05/09/2013 09:19 am
“Ngôi sao” đi xin việc Chị Nguyễn Anh Thư, quản lý một công ty sữa tại TPHCM cho hay mỗi lần tuyển người, họ đều phải gác hồ sơ của không ít sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp do những đòi hỏi không phù hợp với công ty. Nhiều bạn chưa có kinh nghiệm đã yêu cầu ngay vào vị trí quản lý hay đưa ra mức lương ngất ngưởng. Chị Thư đã từng gặp trường hợp, cử nhân quê ở Ninh Thuận, từng cộng tác cho công ty nằng nặc đòi gặp quản lý sau khi hồ sơ mình bị đánh trượt. Và đội ngũ nhân sự không khỏi choáng váng khi nghe cậu ta hỏi: “Anh chị xem, trong hàng chục hồ sơ trúng tuyển có ai bằng nổi em không?”. Chỉ xét thái độ đó của cử nhân này, chị Thư cho rằng họ đã đánh rớt không nhầm người. Nhiều cử nhân đánh mất cơ hội vì "đánh giá bản thân quá cao so với năng lực" (Ảnh minh họa). “Không phải tất cả nhưng một khá nhiều bạn đạt bằng Giỏi cho mình ở vị trí rất cao khi đi xin việc. Các bạn có những lợi thế nhất định nhưng đưa ra những yêu cầu công ty không đáp ứng được thì đã tự mình tước mất cơ hội”, chị Thư cho hay. Tốt nghiệp tại một trường ĐH có tiếng, đặt ra yêu cầu rất cao khi xin việc như phải làm quản lý nhóm, lương không dưới 20 triệu nên hơn nửa năm nay, T. Nguyên, cử nhân Kinh tế vẫn nằm nhà. Bạn bè giới thiệu, nhìn vào quy mô công ty và mức lương là Nguyên cũng bĩu môi, chê bai đủ điều. Cậu tuyên bố “nơi nào trả lương trên 20 triệu mới cân nhắc xin vào hay không”. Cũng vì yêu cầu này mà Nguyên gửi hồ sơ đi nhiều nhưng đến vòng phỏng vấn là... ngưng. Sau mỗi lần trược, trên Facebook của Nguyên đăng ngay những nội dung “công ty cỏn con mà bày đặt” hoặc chê người tuyển dụng “không biết nhìn nhân tài”. Mất việc vì cho mình “giỏi hơn người” Từng đồng ý mức lương trả mức lương cao ngất ngưởng cho T., cử nhân một trường Kinh tế ở TPHCM, cuối cùng ông Nguyễn Minh, chủ công ty chuyên về sản xuất bàn kệ kính tại TPHCM buộc lòng để cậu ta thôi việc. T. nhanh nhẹn, làm được việc nhưng từ đầu vào làm việc luôn tự cho mình hơn hẳn mọi người trong công ty, cho rằng họ bằng cấp không bằng mình. Một hai lần T. yêu cầu tăng lương, ông Minh đồng ý. Cho đến khi T. tiếp tục đòi tăng lương một cách vô lý đi kèm yêu cầu phải… cho một số người nghỉ việc vì “tôi không chấp nhận làm dưới trướng mấy người này, có họ thì không có tôi” thì người được ông Minh cho nghỉ là T, dù ông thừa nhận T. là người có khả năng. Lúc đó cậu ta vẫn rất tự đắc bảo sẽ làm riêng, lấy hết mối khách. Ra ngoài làm chủ vài tháng T. muốn quay lại nhưng ông Minh không đồng ý. “Nhiều bạn có bằng ĐH trường này trường nọ luôn tỏ thái độ cho mình giỏi hơn người khác. Không chịu khổ, thiếu tinh thần hợp tác, khiêm tốn thì giỏi mấy cũng không dùng được”, ông giám đốc này khẳng định. Đánh giá đúng bản thân giúp người lao động có thái độ tích cực trong công việc. Bà Nguyễn Thị Mai (Hội Doanh nhân trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, bà đã từng gặp nhiều cử nhân ra trường đi làm, làm được chút gì đó đã xem mình là trung tâm, hơn hẳn những người khác. Đánh giá quá cao bản thân, họ quay sang có đòi hỏi hoặc chê bai công ty không trả công xứng đáng cho mình. “Đánh giá mình quá cao thì mức độ gắn bó, cống hiến của họ đối với công ty trở nên hạn chế. Ai đòi hỏi không phù hợp, thái độ thiếu thiện chí, tôi không giữ lại. Doanh nghiệp thà giữ một người chuyên môn chưa thật giỏi mà có tinh thần học hỏi hơn là một người luôn cho mình là số 1”, bà Mai phân tích. Thái độ của cử nhân tốt nghiệp là điều mà nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn, trong đó đặc biệt những bạn có kết quả học tập cao dễ cho mình là “ngôi sao”. Họ bị ảo tưởng về khả năng, dẫn đến sự ngộ nhận, thổi phồng về năng lực, đóng góp của mình và trở nên ngại chịu khó, khổ luyện. Theo ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch Trí Tri Group, có thể trong quá trình học tập hay trải qua một vài cuộc thi nào đó, các bạn nhận được sự đánh giá cao của gia đình, nhà trường. Đồng thời do thiếu rèn luyện, nghèo vốn sống lẫn va chạm cuộc sống nên nhiều bạn ra trường dễ ngộ nhận về giá trị bản thân, đánh giá thiếu thực tế. Ngoài ra, thái độ đó bắt nguồn từ tâm lý nôn nóng thể hiện mình, mong muốn có vị trí công việc, mức thu nhập như mơ. Họ quên mất rằng kết quả lẫn giá trị bản thân chỉ đến sau quá trình nỗ lực, cống hiến. Điều này làm cho nhiều cử nhân dù học giỏi, có khả năng nhưng vẫn đánh mất nhiều cơ hội việc làm và bỏ lỡ lộ trình thăng tiến, như một tổng giám đốc điều hành trong lĩnh vực tài chính chia sẻ lựa chọn giữa đức và tài của nhân sự: “Sẽ tận dụng người giỏi vào những kế hoạch ngắn hạn để đạt được kết quả. Còn để gắn bó lâu dài, sẽ đặt vấn đề đạo đức lên trên, còn chuyên môn có thể bổ sung dần”. Theo Thethaohangngay |