Căn cứ vào Chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng cho các tỉnh/thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ của Bộ GD-ĐT (công văn số 6977 ký ngày 19.10.2012), nhiều trường thông báo tuyển sinh dưới điểm sàn và ưu tiên cho thí sinh ở 20 huyện, thị xã (khu vực Tây Nam bộ) chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT vẫn có thể vào đại học.
Trường ĐH Tây Đô (Cần Thơ) xét tuyển bổ sung dưới điểm sàn 1 điểm đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, Tây Bắc và Tây nguyên. Những thí sinh này khi nhập học phải học bổ sung kiến thức các môn học theo từng khối thi với thời lượng 300 tiết.
Trường ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) cũng thông báo xét tuyển NV2, đợt 2 với 1.500 chỉ tiêu. Ở trường này, riêng đối với thí sinh ở khu vực ĐBSCL có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên có tổng số điểm thi (kể cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) dưới điểm sàn ĐH (hoặc CĐ) không quá 1 điểm, được ưu tiên trúng tuyển.
Thí sinh dự thi kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 tại TP.HCM - Ảnh: Hoàng Quyên
|
Trường ĐH Tiền Giang (tỉnh Tiền Giang) thông báo tuyển bổ sung 6 ngành học bậc ĐH, 16 ngành học bậc CĐ, áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh dành cho khu vực Tây Nam bộ.
Tương tự, Trường ĐH Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) thông báo tuyển 280 chỉ tiêu NV bổ sung đợt 3, áp dụng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ dành cho khu vực Tây Nam bộ. Điểm xét tuyển cho các khối và các ngành ĐH, CĐ đều thấp hơn điểm sàn ĐH, CĐ năm 2012 là 1 điểm.
Trường ĐH Yersin Đà Lạt, CĐ Kinh tế kỹ thuật Kiên Giang, CĐ Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long… cũng áp dụng chính sách này để xét tuyển NV bổ sung với mức điểm cho các khối, ngành thấp hơn điểm sàn 1 điểm.
ĐH Cửu Long thông báo những thí sinh không đủ điểm sàn thuộc 20 huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo khu vực Tây Nam bộ có nguyện vọng vào học ĐH hoặc CĐ được ưu tiên tuyển vào học dự bị một năm trước khi học chính thức.
Trường ĐH Tây Đô cũng thông báo ưu tiên xét tuyển vào ĐH đối với học sinh là dân tộc thiểu số, học sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại một số huyện, thị xã thuộc 6 tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu, đã tốt nghiệp THPT.
Khi nhập học, những học sinh này học bổ sung kiến thức với thời lượng 600 tiết, tương đương 2 học kỳ. Đến năm học 2013 - 2014, các học sinh này đã có thể vào học năm thứ nhất. Hồ sơ đăng ký xét tuyển và nhập học thuộc diện ưu tiên trên chỉ cần bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
Trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An (tỉnh Long An) thông báo xét tuyển NV bổ sung đặc cách cộng thêm 1 điểm ưu tiên vùng cho thí sinh có hộ khẩu thuộc các tỉnh ĐBSCL.
Ngoài ra, trường này cũng xét tuyển học sinh thuộc 20 huyện khó khăn thuộc Tây Nam bộ đã tốt nghiệp THPT được đăng ký học hệ ĐH chính quy 5 năm, tức học bổ sung kiến thức 2 học kỳ và được xét tuyển trực tiếp vào học 4 năm ĐH chính quy, không phải dự thi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ.
Học dự bị một năm trước khi học chính thức
Theo văn bản số 6317/BGDDT-GDDH ngày 25.9 của Bộ GD-ĐT về xét tuyển thí sinh học tại các trường phổ thông dân tộc nội trú vào ĐH, CĐ chính quy năm 2012, chỉ người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo theo Quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27.12.2008 của Chính phủ, hiệu trưởng các trường mới xem xét xét tuyển vào học ĐH, CĐ nếu tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, với tinh thần công văn mới (ký ngày 19.10), việc xét tuyển thẳng vào ĐH cũng áp dụng cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam bộ.
Căn cứ vào chính sách này, các trường có thể xét tuyển các học sinh thuộc diện ưu tiên có nguyện vọng vào học ĐH mà chỉ cần có bằng tốt nghiệp THPT. Các học sinh này vẫn phải học dự bị một năm để bổ sung kiến thức.
|
Một số chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy từ năm 2012 cho các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ:
- Các trường ĐH, CĐ có trụ sở chính đặt tại các tỉnh, thành phố trong khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ được xét tuyển bổ sung đối với các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các tỉnh, thành phố thuộc khu vực và có kết quả điểm thi ĐH hoặc CĐ hệ chính quy năm 2012 (đã cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực) dưới điểm sàn ĐH hoặc CĐ không quá 1 điểm.
Các thí sinh được xét tuyển thuộc diện này phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ. Chương trình, nội dung và cách thức tổ chức học bổ sung kiến thức cho sinh viên thuộc diện này do hiệu trưởng trường ĐH, CĐ quyết định.
- Áp dụng ưu tiên trong tuyển sinh quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 33 Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy (ban hành kèm theo Thông tư số 09/2012/TT-BGDĐT ngày 5.3.2012 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT) cho thí sinh thuộc 20 huyện (thị xã) thuộc diện đặc biệt khó khăn, huyện biên giới và hải đảo của khu vực Tây Nam Bộ có nguyện vọng xét tuyển vào học các trường ĐH, CĐ trong khu vực Tây Nam Bộ theo đề nghị tại Công văn số 1460-CV/BCĐTNB ngày 9.10.2012 của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Danh sách các huyện (thị xã) vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn khu vực Tây Nam Bộ hưởng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 gồm:
1. Long An: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Đức Huệ, Thạch Hóa, Tân Thạnh
2. Đồng Tháp: Hồng Ngự, Tân Hồng, TX Hồng Ngự
3. An Giang: TX Tân Châu, An Phú, TX Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn
4. Kiên Giang: Giang Thành, TX Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc
5. Hậu Giang: Long Mỹ
6. Bạc Liêu: Phước Long
(Trích công văn số 6977/BGDĐT-GDĐH của Bộ GD-ĐT ký ngày 19.10.2012)
|
Hoàng Quyên (TN)