16/11/2013 08:58 am
"Tôi tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm (một trường ĐH công lập lớn tại TP.HCM, xin không nêu tên - PV) năm 2008. Sau khi “rải” vài chục bộ hồ sơ xin việc, tôi vào làm giám định chất lượng sản phẩm cho một công ty tại Bình Chánh (TP.HCM) với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Làm được hai năm, công ty gặp khủng hoảng, giảm biên chế và tôi bị sa thải” - cử nhân Hiếu bắt đầu câu chuyện về hành trình xin việc nan giải của mình. Thất nghiệp cử nhân đi chăn vịtThất nghiệp, Hiếu tiếp tục cầm đơn xin việc đi nộp nhiều hơn nhưng chẳng nơi nào gật đầu. “Lúc ấy bố mẹ ở quê vẫn... trợ cấp cho tôi - Hiếu kể - Sau đó, một người quen có vườn ở Long An thuê tôi xuống trông coi. Vườn này rộng chừng 1ha, tôi ở một mình. Để kiếm thêm tiền, tôi chăn nuôi 100 con vịt để bán. Thời gian ấy cứ 6g tôi thức dậy, xúc lúa cho vịt ăn rồi làm những công việc khác. Làm việc nhà nông nên tôi quần quật từ sáng đến tối. Khi thì cắt cỏ, dọn dẹp. Vườn của người nhờ tôi trông coi còn có cả ao cá, bò, gà nên tôi phải làm luôn tay luôn chân”. Cử nhân đi chăn vịt mỗi năm dư được 2 triệu đồng (ảnh minh họa) Quần quật như thế, nhưng khi hỏi về thu nhập Hiếu nói vui “vịt ăn hết”. Bạn kể thêm: “Có lứa dư, có lứa hòa vốn nhưng có lứa lỗ do vịt bệnh, chết. Vịt này do người chủ bỏ vốn trên 10 triệu đồng đầu tư, tôi nuôi lấy công làm lời. Khi bán trả lại vốn cho chủ. Nuôi một năm được vài lứa, khi về lại TP.HCM tôi dư được 2 triệu đồng”. Đến bây giờ Hiếu không nhớ rõ đã nộp bao nhiêu hồ sơ xin việc nhưng chắc chắn là không dưới 50 bộ hồ sơ. “Có nơi tôi nộp trực tiếp, có nơi nộp qua mạng nhưng không thấy hồi âm. Hỏi thăm thì người ta cứ bảo về đợi, đợi mãi. Có lần, tôi đến tòa soạn một tờ báo đăng “người tìm việc” trong mấy kỳ nhưng không nơi nào gọi. Tôi chưa nghĩ đến về quê xin việc nhưng bạn của tôi về quê phải “chạy” hết 70-80 triệu đồng. Về quê xin việc, thứ nhất phải có mối quan hệ, thứ hai phải có tiền. Đôi khi có tiền mà không quen biết cũng đừng mong có việc. Hai cái này tôi không có”. Hiện Hiếu đang học văn bằng hai ngành ngoại thương của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM để tăng cơ hội việc làm cho mình. “Không biết khi học xong có khả quan hơn không. Hiện tôi cũng đang nộp hồ sơ trực tuyến vào một số công ty nhưng chưa thấy hồi âm...” - Hiếu lo lắng. Cử nhân... bán nước mía
Quán nước mía nhỏ ở đường Tân Thới Nhất 1, P.Tân Thới Nhất, Q.12 (TP.HCM) là “nguồn sống” của Ngô Văn Sa, cựu sinh viên Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Ngày ngày Sa tất bật bán nước mía cho khách, chở mía đi giao cho các tiệm khác. Chàng trai quê Bình Định kể năm 2011 anh tốt nghiệp ĐH ngành thể dục thể thao của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng. “Từ lúc còn là sinh viên tôi đã đi làm ở một đại lý bán vé máy bay - Sa kể - Ra trường tôi tiếp tục công việc trên nhưng rồi làm được một thời gian thì nghỉ vì muốn tìm công việc đúng chuyên ngành của mình”. Nghỉ việc, Sa tìm việc làm theo chuyên ngành đã học nhưng đến đâu cũng nhận được cái lắc đầu. Đầu năm nay, để kiếm tiền mưu sinh, Sa và một người bạn đồng hương thuê phòng trọ và... bán nước mía. Thành thị: cứ 10 thanh niên thì 1 thất nghiệpBáo cáo tình hình kinh tế - xã hội chín tháng đầu năm 2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy cả nước có trên 1 triệu người thất nghiệp. Trong đó, tỉ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,22% (trong tổng số 47,7 triệu lao động). Trong khi đó, tỉ lệ lao động thiếu việc làm (có nhu cầu và sẵn sàng làm thêm giờ) ở mức 2,66%, tức 1,26 triệu người. Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15-24 chín tháng năm 2013 ước tính là 5,97%, trong đó khu vực thành thị 10,79%, tăng 1,27 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cứ mười thanh niên ở khu vực thành thị thì một người thất nghiệp. Theo Thethaohangngay |
||