Ngay những trường hào hứng thực hiện xét tuyển thì lại không giấu khó khăn phát sinh khi chất lượng SV quá “phập phù”.
Làm chiếu lệ
Ông Nguyễn Duy Cường - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Thái Bình - cho hay năm 2013 Trường ĐH Y Thái Bình chủ trương không thực hiện xét tuyển đối tượng học sinh thuộc các huyện nghèo. Tương tự, ông Nguyễn Minh Thành - trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Y tế Thái Nguyên - cho biết trường cũng không có chủ trương xét tuyển thẳng học sinh huyện nghèo vì số lượng gửi từ mỗi sở GD-ĐT về không nhiều, việc sắp xếp lớp khó khăn, chất lượng học sinh cũng không đồng đều như qua thi tuyển bình thường.
Tại Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cơ sở năm 2012 bị Sở GD-ĐT Thanh Hóa phản ảnh không chịu nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh, đến năm 2013 cũng đã rậm rịch tuyển sinh cho đúng quy chế. Tuy nhiên, theo nhiều sở GD-ĐT, với yêu cầu quá cao mà nhà trường đặt ra thì dễ hiểu việc xét tuyển thẳng cũng chỉ là... chiếu lệ.
Ông Nguyễn Mạnh Tuân - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - cho biết năm nay là năm đầu tiên trường xét tuyển thẳng đối tượng này nhưng ngoài yêu cầu về hộ khẩu thường trú ba năm tại các huyện nghèo, thí sinh phải là học sinh giỏi ba năm THPT, có kết quả tốt nghiệp THPT loại giỏi mới được tham gia xét tuyển.
Ông Nguyễn Văn Long - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Thanh Hóa - cho rằng nếu có lực học thật sự đạt được như yêu cầu của Trường ĐH Kinh tế và không ít trường ĐH khác đặt ra thì thí sinh đó hoàn toàn đủ khả năng trúng tuyển bình thường chứ không cần đến sự can thiệp của chính sách xét tuyển thẳng.
Sau một năm học bổ sung, lại xét tiếp?
Thực tế, điều lo lắng của các trường trong xét tuyển thẳng học sinh huyện nghèo về chất lượng học sinh, về khó khăn bố trí lớp học, rồi bồi dưỡng, bổ sung kiến thức không phải không có cơ sở. Theo bà Lương Trần Khuê - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y Hải Phòng, dù trường chỉ giới hạn tối đa 5% chỉ tiêu cho xét tuyển thẳng học sinh huyện nghèo, nhưng sau hai lần gọi năm 2012 cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 10 thí sinh. “Theo học ĐH còn được quyết định bởi yếu tố tài chính, nên nhiều em dù được gọi cuối cùng vẫn không học. Việc tổ chức lớp học chỉ có vài em là điều không đơn giản”- bà Khuê nói.
Nhiều học sinh huyện nghèo tỏ ra băn khoăn trước việc phải học bổ sung kiến thức một năm, chi phí phát sinh trong một năm học là gánh nặng mà không phải gia đình nào cũng chịu được nếu không được san sẻ, hỗ trợ.
Trước những lo lắng này, Bộ GD-ĐT cho hay đã thống nhất với Bộ Tài chính để thời gian hưởng chính sách của các em kéo dài hơn học sinh bình thường. “Nếu thí sinh là đối tượng được miễn, giảm học phí, hoặc là đối tượng được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách thì sẽ được kéo dài việc hưởng chế độ thêm một năm”- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giải thích.
Tuy nhiên, ngay cả Trường ĐH Vinh - cơ sở được Bộ GD-ĐT biểu dương về việc thực hiện chính sách xét tuyển học sinh huyện nghèo với số tuyển cao nhất nước - đến nay cũng đã phải kêu khó.
Ông Phạm Minh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh - cho hay để tổ chức được khoảng 10 lớp học bổ sung kiến thức cho 450 học sinh diện xét tuyển huyện nghèo, trường phải bố trí mỗi lớp có một giáo viên chủ nhiệm với mô hình quản lý gần giống với lớp học cấp THPT.
“Khối các em theo học ngành gần với tự nhiên sẽ được tổ chức học năm môn toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa; khối khoa học xã hội học năm môn toán, văn, ngoại ngữ, sử, địa. Tổ chức lớp học thực hiện được một kỳ cho thấy học lực các em nhìn chung rất hạn chế” - ông Hùng lo ngại.
Xét tuyển thẳng là chính sách, các trường phải thực hiện
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng chất lượng học sinh không đồng đều trong khi thực hiện xét tuyển thẳng theo cách này là điều dễ dàng nhận ra. “Song đây là chính sách, các trường phải thực hiện. Sau khi học bổ sung kiến thức, nếu em nào không đạt học lực tối thiểu để theo học ĐH, nhà trường có thể tư vấn, sắp xếp em theo học ngành học, trình độ học phù hợp, chứ không nhất thiết quy chiếu theo nguyện vọng ban đầu nếu em không thật sự đạt yêu cầu về năng lực, nhận thức” - ông Ga nói.
|
TT