14 ngành đào tạo khoa học cơ bản của ĐHQG Hà Nội đang tìm cách “hút” thí sinh bằng chính sách hỗ trợ chi phí học tập. AMH
Ưu đãi cho ngành khó tuyển
Theo đó, 14 ngành được lựa chọn thực hiện bao gồm: Máy tính và khoa học thông tin. Khoa học vật liệu. Địa lý tự nhiên. Kỹ thuật địa chất. Hải dương học. Thủy văn học. Quản lý tài nguyên và môi trường. Khoa học đất. Triết học. Lịch sử. Văn học. Hán Nôm. Nhân học. Việt Nam học.
Theo thông tin tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội công bố, mức hỗ trợ tối thiểu sẽ bằng mức học phí sinh viên phải đóng theo chương trình đào tạo. Nghĩa là sinh viên vẫn đóng học phí bình thường, nhưng lại được hỗ trợ trở lại, gần như không phải mất tiền cho chi phí đào tạo chính thức.
Ông Đoàn Văn Vệ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên, giải thích thực tế lâu nay thí sinh vẫn quan niệm những ngành như thủy văn, kỹ thuật địa chất, khoa học đất... là “những ngành của vùng sâu, vùng xa”, sẽ phải làm việc ở những vùng heo hút nên không mặn mà, thậm chí lảng tránh. Theo ông Vệ, mỗi ngành đều có chỉ tiêu, nhưng thường xuyên chỉ có số lượng tương tự như vậy đăng ký dự tuyển và số trúng tuyển chỉ khoảng 20 em, không đạt được chỉ tiêu đặt ra. Việc tuyển nguyện vọng 2 cũng không làm tình hình khá lên khi hầu như rất hiếm thí sinh đăng ký vào các ngành này.
“Thực tế năm 2012 ĐHQG Hà Nội đã áp dụng chính sách hỗ trợ, số dự tuyển mỗi ngành tăng thêm một chút, khoảng 75 thí sinh đăng ký dự thi/50 chỉ tiêu trúng tuyển/ngành” - ông Vệ nói. Tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, sinh viên học các ngành thuộc danh sách 14 ngành dự kiến được hỗ trợ mức 4,2 triệu đồng/năm học (một năm học gồm 10 tháng).
Ông Vệ cũng khẳng định việc xem những ngành này làm việc vất vả, đi lại xa xôi như quan niệm của nhiều thí sinh là hoàn toàn sai lầm. “Hiện tại chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu là mối quan tâm không chỉ của Việt Nam mà là toàn cầu. Các viện nghiên cứu được đầu tư rất mạnh, nhiều trạm quan trắc được thiết lập ở khắp nơi, ngay ở các thành phố biển cũng rất nhiều, không giới hạn ở vùng sâu, vùng xa như trước. Sinh viên các ngành này ra trường đều có việc làm tốt, nhiều điều kiện phát triển công việc” - ông Vệ phân tích.
Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ngoài việc thu hút bằng chính sách hỗ trợ tiền mặt, sinh viên theo học các ngành khó tuyển còn được hỗ trợ về tài liệu học thuật, được hưởng những điều kiện thực hành tốt với đầu tư cơ sở vật chất mạnh mẽ hơn hẳn các ngành khác.
Sẽ thay thi bằng kiểm tra năng lực
ĐHQG Hà Nội cũng cho biết đang xây dựng đề án về kiểm tra năng lực của thí sinh thay cho kỳ thi ba chung. Theo PGS. TS Nguyễn Kim Sơn, cách đánh giá, kiểm tra năng lực sẽ hoàn toàn khác với một kỳ thi. Thí sinh có thể tham gia việc đánh giá năng lực nhiều lần trong năm, không bị phụ thuộc vào kỳ thi cố định duy nhất như hiện nay. Thí sinh cùng làm chung một “gói” câu hỏi và kết quả đánh giá sẽ kiểm tra được cùng lúc nhiều năng lực của thí sinh. Các khoa, các ngành đào tạo cần năng lực nào nhiều hơn sẽ tập trung chọn lựa những thí sinh được điểm đánh giá cao về năng lực đó từ bài test.
Việc kiểm tra năng lực đầu vào thay cho thi tuyển sinh đã được ĐH này thí điểm cho một số chương trình tuyển sinh của khoa sau ĐH và một số chuyên ngành đào tạo của Trường ĐH Kinh tế. ĐHQG Hà Nội đã thu thập ý kiến của các thí sinh về cách thi mới qua phiếu điều tra và đa số đều cho rằng thoải mái khi làm bài thi theo cách này.
Tuy nhiên, nếu triển khai cách kiểm tra đánh giá năng lực cho kỳ thi ĐH thì sự công nhận kết quả lẫn nhau là rất quan trọng để thí sinh có thể được xét tuyển ĐH thuận lợi hơn. PGS Sơn cho biết việc áp dụng kiểm tra năng lực thay cho thi tuyển sinh dự kiến sẽ được ĐHQG Hà Nội áp dụng đại trà cho tất cả các trường, khoa thành viên từ năm 2014 với tuyển sinh sau ĐH. “Thời điểm áp dụng cho tuyển sinh ĐH sẽ chậm hơn và chắc chắn sẽ phải thông báo với thí sinh nhiều tháng trước khi triển khai để các em chuẩn bị. Quan trọng là đề án được phê duyệt và có sự cùng tham gia của cả hai ĐHQG, các ĐH vùng để có sự công nhận kết quả cho thí sinh, tạo cơ hội cho các em nhiều hơn” - PGS Sơn nói.
5.454 chỉ tiêu
ĐHQG Hà Nội đã công bố chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013. Theo đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh các trường ĐH, khoa thành viên đăng ký tuyển sinh 5.454 chỉ tiêu tuyển sinh cho hệ ĐH chính quy. Với việc mở hai ngành mới là truyền thông và mạng máy tính (tuyển sinh khối A, A1), quan hệ công chúng (tuyển sinh khối A, C, D), trường tăng thêm 100 chỉ tiêu so với năm 2012.
Trường ưu tiên xét tuyển những thí sinh không sử dụng quyền tuyển thẳng hoặc không đăng ký vào học đúng nhóm ngành theo môn đoạt giải nếu dự thi ĐH đủ số môn theo quy định, kết quả thi ĐH đạt điểm sàn của Bộ GD-ĐT trở lên, không có môn nào bị điểm 0 (không hạn chế số lượng).
Theo TT