng việc làm khá rộng. Năm nay Trường ĐH Quốc tế có mở ngành toán ứng dụng về kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro. Tốt nghiệp ngành này có thể làm ở các tổ chức hoặc định chế tài chính. Ngoài ra trường có ngành toán ứng dụng nữa nhưng ứng dụng vào trong quản lý sản xuất có tên gọi là kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Làm sao sản xuất sản phẩm chi phí thấp nhất, chất lượng tốt nhất, bán nhiều nhất, mẫu mã tốt nhất trên thị trường… đều có ứng dụng toán học. "Ngành kỹ thuật điều khiển tự động hóa làm những gì? Tại sao có thực trạng ở nhiều ngành đang cần nguồn nhân lực nhưng nhiều sinh viên ra trường không có việc làm?" PGS.TS Đỗ Văn Dũng - phó hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - giải đáp: Nhóm ngành kỹ thuật điều khiển tự động hóa có ba chuyên ngành gồm: điện công nghiệp, kỹ thuật điều khiển tự và kỹ thuật điện tử truyền thông. Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa sẽ học về các thiết bị điều khiển tự động như dây chuyền, rôbốt hay các khâu đóng gói từ dược phẩm đến khâu đóng gói thuốc, thực phẩm, đóng hộp chai nước, chai bia đều được điều khiển bằng tự động. PGS.TS Hồ Thanh Phong tiếp lời: Cơ hội việc làm không thiếu đâu. Chỉ có tự động hóa mới chiến thắng được trên thương trường vì chi phí giá thành của một sản phẩm sẽ giảm để bán được nhiều. Ở các trường đại học, chúng tôi quan tâm là sau khi ra trường có việc làm đúng ngành nghề, đúng sở thích nhưng cũng trang bị đủ rộng kiến thức để khi thay đổi môi trường thì các em có thể đổi việc làm. Đừng nghĩ là nếu chúng ta không làm đúng chuyên ngành là thất bại, cái này chưa chắc. Có khi đó là sự khởi đầu cho thành công mới. "Em dự định thi vào ngành công nghệ kỹ thuật hóa nhưng không biết học những gì, ra trường cơ hội việc làm cao không?". Thầy Nguyễn Kim Quang chia sẻ: Những chương trình, ngành có liên quan đến công nghệ đương nhiên trang bị cho bạn kiến thức công nghệ hoặc kiến thức để thực hiện mục tiêu, sản xuất gì đó. Những ngành mang tên kỹ thuật thường liên quan tới máy móc. Các bạn quan tâm ngành công nghệ kỹ thuật hóa, hiện nay nhu cầu các thiết bị liên quan hóa học rất phổ biến trong công nghiệp sản xuất (thiết bị thực phẩm, dầu khí, y khoa). Để làm được trong lĩnh vực đó các bạn phải được trang bị kiến thức hóa học để từ đó các bạn mới ứng dụng vào các chuyên ngành liên quan tới hóa học, chọn chuyên ngành phù hợp sở trường, sở thích của mình vì hóa học rất rộng. Nhiều cơ hội cho sinh viên ngành kỹ thuật "Em năm nay đăng ký dự thi ngành cơ điện tử của ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm là bao nhiêu, triển vọng ngành này thế nào?". PGS.TS Đỗ Văn Dũng cung cấp một thông tin phấn khởi: Ngành cơ điện tử là sự giao thoa của ba ngành: cơ khí, điện tử và công nghệ thông tin. Ngành cơ điện tử hiện nay chia thành nhiều hướng gồm về các thiết bị y học như máy CT, siêu âm (thuộc cơ điện tử sinh học). Một trong những ngành nữa là như máy ảnh kỹ thuật số (cơ khí quang học), hay cơ điện tử ôtô hoặc các robot hay một hướng nữa là các thiết bị tự động trong các dây chuyền sản xuất các công ty. Hiện ngành này tỉ lệ việc làm rất cao, chỉ xếp sau ngành công nghệ chế tạo máy mà thôi. Hiện không chỉ các khu công nghiệp ở VN tuyển dụng mà còn có cơ hội ra nước ngoài làm việc. Vừa rồi có 18 sinh viên sang Tokyo và 4 SV sang Đức làm việc. "Em muốn hỏi ngành vận tải biển và kinh tế biển? Cơ hội tìm kiếm việc làm của ngành này thế nào?". PGS.TS Nguyễn Văn Thư - hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM - cho biết: Vận tải biển có thể chia thành nhóm khai thác vận tải biển (quản lý hoạt động tàu, công ty xuất nhập khẩu hàng hóa…) và vận hành các thiết bị vận tải biển (khai thác tàu thủy). Thời gian gần đây ngành này đang bị suy thoái do tác động kinh tế, hàng hóa ít đi, giao thương ít đi nên cũng có suy giảm về mặt nhân lực. Theo thống kê, hiện đội ngũ vận tải biển của VN mới đảm nhận 17% nhu cầu vận tải biển hàng hóa của cả nước. Làm sao có thể đảm đương 30% lượng hàng vận tải biển ở VN trong thời gian tới, chắc chắn ngành này sẽ phát triển. ------------- Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 sẽ trở lại đồng bằng sông Cửu Long trong hai buổi tư vấn tại Kiên Giang và An Giang ngày 16 và 17-3 tới. Đồng thời, chương trình sẽ gặp lại các bạn HS các tỉnh miền Trung và miền Bắc trong hai buổi diễn ra tại Huế, Đà Nẵng và Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại thủ đô Hà Nội diễn ra vào ngày 9 và 10-3-2013.
NHÓM PV GIÁO DỤC DÀNH CHO BẠN – LỘ TRÌNH LUYỆN THI TỐT NGHIỆP THPT - ĐGNL - ĐGTD!
Xem ngay lộ trình luyện thi 3 trong 1 tại Tuyensinh247: Luyện thi TN THPT - ĐGNL - ĐGTD ngay trong 1 lộ trình.
Xem thêm thông tin khoá học & Nhận tư vấn miễn phí - TẠI ĐÂY |
||||||||
>> Lộ Trình Sun 2025 - 3IN1 - 1 lộ trình ôn 3 kì thi (Luyện thi TN THPT & ĐGNL; ĐGTD) tại Tuyensinh247.com. Đầy đủ theo 3 đầu sách, Thầy Cô giáo giỏi, 3 bước chi tiết: Nền tảng lớp 12; Luyện thi chuyên sâu; Luyện đề đủ dạng đáp ứng mọi kì thi. |
>> Tư vấn tuyển sinh: Điểm chuẩn thi liên thông năm 2013 tính như thế nào?
>> Tư vấn tuyển sinh: Điều kiện sơ tuyển, tiêu chuẩn tuyển sinh trường công an?
>> Tư vấn tuyển sinh: Quy chế tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển năm 2013?